Google mail đã 15 năm tuổi, và cũng đã 15 năm chúng ta có một môi trường làm việc “ảo” chuyên nghiệp!
15 năm không ngắn nhưng cũng chẳng dài. Để hiểu tại sao Google lại có thể chiếm trọn tình cảm của người dùng trong lĩnh vực email, hãy cùng chúng tôi đi ngược lại 15 năm trước.
Trong trường hợp bạn chưa biết: Ngày 1/4/2019 vừa rồi là sinh nhật lần thứ 15 của Gmail.
Mặc cho trước đó đã có rất nhiều đầu thư điện tử khác như Hotmail, Yahoo mail, vân vân, Gmail – Google mail sinh sau đẻ muộn nhưng lại gặt hái nhiều thành tựu lớn. Ở bài viết này, chúng ta không nói đến việc Gmail xịn thế nào, cải tiến ra sao. Chúng ta nói về việc Gmail đã tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp như thế nào trong suốt 15 năm qua.
Những người dùng Internet thời kỳ “chớm bùng nổ” vào những năm 2000 đều biết rằng Gmail không phải là dịch vụ mail nền web đầu tiên. Ý tưởng cho phép người dùng truy cập vào hòm mail của mình mọi lúc mọi nơi thông qua trình duyệt đã trở thành hiện thực từ năm 1996, khi Microsoft mua và quảng bá trang Hotmail ra hàng triệu người dùng Windows trên toàn cầu. Trong cùng một năm, Yahoo cũng vén màn Yahoo Mail, dịch vụ sau này cũng được nhiều người Việt yêu mến nhờ “ăn theo” ứng dụng chat Yahoo Messenger huyền thoại.
Trước Gmail, chúng ta đã từng chịu đựng trải nghiệm dở tệ của Yahoo Mail.
Không dẫn đầu, vậy tại sao Google lại có thể lên ngôi nhanh đến vậy? Hãy hỏi những người đã từng phải chung sống cùng Yahoo (hay Hotmail) trước Gmail. Giao diện của Yahoo Mail thời kỳ đó được thực hiện trên những trang web đơn giản và xấu xí. Giao diện thậm chí còn không hỗ trợ mã Javascript động: chỉ click để soạn mail mới thôi là người dùng đã phải ngồi đợi để Yahoo tải lại toàn bộ trang. Số phận của bản thảo đang gõ hoàn toàn tùy thuộc vào sự ổn định của trình duyệt, vốn là cực kỳ tệ hại vì Microsoft lúc này đã ngừng quan tâm đến Internet Explorer. Đọc mail thôi đã chậm, làm sao người dùng có thể tìm kiếm mail cũ?
Tệ hại nhất, dung lượng lưu trữ của Yahoo Mail năm 2004 (khi Gmail ra đời) chỉ là… 4MB. Dọn dẹp hòm mail trở thành điều bắt buộc phải làm, và điều đó cũng có nghĩa rằng người dùng liên tục phải chịu đựng những tính năng chậm chạp dở tệ của Yahoo.
Trước Gmail, ý tưởng email nền web chỉ hay ho trên giấy tờ. Trong thực tế, đó là một trải nghiệm quá dở tệ. Những người cần dùng email một cách nghiêm túc (cho công việc chẳng hạn) sẽ phải học cách tự cài đặt Outlook và tích hợp với hòm mail do… nhà mạng cung cấp. Nếu không, họ sẽ phải trả tiền cho Yahoo để được lưu trữ mail cũ của mình vào… đâu đó.
Không phải là kẻ dẫn đầu về thời gian, Google đã chọn một cách khác để thu hút người dùng. Được thai nghén trong vòng 3 năm tại Google, đến tận 2004 Gmail mới ra mắt. Một cú sốc nhanh chóng được tạo ra: khác với Yahoo hay Hotmail, Gmail đi kèm bộ nhớ lên tới 1GB. Sử dụng giao diện có hỗ trợ mã Javascript, Gmail mang tới giao diện cực kỳ nhanh nhạy và trực quan, thậm chí tiện dụng không kém gì ứng dụng trên Windows cùng thời. Tất cả các email trong một luồng gửi-nhận sẽ được nhóm chung vào đầu mục, khác với Yahoo Mail, nơi bạn sẽ nhìn thấy các email mang cùng một đầu mục… đan xen với các email khác.
Và, bởi Google là ông vua của tìm kiếm web, bạn có thể tìm kiếm email một cách nhanh trong – ngay cả trên giao diện nền web.
Một cơn sốt nhanh chóng nổ ra, bởi ban đầu Gmail chỉ cho phép đăng ký theo hình thức giới thiệu: bạn phải nhận được thư mời từ ai đó thì mới được tham gia sử dụng dịch vụ của Google. Có lúc, người ta còn mang bán thư mời trên eBay với giá 150 USD, tức là bằng một nửa giá chiếc iPod 20GB cùng thời.
Một cái giá đắt đỏ như vậy dành cho một tài khoản Gmail sẽ là điều không tưởng với người dùng của năm 2019. Nhưng bạn phải hiểu rằng, năm 2004 người dùng chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là chấp nhận những giới hạn của hòm mail vài chục MB do nhà mạng cung cấp, hoặc là chấp nhận trải nghiệm dở tệ của Yahoo. Trước Gmail, email vẫn thật sự là một ý tưởng xa lạ với nhiều người dùng.
Sau Gmail, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký và sử dụng email một cách dễ dàng. Vị thế là ông vua Internet của Google đã được xác nhận, khi gã khổng lồ tìm kiếm này mang email đặt vào tay của tất cả mọi người.
Video đang HOT
Là trải nghiệm email duy nhất mà phần đông người dùng cần tới, tài khoản Gmail cũng đã trở thành một phần cốt lõi trong “cuộc sống số” của nhiều cư dân mạng. Từ 2004 cho đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn dùng tài khoản Gmail để đăng ký trên các diễn đàn, các trang web, các mạng xã hội và cả các dịch vụ web nằm ngoài Google, bao gồm cả Facebook hay iCloud.
Cùng một tài khoản Gmail, bạn có thể dùng vào rất nhiều các dịch vụ khác của Google, từ cài đặt Android hay lưu ảnh chụp qua Google Photos. Dĩ nhiên, vẫn tài khoản Gmail ấy, bạn có thể lấn sân sang YouTube và bắt đầu thu hút cho mình hàng triệu follower.
Nhưng khi Yahoo Messenger và sau đó là Facebook lên ngôi, email nói chung và Gmail nói riêng càng ngày càng mang ý nghĩa công việc nhiều hơn. Trong lĩnh vực này, hững tính năng của Gmail như đính kèm mail hay nhóm thư theo chủ đề tỏ ra đặc biệt hữu ích. Muốn type những dòng phân tích thật dài và chí lí cho dự án mới nhận? Hãy dùng Gmail. Muốn đính kèm thiết kế gửi cho khách hàng? Dùng Gmail. Muốn cung cấp một địa chỉ kết nối mà ai cũng có thể tiếp cận, bất kể đêm hay ngày? Xin hãy liên hệ với diachi@gmail.com của tôi.
Với nhiều người, công việc gắn chặt với Gmail.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Gmail sẽ giúp ích cho tất cả mọi người – nhất là những người không chịu học “văn hóa” do Gmail mang tới. Hãy thử nghĩ mà xem, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ghi địa chỉ mail “cobelonton@gmail.com” hay “ngoitrongtoalet@gmail.com” vào CV gửi nhà tuyển dụng?
Khách hàng sẽ nghĩ thế nào nếu như chữ ký Gmail của bạn là một câu quote ví người dùng cuối với… kẻ ngốc? Trước Gmail, email vẫn là một thứ xa lạ với rất nhiều người. Khi đã có Gmail, họ phải học thêm rất nhiều kỹ năng, bao gồm cẩ cách hành xử và giao tiếp chuyên nghiệp qua email.
Nếu đã học được tác phong chuyên nghiệp của Gmail, bạn sẽ nhận ra cuộc sống số của mình chỉ cần có Gmail là đủ.
Gmail tích hợp hoàn hảo với Google Docs, ứng dụng chia sẻ văn bản phổ biến và dễ sử dụng.
Tại sao ư? Bởi đầu tiên, Gmail đi kèm một bộ ứng dụng văn phòng đầy đủ trên nền đám mây. Cứ đăng ký Gmail là ai cũng sẽ có ngay một kho lưu trữ 15GB trên drive.Google.com. Truy cập vào trang web này, người dùng có thể tạo văn bản (giống Word), bảng tính (giống Excel) hay trình bày (giống PowerPoint) ngay trên đám mây của Google.
Tạo file rồi nhấn save, tài liệu quý báu của bạn cũng đã ở “trên mây”, mất điện cũng chẳng sợ mất. Muốn gửi cho sếp cũng chỉ cần vài lần nhấn, chẳng cần upload rồi hồi hộp ngồi đợi nữa. Sếp mở thành quả của bạn ra cũng dễ dàng, bởi tất cả các tài liệu của Google chỉ cần sếp có Chrome (hay bất cứ trình duyệt nào khác) chứ không cần cài đặt như Microsoft.
Sếp comment vài chỗ đi kèm với lời khen ý tưởng tốt, bạn vào sửa ngay lập tức để sếp gửi tiếp sang khách hàng. Một tác phong nhanh nhẹn và tập trung bắt đầu ngay từ một ứng dụng mail tiện dụng hết mức có thể.
Chưa dừng lại ở đó, khái niệm “Gmail” và “tài khoản Google” thực chất là 1. Bởi thế, có Gmail là có luôn khả năng “gửi gắm” cuộc sống số của mình lên “đám mây” Google nữa. Mua điện thoại mới, bạn chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản Gmail là toàn bộ các kênh YouTube yêu thích, toàn bộ đầu việc lưu trên Calendar hay những địa điểm quen thuộc trên Maps đã có sẵn trong lòng bàn tay.
Thậm chí, có Gmail là bạn đã có thể lưu trữ một kho ảnh 16MP và một kho video Full HD không giới hạn. Cũng như các dịch vụ Google gắn liền với Gmail khác, kho lưu trữ này là hoàn toàn miễn phí.
Không một hãng Internet nào khác dám chơi ngông như vậy – nhưng đâu phải ai cũng “ngông” như Google, dám tặng hẳn 1GB ngay từ 2004. Trong suốt 15 năm qua Google đã liên tục mở ra một cuộc sống số miễn phí và tiện dụng cho người dùng.
Gmail là trung tâm của cuộc sống số ấy và cũng là biểu tượng cho sự chuyên nghiệp của một lớp người dùng trẻ không hề nhỏ – những người tin tưởng Google cho cả công việc, giải trí lẫn những mối quan hệ thường nhật.
Theo GenK
Chuyện thật như đùa khi ngày càng có nhiều bao bì sản phẩm biết nói
Bao bì sản phẩm không đơn giản chỉ là một tấm bìa gói sản phẩm khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường.
Ngày nay, với sự xuất hiện và lan tỏa nhanh chóng của thương mại điện tử, các nhãn hàng đang ngày càng sáng tạo hơn trong việc tương tác với người tiêu dùng. Bao bì sản phẩm nhanh chóng được tận dụng để tăng độ tín nhiệm, quảng bá thương hiệu hoặc thậm chí lôi kéo khách hàng vào mạng lưới quảng bá của nhãn hàng trên mạng xã hội.
Chuyện thật như đùa khi ngày càng có nhiều bao bì sản phẩm biết nói
Cùng với sự nở rộ của các nền tảng thương mại điện tử, cánh cửa để nhãn hàng trò chuyện trực tiếp với khách hàng đang dần khép lại. Họ không còn có thể kết nối trực tiếp với khách hàng và tái tiếp thị (sử dụng đối với những khách hàng đã từng click vào sản phẩm xem nhưng chưa mua) theo ý muốn như trước đây được nữa. Amazon, gã khổng lồ của ngành thương mại điện tử đưa ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt cho các nhãn hàng về việc "cố tình luồn lách qua quy trình bán hàng có sẵn" của công ty. Bất cứ nhãn hàng nào cố tình thao túng các nhận xét và đánh giá sản phẩm trên trang của Amazon sẽ phải chịu hậu quả vô cùng nặng nề.
Bao bì sản phẩm không đơn giản chỉ là một tấm bìa gói sản phẩm khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường
Các thương hiệu sành sỏi thị trường ngày nay bắt đầu tìm đến những cách xây dựng mối quan hệ với khách hàng thông qua bao bì sản phẩm. Cụ thể hơn, họ thường thêm các giá trị thặng dư vào trong bao bì, trở thành yếu tố thúc đẩy và tạo lập mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Kêu gọi khách hàng viết đánh giá và phản hồi sản phẩm
Anker là một thương hiệu gắn liền với sàn thương mại điện tử Amazon và là một tấm gương đáng học hỏi trong việc khuyến khích khách hàng để lại các phản hồi tích cực trực tuyến.
Mỗi khi mở hộp sản phẩm của Anker, người tiêu dùng sẽ tìm thấy một tấm thẻ ghi nhận ý kiến phản hồi. Thẻ này có hai mặt: một mặt "vui vẻ" dành riêng cho những người hài lòng với sản phẩm, trong đó kêu gọi họ viết đánh giá tích cực cho Anker trên Amazon. Mặt còn lại "chưa vui" dành cho những khách hàng chưa thực sự ưng ý, kèm theo đó là ba cách thức người mua có thể lựa chọn để đội ngũ chăm sóc khách hàng của Anker có thể trực tiếp giải quyết vấn đề họ đang gặp phải.
Thẻ ý kiến phản hồi hai mặt của Anker
Điều này không những giúp công ty có thể chủ động trong việc chăm sóc khách hàng, mà còn tăng tỉ lệ đánh giá tích cực cho các sản phẩm của Anker trên Amazon.
Kích thích tương tác trên mạng xã hội
Nhiều nhãn hiệu hiện nay ngày càng chú trọng việc dẫn dắt khách hàng tìm đến họ trên mạng xã hội thông qua các thông tin đính kèm trên bao bì, đặc biệt là các thương hiệu trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ dùng nhà bếp, thời trang và làm đẹp...
Doanh nghiệp thường "mời" khách hàng tham gia các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội bằng các phiếu mua hàng, mã giảm giá cùng hàng loạt những ưu đãi khác đính trong bao bì.
Chẳng hạn như Sport Research, một thương hiệu tinh dầu thiên nhiên, đã tổ chức một cuộc thi dành cho những khách hàng đăng tải hình ảnh hoặc video sản phẩm lên Instagram và người thắng cuộc sẽ có cơ hội nhận được phiếu mua hàng trị giá 100 đô la Mỹ trên Amazon.
Lời kêu gọi khách hàng tham gia chương trình quảng bá trên Instagram đính kèm trong bao bì sản phẩm của Sport Research.
Quảng bá thương hiệu và bán chéo sản phẩm khác
Trong những chiếc hộp đựng sản phẩm của Apple bao giờ cũng có miếng dán hình logo quả táo cắn dở. Hãng làm điều này để biến khách hàng trở thành người truyền bá logo cho mình.
Logo tặng kèm trong hộp sản phẩm của Apple.
Tuy vậy không phải thương hiệu nào cũng có đủ độ nhận diện công chúng để có thể làm như Apple. Micro, một công ty cung cấp xe scooter cho trẻ em, đang làm rất tốt việc quảng bá thương hiệu. Nhãn hàng này tặng thêm điểm tích lũy trong tài khoản cho các khách hàng nhí mỗi dịp sinh nhật. Số điểm sẽ tương ứng với một khoản giảm giá nhất định khi các cô, cậu bé mua các sản phẩm tiếp theo của công ty. Đây là một cách tốt để nhãn hàng được các em nhỏ và gia đình nhớ tới hằng năm nếu họ quyết định mua một chiếc scooter mới vì các em lớn quá nhanh không thể sử dụng chiếc scooter cũ nữa.
Ngoài ra Micro còn đính kèm các catalog giới thiệu mọi dòng sản phẩm công ty đang sản xuất và phân phối cùng với các lưu ý đảm bảo an toàn khi sử dụng trong bao bì các sản phẩm bán ra. Tất cả các "giá trị thặng dư" trong bao bì nói trên đều được thiết kế và trình bày với màu sắc bắt mắt và dễ tương tác, phù hợp với những "thượng đế nhí" nhãn hàng đang phục vụ.
Bảo hành
Bảo hành sản phẩm vốn đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua để xây dựng lòng tin của khách hàng và là minh chứng cho sự cam kết chất lượng sản phẩm của các thương hiệu.
Tuy nhiên, một lợi ích nằm đằng sau việc đăng ký bảo hành chính là: khách hàng sẽ sẵn sàng cung cấp thông tin cho nhãn hàng. Đây là cách trực tiếp nhất để nhãn hàng có thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của mình.
Tờ phiếu bảo hành quen thuộc trong hộp đựng của nhiều sản phẩm.
Hướng dẫn sử dụng
Đây rõ ràng là phương thức được tận dụng phổ biến nhất. Thông qua hướng dẫn sử dụng, các nhãn hàng có thể cung cấp thêm nhiều thông tin và giúp khách hàng tìm ra cách dùng sản phẩm tốt nhất. Thực phẩm và các sản phẩm nhà bếp thường được đính kèm với công thức nấu ăn để khơi nguồn cảm hứng nấu nướng và tăng khả năng nấu thành công.
Thương hiệu OXO dán hướng dẫn sản phẩm lên bao bì của thương hiệu
Trong khi đó, trong bao bì sản phẩm bút chấm màu của Cameron Frank Products, khách hàng có thể tìm thấy các hình vẽ vui nhộn có in sẵn phần cần tô màu để phụ huynh có thể dùng với các em nhỏ.
Tranh vẽ tặng kèm hộp bút màu của Cameron Frank Products.
Theo trangcongnghe
Thử thách dọn rác sẽ thế chỗ cho trào lưu Thử thách Momo? Cộng đồng mạng vốn nhanh thay đổi, sau những tin đồn khiến nhiều người giật mình bởi Thử thách Momo, giờ đây các cư dân mạng đang bị thu hút bởi một thử thách mới. Thử thách dọn rác bắt nguồn từ một tài khoản mạng xã hội có tên Byron Roman. Nhiệm vụ của thử thách này là người tham gia cần...