Giới chức Mỹ muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong hai ngày 23-24/3, Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, đã có các cuộc tiếp xúc làm việc với Thượng nghĩ sỹ Patrick Leahy và các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong số các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Tony Blinken, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Shear, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự Puneet Talwar, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề bình ổn, nhân đạo và gìn giữ hòa bình Anne Witkowsky, Tư lệnh lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zunkunft và Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Jennifer Zakriski.
Tàu USNS Salvor (T – ARS 52) của Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) tháng 4/2013. Ảnh minh họa.
Trong các cuộc gặp, hai bên đã chia sẻ quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm; đánh giá kết quả hợp tác song phương đã đạt được trong thời gian qua và cho rằng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã đáp ứng được lợi ích của hai bên theo nội dung Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp với quan hệ giữa hai quốc gia.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên đã trao đổi và thống nhất các biện pháp và đưa các nội dung hợp tác đạt hiệu quả thiết thực, trong đó tập trung vào khắc phục hậu chiến tranh tại Việt Nam như rà phá, xử lý bom mìn và các vật liệu nổ, tẩy độc dioxin tại các điểm bị ô nhiễm nặng, tìm kiếm quân nhân mất tích, hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh…
Hai bên cho rằng việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là thể hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc và góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, hợp tác song phương trong lĩnh vực này cần được quan tâm đẩy mạnh trong thời gian tới thông qua các cơ chế cụ thể.
Trong các cuộc làm việc, phía Hoa Kỳ đều bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng phù hợp với quan hệ chung trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới quan hệ của Việt Nam với các nước khác nhằm góp phần vào đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự hài lòng với kết quả hợp tác quốc phòng song phương thời gian qua, cho rằng hai bên đã triển khai hợp tác với những bước đi phù hợp.
Thượng tượng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị năm 2015 là năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, quan hệ quốc phòng cần có những đóng góp thiết thực, hiệu quả vào quan hệ chung giữa hai quốc gia, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước./.
Theo Vietnam
Video đang HOT
Tướng Nguyễn Chí Vịnh: "Phải giữ cho bằng được độc lập, tự chủ"
Quân đội ta sinh ra từ nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. Khi đất nước có chiến tranh thì toàn dân đánh giặc.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về cảm xúc của ông trong những ngày kỷ niệm này. Và trước những bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, Việt Nam sẽ phải làm gì để "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" giữ vững chủ quyền thiêng liêng, bảo vệ được hòa bình và ổn định khu vực.
Các chiến sĩ Cảnh sát biển diễu binh chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội sáng 10/10/2010. Ảnh: TTXVN.
Sức mạnh của toàn dân tộc, toàn dân đánh giặc
Là người sinh ra và lớn lên trong gia đình và môi trường quân đội, những ngày kỷ niệm này thường đem lại cho ông cảm xúc gì?
Hằng năm cứ đến ngày thành lập quân đội, tôi cũng như tất cả những người Việt Nam đang hoặc đã từng tham gia quân ngũ đều cảm thấy rất tự hào được đứng trong hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, được tiếp nối truyền thống của cha anh.
Nếu xét về lịch sử thì 70 năm không dài, nhưng đối với nước ta là rất dài vì trong thời gian đó chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, mà cuộc chiến tranh nào cũng khốc liệt. Các đối thủ của chúng ta đều rất mạnh, có những nước chưa biết thua là gì nhưng quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc của nhân dân đều giành chiến thắng. Điều đó mỗi khi nghĩ lại chúng ta thấy rất tự hào.
Một suy nghĩ nữa với tư cách người lính là, thời nào cũng vậy đều phải nhận thức rằng phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhưng trong thời kỳ hiện nay thì phải làm sao để bảo vệ hòa bình bền vững của đất nước, giữ được độc lập tự do, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ mà không phải đổ máu. Điều đó cho thấy càng hòa bình thì nhiệm vụ lại càng cao, càng phải thấu hiểu rõ giá trị của hòa bình.
Quân đội ta có một đặc điểm là từ nhân dân mà ra, gắn bó máu thịt với nhân dân. Ông có chia sẻ gì về đặc điểm rất riêng đó của Quân đội nhân dân Việt Nam?
Quân đội ta sinh ra từ nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân. Khi đất nước có chiến tranh thì toàn dân đánh giặc. Không có nhân dân thì không thể có thắng lợi. Chúng ta đã đánh thắng những kẻ thù mạnh vì chúng ta rất mạnh, cái rất mạnh đó của chúng ta là sức mạnh của toàn dân tộc, toàn dân đánh giặc. Với quân đội Việt Nam, không thể tính đếm chúng ta có bao nhiêu vũ khí mà nói rằng chúng ta mạnh hay yếu. Chúng ta rất mạnh khi chúng ta có toàn dân sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nòng cốt là lực lượng quân đội. Chính sức mạnh tổng hợp ấy đã tạo ra chiến thắng và đánh bại mọi kẻ xâm lược.
Hơn nữa, nhân dân ta có truyền thống bất khuất, truyền thống đánh giặc giữ nước hàng ngàn năm nay. Truyền thống ấy được phát huy cao độ từ khi có Đảng. Chính sự lãnh đạo của Đảng, với lý tưởng cộng sản chân chính cùng truyền thống bất khuất đã tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để giành chiến thắng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Không để xảy ra xung đột
Nhìn lại năm 2014 trên cương vị là một người lính ông muốn chia sẻ gì về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ hòa bình của đất nước, nhất là trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp?
Những năm qua bối cảnh quốc tế và khu vực xuất hiện nhiều điểm nóng, nhiều nguy cơ mất ổn định. Những bất ổn đó đem lại hệ lụy lớn cho nhiều dân tộc. Nhưng đất nước chúng ta vẫn ổn định, các nhân tố tiêu cực bên ngoài có nhưng không làm lung lay sự ổn định của đất nước. Cái đó không phải tự nhiên có được, mà phải bắt nguồn từ chính sách đối nội, đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta không bị cuốn vào trò chơi của các nước lớn nhưng vẫn mở rộng quan hệ quốc tế trên tinh thần độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa.
Nói về thách thức quốc phòng thì lúc nào cũng có. Ai cũng nghĩ đầu tiên là biển Đông, nhưng bên cạnh đó còn là những luồng gió tiêu cực từ bên ngoài. Nó có thể làm cho đất nước ta mất ổn định, xô chúng ta lệch ra ngoài con đường chúng ta đang đi. Hay là những thách thức an ninh phi truyền thống... Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn vượt qua. Trong năm 2014, chúng ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, chúng ta đã giải quyết tốt và vượt qua những khó khăn đó. Thứ nhất, chúng ta vẫn giữ vững chủ quyền lãnh thổ và không để xảy ra xung đột. Thứ hai, chúng ta vẫn giữ được quan hệ với các nước có tranh chấp và được quốc tế ủng hộ. Thứ ba, khi chúng ta giải quyết tranh chấp trên biển thì xã hội vẫn ổn định, kinh tế không bị suy giảm, đời sống nhân dân không bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, thăm dò, sản xuất trên biển của ta vẫn diễn ra bình thường và tiếp tục phát triển.
Để có những kết quả trên thực sự là không đơn giản. Vậy trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, ông nhìn nhận, đánh giá thế nào?
Suy nghĩ của tôi lúc đó là phải giải quyết cùng lúc hai vấn đề: một là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và phải kiên trì đấu tranh không để phương hại đến chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Thứ hai là không để cuộc đấu tranh này phát triển thành xung đột. Cái đó là vô cùng khó, nhưng khó cũng phải làm. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ chủ quyền, đồng thời phải bảo vệ hòa bình; không để cắt đứt quan hệ với các nước có tranh chấp. Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, có giữ được quan hệ thì mới có đàm phán hòa bình để giải quyết.
Và lòng tin từ đâu để mà làm được những điều đó? Trước hết là xu thế thời đại, thế giới bây giờ không chấp nhận chính trị cường quyền, không chấp nhận cứ có vũ lực mạnh là muốn gì cũng được. Đây là xu thế chung và những gì anh dùng vũ lực để có được hôm nay thì ngày mai anh cũng không yên. Cái thứ hai là để xảy ra xung đột thì không có lợi cho ai cả. Các nước để xảy ra xung đột đều thiệt hại và coi chừng ông thứ ba, ông đứng ngoài lại hưởng lợi. Tôi nghĩ Việt Nam hay các quốc gia có tranh chấp với chúng ta cũng đều phải đặt lợi ích đại cục lên hàng đầu.
Xu thế hợp tác hòa bình là tất yếu. Thủ tướng cũng phát biểu trước Quốc hội rằng chúng ta "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" trong bảo vệ chủ quyền. Cụ thể trong đối ngoại quốc phòng thì những tư tưởng đó được thực hiện thế nào trong thời gian qua và thời gian tới?
Ý kiến của Thủ tướng là hoàn toàn đúng đắn. Trước hết phải nói về đại cục quan hệ giữa ta với Trung Quốc cũng như với các nước khác là quan hệ hợp tác cùng phát triển. Đó là nguyện vọng của nhân dân và cũng là lợi ích chiến lược của các nước. Không thể không hợp tác nhưng chúng ta vẫn phải "vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Trong lĩnh vực quốc phòng, nếu một nước khác xâm phạm chủ quyền thì chúng ta phải đấu tranh, chúng ta mời anh ta ra, chúng ta phải đưa lực lượng thực thi pháp luật ra để ngăn chặn anh ta có những hành vi sai trái, và phải đấu tranh rất cương quyết, rất kiên trì. Nhưng chúng ta cũng phải bàn bạc, đấu tranh để chỉ rõ những sai trái của nước tranh chấp, có yêu sách phi lý về chủ quyền đối với chúng ta, kể cả về mặt pháp lý, cũng như về đạo lý. Và khi đang bàn bạc, đấu tranh thì phải cam kết với nhau là không được dùng vũ lực. Đó chính là sự hợp tác.
Giữ cho được độc lập, tự chủ
Vậy dấu ấn nào về hoạt động đối ngoại quốc phòng năm 2014 mà ông muốn chia sẻ nhất?
Đối ngoại quốc phòng nằm chung trong hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và có những đóng góp khiêm tốn. Đặc trưng riêng của đối ngoại quốc phòng là xây dựng lòng tin. Khi ta có quan hệ quốc phòng tốt với các nước trong các mối quan hệ song phương, tham gia tích cực vào các cấu trúc đa phương thì chúng ta bày tỏ được đường lối chính sách quốc phòng, tạo được niềm tin đối với các nước và các cấu trúc an ninh trong khu vực. Chính điều này tác động tích cực đến các lĩnh vực hợp tác khác như kinh tế, chính trị, văn hóa... Với đường lối của Đảng trong phát triển hoạt động đối ngoại quốc phòng, không chỉ quan hệ để bảo vệ an ninh, quốc phòng đất nước mà chúng ta còn đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Năm 2014 chúng ta đã tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc; đã cử 2 sỹ quan đi thực hiện nhiệm vụ sỹ quan tham mưu trong Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Xu-đăng. Chúng ta chứng minh rằng Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định thế giới. Sắp tới đây chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc này. Dự kiến năm 2015 chúng ta sẽ cử thêm sỹ quan tham mưu đi tham gia một số phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở những quốc gia khác nhau và nếu kịp hoàn thành công tác chuẩn bị thì chúng ta sẽ cử 1 bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại phái bộ phù hợp.
Theo nguyên tắc thì Liên Hợp Quốc đề nghị chúng ta tham gia, nhưng đi ở đâu, bao nhiêu người, làm lĩnh vực gì là do quyết định của chúng ta. Chúng ta lựa chọn các lĩnh vực nhân đạo để tham gia và tham gia vào những khu vực không có xung đột.
Những năm qua chúng ta có hợp tác với nhiều các nước lớn trong khu vực, làm sao bảo đảm cân bằng được các mối quan hệ thưa ông?
Chúng ta đang duy trì quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới. Về mặt quốc phòng, chúng ta không thể không xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, các nước lớn; không thể không quan hệ với các nước có mối quan tâm chung về quốc phòng với ta. Nhưng khi quan hệ, chúng ta không để lôi kéo về bất kỳ một phía nào. Chúng ta phải giữ cho chắc độc lập tự chủ, quan hệ hợp tác với mỗi nước với phạm vi, mức độ, nhịp độ vừa phải để làm sao có lợi cho đất nước, không gây phương hại đến lợi ích của các nước khác và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Nếu mối quan hệ nào đạt được những điều kiện đó thì chúng ta tham gia, còn không thì thôi.
Thưa ông, để dung hòa được 3 yếu tố nêu trên có lẽ không hề đơn giản?
Ba yếu tố đó không mâu thuẫn với nhau nếu chúng ta giữ được độc lập, tự chủ. Khi chúng ta lệ thuộc thì không thể giữ được vì chúng ta sẽ bị ép buộc, chúng ta không có cái quyền tuyệt đối quyết định con đường đi của mình. Do đó nếu giữ được độc lập, tự chủ chúng ta sẽ đạt được 3 yếu tố quan trọng đó. Đây là cái rất đặc trưng trong quan hệ quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam.
Cảm ơn Thượng tướng!
Theo NTD
Australia sẽ đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng với Việt Nam Chiều 8/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Chuẩn tướng John Mackenzie, Quyền Trợ lý thứ nhất Tổng thư ký Quốc phòng phụ trách Chính sách Quốc tế Australia cùng đoàn đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chúc mừng đoàn đến thăm và làm việc tại...