Giới trẻ sống ảo trên Facebook vào đề thi trường chuyên
“Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực”, đề thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội sáng 3/6 khiến học sinh thích thú.
Trưa 3/6, học sinh thi vào trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội hoàn thành bài thi môn Ngữ văn (thời gian 120 phút).
Đề thi gồm 3 câu, học sinh phải thực hiện các yêu cầu: Phân tích giá trị biện pháp tu từ, Phân tích bài thơ “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Đặc biệt, giới trẻ mê Facebook, sa vào đời sống ảo trong câu 2 tạo hứng thú cho học sinh.
Đề bài như sau: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ quá ham mê Facebook, sa vào đời sống ảo mà quên mất cuộc đời thực. Em hãy viết đoạn văn diễn dịch khoảng 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau đây: Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí là người lạ, trong khi vô tình với người thân thuộc đang ở ngay cạnh mình” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân).
Đề thi môn Văn được nhiều học sinh thích thú. Ảnh: Quyên Quyên.
Nhiều học sinh tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) nhận xét, đề thi môn Ngữ văn năm nay cơ bản. Câu số 2 gợi mở nhiều vấn đề hay nhưng không lạ lẫm, rất quen thuộc với học trò.
Em Phạm Hoàng Dương, thi chuyên Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: “Đề thi khá dễ so với những năm trước. Chia sẻ trong bài viết, em nêu tác hại của lối sống ảo, những việc bản thân cần làm. Trong đó, em nhắc đến trường hợp học sinh đã sử dụng Facebook cả ngày, đêm dẫn đến hậu quả bị mắc bệnh tâm thần”.
Thầy Trịnh Quỳnh – giáo viên Ngữ văn, trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định chia sẻ: “Đề thi khá cơ bản ở cả 3 câu, đề cập những vấn đề quen thuộc gần gũi với học sinh; đòi hỏi các em có kỹ năng nhận diện các phép tu từ nghị luận về một hiện tượng đời sống, một đoạn thơ. Học sinh dễ dàng đạt điểm 7 trở lên”.
Video đang HOT
Với câu 2, bàn về lối sống ảo, học sinh cần giải thích được các vấn đề “người quen ở một nơi xa xôi”, “vô tình với những người thân thuộc”, “sống ảo là gì”, “mối quan hệ giữa sống ảo và đời thực”.
Theo giáo viên này, học sinh cũng cần bàn luận được tác hại của lối sống ảo như càng nhiều bạn ảo càng cô đơn, mối quan hệ trong thế giới ảo có thể làm rạn nứt quan hệ trong đời thực, gây nên thói vô cảm trước các vấn đề cuộc sống. Từ đó, học sinh rút ra được bài học cho bản thân: Ngừng sống ảo, quan tâm và yêu thương những người xung quanh như cha mẹ bạn bè.
“Cuộc đời là hữu hạn nên hãy trải nghiệm thật cuộc sống của mình, sống với cảm xúc thật các mối quan hệ thật trong đời sống, đừng ảo hóa số hóa vì đó không phải chính bạn. Công nghệ hay mạng xã hội chỉ là công cụ thôi, đừng biến mình thành nô lệ của nó”, thầy Quỳnh nêu quan điểm.
Cuộc đua vào lớp 10 trường THPT chuyên Sư phạm năm nay diễn ra khá căng thẳng. 5.000 thí sinh dự thi nhưng nhà trường chỉ tuyển 480 chỉ tiêu. Ngày 3/6, sau khi kết thúc thi môn Ngữ văn buổi sáng, buổi chiều các em sẽ thi môn chuyên.
Theo Zing
Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Tái diễn 'chiêu' chuyển trường
Năm nay, khoảng 53.000 học sinh tại Hà Nội được vào học trường công lập, số còn lại phải học trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Theo bảng công bố điểm chuẩn vào lớp 10 trường công năm học 2015-2016 cho thấy mức điểm tuyển sinh của các trường tại Hà Nội khá vênh nhau. Top trường có điểm chuẩn cao rơi vào các trường như: Chu Văn An, Yên Hòa, Kim Liên, Lê Quý Đôn, Nhân Chính, Phan Đình Phùng, Việt Đức... với phổ điểm từ 52 đến 55 điểm. Để đạt mức điểm này, đòi hỏi học sinh phải thực sự có năng lực và mướt mồ hôi ôn tập ngày đêm.
Thí sinh dự thi lên lớp 10 xem số báo danh tại Hội đồng thi trường THCS Khương Đình ngày 11/6/2015.
Vào trường công điểm thấp rồi "xin chuyển"
Tuy nhiên, một số học sinh "khát" một suất vào trường công lại có "chiêu" đăng ký NV2 vào các trường top dưới sau khi vào học một thời gian lại xin chuyển trường có cùng khu vực tuyển sinh.
Ông Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, năm ngoái điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 của trường là 35,5 điểm. Điểm thấp nhưng ngay NV1 trường chỉ tuyển được 400 học sinh.
Không đủ chỉ tiêu, trường tuyển NV2 với 1.600 học sinh nữa. Tuy nhiên, trong số những học sinh tuyển NV2 có nhiều em nhà ở xa trường đến mấy chục cây số. Do đó, mới chỉ học hết học kỳ I, đã có 40 em xin chuyển trường.
Tương tự, Hiệu trưởng trường THPT Tiền Phong Dương Văn Thuần cũng khẳng định: "Cái khó của các trường điểm thấp là phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu, thế nhưng chỉ một thời gian học học sinh đã xin chuyển đi hàng loạt".
Theo ông Thuần, nhà trường không cho chuyển thì phụ huynh viện cớ nhà xa, học sinh đi lại hàng chục km mỗi ngày vất vả mà cho chuyển gây nhiều xáo trộn trong trường đồng thời không đảm bảo công bằng cho học sinh các trường khác.
Ông Thuần cho biết thêm, năm học 2015-2016, chỉ tiêu tuyển sinh của trường chỉ khoảng 400 em, NV1 chỉ tuyển được 1 nửa, trường tuyển NV2 một nửa. Tuy nhiên, chỉ hết học kỳ I, trường đã làm thủ tục chuyển trường cho 40 học sinh, còn nhiều hồ sơ cũng đang xin chuyển ở học kỳ II nhưng phải đến hết tháng 7 trường mới xem xét.
Hiệu trưởng các trường vùng ven cũng phản ánh chính là năng lực học tập của học sinh khi lên THPT khác xa so với thực tế. Theo các hiệu trưởng, học bạ của hầu hết học sinh đều xếp loại khá giỏi nhưng khi vào lớp 10 lại học yếu nhiều môn, kể cả môn chính như Văn, Toán, Ngoại ngữ, khiến trường phải cử giáo viên phụ đạo.
Thí sinh dự thi lên lớp 10 làm thủ tục vào phòng thi tại hội đồng thi trường THCS Khương Đình, Hà Nội chiều 11/6/2015.
Thích trường công là điều dễ hiểu
Chị Phạm Mai Phương, phụ huynh một học sinh ở quận Hoàng Mai cho biết, năm học 2014-2015, con gái học khá nên gia đình đăng ký NV1 vào trường top trên. Kết quả, con chị bị trượt khi thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn.
Để chắc chân một suất học ở trường công, trước đó gia đình đã đăng ký NV2 một trường có điểm khá thấp ở huyện Thanh Trì. Đúng như dự định, sau nhiều ngày con gái khóc ròng thì cha mẹ đành thay nhau đưa con đến 1 trường THPT ở cách nhà khoảng 20 km để học.
Chị Phương nói: "Từ ngày con nhập học, gia đình bị xáo trộn hoàn toàn. Ngoài việc dậy sớm đưa con đến trường, chiều xin nghỉ giờ làm để đón về, gia đình phải đối mặt với tâm lý bất ổn của con gái".
Chị Phương kể, đang học khá, vào môi trường mới con có dấu hiệu trầm cảm, học hành sa sút. Làm công tác tư tưởng không xong, gia đình đành làm đơn xin chuyển trường sau 3 tháng học tập tuy nhiên không dễ dàng xin được trường nào vì các trường đều đã kín chỉ tiêu. Chật vật mãi cuối cùng chị Phương đành chuyển con về một trường dân lập với giá học phí cao ngất mà vẫn không yên tâm.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, quận Thanh Xuân cũng cho rằng, học sinh lớp 9 năm nay có nhiều lựa chọn tuy nhiên gia đình vẫn ưu tiên số 1 vào trường công. Theo anh Hùng, gia đình không có nhiều lựa chọn vì trường ngoài công lập có tên tuổi thì học phí cao, vào các trung tâm giáo dục thường xuyên gia đình không mong muốn.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh cho rằng, hệ thống trường công có mức học phí rẻ, giáo viên được tuyển chọn, môi trường học tập tốt nên mong muốn của phụ huynh rất chính đáng.
Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu học sinh trúng tuyển vào trường nào bắt buộc phải học ở trường đó đến hết cấp học. Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: "Điểm chuẩn của các trường công lập Hà Nội rất vênh nhau, năm nay sở thống nhất siết quy định nhằm tránh tình trạng sau một thời gian vào học lại chuyển trường nhằm đảm bảo công bằng".
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
TP HCM từng bước giảm tỷ lệ vào lớp 10 công lập Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, nên chọn nguyện vọng vào lớp 10 công lập sao cho thuận tiện đi lại, phù hợp hoàn cảnh gia đình và năng lực bản thân. Năm học tới, các trường tiểu học trên địa bàn TP HCM sẽ tiếp tục tuyển sinh lớp 1 theo phân tuyến địa bàn...