‘Gieo mầm’ định hướng nghề cho học sinh qua hoạt động nghệ thuật
Trước các yêu cầu, thách thức thực tiễn về đổi mới căn bản việc phân luồng ngành, nghề cho học sinh, sinh viên, Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp Chọn nghề trong muôn nghề đã ra đời nhằm tham gia giải quyết những vướng mắc, bất cập trong công tác định hướng, giáo dục nghề nghiệp hiện nay.
Một phân cảnh trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng” thuộc dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề”.
Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522-QĐ/TTg phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
“Cái khó ló cái khôn”
Đề án 522 đã xác định rõ mục tiêu chung đến năm 2025: Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, Đề án chỉ rõ các giải pháp cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm việc “Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông”; “đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh”.
Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra quá nhiều “bài toán” khó cho công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Đơn cử, hình thức tư vấn hướng nghiệp thường được các nhà trường “ưa dùng” bấy lâu vẫn không có gì đặc sắc ngoài mô-típ tư vấn chuyên gia.
Theo đó, nhà trường mời 1 vài vị khách đến trường để trao đổi, nói chuyện với học sinh. Với cách làm này, thời điểm buổi tư vấn khép lại cũng là lúc “công tác hướng nghiệp” kết thúc mà không rõ hiệu quả đến đâu, liệu đã tạo được cảm hứng, giải đáp các thắc mắc “không biết hỏi ai” hay chưa.
Video đang HOT
Hình thức nêu trên “tiện” cho các nhà trường ở nhiều điểm: không phải tổ chức di chuyển cho học sinh, công tác triển khai đơn giản, ít tốn kém… Nhưng lại bộc lộc rất nhiều hạn chế như: học sinh gặp khó trong tương tác với chuyên gia do không gian tổ chức rộng, điều kiện âm thanh, hình ảnh không bảo đảm, sân trường lại tập trung quá đông người nên dễ gây mất tập trung…
Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội, các cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh Thiếu niên Hà Nội (CSS) đã trăn trở, tìm kiếm nguồn lực, phối hợp Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề”.
Cách làm mới
Đúng với tên gọi, Dự án sử dụng nhạc kịch để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Độc đáo, mới lạ và được triển khai lần đầu ở Việt Nam, nhưng Dự án đã thu được phản hồi rất tích cực từ cả học sinh, phụ huynh và các nhà trường.
Thành công của Dự án đến từ chính việc dám nghĩ, dám thử sức, nhất là khi chắp nối, kết hợp nghệ thuật và giáo dục ngay tại các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Mỗi chương trình nhạc kịch hướng nghiệp gồm 2 phần chính. Ở phần đầu, các em học sinh sẽ cùng xem vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”. Tác phẩm được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với nội dung xoay quanh câu chuyện về những băn khoăn của các bạn học sinh cuối cấp trong việc chọn trường, chọn nghề và mâu thuẫn giữa cha mẹ với con cái trong việc định hướng tương lai.
Vở nhạc kịch là bữa tiệc âm nhạc cuốn hút, phù hợp với lứa tuổi học sinh, bởi đã được “chế biến” hài hòa giữa các yếu tố sân khấu, điện ảnh, nhạc kịch. Từ đây, truyền tải đến các bạn trẻ câu chuyện về những băn khoăn tại thời điểm buộc phải tự đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề, mà phần lớn diễn ra trong bối cảnh con cái, cha mẹ đang bất đồng, mâu thuẫn về tương lai.
Thông qua những ca khúc được giới trẻ ưa chuộng, cùng sự nỗ lực của dàn diễn viên trẻ tài năng, vở nhạc kịch đã đưa khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, dẫn dắt đến thông điệp quan trọng nhất: “Học xong rồi sẽ làm gì?”.
Bước vào phần 2 của chương trình, học sinh sẽ trực tiếp tham gia chia sẻ, lắng nghe tư vấn của các diễn giả là chuyên gia hướng nghiệp. Tại đây, những băn khoăn, thắc mắc đối với từng lĩnh vực nghề nghiệp sẽ lần lượt được giải đáp, giúp các bạn trẻ tự chiêm nghiệm, lựa chọn hướng đi phù hợp với bản thân.
1 điểm nhấn khác của chương trình là sự xuất hiện của những khách mời là người nổi tiếng, diễn viên, doanh nhân thành đạt… để khán giả có cơ hội tiếp cận những câu chuyện thực tế về con đường đến thành công của mỗi người đều có điểm chung, đó là sự nỗ lực không ngừng trong học tập, lao động.
Các diễn giả trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc, băn khoăn của khán giả là học sinh tại chương trình hướng nghiệp.
Gặt hái những thành công bước đầu
Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2020, đến nay, sau gần 2 năm, Dự án đã triển khai được 6 chương trình hướng nghiệp bằng nhạc kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam với sự tham gia của gần 4 nghìn khán giả là học sinh, sinh viên trên địa bàn Thủ đô.
Năm 2021, phần nghệ thuật của Dự án cũng đã giành nhiều giải thưởng trong Liên hoan “Ca múa nhạc toàn quốc” năm 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trong đó, có Huy chương vàng dành tặng nội dung “Nhạc kịch”; giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” cùng gần 10 Huy chương vàng, bạc dành tặng các diễn viên, ca khúc và tiết mục trong chương trình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kỹ năng của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh Thiếu niên, Chủ nhiệm Dự án, cho biết: theo kế hoạch, thời gian tới, Dự án sẽ được triển khai định kỳ hằng tháng tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, đồng thời tổ chức lưu động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế…
“Để đáp ứng nhu cầu của các trường học, chúng tôi cũng đang gấp rút xây dựng phiên bản lưu động của chương trình với quy mô đơn giản hơn để có thể tổ chức các buổi hướng nghiệp bằng nhạc kịch ngay tại các trường có nhu cầu”, anh Lê Anh Tuấn nói.
Cú hích thay đổi tư duy
Hiện nay, một bộ phận học sinh và gia đình đã định hướng từ sớm việc tham gia hoạt động ngoại khóa ngoài nỗ lực học các môn văn hóa.
Khuyến khích hoạt động ngoại khóa. Ảnh minh họa/INT
Đó có thể là tạo điều kiện để con phát huy tiềm năng về nghệ thuật, thể thao; phấn đấu trở thành cán bộ lớp năng nổ, hoặc một vị trí có sức thuyết phục cho khả năng lãnh đạo; tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện, thiện nguyện; tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường học...
Nhưng thực tế đây chưa phải số nhiều, và dường như phần đông trong số đó nỗ lực vì mục đích "làm đẹp" hồ sơ để có thể xin học bổng tại một trường đại học ở nước ngoài.
Ở Việt Nam, chú trọng giáo dục toàn diện để phát triển con người cả đức, trí, thể, mĩ luôn là tư tưởng xuyên suốt. Mục tiêu giáo dục trong Luật Giáo dục năm 2019 ghi rõ: "Giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mĩ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân...". Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ngoài 5 phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm), còn đưa ra các năng lực cốt lõi: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực thể chất.
Trong những năm qua, từ bậc mầm non đến phổ thông, các cơ sở giáo dục đều chú trọng tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục STEM cho học sinh bằng nhiều hình thức đa dạng và có kết quả tốt. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc chỉ chú trọng đến dạy và học các môn văn hóa, tư duy chạy theo điểm số vẫn ăn sâu trong không ít nhà trường, thầy cô, học sinh và cả các bậc làm cha mẹ.
Nói đến một trường, điều đầu tiên được quan tâm là học sinh trường đó có nhiều thành tích học tập hay không, điểm thi tốt nghiệp điểm ra sao, hoặc có nhiều em đỗ vào các trường đại học danh tiếng hay không?... học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học, chưa chú trọng rèn luyện thể chất, ít hào hứng tham gia hoạt động khác để phát triển kỹ năng. Học sinh có chiến dịch bài bản để tranh cử chức danh như lớp trưởng, chủ tịch hội học sinh... thường thấy ở các nước phát triển lại là "chuyện hiếm" ở Việt Nam.
Thay đổi việc này không thể một sớm, một chiều. Tuy nhiên, triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt quan tâm tới môn Nghệ thuật, Giáo dục thể chất là tiền đề vô cùng quan trọng cho việc phát triển toàn diện đức, trí, thể, mĩ mỗi trò.
Năm 2022, các trường đại học bắt đầu ưu tiên xét tuyển các tiêu chí khác ngoài điểm học tập, như thành tích văn thể mĩ, hoạt động xã hội, tài năng thể thao... có thể là cú hích để từ người học đến thầy cô và gia đình thay đổi tư duy. Có điều việc quan tâm đến hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng, năng khiếu không nên chỉ dừng lại vì một hồ sơ đẹp, mà phải vì mục tiêu căn bản, lâu dài là phát triển toàn diện con người, đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống hiện đại, từ đó sống tốt, sống có ích và cống hiến.
Giúp trẻ vượt qua khó khăn do học trực tuyến kéo dài Từ cuối năm học cũ vắt sang năm học mới, học sinh vẫn chưa được đến trường do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Các chuyên gia đồng tình rằng, học online là chủ trương đúng đắn, là giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì việc học nhưng cũng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của hình thức...