Giấu tội ác trong căn hầm tối
Patrick Murray biết có điều gì đó không bình thường khinnghe thấy tiếng hú liên hồi từ con chó của bà chủ nhà.
Lúc đó là gần 4h sáng ngày 1/4/1935 ở Fort Hamilton quận Brooklyn, Murray mệt mỏi trở về ngôi nhà hai tầng trên Đại lộ Marine, nơi anh ta sống trên lầu cùng vợ và con sau khi hoàn thành ca tối ở trạm tàu điện ngầm.
Đột nhiên, anh ta phát hiện con chó tên Brownie bị trói ở sân sau, nhảy rống lên và sủa liên tục. Murray biết bà Kelly luôn đưa Brownie vào nhà lúc 10 giờ tối, và suy nghĩ đầu tiên của anh lúc này là bà lão tốt bụng có thể đã gục ngã trong nhà.
Murray cởi trói cho con chó và đi theo khi nó dẫn anh ta xuống tầng hầm, cào cấu vào cánh cửa. Murray mở cửa ra thì Brownie phóng qua anh chạy xuống cầu thang. Tim anh đập thình thịch, anh gọi bà Kelly giữa bóng tối bao trùm, nhưng không có phản hồi ngoại trừ tiếng động phát ra từ chú chó Brownie.
Murray tìm chiếc đèn pin và bước từ từ xuống cầu thang, phát hiện bà Nora Kelly, 60 tuổi, đang bị treo trên thanh xà bằng sợi dây điện thoại cỡ lớn.
Chú chó Brownie trung thành với bà chủ. Ảnh: NY Daily News
Bà Kelly là goá bụa từ lâu nuôi năm đứa con với thu nhập eo hẹp từ việc giặt quần áo cho những người lính ở Pháo đài Hamilton gần đó. Sau khi các con chuyển ra ngoài sống, bà cho gia đình Murray thuê căn lầu phía trên với giá 30 USD một tháng.
Từ khi con gái qua đời, bà đã nhận nuôi hai cháu gái sinh đôi cùng với chị gái của chúng suốt hơn 10 năm qua. Vài tháng trước, các cháu bà chuyển đến sống ở căn hộ của cha chúng tại thành phố Willimsburg.
Bà cũng nhận nuôi một cô cháu gái khác bị cha bỏ rơi và mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng cô. Đó là Florence McVey.
Murray nói với cảnh sát rằng cô cháu gái 18 tuổi này là học sinh xuất sắc nhưng đã bỏ học và nhận làm gia sư cho một gia đình ở Brooklyn để trang trải chi phí cho gia đình. Florence thường dành mọi ngày chủ nhật để thăm bà.
Cảnh sát ban đầu cũng bối rối trước vụ án bởi hiện trường giống như tự sát. Trong bếp là những thứ còn sót lại của bữa tối chủ nhật dành cho hai người: một bát thịt viên, một ít bánh mì, hai cốc cà phê.
Cảnh sát đoán Florence hẳn đã đến thăm bà như thường lệ và sau đó rời đi. Nhưng điều gì khiến người bà rời khỏi bàn ăn và xuống tầng hầm tối tăm để treo cổ tự tử?
Các điều tra viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm và thẩm vấn Florence đã không cần phải đi xa để tìm thấy. Một cảnh sát khám nghiệm trong phòng khách đã phát hiện thi thể cô bé nằm trên sàn trước ghế sofa.
Không có dấu hiệu vật lộn, không có vết bầm tím trên mặt hoặc cổ, không có vết máu mà dấy lên nghi ngờ rằng cô bị đầu độc. Hai giả thuyết được đặt ra: Florence đột ngột qua đời vì cơn đau tim hoặc co giật, bà Kelly khi phát hiện đã quyết định tự tử và đi xuống căn hầm để treo cổ.
Cả hai giả thuyết đều không đúng sau khi các điều tra viên công bố kết quả điều tra chiều hôm đó. Khám nghiệm tử thi cho thấy bà Kelly không phải tự sát. Phổi của bà đã xẹp xuống vì một cú đánh ác nghiệt vào ngực. Kẻ thủ ác tạo hiện trường giống như tự sát. Khám nghiệm tử thi của Florence cho thấy cô chết vì ngạt thở. Cảnh sát cho rằng đây có thể là vụ cướp và hung thủ có thể là người cả hai nạn nhân đều biết.
Video đang HOT
Làm việc với hàng xóm và các thành viên trong gia đình để thu thập chứng cứ, cảnh sát nhanh chóng tập trung vào Edward Kelly, con trai của bà Kelly.
Thất nghiệp, vô gia cư và sống với mẹ một thời gian dài nhưng anh khẳng định anh không ở gần khu nhà vào đêm xảy ra vụ án. Ý nghĩ một người có thể thực hiện những tội ác tày trời như vậy với mẹ và cháu gái khiến ngay cả những cảnh sát kỳ cựu cũng phải băn khoăn và hoài nghi. Nhưng Edward có bằng chứng ngoại phạm – anh ấy đã dành cả buổi tối để ngủ trong tầng hầm của một tòa nhà trong khu phố – điều này đã được chứng thực bởi một kẻ sống lang thang gần đó. Ngay sau khi Edward bị gạch tên khỏi danh sách tình nghi, vụ án có những tình tiết mới xuất hiện.
Một người bạn cũ của bà Kelly, Eleanor Myers, khai với cảnh sát rằng bà đã đi bộ đến nhà bà Kelly vào khoảng 9h tối chủ nhật, ba tiếng trước khi án mạng xảy ra.
Myers cho biết bà đã gặp Thomas McFarland, con rể của bà Kelly và là cha của ba cô gái chuyển đến sống với bà gần đây. McFarland có vẻ không ổn khi anh ấy nói với bà Myers rằng mẹ vợ không có nhà và đột ngột đóng cửa lại.
Cảnh sát nhanh chóng bắt Thomas McFarland. Anh ta được lấy dấu vân tay, sau đó bị thẩm vấn trong bốn giờ tại đồn cảnh sát Fort Hamilton.
Sau bốn tiếng thẩm vấn, McFarland đã nhận tội về vụ giết người nhưng thề rằng đã uống rượu suốt cả ngày và không thể nhớ gì nhiều. Anh ta nói”hoàn toàn không có lý do, không có động cơ” và đổ lỗi say rượu cho tội ác tày trời của mình.
Các công tố viên cáo buộc anh ta đã cãi nhau với bà Kelly khi bà ngăn anh ta uống rượu khi đến thăm nhà bà. Tức tối, McFarland ra tay sát hại bà, sau đó hoảng loạn và thủ tiêu cả cô cháu gái Florence vì là nhân chứng.
Tại phiên tòa xét xử anh ta, các luật sư của McFarland đã đưa ra lời bào chữa rằng anh ta là một cựu chiến binh trong Thế chiến thứ nhất và bị chấn động tâm thần.
Nhưng ngay cả lời khai đau lòng của đứa con gái 14 tuổi của anh ta, người nói rằng anh ta dễ bị thay đổi tâm trạng và hay mất trí tạm thời cũng không thể giúp McFarland thoát khỏi án tử bằng ghế điện.
McFarland đã bị thi hành án vào tháng 8/1936 sau khi nói với các phóng viên: “Tôi ước có thể sửa chữa những sai lầm đã gây ra”.
Phát đạn ẩn giấu trong cuốn sách khoét ruột
Joan Kipp bị đạn găm trúng tim ngay khi vừa mở cuốn sách nấu ăn dày cộp bị khoét ruột, gửi qua đường bưu điện.
Khi chồng chạy vào bếp, Joan, 54 tuổi, đã gục ngã dưới đất. Bà hoảng loạn, lấy tay ôm chặt ngực nhưng không thể ngăn được màu đỏ thẫm loang dần trên áo.
"Hãy nhìn chúng làm gì em này... có thể còn những người khác nữa", Joan khóc và nói với chồng. Giọng ngày càng rời rạc.
Chỉ vài phút trước, Joan còn rất vui mừng vì tưởng được các con tặng cho cuốn sách nấu ăn, do cuối tuần ấy chính là dịp lễ Ngày Của Mẹ. Joan chết trên bàn mổ vào chiều hôm ấy, ngày 7/5/1982. Trong thi thể, bác sĩ gắp được hai viên đạn cỡ 5,6 mm, một viên găm vào tim. Tường phòng bếp có găm viên đạn thứ ba.
Cái chết của Joan lập tức thu hút sự chú ý của nhà chức trách, chủ yếu là do hung khí được ngụy trang trong cuốn sách bìa cứng. Cuốn sách được bọc trong bưu kiện và gửi qua đường bưu điện. Tên người nhận là Joan, trú quận Brooklyn, thành phố New York. Địa chỉ người gửi là ở quận Staten Island, cũng thuộc New York.
Hung khí thuộc dạng "súng tự chế" - loại súng có thể có nhiều kiểu dáng khác nhau như được ngụy trang trong bút bi hoặc trong gậy chống. Trong trường hợp của Joan, "khẩu súng" được đặt trong sách.
Một kiểu súng tự chế được ngụy trang thành bút. Ảnh: New Strait Times .
Cuốn sách này chỉ nhỏ hơn cuốn niên giám điện thoại một chút. Sau trang bìa có dòng chữ in hoa viết tay với nội dung đe dọa: "Joan à, mày chết rồi. Howard, Craig, và Doreen sẽ theo sau".
Ruột cuốn sách dày bị khoét gần hết, bên trong đặt hai cục pin tiểu được đấu dây trực tiếp với ba ống thép. Mỗi ống thép được nhồi lượng thuốc súng gấp đôi bình thường cùng một viên đạn cỡ 5,6 mm không vỏ. Hai ống thép chĩa về hướng người mở sách, ống thứ ba hướng về gáy sách. Khi cuốn sách được mở, mạch điện bên trong được khép kín. Thuốc súng bị đốt cháy, khiến viên đạn bắn ra khỏi ống thép.
Sự nghi ngờ của cảnh sát lập tức rơi vào chồng nạn nhân, Howard Kipp. Theo báo chí, Howard rất cởi mở với nhà chức trách. Ông giao nộp nhật ký của vợ và thậm chí cả chìa khóa ra vào công ty. Điều tra viên mau chóng loại Howard khỏi diện tình nghi.
Tiếp theo, điều tra viên hướng sự chú ý vào con trai nạn nhân, Craig Kipp, 28 tuổi. Craig từng làm cho công ty của bố mẹ nhưng bị đuổi vì làm việc không tốt nên có thể sinh lòng thù oán. Anh ta còn là thợ điện trên tàu thuyền nên có thể có đủ kỹ năng để chế quả "bom sách".
Chuyên gia chữ viết của điều tra viên cho rằng dòng chữ đe dọa giống mẫu chữ của Craig. Ngoài ra, cảnh khuyển cũng ngửi thấy cùng mùi thuốc nổ trên một chiếc tất thuộc về Craig.
Tuy nhiên, mọi chứng cứ buộc tội Craig đều mất giá trị vào tháng 6/1983. Ba chuyên gia chữ viết khác được gia đình Kipp mời đến đều cho rằng dòng chữ đe dọa không giống chữ của Craig. Theo họ, việc so sánh đối chiếu chữ in hoa là gần như không thể. Chứng cứ về cảnh khuyển cũng gặp số phận tương tự. Không còn chứng cứ đáng kể, công tố viên buộc phải hủy cáo trạng với Craig.
10 năm sau cái chết của Joan, cảnh sát New York mới gặp lại thủ đoạn của kẻ đánh bom bí ẩn trong vụ án của gia đình Lenza, trú tại Staten Island.
Ngày 15/10/1993, khi vừa mở chiếc hộp nhung màu xanh đựng đồng xu kỉ niệm bên trong, Anthony Lenza bị viên đạn cỡ 5,6 mm bắn trúng. Hai người khác trong gia đình, trong đó có bé gái 11 tuổi, cũng bị thương vì mảnh đạn. Cả ba đều sống sót.
Bưu kiện đựng hộp được đóng dấu bưu điện ở Staten Island, cùng nơi sống của gia đình Lenza. Qua xem xét, các chuyên gia nhận ra quả bom trong hộp lần này với quả bom trong sách trong vụ án nhà Kipp do cùng một kẻ chế tạo.
Quả bom giết chết Joan Kipp được giấu trong cuốn sách nấu ăn bìa cứng. Ảnh: Heyridge.
Tháng 4/1994, kẻ bí ẩn lại ra tay. Ngày 5/4/1994, Alice Caswell, 75 tuổi, đi bộ ra ngoài cửa trước căn nhà ở quận Brooklyn để lấy thư. Lúc này, Caswell bắt gặp bưu kiện được gửi cho anh trai bà, người đã chuyển nhà từ 15 năm trước. Tò mò, Caswell mang bưu phẩm vào trong nhà và mở ra.
Sau lớp giấy gói bưu kiện cũng là chiếc hộp nhung màu xanh dương, loại hộp thường được dùng để đựng đồng xu hoặc huy chương kỷ niệm. Khi hộp vừa mở, một tiếng nổ vang lên, Caswell ngã gục xuống sàn vì viên đạn 5,6 mm găm vào bụng. Nhưng bất chấp tuổi tác, cụ bà 75 tuổi vẫn có thể bò đến cửa hàng xóm cầu cứu. Bà sống sót sau vụ tấn công.
Hơn một năm sau, một vụ đánh bom nữa lại xảy ra nhằm vào Stephanie Gaffney, 18 tuổi, bà mẹ bầu 8 tháng sống tại quận Queens, New York. Ngày 27/6/1995, Gaffney quyết định ra ngoài lấy thư với hy vọng cơn đau bụng sẽ thuyên giảm.
Trong hòm thư có một bưu kiện được gửi từ quận Manhattan, New York. Người nhận là "Gilmore", tên ông ngoại Gaffney. Bên trong bưu kiện là cuốn sách bìa cứng màu xanh dương. Khi thiếu nữ vừa mở sách, ba viên đạn cỡ 5,6 mm bắn ra.
Gaffney bị mảnh đạn văng vào nhưng không trúng chỗ yếu hại. Tuy vậy, cô gái vẫn lên cơn chuyển dạ và lập tức được đưa tới bệnh viện. Gaffney sinh con vào cùng ngày. Cô nói may mắn sống sót vì đã mở sách ở góc nghiêng nên tránh được ba ống thép.
Vụ đánh bom cuối cùng xảy ra vào ngày 20/6/1996. Bưu kiện lần này là cuốn băng cát-xét được gửi cho Richard Basile, nhân viên bất động sản đã nghỉ hưu tại quận Brooklyn. Richard có thể tránh được đạn nhờ mở bưu kiện từ khoảng cách xa. Hai viên đạn cỡ 5,6 mm chỉ làm cửa kính vỡ toang.
"Nếu mở bưu kiện từ một hướng khác, ông ấy đã trúng hai viên đạn vào bụng", người đưa thư cho Basile nói.
Sau lần tấn công vào Richard Basile, chuỗi vụ đánh bom cũng chấm dứt. Nguyên nhân đằng sau không bao giờ được làm rõ.
Trong cuộc điều tra vào kẻ đánh bom bí ẩn, cảnh sát có đưa ra một số giả thuyết. Một trong số giả thuyết này có liên quan mật thiết với nghi phạm có tên Steven Wavra.
Năm 1995, Wavra bị bắt vì khoét ruột cuốn sách trong thư viện quận Brooklyn để chế tạo bẫy giống thiết bị giết chết Joan Kipp. Nhưng thay vì nhồi đạn, thiết bị của Wavra dùng dao cạo. Ngoài ra, Wavra cũng từng ngồi tù vì tàng trữ đạn dược, gồm bốn viên đạn cỡ 5,6 mm, cùng cỡ đạn kẻ đánh bom hay sử dụng.
Hồi cấp 3, Wavra học ở trường nơi Joan làm tư vấn tâm lý. Wavra nói "không có thù hận gì với Joan" trong thời gian này. Tuy nhiên, hắn từng bị đúp hai năm tại ngôi trường nơi Joan làm việc.
Lỗ hổng trong giả thuyết này là việc tại thời điểm Joan chết, Wavra đang ngồi tù. Một số điều tra viên cho rằng Wavra có thể tuồn những bộ phận chế tạo bom sách ra ngoài nhà tù. Đồng bọn của Wavra ở ngoài sẽ phụ trách lắp ráp và gửi cho nạn nhân. Nếu vậy, tại sao Wavra có thể tuồn được bộ phận chế súng ra ngoài trong khi thư từ gửi đi từ nhà tù sẽ bị kiểm tra và kiểm duyệt?
Bản đồ 5 vụ tấn công bằng bom tự chế. Ảnh: Unsolved Mysteries .
Sự ngẫu nhiên của 5 vụ tấn công là điều khiến nhà chức trách gặp khó khăn nhất. Giữa các nạn nhân dường như không có mối liên hệ nào, trừ việc đa số họ từng có thời gian làm công chức hoặc quân đội. Ngoài ra, tại sao hung thủ chờ 10 năm sau vụ đánh bom đầu tiên rồi mới gây ra liên tiếp bốn vụ khác.
Cách các nạn nhân trả lời phỏng vấn cảnh sát cũng đáng chú ý. Họ dường như rất dè dặt, không hợp tác, và chỉ muốn bỏ lại vụ tấn công sau lưng. Điều này khiến làm phát sinh giả thuyết kẻ tấn công biết bí mật đen tối của nạn nhân và muốn tống tiền. Những quả bom là cách uy hiếp khi nạn nhân bị từ chối.
Nếu đúng như vậy, giả thuyết này có thể lý giải lời nói trước khi chết của Joan Kipp về việc "có những người khác nữa". Có thể Joan là thành viên đường dây tội phạm nào đó và đã bị hung thủ tống tiền. Nhưng gia đình và một số đồng nghiệp bác bỏ giả thuyết này vì Joan luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác và sống cuộc sống khá bao bọc.
Đến nay, nhà chức trách vẫn không có chứng cứ chắc chắn đối với bất cứ giả thuyết nào. Sau gần 40 năm, danh tính kẻ đánh bom bí ẩn tại thành phố New York vẫn còn là bí ẩn chưa được giải mã.
Thủ lĩnh 'giáo phái tình dục' bị phạt 120 năm tù Keith Raniere, 60 tuổi, lãnh án 120 năm tù với cáo buộc cầm đầu tổ chức chuyên tuyển phụ nữ vào làm "nô lệ tình dục". Ngày 27/10, Raniere lãnh án tại tòa án liên bang tại quận Brooklyn, thành phố New York về nhiều tội danh như Buôn bán tình dục, Xâm hại trẻ em, và Buôn người. Ngoài phạt tù, Raniere...