Gieo chữ phía sau cổng trời
Giờ ăn trưa của các em HS
GD&TĐ – Phía sau “cổng trời”, nơi những mái nhà quanh năm không bao giờ khô ráo bởi lúp xúp của sương mù, lấp lánh những ước mơ của những học trò nơi đây.
Những ước mơ ấy không phải chỉ là vượt qua những dốc, những đèo, mưa dông, nước lũ mà còn vượt qua cả những rào cản, định kiến ngàn đời của cái u tối bủa vây.
Cổng trời – nơi cái chữ bị bỏ quên
Tủa Sín Chải giáp sông Đà, cách thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu hơn 100 km, một trong những xã khó khăn nhất của huyện biên giới Sìn Hồ.
Để đến được nơi đây, chúng tôi phải vượt qua cái dốc núi cao chót vót nhất trong những dãy núi của cao nguyên Sìn Hồ. Mặt người dựng ngược, cảm giác như có thể lấy tay vén mây là chạm tới trời, người ta gọi dốc cao ấy đó là cổng trời.
Video đang HOT
Qua cổng trời, tụt ngay xuống cái dốc sâu hoăm hoắm, rồi mệt nhoài chèo ngược lên trên lưng dốc khum khum, cong cong, dân bản gọi đây là dốc “hổ vồ” là tới Tủa Sín Chải.
Xã có 13 bản thì chỉ có 3 bản có điện lưới quốc gia. Phần lớn các bản không có đường xe máy, phải quốc bộ theo đường mòn nhỏ thón (dân bản gọi là đường chó chạy).
Toàn xã có 744 hộ với 4.842 nhân khẩu, 100% là đồng bào người Mông, sống rải rác trên các triền núi đá; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38%. Một năm 12 tháng, thì có đến quá nửa năm, cái bụng bà con thiếu gạo ăn. “Cái khó bó cái khôn”, khi con người ta cái bụng mà chưa ấm thì còn nghĩ được việc gì nữa.
Hạng A Sáu (75 tuổi, bản Su Chu Phìn), dân bản gọi lão là bố. A Sáu biết nghề rèn, dao, cuốc của lão sắc nhất bản. Tạm ngơi tay với cái ống nhả gió (ống làm bằng thân gỗ dài 2m, có tay cầm khoan lỗ ở giữa giống hệt cái bơm, dùng để thổi lò), gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, lão phân trần:
“Tháng ba ngày tám được đánh no cái bụng mèn mén là sướng lắm rồi, người dân Tủa là thế đấy, đàn ông phải biết rèn con dao, cái cuốc, biết đi săn, đi bẫy; đàn bà phải biết đi nương, làm ra nhiều lúa, ngô, nuôi được nhiều con trâu, con lợn. Học à? Cái đó trước đến nay tôi thấy không quan trọng!”.
Với nếp nghĩ “cái chữ không làm no cái bụng”. Từ nhiều năm nay việc học hành của con em nơi đây chưa được quan tâm. Nhiều gia đình không muốn cho con em đến trường, việc “học” của chính quyền, của thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng tảo hôn, tỷ lệ bỏ học còn cao.
Thầy Dương Văn Nghỉ – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú trung học sơ sở (PTDTBT THCS) Tủa Sín Chải, đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, thầy dẫn chúng tôi lên thăm trường. Trường nằm bên sườn núi, nhìn xuống là những mái nhà người Mông lô nhô ẩn hiện trong phiến đá tai mèo lởm chởm.
Nhâm nhi chén chè còn nóng hổi, khi được hỏi về sự nghiệp giáo dục những năm qua, thầy thở dài: “Trẻ em ở đây sinh ra đã biết lên nương. Chúng ăn, ngủ và lớn trên lưng mẹ, khi biết bò cũng là lúc biết đến con dao, cái nỏ… không biết tự bao giờ tụi nó đã biết rồng rắn nhau lên rừng, xuống suối bẫy con thú, bắt con cá. Thầy cô đến tận nhà, tận nương vận động đi học, chúng bỏ chạy tá hỏa chốn như cuốc lủi”.
Mang con chữ đến với từng HS
Thầy Nghỉ cho biết, năm học 2008 – 2009, nhà trường thực hiện mô mình bán trú dân nuôi, học sinh gần như phải tự túc hoàn toàn trong việc ăn ở, sinh hoạt, các em góp gạo nấu cơm chung; phòng ở thiếu thốn, nhiều học sinh phải đi ở nhờ nhà dân.
Cứ cuối tuần các em phải cử người về nhà lấy gạo. Nhà xa có em về, nhưng không thấy trở lại học, thầy cô xuống tận nhà, tìm đến tận nương, mới hay nhà em không còn gạo ăn, em phải cùng bố mẹ đi nương đào củ mài, củ đậu trong rừng.
Nhìn cảnh chân tay lem luốc bên sườn cái lu đựng đầy đặc những củ của rừng. Trước cảnh đó, thầy chỉ biết ôm trò khóc rưng rức. Rồi những tháng ngày giáp hạt, nhiều em nhà không có lấy một hạt gạo.
Trước cảnh học sinh đói, các thầy cô xót như dao cứa vào lòng, rồi họ tự bảo nhau đóng góp tiền mua mì tôm, gạo cho các em; những cảnh mùa đông giá rét, các em không đủ quần áo mặc, các thầy cô nhường áo, nhường chăn nhưng có thấm vào đâu.
Nhìn trên sách báo, các em học sinh xúng xính áo quần, các thầy, cô nơi đây chỉ ước con em đồng bào trên này bằng một phần nơi ấy.
Thế là họ tìm cách kêu gọi các tổ chức cá nhân quyên qóp quần, áo; riêng thầy hiệu trưởng về tận trường cũ, nơi thầy công tác khi xưa “xin” được hơn 300 bộ quần áo phát cho các em trong mùa lạnh.
Tháng 3/2011, nhà trường được công nhận trường PTDTBT. Theo quyết định mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung, ngoài ra các em được Chính phủ hỗ trợ 15 kg gạo/tháng. Tháng 12/2012, xã Tủa Sín Chải được UBND tỉnh công nhận hoàn thành Chương trình Phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Năm học 2014 – 2015, Trường PTDTBT THCS Tủa Sín Chải đã có 195 học sinh. Trong đó học sinh bán trú là 101 em. Được sự đầu tư của Nhà nước, cùng với công tác xã hội hóa giáo dục, nhà trường đã vận động phụ huynh góp ván, ngày công xây dựng được 10 phòng ở cho học sinh, trong đó có 5 phòng kiên cố và 5 phòng bán kiên cố (phòng bán kiên cố được thưng bằng ván, xung quanh, lợp mái tôn rất chắc chắn). Phòng được trang bị giường tầng đảm bảo chỗ ở cho các em.
Thầy Quàng Văn Vinh – Phó Hiệu trưởng, dẫn chúng tôi tới thăm khu bếp và nhà ăn của các em. Đó là một dãy nhà 5 gian lợp mái tôn, thưng ván, 1 gian làm phòng họp hội đồng nhà trường, 1 gian cho giáo viên ở, còn 3 gian làm phòng ăn.
Nhìn 2 hàng bàn ăn thẳng tăm tắp phía cuối phòng là một chiếc ti vi 30 inch đang phát sóng, hai bên vách tường là bảng nội quy và bảng niêm yết thực phẩm theo ngày. Cảnh chia cơm ríu rít, hòa lẫn tiếng bát, thìa leng keng tạo nên một âm thanh rất vui, tôi cảm thấy nơi đây như một gia đình lớn.
Chiều buông xuống, sương mù bắt đầu giăng kín cổng trời, nhưng tôi chẳng thế nào quên được những gương mặt bẽn lẽn, những đôi mắt to, tròn đen láy và những hoàn cảnh, những số phận. Dù mỗi em là một hoàn cảnh, nhưng các em có chung một ước mơ: Khát vọng về con chữ.
Theo GD&TD