Giật mình băng nhóm và sự vô cảm trong giới trẻ
“Điều rất tệ là bây giờ, bạo lực thường được tiến hành theo nhóm. Nhóm bắt nạt có thể được phân chia thành các vai: kẻ đầu trò; kẻ a dua; kẻ cổ vũ; kẻ ngoài cuộc; kẻ chống trả. Tuy nhiên số lượng nhóm 5 rất ít và thường bị áp lực nhóm tẩy chay hoặc đánh nếu dám đưa ra ý kiến đi ngược lại nhóm.” – nhận định của PGS. TS Trần Thành Nam.
Cứ 3 học sinh có một em bị bắt nạt
PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết, năm 2014, một nghiên cứu của Viện Tâm lý học – Viện Hàn lâm khoa học xã hội đã được tiến hành trên 1.141 học sinh THPT một số trường khu vực phía Bắc và miền Trung Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ 24,6% học sinh trong mẫu chọn đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường; 7,2% khách thể là thủ phạm của bạo lực và 43,8% vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của bạo lực học đường.
Một nghiên cứu khác của Trường ĐH Giáo dục – nơi PGS. TS Trần Thành Nam đang công tác, cũng cho thấy: Khoảng 3 em học sinh, có một em bị ít nhất một hình thức bắt nạt nào đó (bị bắt nạt về mặt cơ thể, bắt nạt về mặt tinh thần, mối quan hệ…).
Các nghiên cứu đi trước cũng chỉ ra rằng, vấn đề bắt nạt học đường ở các vùng nông thôn cao hơn thành thị, hiện tượng bắt nạt xảy ra ở các trường công cao hơn trường tư, các em nữ dường như bị bắt nạt về mối quan hệ nhiều hơn các em nam trong khi các em nam có xu hướng bị bắt nạt về mặt thân thể nhiều hơn.
Trong trường học, các em học sinh có điểm hạn chế hình thể hoặc nhận thức như: thừa cân, béo phì, thấp lùn, năng lực tư duy không linh hoạt, năng lực giao tiếp kém, hay có ý kiến đi ngược lại số đông…, thường là nạn nhân của bắt nạt vì các bạn cùng lứa nhìn nhận họ như một sự khác biệt và người không ai ưa.
Học sinh lớp 9 bị lột áo quần và đánh tập thể ngay tại lớp (Ảnh: Từ clip)
Bắt nạt ngày càng nghiêm trọng
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS Trần Thành Nam cho hay, con số thống kê cho thấy, ngày càng nhiều vụ việc bạo lực học đường mang tính chất nghiêm trọng xảy ra.
Bạo lực học đường không còn chỉ xuất hiện nhiều ở các học sinh nam mà ở cả học sinh nữ. Không chỉ xuất hiện nhiều ở các trường THPT mà hiện nay, xuất hiện thường xuyên ở cấp THCS và thậm chí là tiểu học.
Các vụ việc bắt nạt bạo hành học đường trước đây chỉ thiên về những hành vi dằn mặt khẳng định đẳng cấp hoặc trấn lột thì bây giờ, nhiều vụ việc liên quan đến băng nhóm, có tổ chức và chẳng cần lý do gì.
Nếu trước đây các vụ bạo hành trực tiếp và chỉ dùng chân tay thì các vụ bạo hành học đường thời gian gần đây có thêm nhiều hung khí như dao, mã tấu, kiếm, ống sắt, đá, lưỡi lam… và được phát trực tiếp qua các ứng dụng livestream để tiếp tục bắt nạt trực tuyến nạn nhân.
Thời gian và địa điểm bạo hành diễn ra ngang nhiên có thể như sau và trong giờ học tại cổng trường, trong lớp học, trong nhà vệ sinh, trong hẻm và khu đất trống vắng vẻ gần trường.
Trong khi đó, những biện pháp can thiệp phòng ngừa hiện đang áp dụng của nhà trường hay giáo viên mới chỉ tập trung vào việc nhắc nhở, cảnh cáo, hãn hữu những trường hợp gây thương tích mới báo cáo chuyển giao cho công an.
Băng nhóm và sự vô cảm trong giới trẻ
PGS. Trần Thành Nam chỉ ra, có nhiều trường hợp bạo hành, học sinh đứng chứng kiến bạn bị bạo hành nhưng không có hành động gì, thậm chí còn đưa máy điện thoại lên quay. Đấy không phải là bàng quan mà tất cả các thành viên đó thuộc một băng nhóm.
Video đang HOT
“Điều rất tệ là bây giờ, bạo lực thường được tiến hành theo nhóm. Nhóm bắt nạt có thể được phân chia thành các vai: kẻ đầu trò; kẻ a dua; kẻ cổ vũ; kẻ ngoài cuộc; kẻ chống trả. Tuy nhiên số lượng nhóm 5 rất ít và thường bị áp lực nhóm tẩy chay hoặc đánh nếu dám đưa ra ý kiến đi ngược lại nhóm. Do vậy, những học sinh này không dám làm gì cả”, PGS Thành Nam nói.
Học sinh ở Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên bị đánh tập thể và quay clip nhưng không có bất kì ai can ngăn.
Cũng theo chuyên gia này, chúng ta đã bàn đến rất nhiều giải pháp nhưng sự việc liên tục xảy ra chứng tỏ những gì chúng ta làm chưa đủ và chưa phát huy được hiệu quả.
Trước mắt, ông cho rằng, chương trình giáo dục chống bạo lực học đường trong nhà trường cần nêu các tấm gương tích cực, kiểm soát sự giận giữ và giải quyết mâu thuẫn… trong gia đình và trường học.
Tăng cường sự tham gia của phụ huynh vào sinh hoạt nhà trường, giúp phụ huynh cải thiện biện pháp kiểm soát và kỷ luật con cái; phụ huynh nêu gương hành vi, thiết lập và truyền đạt các tiêu chí về hành vi trong tương tác với người khác
Cải thiện môi trường văn hóa học đường, cải thiện kỹ năng quản lý lớp học và kỷ luật tích cực cho giáo viên, giúp đưa ra hệ thống nhất quán trong thưởng phạt hành vi, nâng cao việc giám sát sự có mặt/vắng mặt của học sinh; cải thiện quy trình duy trì trật tự và bảo vệ tài sản…
“Liên quan đến cộng đồng, cần gia tăng sự tham gia của cư dân trong tiến trình quyết định các công việc liên quan đến cộng đồng; Gia tăng việc giám sát học sinh bằng các chương trình sau giờ học và các phương tiện giải trí; Thiết lập các tuyến đường an toàn cho trẻ đến trường và về nhà hay đi tham dự các sinh hoạt trong cộng đồng; Thiết lập các chương trình an ninh khu phố (sự giám sát của các gia đình) để giúp đỡ và kiểm soát trẻ có hành vi phạm pháp”, PGS.TS Thành Nam cho biết.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Xã hội cổ suý bạo lực, học sinh không ngại "đánh hội đồng"
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực nhan nhản trên mạng và được cổ suý khiến học sinh hiểu nhầm về giá trị.
Ảnh minh họa
Thầy giáo lịch sử Nguyễn Viết Đăng Du nói với VietNamNet như vậy khi lý giải những hiện tượng như nữ sinh Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng đang xôn xao dư luận mấy ngày qua.
Lệch lạc về giá trị
Theo phân tích của thầy Du - tổ trường tổ Lịch sử (Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM), có 3 nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc này.
Thứ nhất, ở mặt xã hội, cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực đang nhan nhản trên mạng và được cổ suý.
Thứ hai, hiện nay các lớp học quá đông, công việc quá nhiều nên giáo viên không có thời gian để chú ý vào nhưng việc nhỏ nhặt nhưng là nguồn gốc của mâu thuẫn.
Thứ ba, sự cách biệt tuổi tác nên suy nghĩ và hướng giải quyết của thầy cô và học sinh khác nhau.
"Cụ thể, khi có một sự việc xảy ra, thầy cô giải quyết muốn dĩ hòa vi quý còn học sinh lại muốn giải quyết bằng bạo lực".
Trong 3 nguyên nhân này thì cái gốc là sự cổ suý bạo lực. Một nguyên nhân thứ tư nữa, theo thầy Du, là dân trí.
Ông minh chứng: "Ở các lớp tôi chủ nhiệm từ trước tới nay chưa khi nào học sinh giải quyết bằng bạo lực, vì các em được sinh ra trong những gia đình đàng hoàng, được giáo dục tử tế, được bồi đắp tâm hồn, nên biết tôn trọng nhau".
Thầy giáo Nguyễn Văn Sơn ở TP.HCM nhìn nhận: Lâu nay, nhiều ý kiến khi phân tích hiện tượng bạo lực học đường đều có nêu lý do như "nhà trường chưa chú trọng dạy kỹ năng sống" (thậm chí như thầy hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng còn nhìn nhận là nữ sinh bị đánh vì hiền quá, chưa có kỹ năng sống); nhưng thực ra điều cốt lõi cần phải nhấn mạnh lại là các "giá trị sống".
"Thông tin trên mạng xã hội, phim ảnh..., với nhiều hình ảnh có tính bạo lực và ít tính giáo dục tác động vào trẻ từ khi các em còn bé; đến khi có vấn đề sẽ bùng phát. Ở lứa tuổi dậy thì, các em chưa nhận thức rõ được giá trị sống đẹp mà lầm tưởng về giá trị sống thông qua hình ảnh của các cá nhân "nổi tiếng" trên mạng. Ví dụ như trường hợp của Khá Bảnh" - thầy Sơn nói.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng lên tiếng rằng:
"Hãy nhìn các chương trình phát thanh truyền hình, các tờ báo, Fanpage, các kênh YouTube, các tựa games mà trẻ con đang xem đang chơi hàng ngày, nhìn hành xử của người lớn đang sống cùng lũ trẻ thì sẽ thấy "quá nhiều cái ác, quá nhiều sự cay nghiệt, và rất ít yêu thương", hỏi sao không tạo nên thế hệ trẻ con ích kỷ và đạo đức giả.
Gia đình không thể vô can
Theo thầy Sơn, còn nguyên nhân sâu xa đó chính là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục con em. Không ít phụ huynh phó mặc chuyện giáo dục cho nhà trường. Phần lớn các em gia đình không êm ấm thì có nguy cơ gây ra bạo lực học đường.
Cách đây chưa lâu, trường thầy có một học sinh con nhà khá giả nhưng bố mẹ ly dị. Em ở với mẹ và rất ngang bướng. Em học sinh khá ngổ ngáo, có lần vì mâu thuẫn mà rút dao rượt bạn và thầy giám thị.
Nhà trường xử lý kỷ luật bằng việc không cho ở nội trú, tuy nhiên em năn nỉ xin ở lại với lý do ở đây còn có thể thoải mái, chứ ở nhà em chẳng biết nói chuyện với ai, chẳng biết mình là gì trong đó.
Để giải quyết, thầy hiệu trưởng đã phải nhận em làm con nuôi để chia sẻ, giáo dục em.
Theo giáo viên này, giải pháp đúng đắn và cốt lõi vẫn là sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình. Tuy nhiên, đây lại là điều khó khi những mối lo cơm áo, quan niệm sống vì vật chất đang ảnh hưởng đến nhiều gia đình.
Trong bài viết gửi tới VietNamNet, thầy giáo Nguyễn Đăng (An Giang) nêu thực tế:
"Có những hiện tượng khi chỉ là xích mích của các em học sinh nhưng phụ huynh đã vào trường đánh, xúc phạm, thậm chí lột quần bạn học của con mình đã và đang nêu một gương xấu cho học sinh. Thầy cô đứng lớp chỉ cần nặng lời, hay dùng thước đánh nhẹ vào học sinh là chịu biết bao áp lực, thậm chí là bị đình chỉ việc nên có tâm lý "lờ" đi những thói hư, tật xấu của học trò.
Chưa có thói quen trọng kỷ luật
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng lý giải:
"Hiện nay, khi có một hiện tượng gì, mọi người đều có xu hướng cường điệu hóa xung đột. Do vậy, khi có mâu thuẫn với người khác, các em cũng sẽ cường điệu lên, và khi đó thì sẽ giải quyết tiêu cực".
Một nguyên nhân khác về đạo đức chính là thiếu tính kỷ luật. Theo TS Sơn, ở trường phổ thông, kỷ luật không phải là trừng phạt mà là một chuẩn mực ứng xử.
"Chuẩn mực ứng xử này phải hình thành từ giáo viên, nhưng hiện nay "moi" ở đâu ra cũng dễ thấy tiêu cực, thiếu chuẩn mực. Ở trường chúng tôi, chuẩn mực tới độ không có chuyện giảng viên nhận một quả cam, quả cóc của người học. Chúng tôi làm điều này không có nghĩa là không tôn trọng cái tình, mà đấy là một chuẩn mực để ngăn ngừa tiêu cực từ nhỏ".
Theo TS Sơn, 2 điều này đáng ra phải hình thành từ trong gia đình và nhà trường phổ thông, nhưng hiện nay không được xem trọng. Nên khi xảy ra sự việc mới sử dụng biện pháp kỷ luật sẽ dẫn tới phản tác dụng.
Ông Sơn cho rằng về cơ sở pháp lý, hiện nay đã có đầy đủ, từ tội làm nhục trong Bộ luật Hình sự đến phạt hành chính.
"Nhưng trừng phạt không phải là cách giải quyết vấn đề. Do đó, cái gốc và chỉ có thể giải quyết vấn đề này, đó là bằng cách nâng cấp giáo dục" - ông khẳng định.
Bồi đắp tâm hồn, giải phóng năng lượng
Nhà báo Trần Đăng Tuấn - một người dùng mạng xã hội nổi tiếng - bày tỏ:
"Đúng là nguyên do từ cả xã hội. Nhưng nếu cứ nói thế rồi như trong "Chí Phèo" rằng "cả làng Vũ Đại tức là không ai cả". Các giải pháp từ gốc như gia đình, xã hội đã đành. Sự đã thế thì ngoài giải pháp gốc, vẫn phải có giải pháp quyết liệt. Không quy chuyện này về lỗi của riêng ngành giáo dục, nhưng ngành giáo dục phải có trách nhiệm chính trị đứng ra đề xuất quyết sách để mọi nơi khác cùng làm".
Dưới áp lực của dư luận và cấp trên, trong ngày Chủ Nhật 31/3, lãnh đạo Hưng Yên đã có những tuyên bố mạnh về việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân của nhà trường để xảy ra chuyện nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trường THCS Phù Ủng.
Bênh cạnh đó, "từ tuần này, ngành giáo dục tỉnh nhà phải họp với 100% giáo viên để phổ biến tinh thần cả hệ thống chính trị , các tổ chức phải vào cuộc, phải gắn trách nhiệm từ hiệu trưởng đến giáo viên và các tổ chức đoàn thể liên quan, cũng như trách nhiệm của phụ huynh". Đặc biệt, giáo viên, cán bộ ngành phải nắm vững các văn bản của trung ương, tỉnh và nhất là bài học kinh nghiệm vụ của vụ việc.
Tuy nhiên, việc "sửa gốc từ giáo dục" không chỉ ở những "phong trào 100%" hay học thuộc các văn bản, quy định về chống bạo lực học đường.
Trong hàng ngàn ý kiến phản hồi gửi về VietNamNet những ngày qua, bạn đọc Nguyễn Đức nêu câu hỏi:
"Tại sao không đưa giáo lý Đức Phật vào giáo dục tuổi học đường một tuần 1 tiết để các cháu biết được nhân quả tội phúc từ đó sẽ biết làm lành, lánh dữ".
Đồng cảm về vai trò quan trọng của bồi dưỡng tâm hồn trẻ em, anh Nguyễn Quốc Vương - từng là một thầy giáo lịch sử nay đang hoạt động truyền bá "văn hoá đọc" - suy tư:
"Học sinh có thể đánh đập tập thể bạn khác hay chứng kiến thản nhiên vì nội tâm các em không mạnh hoặc trống rỗng. Lấp đầy nó bằng gì khi thiếu sân chơi, thiếu cơ hội đọc sách, không gian suy ngẫm và tìm hiểu xã hội? Lấp đầy nó bằng gì khi thiếu sân chơi, thiếu cơ hội đọc sách, không gian suy ngẫm và tìm hiểu xã hội?".
Không mới mẻ, nhưng vẫn nhiều ý kiến kiên trì đề nghị những giải pháp căn cơ hơn trong môi trường giáo dục như: Tổ chức thực sự công tác tâm lý học đường, chấm dứt bệnh thành tích đối phó; cải tổ hành chính giáo dục quan liêu để giải phóng năng lượng lành mạnh.
Lê Huyền - Hạ Anh
Theo vietnamnet
Vụ lột quần áo, đánh hội đồng nữ sinh ở Hưng Yên: Cần có bộ phận an toàn trường học TS tâm lý học Trần Thành Nam, ĐH giáo dục (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ, một khảo sát cho thấy, có đến 37,89% học sinh bị bắt nạt ở trường chủ yếu như: nói xấu, tẩy chay, o bế thậm chí là bạo lực... "Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, trong mỗi trường học cần có một bộ phận chịu trách...