Giật mình nhiều hình thức chống phá kỳ khảo sát trực tuyến đầu tiên lớp 12 tại Hà Nội
Quá trình tổ chức khảo sát trực tuyến lớp 12 tại Hà Nội đã bị tấn công DDOS, chống phá kỳ khảo sát bằng cách giải bài đưa đáp án lên mạng xã hội, kích động học sinh không tham gia khảo sát…
Ngày 5/6, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, từ ngày 29/5 đến ngày 31/5/2020, học sinh lớp 12 trên địa bàn Hà Nội đã được tham gia kiểm tra khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến. Đây là đợt khảo sát đầu tiên trong tổng số 3 đợt mà Sở tổ chức trong năm 2020. Các đợt khảo sát này được tổ chức nhằm góp phần chuẩn bị tốt nhất cho học sinh lớp 12 toàn thành phố về kiến thức, kỹ năng phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng đối với lớp 12 THPT và GDTX trên phần mềm Hanoi Study. Để các kỳ khảo sát thực hiện đạt hiệu quả cao nhất, Sở đã chỉ đạo chuẩn bị kỹ các điều kiện về chuyên môn và cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ khảo sát.
Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức 3 đợt khảo sát trực tuyến dành cho học sinh lớp 12. Ảnh minh họa: Q.A
Trong thời gian tổ chức khảo sát cho học sinh, Cục CNTT đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc kết nối của các địa phương trong cả nước với hệ thống máy chủ của Bộ GD&ĐT.
Theo báo cáo của bộ phận kỹ thuật, hệ thống có thể đáp ứng cho trên 200.000 học sinh tham gia dự khảo sát trong cùng một thời điểm nên hoàn toàn yên tâm về hệ thống đảm bảo cho hơn 74.000 học sinh của Hà Nội thực hiện khảo sát.
Video đang HOT
Kết quả, lần đầu tiên kỳ khảo sát bằng hình thức trực tuyến diễn ra với quy mô lớn, với hơn 74.000 thí sinh tham gia khảo sát, tỷ lệ học sinh nộp bài thành công: môn Toán 97,5%; Vật lý: 98,9%; Hóa học: 99,6%; Sinh học: 99,7%; Lịch sử:99,6%; Đại lý: 99,6%; Giáo dục công dân: 99,8%; Tiếng Anh: 99,6%. Tỷ lệ tham gia khảo sát, nộp bài thành công cao đã phản ánh sự quan tâm của phụ huynh, sự tham gia tích cực của học sinh đối với cuộc khảo sát lần này.
Tuy nhiên, có 1 sự cố ngoài mong muốn đã xảy ra ngay khi bài thi môn Toán được tổ chức (ngày 29/5/2020), hệ thống phần mềm đã bị tấn công DDOS từ bên ngoài gây nhiễu và quá tải hệ thống tại thời điểm phát đề cho thí sinh. Cục CNTT đã nhanh chóng kiểm soát, hệ thống đã được khắc phục kịp thời cho thí sinh thực hiện bài khảo sát bình thường. Về cơ bản các lỗi kĩ thuật xảy ra vào buổi khảo sát đầu tiên đã được khắc phục gần như triệt để ở các buổi sau.
Trong quá trình tổ chức khảo sát đợt 1, Sở GD&ĐT cũng đã ghi nhận hiện tượng chống phá kỳ khảo sát này như: Tổ chức giải bài đưa đáp án lên mạng xã hội, kích động học sinh không tham gia khảo sát, viết bài hoặc thông tin không đúng lên mạng xã hội. Sở GDĐT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan ngăn chặn, xử lý hiện tượng này trong các đợt khảo sát tiếp theo.
Bước đầu, Sở GDĐT Hà Nội đã có Công văn số 1695/SGDĐT-GDPT ngày 02/6/2020 đề nghị Công an Thành phố Hà Nội điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật việc làm của các đối tượng có hành vi chống phá, tấn công vào hệ thống, làm ảnh hưởng đến hệ thống đường truyền, làm sai lệch mục đích của kỳ khảo sát, không mang tính giáo dục, tạo dư luận xấu trong cộng đồng, nhất là đối với các em học sinh trong việc học tập, thi cử.
Ngoài ra, trong thẩm quyền của mình, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp là giáo viên, học sinh cố tình vi phạm các quy định của pháp luật cũng như quy chế của ngành.
Khảo sát chất lượng HS lớp 12: Cơ hội tập dượt trước kỳ thi tốt nghiệp
Học sinh lớp 12 Hà Nội có 3 lần làm bài kiểm tra khảo sát bằng hình thức trực tuyến để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Việc khảo sát giúp các trường giảm thời gian, công sức, tài chính trong công tác in sao đề, coi, chấm bài.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) làm bài kiểm tra khảo sát.
Thầy - trò cùng bù lấp kiến thức còn thiếu
Kỳ khảo sát lần thứ nhất tiến hành vào các ngày 29, 30, 31/5. Lần thứ hai vào ngày 19, 20, 21/6; lần thứ ba vào ngày 10, 11, 12/7. Mỗi học sinh THPT dự kiểm tra 3 bài, trong đó có 2 bài bắt buộc (môn Toán, Tiếng Anh) và một bài tự chọn KHTN (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Là một trong 11 trường được lựa chọn thử nghiệm thi trực tuyến trước khi tiến hành trên diện rộng, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, tập huấn cho giáo viên. Dù không áp lực về điểm số nhưng học sinh đã làm bài thi nghiêm túc theo quy định. Các giám thị online cũng làm việc nghiêm túc, sẵn sàng giải đáp thắc mắc và hỗ trợ kỹ thuật cho học sinh.
Thầy Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết: Kỳ khảo sát không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức, mà còn cho các thầy cô giáo biết được điểm mạnh, điểm yếu của các em để có kế hoạch củng cố kiến thức cho phù hợp.
Thông qua kiểm tra khảo sát, giáo viên bộ môn nắm được điểm còn yếu, hạn chế của học sinh, từ đó có biện pháp bồi dưỡng kịp thời để khắc phục. Học sinh cũng tự rút ra kinh nghiệm trong việc làm bài, xác định được những phần kiến thức còn yếu cần bù lấp.
Khắc phục sự cố đường truyền
Ghi nhận trong buổi thi đầu tiên, sau bài kiểm tra môn Toán, một số học sinh gặp khó khăn do đường truyền Internet không ổn định, đề kiểm tra bị lỗi phông chữ, một số em phản ánh không đăng nhập vào được để làm bài. Tuy nhiên đến buổi thi tiếp theo vào các ngày 30 và 31/5, đường truyền đã cải thiện, không xảy ra tình trạng lỗi phông chữ, học sinh không mất nhiều thời gian để đăng nhập như ngày 29/5.
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để việc khảo sát đạt hiệu quả cao nhất, Sở đã yêu cầu các trường rà soát công tác chuẩn bị, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để bố trí thiết bị, giám sát học sinh trong quá trình làm bài.
Sở đã thử nghiệm thi trực tuyến ở một số trường trước khi tổ chức trên diện rộng. Tuy nhiên, khi tổ chức với 73.000 học sinh ở cùng một thời điểm, trục trặc đường truyền khó tránh khỏi.
Ngoài ra, lỗi phông chữ, trục trặc đường truyền còn do cấu hình thiết bị của học sinh không tương thích; đường truyền kết nối mạng ở một số địa bàn, nhất là ở khu vực ngoại thành, chưa bảo đảm. Bộ phận kỹ thuật sau khi nhận được phản ánh đã lập tức hướng dẫn nhà trường khắc phục.
Về ý kiến của một số thầy cô cho rằng kết quả kiểm tra không phản ánh được năng lực thực chất của các em, ông Lê Ngọc Quang khẳng định: Đây không phải là kỳ thi thử, mà là khảo sát chất lượng với mục đích chính là tạo cho học sinh ý thức tự giác trong học tập, làm bài kiểm tra, chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự giám sát của thầy cô giáo.
Các lần kiểm tra khảo sát là cơ hội tốt để tập dượt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sắp tới, phù hợp với thời gian học tập trên lớp khi học sinh đã phải nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thông qua kết quả kiểm tra, các em tự xác định được những phần kiến thức còn hạn chế để bổ sung, nhằm chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hà Nội: Tiếp tục khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố thêm lịch khảo sát học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó, kỳ khảo sát được tiến hành: Lần thứ nhất ngày 29, 30, 31-5-2020; Lần thứ hai ngày 19, 20, 21-6-2020; Lần thứ ba ngày 10, 11, 12-7-2020. Mỗi học sinh THPT dự kiểm...