Giấu vợ chuyện không biết chữ, 35 năm sau chồng có hành động khiến ai cũng rơi nước mắt
Bỏ học từ sớm và không biết chữ nhưng không dám nói với vợ, những hành động sau đó của người chồng đã gây “bão” mạng xã hội.
Clip: Ông Yasushi Nishihata hạnh phúc trong ngày tốt nghiệp lớp học chữ.
Một người đàn ông Nhật Bản đã giấu nhẹm việc mình không biết chữ với vợ, tuy nhiên chỉ khoảng nửa năm sau đã bị người vợ phát hiện ra. Nhiều năm sau đó, ông dành rất nhiều thời gian của mình để đi học chữ. Tới những năm tháng cuối đời, người chồng này đã có một quyết định vô cùng cảm động.
“Trước đây anh đã hứa sẽ viết cho em một bức thư tình nhưng anh lại không đủ can đảm để viết. Năm nay là năm thứ 35 kể từ ngày anh cưới em. Anh sẽ viết một bức thư tình trong ngày Giáng sinh để bày tỏ tình yêu mà anh dành cho em”. Đó là một phần nội dung trong lá thư tình mà ông Yasushi Nishihata, 85 tuổi, sống tại thành phố Nara, vùng Kinki, Nhật Bản, viết tặng cho vợ.
Ông Yasushi và bà Akiko thời trẻ.
Cụ ông Yasushi vừa tốt nghiệp lớp học ban đêm của trường trung học cơ sở Kasuga vào tháng 3/2020, sau 20 năm học hành. Tại Nhật Bản, có khoảng 34 lớp học ban đêm như vậy. Có rất nhiều lý do với những học viên ở đây, có người không thể hoàn thành chương trình giáo dục do thời kỳ chiến tranh hỗn loạn, có những người không được đi học, có người quốc tịch nước ngoài muốn học tiếng Nhật.
Một trong số những trường hợp đặc biệt của lớp học ban đêm này là cụ ông Yasushi Nishihata. Ông sinh ra trong một ngôi làng miền núi của tỉnh Wakayama, là con trai cả, mẹ mất sớm, bố làm nghề nấu than. Do gia cảnh nghèo khó, ông Yasushi đã tự lập từ nhỏ, tự đi kiếm tiền phụ giúp bố bằng nghề phơi và bán giấy. Thời điểm đó, ông tự tiết kiệm được 20.000 yên (hơn 4,4 triệu đồng), là một số tiền khá lớn. Vì sợ mất, ông luôn mang theo mình kể cả khi đi học. Một lần, khi giáo viên nhìn thấy, đã đổ lỗi cho ông ăn trộm vì không tin ông có nhiều tiền như vậy. Quá xấu hổ, ông Yasushi quyết định bỏ học từ đó. Từ năm 12 tuổi, ông đã cùng bố ra ngoài làm việc như người lớn.
Năm 14 tuổi, ông Yasushi xin làm trong một quán cafe nhưng vì không biết chữ nên không thể đi mua đồ đạc, nhiều lần bị chủ đánh mắng. Những năm tháng sau đó của ông gặp rất nhiều chông gai và khó khăn. Năm 30 tuổi, ông gặp được một đầu bếp tại nhà hàng sushi ở thành phố Nara. Người này vô cùng tốt bụng, nhận ông vào làm mà không quan tâm lai lịch hay chuyện ông không biết chữ. Cũng tại đó, cuộc gặp gỡ định mệnh của cuộc đời ông đã đến.
Một trong những lá thư tình mà ông Yasushi viết cho vợ.
Năm 35 tuổi, ông Yasushi gặp được bà Akiko, bằng tuổi mình, là một phụ nữ xinh đẹp và tài giỏi, làm nghề hướng dẫn máy đánh chữ. Cả 2 yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên và chẳng bao lâu thì tiến tới hôn nhân. Ông Yasushi đã giấu nhẹm chuyện mình không biết chữ với vợ vì xấu hổ, phải nửa năm sau đó mới bị phát hiện mình không thể đọc và viết.
Ban đầu, bà Akiko có vẻ ngạc nhiên, khiến ông Yasushi tưởng rằng cuộc hôn nhân của mình sẽ chấm dứt tại đó. Nào ngờ, bà Akiko nói với chồng: “Hãy cùng nhau làm việc chăm chỉ”. Kể từ đó, bà luôn ở bên giúp đỡ và động viên chồng học chữ. Vài năm sau, ông Yasushi cũng bắt đầu tham gia các lớp học ban đêm. Vì đã lớn tuổi nên việc học hành gặp không ít khó khăn, sau nửa năm ông Yasushi mới viết được tên và địa chỉ của mình. Thế nhưng sau vài năm, ông Yasushi đã thuộc hết bảng chữ cái, có thói quen mới là đọc báo mỗi ngày.
Bà Akiko đã qua đời năm 2014.
Vào lễ Giáng sinh tuổi 71, ông Yasushi đã quyết định viết bức thư tình đầu tiên trong đời cho người vợ yêu quý đã gắn bó suốt 35 năm. Bức thư 7 trang đã khiến bà Akiko bật khóc nức nở. Những năm sau đó, ông Yasushi tiếp tục tặng cho vợ 2 bức thư tình lãng mạn khác, điều mà hiếm ai còn làm khi ở tuổi đó.
Thế nhưng vào trước Giáng sinh năm 2014, bà Akiko đã vĩnh viễn rời xa ông Yasushi, không kịp nhận bức thư tình thứ 4 trong đời mình.
Tháng 3/2020, ông Yasushi đã tốt nghiệp lớp học của mình ở tuổi 85 trong niềm hạnh phúc, đạt được mơ ước của cuộc đời. Giờ đây, ông đã có thể đọc và viết thành thạo. Nhìn lại bức thư tình thứ 3 mà ông từng viết cho vợ, cũng là lá thư cuối cùng mà bà Akiko nhìn thấy, câu cuối có viết: “Nếu có kiếp sau, anh vẫn muốn gặp lại em”.
Chuyện "gieo chữ" bên sườn núi Pu Si Lung
Bên sườn núi Pu Si Lung, các thầy, cô giáo điểm trường tiểu học Khoang Thèn vẫn hàng ngày miệt mài bám bản, bám lớp, "gieo" từng con chữ cho con em đồng bào địa phương.
Giờ tập đọc của lớp 2, điểm trường tiểu học Khoang Thèn, xã biên giới Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), tiếng đánh vần của học sinh ê a vang vọng núi rừng. Lớp học chưa đầy 10 học sinh, ai cũng chăm chú nhìn lên bảng, với bài giảng về nét đẹp của quê hương, đất nước.
Ngừng tay phấn, cô giáo Cao Thị Thanh Hương tâm sự, để có được tỷ lệ chuyên cần như hôm nay, các thầy cô giáo đã phải nỗ lực rất nhiều, vì mùa này các cháu thường theo cha mẹ đi nương, đi rừng. Người dân trên địa bàn phần lớn là hộ nghèo, thuộc dân tộc đặc biệt khó khăn, nên hầu hết bà con cũng không quan tâm tới việc học chữ của con em mình.
Phần lớn các điểm trường bản tại xã biên giới Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là các nhà học tạm
Quê cô Hương tại huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây (cũ), cô lên miền biên viễn Pa Vệ Sủ công tác, mặc cho gia đình, người thân ngăn cản. Những tưởng chỉ công tác một vài năm rồi xin chuyển vùng, nhưng mỗi lần dự định chuyển, nhìn các em học sinh, sống mũi cô lại thấy cay cay. Quyết định đó cũng vụt đi vài lần và khi lập gia đình, cô đã quyết định ở lại.
"Ở đây, địa bàn xa xôi, hầu hết học sinh là dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nhiều em hoàn cảnh rất vất vả. Các em thường bỏ đi nương nhiều, nên khi đi vận động học sinh thì giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thấy các cô giáo nói, hôm nay sắp đến 20/11 rồi thì các em cũng đi hái hoa dại về tặng cho các cô giáo ở bản. Cảm thấy rất là vui vì các em cũng đã biết ngày đó là ngày tri ân các thầy, cô giáo", cô giáo Hương tâm sự.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thầy, cô giáo nơi đây vẫn đang nỗ lực từng ngày để bám bản, bám lớp, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương
Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ được sáp nhập cách đây 2 năm trên cơ sở của 2 trường tiểu học. Hiện, nhà trường có 33 lớp, gần 400 học sinh. Do thiếu thốn cơ sở vật chất, địa bàn rộng, nên hiện nhà trường vẫn duy trì việc dạy và học tại 14 điểm bản. Ngoài vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, dạy chữ, hàng ngày, các điểm trường phải thực hiện chế độ nuôi ăn bán trú và dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Thầy giáo Vũ Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Vệ Sủ cho biết, toàn trường hiện có 64 cán bộ, giáo viên. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng dịp này, nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam như phát động thi đua điểm 10, tổ chức văn nghệ... Không có quà, hoa như miền xuôi, nhưng lời ca, tiếng hát của học sinh và sự cổ vũ, động viên của phụ huynh đến xem cũng là niềm động viên lớn để các thầy, cô giáo tiếp tục bám trường, bám lớp.
"Cũng có nhiều kỷ niệm với học sinh và đồng bào, tổ chức văn nghệ thì cũng được các cháu đến cổ vũ các thầy, các cô trong ngày này. Rồi bà con nhân dân đến cổ vũ phong trào, cùng tham gia các tiết mục văn nghệ mà nhà trường xây dựng lên. Giáo viên cũng chỉ mong các em đến trường, đến lớp đầy đủ, duy trì tỷ lệ chuyên cần để làm sao đảm bảo được chỉ tiêu, chất lượng giáo dục, như thế chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ", thầy Viện nói.
Ngày nhà giáo Việt Nam, món quà các em tặng cô là những cành hoa dại hái ven rừng
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Pa Vệ Sủ hiện có gần 300 học sinh, ở 8 lớp học, trong đó có gần 200 học sinh thuộc diện ăn ở bán trú. Nhờ sự tận tâm, tận lực của mỗi thầy cô trong trong truyền dạy con chữ và kiến thức khác, nên ngoài duy trì được sỹ số, chất lượng giáo dục trong nhà trường cũng không ngừng được nâng lên, có em đã đạt tới danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
"Mấy năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh ra lớp được đảm bảo hơn. Năm học trước, nhà trường còn có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đây là điều rất đáng mừng. Ngày hiến chương các nhà giáo mấy năm gần đây thì cũng đã có học sinh mang hoa rừng đến tặng các thầy cô. Việc làm này cũng đã phần nào động viên các thầy, cô giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn này", thầy giáo Phan Thanh Hội, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Vệ Sủ cho hay.
Khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo đang được đền đáp khi các thế hệ học sinh người La Hủ đang lớn lên, với hy vọng mang kiến thức, kỹ năng sống đã được trang bị về xây dựng bản làng, quê hương.
Ở nơi heo hút mây núi giữa đại ngàn Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sự nỗ lực của các thầy, cô giáo đang từng ngày được đền đáp khi thế hệ học sinh dân tộc La Hủ lớn lên và có thay đổi nhận thức nhờ kiến thức được trang bị dưới mái trường. Để rồi đây, chính các em sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng bản làng, quê hương mình ngày thêm giàu mạnh./.
Những người gieo chữ lúc chạng vạng Ở TP HCM, cứ khoảng 18h30 phút trong lúc người người tất tả trở về nhà sau một ngày học tập và làm việc thì những lớp học đặc biệt tại trường tiểu học Bông Sao, Quận 8 mới bắt đầu vào buổi học. Tiếng giảng bài, tiếng ê a đánh vần từng con chữ lại vang lên từ lớp học đặc biệt...