Giúp học sinh thích thú với văn học dân gian
Văn học dân gian có đặc trưng cơ bản là gắn bó với sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua hoạt động diễn xướng, nhưng bấy lâu nay việc dạy văn học dân gian trong nhà trường chủ yếu ‘đóng khung’ ở các văn bản SGK.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) thể hiện tác phẩm văn học bằng hình thức sân khấu hóa – BẢO CHÂU
Nguy cơ hẹp dần “đất sống”
Cách dạy và học văn học dân gian lâu nay giống như tìm hiểu một tác phẩm văn học viết, nên mất đi tính đặc thù của nó, làm giảm sự thích thú cho học sinh. Cái khó của việc dạy văn học dân gian hiện nay là lứa tuổi người học còn quá trẻ. Họ lớn lên trong thời đại của công nghệ thông tin phát triển như vũ bão.
Các trang mạng xã hội tràn ngập, bủa vây. Mạch nguồn văn hóa dân gian có nguy cơ dần dà lùi xa thế hệ người trẻ hiện nay. Các bài học trong chương trình, do thời gian hạn hẹp, nên cũng chỉ như những lát cắt “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì vậy, việc dạy văn học dân gian hiện nay ở nhà trường đang đứng trước nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ hẹp dần “đất sống”!
Trong nỗ lực làm sống lại “không khí”, tạo sự “hồi sinh” cho văn học dân gian, nhiều trường đã tìm tòi để đem sự phong phú trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Đưa hoạt động dạy học “ngoài không gian lớp học”
Tổ ngữ văn của Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM đã thực hiện buổi ngoại khóa bằng hình thức “dạy học ngoài không gian lớp học” về văn học dân gian với chủ đề “Học sinh với văn học dân gian Việt Nam”. Buổi học vô cùng ý nghĩa, giúp học sinh tìm về với cội nguồn văn học dân tộc, làm “sống lại” văn học dân gian trong môi trường diễn xướng thông qua các hình thức trình diễn. Đồng thời qua đây, bồi dưỡng cho các em biết đồng cảm với tâm hồn người lao động, yêu quý những sáng tác của họ và học tốt hơn bộ môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông.
Để thực hiện chuyên đề, học sinh của 20 lớp 10 phải trải qua vòng thi sơ tuyển giữa các lớp. Sau đó chọn vào vòng trong những lớp có tiết mục xuất sắc nhất. Học sinh đã tham gia nhiệt tình, hào hứng ở hầu hết phần thi: Em yêu làn điệu dân ca (thi và trình diễn dân ca 3 miền); Hành trình tri thức (“rung chuông vàng” về kiến thức); Đối đáp ca dao (đối đáp ca dao trực tiếp giữa các lớp).
Và cuối cùng là sân khấu hóa truyện dân gian. Các phần thi và trình diễn đã làm sống lại không khí của văn học dân gian với những điệu lý mượt mà của thôn quê Bắc bộ, những câu hát giao duyên thắm nghĩa thâm tình, những điệu múa tha thướt đượm màu sắc dân gian.
Video đang HOT
Phần “rung chuông vàng kiến thức” đầy kịch tính và thú vị. Ấn tượng nhất là phần sâu khấu hóa truyện dân gian. Học sinh làm sống lại hình ảnh cô Tấm, ông Bụt, thầy đồ dốt chữ… trong kho tàng truyện cổ tích, truyện cười dân gian với những bài học thế sự sâu sắc.
Sân khấu hóa, vẽ tranh, sưu tầm tác phẩm…
Học sinh rất thích học văn theo hình thức tổ chức đóng kịch ngay trên lớp học. Vì thế nhiều tổ bộ môn văn đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy bài học bằng hình thức sân khấu hóa. Không cần phải chuẩn bị công phu, giáo viên chỉ cần hướng dẫn, giao “nhiệm vụ” là các em sẽ hào hứng tham gia sôi nổi khâu xây dựng kịch bản, người dẫn đến các nhân vật. Nhiều sáng tạo của các em khiến giáo viên cũng phải ngạc nhiên, bất ngờ.
Song song là những cuộc thi tái hiện tác phẩm văn học dân gian bằng tranh vẽ. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm mà còn phát huy năng khiếu hội họa của các em. Đánh giá toàn diện kỹ năng, thái độ học tập của học sinh.
Một hình thức nữa cũng rất ý nghĩa nhằm giúp các em ý thức và tự hào về vùng quê của mình là sưu tầm văn học dân gian địa phương. Giáo viên chia nhóm hoặc cá nhân các em tự sưu tầm từ các trang mạng, bằng cách hỏi cha mẹ, ông bà của mình.
Trong buổi sinh hoạt dưới cờ, có trường tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống cho học sinh. Học sinh được nghe các điệu lý gắn liền với các làn điệu dân ca, được sống lại với truyền thuyết Mị Châu – Trọng Thủy, được tận mắt thấy được sự khéo léo từ miếng trầu têm cánh phượng của cô Tấm…
Với cách dạy này, học sinh không còn xem văn học là khô khan, xa lạ nữa mà trở nên gần gũi, yêu thích hơn. Từ đó các em sẽ nhận ra văn học chính là đời sống chứ không phải lý thuyết, là những điều chỉ có trong sách vở.
Ngữ văn hấp dẫn qua hình thức sân khấu hoá văn học dân gian
Sáng 11/1, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Quận Thủ Đức, TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề ngoại khoá "Sức sống của văn học dân gian".
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình ngoại khoá "Sức sống của văn học dân gian"
Đây là hoạt động do tổ Ngữ văn của trường triển khai với sự tham gia của học sinh khối 10, 11.
Cô Đặng Thị Huy Lam, Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường chia sẻ, văn học dân gian luôn có sức sống mãnh liệt, nó được ví như "bách khoa toàn thư" trong đời sống của ông cha ta, đem đến cho mỗi người những hiểu biết đa dạng, phong phú về đời sống tinh thần của người bình dân.
Học sinh thể hiện bài Bèo dạt mây trôi và Cò lả
Học và dạy văn học dân gian, chính là truyền tải để học sinh hiểu được những giá trị to lớn, giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ, giúp cho các em nắm được các đặc trưng cơ bản như tính truyền miệng, tập thể, dị bản.
Qua đó, giúp cho các em cảm nhận được vẻ đẹp ngôn từ qua những sáng tác của người bình dân, bồi đắp tình yêu tiếng Việt, bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ.
Học sinh đóng kịch với truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng"
Đặc biệt, đến với văn học dân gian, cũng chính là đến với dòng sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn, tinh thần những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam qua bao thế hệ. Đó là tình yêu quê hương đất nước, sự lạc quan, lòng dũng cảm, ý thức về điều thiện, tinh thần đầu tranh chống điều ác...
Tiết mục trích đoạn cải lương ấn tượng do em Nguyễn Gia Cát Long lớp 10D1 thể hiện
Chính vì những lý do ấy, tổ Ngữ văn đã tổ chức ngoại khoá Văn học dân gian với chủ đề "Sức sống của văn học dân gian". Thầy cô mong muốn học sinh ý thức hơn nữa về giá trị văn hoá của dân tộc.
Ngoài ra, đây cũng là sân chơi bổ ích, tạo sự hứng thú, khơi gợi cho các em niềm vui trong học tập môn Ngữ văn, làm cho văn học dân gian trở nên sống động, gần gũi với học sinh, làm sống dậy tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam. Và là cơ hội để các em thể hiện những sở trường, khả năng của mình như ca hát, múa, kịch, cải lương...
Theo đó, tham gia buổi ngoại khoá, học sinh đã sân khấu hoá văn học dân gian qua nhiều tiết mục văn nghệ, múa, hát, kịch, cải lương đã được chuẩn bị công phu.
Đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, là những bài dân ca sâu lắng như Bèo dạt mây trôi, Cò lả... hay là truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng đã được các em sân khấu hoá, tự tin thể hiện và nhận được nhiều lời khen từ thầy cô, bạn bè.
Được biết, đây là 6 tiết mục được chọn ra từ nhiều tiết mục tham gia ở vòng loại của các lớp chuyên văn và D của khối 10, 11 với nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, học sinh cũng được tham gia phần đố vui với nhiều câu hỏi liên quan đến các tác phẩm văn học dân gian, ca dao, tục ngữ...
Học sinh trả lời câu hỏi ở phần đố vui
Em Phạm Hồng Uyên Thảo, lớp 10 chuyên Văn chia sẻ, đây là hoạt động ngoại khoá rất bổ ích, thú vị. Những kiến thức, giá trị của văn học dân gian được đa dạng hoá bằng nhiều hình thức để truyền tải đến học sinh, không nhàm chán mà rất sinh động và được các em đón nhận bằng niềm vui, sự hứng thú.
Qua đó học sinh càng hiểu hơn về những giá trị, bài học, vẻ đẹp của văn học dân gian, cũng như thêm yêu thích bộ môn Ngữ văn.
Các tiết mục tham gia ngoại khoá đều nhận được những phần quà từ tổ Ngữ văn
Học sinh làm bài kiểm tra không cần giấy, bút Quy định đổi mới kiểm tra, đánh giá của Bộ GD-ĐT sau học kỳ đầu tiên thực hiện đã cho thấy là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, các trường đang chờ hướng dẫn, tập huấn cụ thể hơn để tránh mỗi nơi thực hiện một kiểu. Giờ học ngoài vườn của học sinh Trường THPT Trung An, TP.Cần Thơ - TUỆ NGUYỄN...