Giờ học vang thơ ca của cô giáo Địa lí
Cô Đào Thị Diệp (SN: 1980) giáo viên Trường THPT Bãi Cháy có nhiều sáng kiến được đưa vào giảng dạy trong trường học.
Cô Diệp trong một giờ dạy môn Địa lí lớp 10. Ảnh: Minh Cương
“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang. Cà Mau, mũi đất mỡ màng phù sa” là hai trong số những câu thơ được cô giáo Đào Thị Diệp đưa vào giảng dạy Địa lí lớp 12. Hai câu thơ này giúp học sinh nhớ được vị trí địa lí điểm cực Bắc (Hà Giang) và điểm cực Nam nước ta (mũi Cà Mau).
Cô giáo có nhiều sáng kiến trong dạy học
Cô Đào Thị Diệp (SN: 1980) giáo viên Trường THPT Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã có 20 năm gắn bó với nghề. Cô đã có nhiều sáng kiến được đưa vào giảng dạy trong trường học.
Cô Diệp cho biết, trong những năm qua đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được đưa vào giảng dạy như: “Tích hợp giáo dục dân số trong môn Địa lí”, “Tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường dựa trên phương pháp dạy học tích cực trong môn Địa lí lớp 12″, “Sử dụng ca dao, tục ngữ trong giảng dạy Địa lí lớp 10 nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh”, “Sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát vào giảng dạy Địa lí tự nhiên Việt Nam lớp 12″, “Xây dựng sơ đồ tư duy trong dạy học Địa lí lớp 12″…
Đặc biệt, sáng kiến “Sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát vào giảng dạy Địa lí tự nhiên Việt Nam lớp 12″ đã được triển khai làm tài liệu giảng dạy của nhóm Địa lí Trường THPT Bãi Cháy từ năm học 2018 – 2019. Đề tài đã được báo cáo trong chuyên đề cấp cụm môn Địa lí và được các giáo viên Địa lí đưa vào sử dụng trong dạy học tại các trường THPT trên địa bàn TP Hạ Long.
Theo cô Diệp, trong trường học hiện nay đa số các em học sinh ít quan tâm đến môn Địa lí, và là môn học thuộc lòng nên dẫn đến học sinh ngại học.
Cô Đào Thị Diệp. Ảnh: Minh Cương
Chính vì vậy cần phải tìm ra những phương pháp dạy học sáng tạo, mới lạ, hiệu quả, lúc đó học sinh mới hứng thú. Khi có hứng thú say mê trong học tập thì việc lĩnh hội tri thức trở nên dễ dàng hơn. Ngược lại khi nắm bắt vấn đề nghĩa là hiểu được bài thì người học lại có thêm hứng thú.
“Có nhiều cách để tạo hứng thú học tập cho học sinh trong giờ học Địa lí. Tôi đã áp dụng một trong những biện pháp đó là sử dụng thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát có liên quan đến nội dung bài học để giảng dạy Địa lí”, cô Diệp nói.
Theo cô Diệp, thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát là những sáng tác văn học có vần, nhạc điệu, giàu hình ảnh, kết cấu ngắn gọn dễ nhớ phản ánh nhận thức tâm tư của con người trước các hiện tượng đời sống trong đó có các hiện tượng tự nhiên.
Video đang HOT
Việc đưa thơ, ca dao, tục ngữ, bài hát vào giảng dạy Địa lí góp phần tích hợp giữa Địa lí với Văn học, Âm nhạc, giúp học sinh có hứng thú hơn trong quá trình học tập, giúp giờ dạy của giáo viên không bị nhàm chán.
Ví dụ ca dao có câu “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Cô Diệp giải thích, câu này nói Cần Thơ là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh lớn trong sản xuất lúa gạo do đất phù sa màu mỡ, khí hậu cận xích đạo gió mùa nhiệt cao, mưa nhiều phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây lúa.
Ngoài ra, cô Diệp còn sử dụng các trò chơi trong dạy học, sử dụng hiệu ứng máy chiếu, video, tranh ảnh để kích thích các em. Và động viên các em có các hoạt động nhóm, xây dựng chuyên đề làm các dự án và tổ chức các cuộc thi để các em hứng thú hơn trong học tập.
Em Trương Hà An, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Bãi Cháy cho biết, rất yêu thích môn Địa lí vì nó thực tế với đời sống hàng ngày. Đặc biệt, môn học của cô Diệp có những phương pháp dạy đổi mới, cô còn sử dụng các thiết bị thông minh trong giảng dạy, giúp cho học sinh thích thú, hiểu bài nhanh và có nhiều sáng tạo hơn.
“Cô Diệp luôn nhiệt tình, hăng say trong các bài giảng của mình và truyền được nguồn năng lượng đến học sinh. Cô là một giáo viên tận tình, gần gũi với học sinh, lúc nào cô cũng vui vẻ và hay chia sẻ với học sinh khiến cho chúng em thích môn học này”, Hà An nói.
Theo Hà An, có những bài cô Diệp sẽ không trực tiếp giảng mà sẽ giao bài cho từng nhóm, sau đó học sinh sẽ thuyết trình những vấn đề mình đã tìm hiểu về bài học. Sau đó cô sẽ dựa vào phần tìm hiểu đó để sửa lỗi và giảng lại, từ đó giúp chúng em hiểu bài nhanh hơn dễ tiếp thu và có tinh thần làm việc nhóm.
Cô Diệp chụp ảnh kỉ niệm cùng học sinh lớp 10A7 tại sân trường. Ảnh: Minh Cương
Đạt được nhiều thành tích
Trong 20 năm công tác, cô Diệp liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Năm học 2014 đạt Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, hai lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Là giáo viên tiêu biểu của tỉnh trong phòng trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cấp Bộ.
Năm học 2018 – 2019, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2018 – 2019. Năm học 2020 – 2021, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cá nhân đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thầy Lưu Hải Tiền, Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy cho biết, cô Diệp có rất nhiều sáng kiến trong giảng dạy, cô cũng là giáo viên giỏi của tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
“Cô Diệp rất năng nổ, nhiệt tình, được đồng nghiệp và học sinh yêu quý. Cô cũng đã làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Bản thân tôi thấy cô Diệp rất xứng đáng. Còn hồ sơ phải qua mấy vòng, cái này còn đợi các bước, qua các cấp”, thầy Tiền nói.
“Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi đó là năm học 2016 – 2017, tôi cùng các thành viên trong tổ Sử – Địa – GDCD đã thực hiện một hoạt động ngoại khóa với nội dung giao lưu văn hóa, lịch sử Việt Nam – Hàn Quốc và được các tổ chuyên môn, nhà trường đánh giá cao. Sau buổi ngoai khóa tôi được Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chọn là ứng cử viên xuất sắc và được mời sang Hàn Quốc giao lưu học hỏi trong thời gian một tuần. Sau khi về bài thu hoạch của tôi về đất nước và con người Hàn Quốc được đánh giá cao và được Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á mời làm báo cáo viên tại Quảng Nam hồi tháng 6/2018.
Thầy giáo Tây học tiếng Việt
Tiếng Việt có sức thu hút đặc biệt đối với cộng đồng những người thầy, cô giáo nước ngoài.
Họ tìm thấy niềm vui khi vào vai học sinh 'cắp sách đến trường' và được chia sẻ đam mê với những người thích khám phá văn hóa Việt Nam thông qua ngôn ngữ.
Giáo viên tiếng Anh Lloyd Cole (bên phải ngoài cùng) tại lớp học tiếng Việt với người bản ngữ tại Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thầy cô đi học
Thầy giáo tiếng Anh Lloyd Cole (người Anh) đến Việt Nam cách đây 3 năm và sớm nhận ra mình cần phải học tiếng Việt. Gắn bó với Việt Nam, dùng tiếng Việt hàng ngày khiến anh giao tiếp vừa tự tin hơn, vừa hòa nhập dễ dàng hơn với môi trường trường học.
"Trong lớp, có những lúc tôi cần nói bằng tiếng Việt. Khi kiểm tra bài, tôi đọc những câu tiếng Anh mà các em viết bằng tiếng Việt nếu câu không có nghĩa. Những lúc "hóm hỉnh" đó tôi chữa được lỗi cho học sinh."
Ngày càng có nhiều thầy cô đi học vì kết nối được với một cộng đồng những người cùng đam mê. Lloyd mô tả giờ học với cô giáo tiếng Việt của mình vừa đủ khó nhưng cũng vui nhộn, không gây căng thẳng. Anh vừa được học vừa được giao lưu với bạn mới.
Từ người chưa biết gì, sau khi tham gia lớp học gia sư 1 kèm 1 cùng cô giáo bản ngữ Quỳnh Hương, Lloyd giờ đã tự tin khoe vốn tiếng Việt của mình.
Đều đặn hai buổi tối hàng tuần, Lloyd dành hai tiếng học cùng Hương tại một quán cà phê gần nhà. Lúc bận thì anh đến lớp chỉ một lần một tuần, còn lại tranh thủ học qua mạng cùng với một giáo viên nam, tầm tuổi mình để rèn luyện nói và viết cho tự nhiên. Đặc biệt, Lloyd không chỉ có một mà những hai giáo viên tiếng Việt kèm.
"Lúc tôi còn ở trình độ cơ bản, tôi và Quỳnh Hương dành 5-10 phút để nói chuyện khi bắt đầu vào giờ học, giờ chúng hội thoại gần 30 phút. Nhưng tôi không muốn bắt chước giọng nữ của Hương nên đã tìm học cùng Hùng - một bạn nam tầm tuổi tôi. Thứ hai hàng tuần, tôi học online với Hùng một tiếng đồng hồ vào buổi sáng. Anh ấy đọc một đoạn văn rồi tôi nghe và viết lại để luyện được thêm từ vựng và kỹ năng viết.
Lloyd cũng tìm nhiều cách để học tiếng Việt sao cho nhanh và hiệu quả ngoài giờ học. Để không "học vẹt", anh nghe theo lời khuyên của một người bạn về việc sử dụng tiếng Việt hàng ngày, thậm chí nhắn tin, gọi điện với bạn cũng bằng tiếng Việt. "Bây giờ tôi đang học đến bài ở trình độ nâng cao rồi, bài học về các dùng từ "mới", dùng nó như tính từ, hay dùng nó trước động từ để nói là tôi vừa làm việc đó." Lloyd chia sẻ.
Vừa học vừa chơi
Phương pháp vừa học vừa chơi ở các lớp như của Hương có nhiều điểm tương đồng với lớp tiếng Anh. Không khí lớp sôi nổi với những trò chơi, nhất là khi có từ 3 học sinh trở lên. Trong lớp chỉ sử dụng tiếng Anh khi giải thích ngữ pháp, các học sinh được khuyến khích dùng tiếng Việt trong suốt giờ học.
Học sinh đặc biệt thích làm bài kiểm tra bằng chơi trò chơi vì hơn ai hết, họ hiểu áp lực của việc ôn thi và điểm số. Do đó, thay vì ngồi bàn giấy, học sinh được làm bài kiểm tra bằng cách kết hợp trò chơi với bài thực hành như chơi "Human Bingo" là phải ra đường hỏi tên tuổi, giao tiếp với người lạ. Học sinh cũng thích thú giải đố khi chơi những trò chơi ghép các câu thành một câu chuyện hoàn chỉnh và có ý nghĩa.
Một lớp học tiếng Việt của cô giáo Lê Quỳnh Hương (đứng) đi ăn liên hoan sau khi làm bài kiểm tra (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Có những bài tập độ khó cao, hoặc phải dùng ứng dụng điện thoại nên cũng mới mẻ với những người thầy vẫn quen dùng bảng đen, phấn trắng và trò chơi làm quen tiếng Anh cho trẻ em. Cô giáo Hương cho biết, với phương pháp này, nhiều học sinh đã tự tin sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống cũng như trong công việc chỉ sau một thời gian ngắn. Các học sinh còn có thể áp dụng cho chính lớp học mình dạy một cách linh hoạt, nhất là các trò chơi tập thể.
Trong buổi học nhóm lớn, cô giáo cho học viên chơi trò chơi ghép các câu thành một câu chuyện hoàn chỉnh và có ý nghĩa (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cách "tri ân" thú vị
Những bài học thực tế đã mang lại cho học viên của Hương nhiều niềm vui như giao tiếp được với người dân khi đi chợ, mua hàng hóa, hỏi đường. Ngược lại, niềm hạnh phúc của Hương là khi học viên khoe: "Chị đã nói chuyện rất lâu với tài xế grab", "Anh nghe được số tiền là bao nhiêu."
Lớp học của Hương vẫn diễn ra sôi nổi, nhiều tiếng cười ngay cả khi cô trò không thể gặp nhau. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Với phương pháp vừa học vừa chơi, kết hợp các hoạt động ngoại khóa như đi du lịch, học nấu ăn, lớp học của Hương ngày càng thu hút nhiều học viên. Thông qua mạng xã hội Facebook, học viên thể hiện sự "tri ân" với cô giáo bằng cách giới thiệu lớp học cho bạn bè, đặc biệt là cho những giáo viên ESL mới làm quen với tiếng Việt.
Quỳnh Hương vô cùng ấn tượng khi được Tim, một học viên của mình, chia sẻ trên nhóm người nước ngoài ở Hà Nội muốn tìm lớp tiếng Việt rằng: "Cô ấy dạy được tôi thì dạy ai cũng thành tài." Cùng bài đăng tải đó, một học trò khác đề xuất Quỳnh Hương và đồng tình với Tim rằng Hương là "một giáo viên tuyệt vời".
Megan và Roisin (người Ai-len) - Học viên cũ của Quỳnh Hương giới thiệu cô cho học sinh mới: "Hương là cô giáo của tôi được hơn một năm rưỡi, vừa chuyên nghiệp, phương pháp vừa hay, nhất quán, vừa vui. Tôi không thể tưởng tưởng sẽ học một ai khác." (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Sự tin tưởng của học viên rất quan trọng đối với nữ giáo viên trẻ này. Những lúc được giới thiệu là cô giáo "chất lượng nhất" hay "nhiệt tình nhất", Hương rất bất ngờ. Cô nhận ra rằng thông qua việc dạy học, mình đã có thêm những người bạn mới và họ dành cho cô nhiều tình cảm yêu mến chân thành.
Chương trình giáo dục phổ thông mới với khối THPT: Cần tăng cường định hướng cho học sinh Sau hơn 2 tháng áp dụng, hiện nay các trường THPT trên địa bàn Quảng Ninh và học sinh đã bắt đầu thích nghi với chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2022-2023 ở khối lớp 10. Vốn học thiên về các môn xã hội nên Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 10A2, Trường THPT thị trấn Quảng Hà (huyện...