Giúp học sinh ‘mất gốc’ đạt 6 điểm tiếng Anh
Tại sao học sinh dễ dàng được 5 – 6 điểm các môn khác nhưng đạt 6 điểm tiếng Anh lại khó khăn như leo núi? Nhiều học sinh cho biết rất sợ môn học này và lo bị điểm thấp.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, đỉnh phổ điểm môn tiếng Anh ở mức thấp: 2,5 điểm. Mặc dù đề thi các môn có đến 60% kiến thức cơ bản, việc giành 5 – 6 điểm các môn học khác khá dễ dàng thì nhiều học sinh không thể đạt 6 điểm tiếng Anh. Với những em hổng kiến thức từ đầu, đây là môn thi đáng sợ.
Học đều mỗi ngày
“Không thể có chuyện khoanh ngẫu nhiên đáp án mà giành được 6 điểm, trừ khi là… siêu nhân”, cô giáo Nguyễn Thanh Hương – người dạy tiếng Anh online, nhiều năm ôn tập thi đại học cho thí sinh – dí dỏm nói.
Theo nữ giáo viên này, hầu hết học sinh đặt mục tiêu 6 điểm đều là những bạn đang sợ môn học này, hoặc đang tập trung ôn thi khối A, hay muốn thi một số trường tốp giữa.
Cô Hương tư vấn cho học sinh hổng kiến thức cách vượt qua “sự sợ hãi” để ôn tập tốt môn tiếng Anh:
Trước tiên, dù là ai, các em hãy dẹp ngay ý định chờ đợi may mắn, sẽ chẳng có may mắn nào thần kỳ khi làm bài thi.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Video đang HOT
Đề thi tiếng Anh được thiết kế 60% kiến thức cơ bản, kể cả phần viết đoạn văn tưởng khó nhưng cũng sẽ có vài gợi ý. Học sinh cần nắm chắc kiến thức và làm bài tập trong SGK, sách bài tập, tập trung những kiến thức ở mức độ dễ.
Với từ vựng, SGK lớp 12 gồm 16 chủ đề, lượng từ mới ở mỗi chủ đề khoảng 15-20 từ. Học sinh nắm được 15-20 từ này đã “hòm hòm” để đi thi. Khi học từ vựng, ngoài biết nghĩa của từ, các em hãy xem kỹ cả cách phát âm và trọng âm để làm tốt 5 câu ngữ âm ở bài thi.
Phạm Thị Huyền, tân sinh viên Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ: “Dù chọn D1 là khối thi phụ nhưng vì sợ, không biết bắt đầu từ đâu nên mình nhiều lần trì hoãn học tiếng Anh. Lúc vào phòng thi, mình cố gắng khoanh đủ 80 câu cũng chỉ được 2,75 điểm. Tiếc lắm, vì nếu chỉ cần được 5 điểm Tiếng Anh thôi mình sẽ có thêm rất nhiều cơ hội”.
Những bài đọc trong SGK sẽ gần với chủ điểm mà đề thi hay ra và luôn chứa từ mới. Các em hãy đọc bài cẩn thận, vừa luyện kỹ năng đọc hiểu, vừa ôn luyện từ vựng. Việc này tốt cho học sinh khi xử lý bài đọc hiểu, điền từ vào đoạn văn và có thể có ích cho phần tự luận (viết lại câu và viết đoạn văn).
Muốn đạt 6 điểm, không thể bỏ qua các chuyên đề ngữ pháp lớn như Thì trong tiếng Anh, sự hòa hợp giữa S và V, câu bị động, câu so sánh, câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, câu trực tiếp/gián tiếp. Có thể tham khảo thêm những chuyên đề như câu đảo ngữ, giới từ, to V/ Ving, mạo từ/động từ khuyết thiếu/ phrasal verb…
Học sinh hãy dành thời gian mỗi tuần để học kỹ một chuyên đề ngữ pháp lớn kể trên, kết hợp làm bài tập thực hành để củng cố, học phần nào chắc phần đó, tránh học lung tung, mơ hồ, học trước quên sau.
Hệ thống hóa, ghi chép, ghi chú cẩn thận, trình bày rõ ràng, sạch đẹp cũng sẽ kích thích cảm giác muốn học và sau này khi tra cứu, ôn tập dễ dàng và tiện lợi hơn.
Đừng vội vàng, nhồi nhét
Những em vốn “sợ” tiếng Anh, nếu vội vã quyết tâm yêu môn học này lại từ đầu, dành cả mấy ngày liền để học thì chắc chắn sẽ nhanh chán. Đầu tiên, các em hãy dành cho tiếng Anh một khoảng thời gian hợp lý (20-30 phút đều đặn mỗi ngày) và tăng dần lên đến khi thấy phù hợp.
Học – hiểu – sẽ làm được bài – sẽ cảm thấy tiến bộ – sẽ cảm thấy thích học – sẽ học chăm hơn – sẽ làm bài tốt hơn – và điểm sẽ dần dần cải thiện.
Vòng tròn này sẽ tạo nên thành công lớn, tích lũy từ những thành công nhỏ. Sự tự tin sẽ dần được bồi đắp và củng cố, môn tiếng Anh sẽ không còn là cơn ác mộng kinh hoàng nữa.
Nhưng, các em hãy nhớ làm tốt từ bước đầu tiên: Phải học đều đặn mỗi ngày.
Theo Zing
'Nên xem môn Lịch sử quan trọng như tiếng Anh'
"Bộ GD&ĐT cần đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có thể thay thế cho ngoại ngữ", độc giả Cao Thanh Phong chia sẻ.
Môn Lịch sử quan trọng không kém tiếng Anh
Dự kiến tích hợp Lịch sử với Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới Công dân với Tổ quốc của Bộ GD&ĐT đang được dư luận quan tâm, tranh luận.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, Bộ không bỏ, cũng không coi nhẹ môn Lịch sử khi xây dựng môn học mới. Nhưng nhiều chuyên gia, giáo viên cho rằng, việc tích hợp không chỉ làm mất đi vị thế của môn Lịch sử, mà còn tiến tới xóa sổ môn học này.
Bạn đọc này chia sẻ thêm, trong thời buổi hội nhập, học sinh có nhu cầu học ngoại ngữ là tất nhiên. Điểm khác nhau là các em nên tập trung học vào thời điểm nào cho phù hợp. Còn lịch sử liên quan đến ý thức hệ. Giới trẻ sống trong thời bình nhiều năm nên phần lớn đều có suy nghĩ xem nhẹ lịch sử.
Đồng quan điểm, bạn Cao Thanh Phong cho rằng: "Bộ GD&ĐT cần đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc, có thể thay thế cho ngoại ngữ. Những em muốn học ngành nghề liên quan ngoại ngữ sẽ tự chọn lựa".
Bạn Nguyễn Trung phân tích, Lịch sử là môn riêng biệt nhưng đa số bạn trẻ không nhớ, không biết đến những trang sử vàng của dân tộc. Việc gộp lại có thể thế hệ sau không biết Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... là ai, gắn với sự kiện lịch sử nào, chỉ nhớ đó là tên đường.
Vì thế, Bộ GD&ĐT không nên quyết định ngay mà phải lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học. Tích hợp theo đúng nghĩa không phải dễ, huống hồ cách Bộ lý giải đang ở mức gộp các môn thành môn mới.
Đổi mới cách tiếp cận
"Số đông không thích học môn Lịch sử vì sách sử viết chưa đầy đủ, chính xác, người dạy chưa hay, kém hấp dẫn. Tại sao học sinh có quyền chọn môn học, môn thi nhưng không được chọn cách thi để không rơi vào tình trạng quá tải?", bạn Tân Nguyễn nêu câu hỏi.
Phản hồi về tòa soạn, nhiều người cho rằng, thực tế học sinh không ghét môn Lịch sử, chỉ vì sách giáo khoa thường rất ngắn gọn, không hấp dẫn. Ví dụ những trận đánh thường chỉ nêu chung chung như quân ta do tướng nào lãnh đạo, ý nghĩa lịch sử.
"Tôi từng đặt câu hỏi chúng ta đánh thắng họ như thế nào, dùng mưu kế gì? Diễn biến cần chi tiết để người đời sau theo dõi có thể hình dung được. Hiện lịch sử đề cập một triều đại chỉ nói đến vài vị vua, không viết gì nhiều về những người đó hay hoàng hậu, con vua...", bạn Ngọc Tân nói.
Bạn đọc góp ý Bộ GD&ĐT nên đổi mới cách giảng dạy môn Lịch sử, gợi mở cho học sinh những cách khác nhau để tiếp cận lịch sử hiệu quả. Các em cần hiểu để ghi nhớ lịch sử chứ không phải học thuộc lòng.
Theo bạn Thủy Phạm, Bộ GD&ĐT nên cải cách giảng dạy và học môn Lịch sử, không nên tích hợp môn học này. Lịch sử có tầm quan trọng ngang Toán, Văn, Lý, Hóa, nên được giữ lại, nhưng thay đổi ở chương trình học để nhẹ nhàng và phương pháp giảng dạy phù hợp hơn.
Theo Zing