Gói gọn khủng hoảng Hy Lạp trong… 10 điểm
Hãng tin CNN “gói gọn” các diễn biến mới nhất của khủng hoảng Hy Lạp trong 10 điểm. Cập nhật cuối cùng đến hết ngày 12/7 (giờ GMT).
Châu Âu đang “kẹt cứng” trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. (Ảnh: Telegraph)
1. Lãnh đạo 19 nước sử dụng đồng Euro gặp nhau vào đầu giờ sáng thứ Hai (13/7), để cố đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp.
Khi các cuộc hội đàm kết thúc lúc nửa đêm ở Brussels, họ ghi dấu Ngày 3 ngoại giao “cuống cuồng” để giữ Hy Lạp trong khối Eurozone.
2. Một tài liệu rò rỉ từ các quan chức tài chính Euro cho biết, Hy Lạp cần tới 96 tỷ USD trong 3 năm tới. Văn bản này yêu cầu Hy Lạp cần phải thực hiện những thay đổi lớn về hệ thống lương hưu, năng lượng, lao động và thị trường sản phẩm, đồng thời phải tăng cường một chương trình tư hữu hóa.
3. Hội đàm cuối tuần diễn ra sau khi Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu vào sáng ngày 11/7 ủng hộ những cải cách mới – một bước tiến quan trọng hướng tới gói cứu trợ mới.
4. Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại để đạt tới một thỏa thuận. Chính phủ Hy Lạp đã thay đổi quá nhiều lần trong vài tuần qua, nên các quan chức châu Âu thẳng thừng lên tiếng về sự thất tín, yêu cầu bằng chứng chứng tỏ Hy Lạp sẽ tuân thủ những cam kết của mình. Sau đó sẽ có giảm nợ: Liệu các chủ nợ châu Âu có nhất trí giảm bớt các điều khoản?
Video đang HOT
5. Một Hy Lạp cạn kiệt tiền mặt đang khát khao nhận cứu trợ. Các ngân hàng đóng cửa đã 2 tuần – và dự kiến tiếp tục ngưng hoạt động ngày 13/7.
6. Hy Lạp còn đến hạn phải thanh toán nhiều khoản nợ. Lớn nhất là nợ Ngân hàng Trung ương châu Âu, phải trả ngày 20/7.
7. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp có thể buộc phải từ bỏ khu vực đồng Euro và dùng đồng nội tệ.
Việc đưa vào sử dụng một loại tiền mới – và yếu hơn – sẽ rất tốn kém thời gian. Nhưng rốt cuộc, sau một thời gian phải chịu đau đớn thì đồng drachma mới có thể giúp ích cho kinh tế Hy Lạp, thúc đẩy các ngành như vận tải và du lịch.
8. Các thị trường toàn cầu dao động suốt cả tuần, và tăng nhẹ trong ngày 10/6 với hy vọng một thỏa thuận sẽ ra đời.
9. Nếu các bên không nhất trí được với nhau thì sẽ xuất hiện tình trạng bán tháo. Nhưng Hy Lạp là một nền kinh tế nhỏ, và hầu hết nợ nần đều do chính phủ và các định chế của nước này nắm giữ, vì vậy vẫn có thể tránh được một sự sụp đổ thị trường.
10. Rủi ro: Một Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng Euro (Grexit) có nghĩa là sức mạnh của tổng thể châu Âu có thể bị các nhà đầu tư “trừng phạt”.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Khủng hoảng nợ Hy Lạp: Tổng thống Putin hoan hỉ?
Giới phân tích đánh giá Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang hoan hỉ trước những khó khăn mà châu Âu đang gặp phải từ cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, nhưng Mátxcơva nhiều khả năng không thể đưa ra hỗ trợ về tài chính cho Athens vào lúc này.
Thủ tướng Tspiras và Tổng thống Putin (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh bất đồng giữa Hy Lạp và nhóm chủ nợ ngày càng trầm trọng, giới chức Nga và Hy Lạp đã có nhiều hoạt động thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian qua. Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng Tư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hai lần tới Nga. Trong các cuộc gặp, hai bên đã thúc đẩy thỏa thuận về khí đốt trị giá 2 tỷ euro, cũng như bày tỏ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng nhằm vào Nga.
Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp được công bố hôm Chủ Nhật vừa qua, Tổng thống Putin cũng là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên điện đàm với Thủ tướng Tsipras về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Nga, quốc gia cũng đang gặp khó khăn về kinh tế do những lệnh trừng phạt, đang chăm chú theo dõi diễn biến về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp song nhiều khả năng sẽ không can dự trực tiếp vào những vấn đề kinh tế của nước này với nhóm chủ nợ.
Nga "thừa đục thả câu"?
"Điều mà Nghĩ tới về cuộc khủng hoảng của Hy Lạp hiện nay chính là việc thu về những gì có lợi khi còn có thể. Họ sẽ tận dụng sơ hở của bất cứ bên nào nếu có. Họ theo chủ nghĩa cơ hội dù Nga không có khả năng can dự vào cuộc khủng hoảng hiện nay", ông James Nixy, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế, nhận định. Bất chấp cho rằng Nga đang lựa chọn vị trí "quan sát", ông Nixey đánh giá Mátxcơva dường như không có chiến lược dài hạn cho Hy Lạp, thay vào đó chỉ chăm chăm chờ đợi những sai lầm của châu Âu.
Trong khi đó, ông Alexander Baunov, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie ở Nga, cho rằng: "Từ góc độ chính trị, cuộc khủng hoảng Hy Lạp là tín hiệu tích cực với Nga. Sự thất bại của châu Âu trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp đang đối mặt cho phép Mátxcơva đưa ra những nghi ngờ về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay thậm chí là tính đoàn kết của châu lục này. Việc người dân Hy Lạp lựa chọn phương án "Không" đã tạo ra một ranh giới mới".
Mối quan hệ Nga - Hy Lạp ấm dần lên thời gian qua đã làm dấy lên những quan ngại tại châu Âu về việc Mátxcơva có thể sử dụng Athens như một "chú ngựa thành Troy" nhằm phá hoại Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm thảo luận về "quá trình thúc đẩy hợp tác song phương", lãnh đạo Nga và Hy Lạp đã không nhắc tới đề xuất cứu trợ nào của Mátxcơva cho Athens. Và theo giới phân tích, Nga khó có khả năng đưa ra cứu trợ vào lúc này. Trong khi đó, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov hôm 8/7 đã nhấn mạnh rằng Mátxcơva hy vọng "Hy Lạp có thể đạt được thỏa thuận cần thiết với nhóm chủ nợ càng sớm càng tốt".
Tác động kinh tế
Trong khi đó, bất cứ tư tưởng hoan hỉ nào từ Mátxcơva về sự khó khăn của châu Âu hiện nay đều có thể bị kiềm chế bởi nguy cơ tác động tiêu cực nếu Hy Lạp rời khu vực eurozone. Theo đó, kinh tế Nga, quốc gia đang là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nếu Hy Lạp và các chủ nợ không tìm ra được giải pháp.
Bộ trưởng Kinh tế Nga, ông Alexei Ulyukayev đã thừa nhận rằng Nga đã "gián tiếp" bị tác động bởi cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, song những hậu quả mà Nga có thể phải gánh chịu sẽ không nghiêm trọng. Ông cho biết: "Tôi nghĩ các thị trường sẽ nhanh chóng khắc phục được những khó khăn. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, nếu Hy Lạp rời eurozone, đó không phải là tín hiệu tốt lành cho Nga. Một nền kinh tế châu Âu suy yếu không phải là điều mà nền kinh tế vốn đang mong manh hiện nay của chúng tôi chờ đợi".
Ngọc Anh
Theo Dantri/AFP
Grexit: Cơn ác mộng không của riêng ai Trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp không đơn giản là "ai không tôn trọng luật chơi thì ra đi", vì Grexit sẽ là cơn ác mộng cho tất cả các bên. Trong cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp không đơn giản là "ai không tôn trọng luật chơi thì ra đi", vì Grexit sẽ là "cơn ác mộng" cho tất cả các...