Giới trẻ có cần học nữ công gia chánh?
Cuộc tranh cãi “giới trẻ có cần học nữ công gia chánh hay không” vẫn đang diễn ra trên mạng xã hội. Biết nấu ăn, biết làm việc nhà… liệu có phải là một kĩ năng “không thể thiếu” và cần phải đưa vào giảng dạy trong nhà trường?
Ảnh minh họa.
Có nên dạy nữ công gia chánh trong học đường?
Giữa tháng 3 vừa qua, việc UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong trường THPT đã làm dư luận chú ý.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời buổi bình quyền, cả xã hội đang đấu tranh cho nữ quyền thì việc áp đặt dạy nữ công gia chánh như một môn học bắt buộc trong học đường là “gò ép” và bất công cho nữ giới. Các ý kiến cho rằng, ngày xưa, nữ công gia chánh là không thể thiếu, nhưng ngày nay, xã hội đã phát triển và thay đổi rất nhiều. Có rất nhiều công cụ để “giải phóng” phụ nữ khỏi việc nhà cửa, bếp núc. Phụ nữ cần có thời gian để yêu thương, chăm sóc bản thân mình tốt hơn. Vì thế, nữ công gia chánh không nhất thiết, không bắt buộc phải học nữa.
Tuy nhiên, không ít luồng ý kiến cho rằng, xã hội dù phát triển đến đâu cũng cần đến các kĩ năng thiết yếu trong chăm sóc nhà cửa và cuộc sống. Chính vì tư tưởng “giải phóng hết mức” như thế, nhiều bậc cha mẹ đã không rèn luyện, giáo dục kĩ năng nấu nướng, dọn dẹp, may vá, vun vén nhà cửa… cho con. Dẫn đến một thế hệ thanh, thiếu niên rất nhiều người thiếu và yếu các kĩ năng gia chánh.
Đầu bếp Lê Nguyên Thảo, chủ “Bếp vui” nhận định: “Tôi từng gặp rất nhiều bạn trẻ, xa nhà đi học đại học nhưng không hề có chút kĩ năng nấu nướng nào. Ngày nào cũng phải ăn cơm hàng, vừa tốn kém lại không hợp vệ sinh. Nhiều bạn khác ở phòng trọ, kí túc xá nhưng không biết dọn dẹp, chăm sóc phòng ở, nhà cửa, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn với bạn cùng phòng.
Mở rộng ra, lập gia đình cũng không biết cách vun vén, chăm sóc mái ấm của mình từ những việc nhỏ như nấu nướng, khâu vá, dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Vì thế theo tôi, dạy nữ công gia chánh cho giới trẻ bây giờ là điều cần thiết. Mọi người đừng xem nó như cái gì lớn lao, bất bình đẳng giới. Chỉ cần nghĩ đó là một kĩ năng thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng sống, vun vén cho hạnh phúc mỗi người là đủ rồi”.
Nam cũng cần phải hiểu biết ‘nữ công gia chánh’
Thực tế, nói là nữ công gia chánh, nhưng cần hiểu và mở rộng ra, đó là kĩ năng chung về vun vén cuộc sống thông qua những việc làm hàng ngày của mỗi người trẻ. Quả thật, hiện nay, có không ít bạn trẻ bước chân ra đời nhưng thiếu hẳn những kĩ năng ấy. Không nói đâu xa đến chuyện có thể gây ảnh hưởng đến người chung quanh, mất hạnh phúc gia đình mai sau, thì việc thiếu kĩ năng gia chánh đã khiến cho bản thân người trẻ thiệt thòi.
“Một ví dụ kĩ năng nấu ăn không chỉ là một kĩ năng giúp đời sống thêm chất lượng, mà thực chất nó còn là kĩ năng “sinh tồn” của mỗi người. Nấu ăn có thể ngon hoặc dở, nhưng không thể không biết các kĩ năng nấu. Ngày nay, nhiều bạn trẻ thường vỗ ngực xưng tên một cách tự hào “chỉ biết ăn, không biết nấu”, hoặc “giỏi nhất là cắm nồi cơm điện”.
Thực chất, điều này hoàn toàn không có gì đáng tự hào mà còn khá đáng trách. Và người trước hết bị trách chính là gia đình của các bạn trẻ ấy. Cha mẹ giáo dục con biết nấu nướng, biết việc nhà từ nhỏ thì con lớn lên sẽ khéo léo, biết việc và ngược lại, để con tự do, không giáo dục kĩ năng, con ra đời sẽ khó sống, khó hòa nhập, hạn chế trong việc chăm sóc chính bản thân và gia đình”, bà Lê Nguyên Thảo chia sẻ.
Video đang HOT
Con người trong thời đại hiện nay đúng là có rất nhiều phương tiện hữu ích để giải phóng sức lao động. Nhưng, những điều cơ bản thiết yếu để làm cuộc sống thêm trọn vẹn và hạnh phúc thì nhất định không thể bỏ qua. Mở rộng ra, nữ công gia chánh là kĩ năng không chỉ cần cho phụ nữ.
Bình đẳng giới không phải là phụ nữ cần được giải phóng hoàn toàn khỏi việc nhà, không màng đến nữ công gia chánh. Bình đẳng giới chân chính là sự chia sẻ việc bếp núc, nhà cửa giữa nam và nữ xuất phát từ sự tự nguyện và trân trọng nhau. Và như thế, người nam cũng cần phải hiểu biết nữ công gia chánh như là một kĩ năng thiết yếu trong đời sống.
Ở các nước phương Tây, nấu ăn, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, chăm sóc vườn tược đã là một kĩ năng thiết yếu được cha mẹ dạy cho con cái từ nhỏ, không phân biệt nam nữ. Nhiều bạn trẻ phương Tây đi du hành khắp thế giới có thể dễ dàng thích ứng cuộc sống mới cũng là nhờ những bài học như thế. Trong cuộc sống vợ chồng, các gia đình phương Tây cũng phân chia rất thoải mái công việc nhà, vợ chồng chia sẻ nhau cùng nấu nướng, dọn dẹp, chăm con…
Đó chính là những nền tảng của sự bình đẳng và hạnh phúc, cần phải có sự gieo mầm từ khi còn thiếu niên.
Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền – Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (Thừa Thiên – Huế): “Trước kia, ngoài nấu nướng, việc nhà, những tiết học nữ công gia chánh trong trường còn dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng.
Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục và ảnh hưởng của xu thế mới, việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn như trước. Tình trạng này khiến nhiều nữ sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông bị hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Do vậy, việc phục hồi dạy học môn nữ công gia chánh hết sức cần thiết và cấp bách”.
Nữ sinh biết nữ công gia chánh là tốt sao không mạnh dạn áp dụng?
Nữ công gia chánh cũng là một phần của kỹ năng sống. Đã là kỹ năng sống thì học sinh càng biết nhiều càng tốt.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây đã thống nhất cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh trong Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng, Thành phố Huế sau đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.
Việc làm này được những người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng rằng, nó sẽ góp phần nâng cao về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế cho học sinh.
Tuy nhiên, sau sự việc này đã có rất nhiều quan điểm trái chiều khi bàn luận về việc có nên đưa bộ môn này vào dạy học trong các trường hay không.
Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ Linh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng:
"Bộ môn nữ công gia chánh nếu nói trong một phạm vi rộng hơn nó chính là những môn về kỹ năng sống. Mà đã là kỹ năng sống thì không chỉ học sinh, mà ngay cả người lớn biết càng nhiều thì càng tốt, việc làm này nên khuyến khích. Nữ sinh mà biết thêm nhiều kỹ năng nữ công gia chánh là tốt, sao không mạnh dạn áp dụng.
Tuy nhiên, tuỳ thực tiễn từng địa phương mà người đứng đầu nên chọn dạy chuyên sâu vào từng kỹ năng, chứ không nên dạy theo kiểu "bổ đầu" nơi nào cũng học giống nhau. Việc này dễ khiến các em khó cảm thụ được hết sự hữu ích của từng môn.
Ví dụ, ở vùng thường xuyên có bão lụt thì cần tập trung vào kỹ năng bơi lội hay vùng đồi núi thì tập trung vào kỹ năng chữa vết thương bằng thảo dược, cách xử lý khi bị động vật, côn trùng cắn...".
Để có cái nhìn tổng quan hơn về môn học nữ công gia chánh, thầy Phạm Tất Dong cũng nêu ra định nghĩa thế nào mới là đào tạo kỹ năng sống thông qua bộ môn nữ công gia chánh trong học đường và cho rằng:
"Thực ra, định nghĩa về kỹ năng sống thì từ trước tới giờ chưa ai có thể đưa ra lý luận cho thật chính xác, nhưng thông thường chúng ta hay phân ra thành 2 loại cơ bản đó là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm.
Kỹ năng cứng nó chính là những cái mà học sinh học từ những môn học cơ bản. Học sinh học tốt môn nào thì sẽ có sở trường ở những lĩnh vực đó.
Chẳng hạn, học sinh học tốt môn Toán thì sẽ có nhiều kỹ năng về tính toán, số liệu, còn học ngoại ngữ tốt thì sẽ có nhiều kỹ năng viết và nói tiếng nước ngoài tốt...
Còn kỹ năng mềm chính là những thứ có liên quan đến đời sống và xây dựng những mối quan hệ xã hội. Cụ thể đó là: Giao tiếp, ứng xử, nấu nướng, dọn dẹp, nếp ăn ở, đi lại...
Từ những định nghĩa trên có thể đúc kết ra rằng, việc học tập rèn luyện về nữ công gia chánh được những người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên Huế cho thí điểm để phục dựng lại trong thời điểm này là một điều rất tốt và thực sự cần thiết.
Bởi, nếu được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày thì cô gái ấy chắc chắn sẽ gặp nhiều thuận lợi và được nhiều người yêu quý.
Điều này chỉ thật sự thấy giá trị hữu ích khi những cô gái đó đến tuổi lập gia đình, nhất là lúc ra mắt gia đình nhà người yêu, đó chính là thời điểm thể hiện những kỹ năng ấy ra ngoài.
Có được những kỹ năng này thì trong việc đối nhân, xử thế cô gái ấy cũng thu về rất nhiều điểm cộng.
Không những thế, sau này với cuộc sống tự lập, những cô gái ấy cũng không phải rơi vào trạng thái bị động.
Tôi thấy, nhiều thanh niên hiện nay, kể cả học hết cấp 3 vẫn không thể nấu được một bữa cơm cho thật đàng hoàng, thậm chí là đụng đâu hỏng đấy.
Trong thời buổi hiện nay, khi nhiều gia đình vì nhiều lý do khác nhau không thể bồi dưỡng được hết các kỹ năng sống cho con cái họ thì việc cho phép môn học này có mặt trong nhà trường còn là thể hiện cho tầm nhìn lâu dài của những người đứng đầu địa phương.
Nếu đã thấy được mặt tích cực thì không chỉ các nữ sinh mà cũng nên nghiên cứu mô hình dạy học phù hợp cho cả nam sinh nữa.
Như tôi đã nói, để hoàn thiện một con người thì biết được càng nhiều kỹ năng thì càng tốt, càng có lợi về mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Tuy nhiên, phải xem xét đến việc hiện tại ở địa phương đó, kỹ năng ấy có cấp bách hay không, thời điểm đó có nên đưa kỹ năng đó vào ưu tiên giảng dạy chuyên sâu hay không.
Dạy các môn nữ công gia chánh nếu không tính toán, dễ dẫn đến việc học sinh mơ hồ, lan man không biết mình đang cần học cái gì, bổ sung cái gì.
Thậm chí, một số kỹ năng học xong các em chẳng bao giờ được vận dụng vào cuộc sống. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí rất nhiều thời gian và công sức".
Nêu quan điểm về việc có nên áp dụng đại trà môn học này ngoài phạm vi của Thừa Thiên Huế hay không, thầy Dong cho rằng: "Sở dĩ Huế có thể đi đầu và đưa việc này vào thí điểm bởi nơi đây vốn là đất cố đô, với những nền tảng có sẵn, vì vậy việc cần làm bây giờ chỉ là phục dựng lại thôi.
Không những thế, với nhiều cựu nữ sinh trường Đồng Khánh lúc xưa và nay là cựu giáo viên Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng thì chúng ta cũng đã nhìn thấy đó là thế mạnh của họ.
Từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng, những kỹ năng này họ vốn dĩ đã ngấm sẵn vào máu.
Vì thế, nếu muốn triển khai đại trà, việc này theo tôi nên cho các trường ở địa phương khác tự chủ động. Làm sao để họ tự đánh giá được mức độ và cách thực hiện.
Đầu tiên là cho họ cái quyền tự quyết là có nên đưa vào áp dụng hay không.
Sau đó, cho các trường đó tự khảo sát nên chuyên sâu về kỹ năng nào có thể phục vụ tốt cho học sinh của địa phương đó.
Nói tóm lại, để việc thí điểm này không để lại những kết quả ngoài mong muốn thì đơn vị nào triển khai việc này nên chú ý đến chuyện địa phương đó có cần thiết phải dạy thêm môn đó trong trường học hay không, có người giảng dạy tốt bộ môn đó hay không và nếu đưa vào áp dụng thì đâu là phương pháp hữu hiệu và tiết kiệm nhất".
Lớp học 'người vợ hoàn hảo' ở Trung Quốc Trong khi Trung Quốc dạy nữ sinh cách ăn mặc, rót trà để trở thành "người vợ hoàn hảo", Nhật Bản bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia lớp nữ công gia chánh trong vòng 8 năm. Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh này muốn thí điểm khôi phục việc dạy nữ công gia...