Gieo chữ nơi thượng nguồn sông Giăng
Vượt qua chặng đường hơn 20km đường rừng, chúng tôi tìm về điểm trường THCS Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện miền núi vùng cao – Biên giới Con Cuông, Nghệ An).
ảnh minh họa
Biệt lập trong rừng sâu
Môn Sơn là xã có biên giới với nước bạn Lào dài 33 km, có diện tích hơn 40.000ha, chiếm 1/4 diện tích toàn huyện, dân số trên 8.000 nhân khẩu thuộc 3 dân tộc Thái, Kinh và Đan Lai. Là xã có diện tích rộng dân số đông, từ trung tâm xã đi vào bản xa nhất phải mất cả ngày đường đi bộ, phải vất vả mới vượt qua được những núi cao, suối sâu, thác nước chảy xiết. Môn Sơn là vùng có tộc người Đan Lai, là tộc người thiểu số chỉ duy nhất có ở Con Cuông Nghệ An.
Do sống biệt lập trong rừng sâu nên mọi sinh hoạt gần như cách biệt với thế giới bên ngoài, trình độ dân trí thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, cuộc sống dạy và học của các thầy cô, học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng cái khó về vật chất hay thiếu thốn tình cảm giáo viên không sợ, chỉ sợ nhất là vào đầu năm học hay nghỉ lễ tết xong là học sinh không muốn đến lớp học.
Năm học 2017 – 2018 và cả hàng chục năm học trước đây cứ vào đầu năm học là Ban giám hiệu và giáo viên Trường THCS Môn Sơn lại không thể yên tâm khi học sinh Đan Lai không đến trường nhập học. Ban giám hiệu lại cùng các thầy cô lội suối, vượt đèo vào tận từng gia đình vận động bà con cho con em ra học. Việc vận động học sinh miền núi đi học đã khó, vận động các em tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông) lại càng khó bội phần.
Hiện tại, hai bản người Đan Lai tại bản Búng và bản Cò Phạt nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát có tổng số 81 em học sinh. Các giáo viên Trường THCS Môn Sơn cho biết, hầu như năm học mới nào các thầy giáo cũng tổ chức 6, 7 đợt vận động. Tìm hiểu nguyên nhân do đời sống quá khó khăn, nhận thức hạn chế nên nhiều phụ huynh Đan Lai không muốn cho con cái đến trường.
Video đang HOT
Thấu hiểu thực trạng đó, các thầy giáo bằng mọi cách động viên, thuyết phục, kể cả hỗ trợ vật chất để các em được tới trường.
Nhờ kiên trì bám bản, bám dân nhiều người thấy được tấm lòng của thầy cô giáo nên đã đồng ý cho con trở lại lớp và ngay khi nhận được cái gật đầu của gia đình, các thầy giáo tức tốc chở các em về trường. Tuy vậy sau gần 1 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, các thầy giáo Trường THCS Môn Sơn mới thuyết phục gia đình và đưa được các em trở lại trường học.
Ước mong cho ngày mai
Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn, người được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Mường Quạ cho biết: Đưa được các em ra học, nhà trường phải cam kết với gia đình và lo cho các em toàn bộ cả nơi ăn ở, ngủ nghỉ và thay nhau coi giữ các em.
Tối đến phải thay nhau truyền thụ kiến thức cho các em vì 3 tháng nghỉ hè các em hầu như quên hết kiến thức. Năm nay trời mưa nhiều, đường vào trơn trượt, sông Giăng nước lũ lớn vùng trong đó lại không có sóng điện thoại nên cũng không thể nào liên lạc được. Gần đây đường vào vùng thượng nguồn sông Giăng mới thông, nhưng khi mưa lớn vẫn coi như cách biệt với ngoài này.
Mấy năm nay được Đảng và Nhà nước hỗ trợ, các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, bà con nhân dân góp công để tu sửa cơ sở vật chất của trường, trường đã cao tầng hóa, cơ sở thiết bị được đầu tư, nên sự học tập của con em có nhiều thuận lợi hơn. Chúng tôi cũng mong có được sự quan tâm của các cấp, các ngành để các em học sinh có được việc làm, để công tác vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, con em Đan Lai nói riêng được thuận lợi hơn, giúp xã hoàn thành chương trình phổ cập THCS bền vững hơn.Ông Vi Văn Nam – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Môn Sơn – cho biết: “Hằng năm vào năm học mới, chính quyền địa phương cùng với phụ huynh học sinh cùng bàn bạc lên kế hoạch vận động con em Đan Lai đến trường học đúng kỳ khai giảng năm học, để giảm bớt khó khăn cho thầy cô, nhưng năm nào cũng gặp khó và càng ngày càng khó hơn khi học lên, học cao không có việc làm”.
Theo Giaoducthoidai.vn
Hạnh phúc khi chứng kiến sự tiến bộ của học trò
Đó là chia sẻ của thầy Bùi Công Nguyên - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xéo Dì Hồ (Mù Cang Chải, Yên Bái), người đã có hơn 20 năm gắn bó với những học sinh dân tộc vùng cao.
ảnh minh họa
Sinh ra và lớn lên ở thị xã Nghĩa Lộ nhưng tình yêu đối với các học trò miền núi như một mối cơ duyên kéo thầy Nguyên lên Lao Chải, một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Mù Căng Chải vào năm 1998.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, thầy Nguyên đã dạy học ở hầu khắp các bản gần, bản xa của xã Lao Chải, của thôn Xéo Dì Hồ, quen thuộc đến từng nóc nhà của đồng bào dân tộc.
Thầy Nguyên cho biết: Trước đây, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xéo Dì Hồ là điểm trường lẻ của Trường Phổ thông cơ sở Lao Chải và đến tháng 8 năm 2008 được tách ra như hiện nay.
Ở Lao Chải, có tới 80% người dân trong xã thuộc hộ nghèo, nhà các em học sinh cách điểm trường xa nhất là 18km. Bữa ăn của các em chỉ có ăn ngô khoai, hôm nào khá thì có cơm trắng chan nước. Mùa mưa cũng như mùa khô, nóng cũng như lạnh chỉ có đôi chân trần, manh áo cộc.
Do điều kiện kinh tế khó khăn nên không ai có chăm lo cho con cái, học sinh cũng không có ý thức được đi học. Do vậy, các thầy cô giáo phải đến từng nhà, từng thôn bản để vận động các em đi học.
Thầy Nguyên : Phải có cái chữ, bà con dân bản mới mong thoát nghèo, mới xóa bỏ tập tục lạc hậu. Ở đây, tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng được sống giữa tình thương yêu của bà con dân bản, được tận mắt thấy sự tiến bộ của học trò, tôi thấy thật hạnh phúc.
Trên cương vị là hiệu trưởng, thầy Nguyên đã cùng với tập thể giáo viên nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm học. Ngoài ra, thầy còn tâm huyết, tích cực tham mưu với chính quyền địa phương huy động xã hội hóa xây dựng cở vật chất, làm 27 phòng học tại điểm trường Xéo Dì Hồ, xã Lao Chải với kinh phí ước tính hơn 950 triệu đồng.
Thầy Nguyên cùng tập thể nhà trường đã duy trì số lượng học sinh tại trường Tiểu học Xéo Dì Hồ. Năm học 2016-2017, tất cả 1064 học sinh tại Xéo Dì Hồ đều đi học với tỉ lệ thường xuyên chuyên cần đạt 98 %. Nhờ đó, thầy được tập thể nhà trường và chính quyền địa phương tín nhiệm.
Những sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học đã được Hội đồng sáng kiến Cấp cơ sở huyện Mù Cang Chải nghiệm thu, đánh giá xếp loại Khá, đặc biệt là sáng kiên "Hiệu trưởng với công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn".
Thầy Nguyên đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của tỉnh, của ngành GD-ĐT Yên Bái, đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở năm học 2016-2017.
Vừa qua, thầy Nguyên là giáo viên đại diện cho tỉnh Yên Bái vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ tuyên dương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017
Theo Giaoducthoidai.vn
Trường tốc mái sau bão, 37 học sinh phải đi học tạm Hơn 3 tháng qua, 37 học sinh điểm trường thôn Giang Thanh của trường Mầm non Hoa Cúc Trắng (ở thôn Giang Thanh, xã Ea Đah, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) phải đi học tạm tại hội trường thôn, vì trường bị tốc mái khi gặp bão. ảnh minh họa Sáng 16/1, ông Đinh Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã Ea...