Giúp học sinh trải nghiệm ra sao trong chương trình mới, góc nhìn từ thực tiễn
Với học sinh thì việc khám phá kiến thức thông qua việc học trải nghiệm giống như các em đang được mở một hộp quà mà chính các em là người tự tìm ra.
Hoạt động trải nghiệm gồm có 4 nhóm nội dung: nhóm nội dung hoạt động phát triển cá nhân; nhóm hoạt động lao động, nhóm hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; nhóm hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Các nhóm nội dung này nhằm thực hiện 3 mục tiêu cơ bản của hoạt động trải nghiệm là năng lực thích ứng với cuộc sống; năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực định hướng nghề nghiệp.
Trường Tiểu học & Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận Kiên Giang (Ảnh tác giả)
Những ngày đầu xuân, người viết có dịp đến thăm trường Tiểu học & Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và vô cùng ấn tượng bởi quang cảnh xanh mát của ngôi trường.
Dọc theo cổng chính là những luống rau xanh tốt, tươi non.
Ao cá đang trong kỳ phát triển và những hàng chuối bắt đầu cho thu hoạch là sản phẩm do chính học sinh và giáo viên của trường Tiểu học & Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận thực hiện.
Trao đổi để tìm hiểu cách làm của nhà trường, thầy Trần Sung, Hiệu trưởng trường Tiểu học & Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận cho biết:
“Nhà trường mới được chuyển địa điểm về đây vài năm nên việc quan tâm để xây dựng cảnh quan xanh- sạch- đẹp rất được hội đồng sư phạm chú trọng.
Học sinh đang lao động công ích (Ảnh: Hoài Thu)
Để phát triển cảnh quan của nhà trường và giáo dục học sinh thực hiện các hoạt động trải nghiệm, chúng tôi đã lập ra các câu lạc bộ nhỏ cho học sinh được phát huy năng lực, năng khiếu, sở trường…và các câu lạc bộ này do Tổng phụ trách Đội quản lý và xây dựng kế hoạch hoạt động”.
Được biết, “trải nghiệm” trong chương trình giáo dục phổ thông không phải là một môn học mà là hoạt động giáo dục.
Mỗi hoạt động, hình thức, phương thức trải nghiệm sẽ giúp đạt được mục tiêu riêng như những hình thức nhóm, mang tính cống hiến (gồm các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, vì cộng đồng,…).
Hoạt động trải nghiệm được mang tính khám phá như những chuyến đi thực địa, tham quan, dã ngoại, hay mang tính thể nghiệm để trẻ được trải nghiệm và thể nghiệm mình luôn qua các hoạt động giao lưu, đóng kịch, sân khấu hóa.
Hoạt động trải nghiệm cũng có tính nghiên cứu và phân hóa, như những dự án, hoạt động nghiên cứu khoa học…nhưng việc áp dụng thực hiện các hoạt động chương trình trải nghiệm của nhiều nhà trường, nhiều nơi đôi khi còn lúng túng và mang tính hình thức, chưa thực sự đảm bảo được mục tiêu cần đạt của chương trình.
Tìm hiểu thêm về hoạt động trải nhiệm theo hình thức tổ chức câu lạc bộ của ngôi trường này, thầy Nguyễn Văn Tân giáo viên Tổng phụ trách Đội vui vẻ cho biết:
Video đang HOT
“Liên đội trường thành lập nhiều câu lạc bộ kỹ năng, khi tổ chức các câu lạc bộ kỹ năng thì mục tiêu chính là giúp học sinh được phát triển sáng tạo và phát triển cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể.
Đây là những hoạt động giáo dục được tổ chức gắn liền với kinh nghiệm, cuộc sống để học sinh trải nghiệm.
Với các nguyên tắc cần có trong hoạt động trải nghiệm là: Gắn với các tình huống từ thực tiễn đời sống;
Gắn với những vấn đề cần giải quyết ở địa phương; Chủ đề trải nghiệm không không ngoài “tầm với” kiến thức của học sinh; Giáo viên chỉ là người hỗ trợ, hướng dẫn nên các em học sinh được tự chọn các câu lạc bộ mà mình thích để hoạt động”.
Học sinh đang lao động công ích (Ảnh tác giả)
Khi nói về hiệu quả các câu lạc bộ của nhà trường, thầy Tân rất tự hào dẫn chúng tôi đi tham quan cảnh quan và quan sát trực tiếp những thành quả mà các em học sinh thực hiện bởi hoạt động trải nghiệm của mình.
Dọc theo khuôn viên trường và ao cá là những hàng chuối xanh mướt đang tới kỳ cho thu hoạch, ao cá với đủ loại cá khác nhau chen chúc đớp mồi khi được thầy Tân thả xuống những hạt cám, tấm.
Trên bờ là những luống rau xanh cũng đang tới kỳ thu hoạch.
Thầy Tân “khoe” với chúng tôi, rau rất sạch vì được trồng tự nhiên và chăm bón bằng cách tưới nước với rác mùn hữu cơ chứ không sử dụng phân hóa học.
Nhà trường và câu lạc bộ trồng trọt đã thu hoạch “lai rai” sản phẩm của mình.
Sản phẩm thu được ngoài việc giúp thầy, cô giáo cải thiện thì còn được bán để gây quỹ giúp cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường và dùng để tổ chức cho các hoạt động phong trào khác do Liên đội tổ chức.
Em Bảo Trân, học sinh lớp 9 cũng hào hứng chia sẻ niềm vui khi thành quả do các hoạt động trải nghiệm mà câu lạc bộ do em tham gia đã gặt hái được.
Bảo Trân cho biết rất thích thú khi được cùng các bạn tự tay gieo trồng và chăm sóc rau xanh.
Các bạn trong câu lạc bộ của em cũng rất tự hào khi có thể tạo ra được các sản phẩm rau sạch để có kinh phí gây quỹ giúp bạn khó khăn có thêm sách vở, đồ dùng học tập.
Như vậy có thể thấy rằng, vai trò của giáo viên trong các hoạt động trải nghiệm chỉ nên là người hỗ trợ, hướng dẫn, nâng đỡ học sinh còn sự tham gia hoạt động, giải quyết vấn đề và nâng cao kĩ năng sống phải đòi hỏi trực tiếp ở chính các em học sinh.
Với học sinh thì việc khám phá kiến thức thông qua việc học trải nghiệm giống như các em đang được mở một hộp quà mà chính các em là người tự tìm ra.
Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh của trường Tiểu học & Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận không phải là việc làm mới lạ, nhưng điều cần ghi nhận chính là những hoạt động này thực sự gắn với thực tiễn cuộc sống và cũng rất phù hợp với học sinh, giáo viên, điều kiện của nhà trường, địa phương.
Đây cũng chính là mục tiêu mà chương trình giáo dục hoạt động trải nghiệm đang hướng tới.
Hoài Thu
Theo giaoduc.net.vn
Dấu ấn giáo dục hướng nghiệp
Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giáo dục hướng nghiệp được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện hành; bám sát nội dung Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025".
Nội dung giáo dục hướng nghiệp trong một số môn học, hoạt động giáo dục có vai trò quan trọng trong hình thành năng lực định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Sứ mạng quan trọng của môn Công nghệ
Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng, Chủ biên Chương trình môn Công nghệ, Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội - Giáo dục công nghệ phổ thông chuẩn bị cho học sinh học tập và làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội; hình thành và phát triển các thành phần năng lực công nghệ: nhận thức, giao tiếp, sử dụng, đánh giá công nghệ và thiết kế kĩ thuật; chuẩn bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng để lựa chọn ngành nghề thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, công nghệ.
Giáo dục hướng nghiệp trong môn Công nghệ được triển khai chủ yếu ở các lớp cuối cấp THCS và toàn bộ giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ở lớp 7 và lớp 8, Chương trình môn Công nghệ giúp học sinh tìm hiểu các ngành nghề liên quan tới các lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, kĩ thuật cơ khí, kĩ thuật điện. Ở lớp 9, Chương trình môn Công nghệ giúp học sinh tìm hiểu hệ thống nghề nghiệp, hệ thống giáo dục quốc dân, thị trường lao động và phương pháp lựa chọn nghề nghiệp. Học sinh chọn học một mô đun có tính nghề về công nghiệp, nông nghiệp hoặc dịch vụ; từ đó đánh giá khả năng của bản thân đối với nghề nghiệp đó.
Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Công nghệ trang bị cho học sinh tri thức nền tảng và các năng lực cốt lõi phù hợp với sự lựa chọn ngành nghề thuộc một trong hai định hướng công nghiệp hoặc nông nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT.
Môn Tin học dành 6% đến 10% cho hướng nghiệp
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nhiều ngành nghề và việc làm mới xuất hiện đòi hỏi kiến thức, kĩ năng tin học chuyên sâu. Môn Tin học có cơ hội góp phần giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai hoặc ra đời khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực tin học. Do vậy, Chương trình môn Tin học rất coi trọng giáo dục hướng nghiệp.
Chương trình dành từ 6% đến 10% cho các chủ đề hướng nghiệp với tin học. Đồng thời, tích hợp giáo dục hướng nghiệp thông qua việc giới thiệu cho học sinh một số nghề nghiệp liên quan tới ứng dụng tin học, mạng máy tính và Internet, một số chủ đề hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án học tập, tạo sản phẩm số.
Tích hợp trong môn Giáo dục côn dân
Ảnh minh họa
Giáo dục hướng nghiệp cũng thể hiện rõ trong môn Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Ở THCS, Chương trình môn Giáo dục công dân yêu cầu học sinh xác định được hướng phát triển phù hợp của bản thân sau THCS với sự tư vấn của thầy giáo, cô giáo và người thân. Nội dung giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào các chủ đề: Xác định mục tiêu cá nhân, Sống có lí tưởng, Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân, Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế.
Bậc THPT, Chương trình môn Giáo dục kinh tế và pháp luật yêu cầu học sinh bước đầu biết tạo lập, xây dựng ý tưởng cho một hoạt động kinh doanh nhỏ; lựa chọn được mô hình hoạt động kinh tế thích hợp trong tương lai đối với bản thân; xác định được hướng phát triển phù hợp của bản thân sau THPT.
Chương trình hướng dẫn học sinh tìm hiểu những chủ đề và chuyên đề học tập làm nền tảng cho định hướng nghề nghiệp như: Nền kinh tế và các chủ thể của nền kinh tế, Thị trường và cơ chế thị trường, Sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh, Mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ (lớp 10); Lạm phát, thất nghiệp, Thị trường lao động, Việc làm, Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh, Đạo đức kinh doanh, Một số vấn đề về luật pháp lao động (lớp 11); Hội nhập kinh tế quốc tế, Lập kế hoạch kinh doanh, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Một số quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh tế, Một số vấn đề về LuậT Doanh nghiệp.
Hướng nghiệp trong hoạt động trải nghiệm
Hoạt động hướng nghiệp là một trong bốn mạch nội dung hoạt động chính và được thực hiện trong cả hai giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu biết về nghề nghiệp và những phẩm chất liên quan tới nghề nghiệp, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sự tư vấn của thầy cô và gia đình, biết lập và thực hiện kế hoạch học tập đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp.
Nội dung hoạt động hướng nghiệp gồm: Tìm hiểu nghề nghiệp, cụ thể là: Ý nghĩa, đặc điểm và yêu cầu của nghề. Tìm hiểu yêu cầu về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp. Tìm hiểu thị trường lao động. Ví dụ, ngay từ lớp 2, học sinh đã được hướng dẫn để đạt được các yêu cầu sau: Tìm hiểu được công việc của bố mẹ hoặc người thân; nêu được một số đức tính của bố, mẹ, người thân có liên quan đến nghề nghiệp của họ; biết cách sử dụng an toàn một số dụng cụ lao động quen thuộc;
Hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp, cụ thể là: Tự đánh giá sự phù hợp của bản thân với định hướng nghề nghiệp. Rèn luyện phẩm chất và năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, học sinh lớp 8 được hướng dẫn để đạt được các yêu cầu: Xây dựng và thực hiện được kế hoạch khảo sát hứng thú nghề nghiệp của học sinh trong trường; rèn luyện được sức khoẻ, độ bền, tính kiên trì, sự chăm chỉ trong công việc và có thái độ tôn trọng đối với lao động nghề nghiệp; tự đánh giá được việc rèn luyện phẩm chất và năng lực của bản thân phù hợp với yêu cầu của người lao động trong xã hội hiện đại;
Hoạt động lựa chọn hướng nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp, cụ thể là: Tìm hiểu hệ thống trường trung cấp, cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác của địa phương, Trung ương. Tham vấn ý kiến của thầy cô, người thân và chuyên gia về định hướng nghề nghiệp. Lựa chọn cơ sở đào tạo trong tương lai và lập kế hoạch học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Ví dụ, ở lớp 10, học sinh được hướng dẫn để đạt được các yêu cầu: Trình bày được một số thông tin cơ bản về hệ thống trường đào tạo liên quan đến nghề định lựa chọn; tham vấn ý kiến thầy cô, gia đình, bạn bè về dự định lựa chọn nghề và định hướng học tập của bản thân; xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập, rèn luyện theo nhóm nghề lựa chọn.
Giáo dục trong môn Nghệ thuật
Ảnh minh họa
Môn Nghệ thuật là một môn học ghép, gồm hai môn là Âm nhạc và Mĩ thuật. Chương trình môn Âm nhạc góp phần định hướng nghề nghiệp cho những học sinh có năng khiếu và nguyện vọng được làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến âm nhạc.
Từ lớp 1 đến lớp 9, bên cạnh việc hình thành và phát triển các năng lực âm nhạc cơ bản, thông qua các hoạt động học tập âm nhạc đa dạng và phong phú như hát, đọc nhạc, nghe nhạc, chơi nhạc cụ và thưởng thức âm nhạc, học sinh còn được tạo điều kiện để nhận ra sở trường và phát huy năng khiếu âm nhạc của bản thân và bước đầu có ý thức về nghề nghiệp.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Chương trình môn Âm nhạc giúp học sinh nâng cao năng lực âm nhạc và kĩ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố lịch sử, văn hoá và xã hội; giúp học sinh phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc, có định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của bản thân...
Nội dung dạy học trọng tâm bao gồm những kiến thức và kĩ năng âm nhạc mở rộng, nâng cao về hát, chơi nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thưởng thức âm nhạc (thời lượng học tập là 70 tiết/năm). Bên cạnh đó, những học sinh có sở thích và năng khiếu âm nhạc có thể chọn các chuyên đề học tập (35 tiết/năm học) về kĩ năng biểu diễn âm nhạc, phương pháp soạn đệm cơ bản, sử dụng một số phần mềm âm nhạc để phát triển kĩ năng, kiến thức có thể chuẩn bị cho những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc trong tương lai.
Về môn Mĩ thuật, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thực hiện qua mạch Mĩ thuật ứng dụng. Ở tiểu học, chương trình hướng dẫn học sinh tìm hiểu và làm các sản phẩm thủ công, như đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, đồ trang trí nội thất bằng vật liệu sẵn có; thông qua đó, giúp học sinh làm quen với các nghề thủ công phổ biến ở địa phương, góp phần giáo dục hướng nghiệp.
Ở THCS, chương trình lớp 8, lớp 9, mỗi lớp dành khoảng 10% tổng thời lượng của chương trình cho nội dung giáo dục hướng nghiệp.
Ở THPT, chương trình gồm nhiều nội dung lựa chọn gắn với các ngành nghề liên quan đến mĩ thuật và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, như: Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Lí luận và lịch sử mĩ thuật, Hội họa, Đồ họa; trong đó có một số ngành nghề có ưu thế tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Thiết kế công nghiệp, Thiết kế mĩ thuật đa phương tiện, Thiết kế mĩ thuật sân khấu, điện ảnh...
"Ở cấp tiểu học, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào nội dung giáo dục của một số môn học, hoạt động giáo dục như Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm. Ở THCS, giáo dục hướng nghiệp tiếp tục được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong hai năm học cuối cấp. Ở THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục. Nội dung giáo dục hướng nghiệp cũng phản ánh xu hướng dịch chuyển ngành nghề trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Cận tết, sinh viên 'tư vấn tuyển sinh' cho... học sinh Một nhóm sinh viên quê Quảng Trị đến từ nhiều trường ĐH trong cả nước đã 'í ới' nhau, chờ đến ngày giáp tết về quê tổ chức 'ngày hội' tư vấn tuyển sinh - định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đông đảo sinh viên và học sinh tương tác với nhau tại ngày hội - ẢNH: NGUYỄN PHÚC Chiều 29.1, sân...