Giáo viên xưng “con” với hiệu trưởng mới chướng tai
Học sinh xưng “con” với giáo viên khiến thầy cô phải có trách nhiệm hơn trong việc dạy học và giáo dục các em.
Bài viết “Giáo viên không được gọi học sinh là ‘con’?” ngày 12/2/2022 đăng tải trên Báo Lao Động nhận được sự bình luận trái chiều của dư luận. [1]
Theo đó, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, cần loại bỏ ngay cách xưng hô giáo viên gọi học sinh là “con” khỏi trường học, khuyến khích học sinh – sinh viên xưng “tôi” với giáo viên, đồng thời đề xuất với Bộ Giáo dục về việc thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học.
Thế nhưng, cá nhân người viết không đồng tình với quan điểm của ông Lại Nguyên Ân, chỉ khi nào giáo viên xưng “con” với hiệu trưởng mới chướng tai gai mắt, còn thầy cô xưng hô với học sinh thế này có gì mà phải ầm ĩ.
Cách xưng hô phù hợp làm cho cho tình thầy trò đẹp hơn. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Giáo viên xưng hô với học sinh thế nào cho phù hợp?
Tôi cho rằng, việc giáo viên chọn cách xưng thế nào với học sinh là tùy thuộc vào ba yếu tố cơ bản: văn hóa vùng miền, đối tượng học sinh và ý thức của người sử dụng ngôn ngữ.
Đồng nghiệp của tôi ở các tỉnh phía Bắc thường xưng “thầy/cô” và gọi học sinh là “con/em” đối với học học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Với học sinh trung học phổ thông, giáo viên thường chuyển sang xưng “tôi” và “em”, “trò” (ít dùng hơn). Nhưng với sinh viên thì giảng viên xưng “tôi” và “anh”, “chị”.
Ở một số tỉnh miền Trung, hầu như giáo viên chỉ xưng “thầy/cô”, gọi học sinh là “em” ở các cấp học. Riêng miền Nam, giáo viên đa số xưng “tôi/thầy/cô”, gọi học sinh là “con” (ít khi gọi “em”) và ngược lại đa số học sinh cũng xưng “con” với thầy cô giáo.
Cách giáo viên xưng “con” với học sinh có thể xa lạ với người miền Trung nhưng ở miền Nam, thầy cô gọi học sinh là “con” đã trở nên quen thuộc bấy lâu nay. Như thế để thấy rằng, thói quen sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ) là do yếu tố văn hóa địa phương quyết định.
Việc giáo viên gọi học sinh là “con”, theo tôi cũng cần bàn thêm, chứ không phải mặc định là được. Giáo viên gọi học sinh tiểu học, trung học cơ sở là “con” tạo sự gần gũi (học sinh cũng như con em mình), khiến thầy cô phải có trách nhiệm hơn trong việc dạy học và giáo dục các em.
Nhưng, giáo viên dưới 30 tuổi mà gọi học sinh bậc trung học phổ thông (từ 16 đến 18 tuổi) bằng “con” là chưa ổn. Cách gọi thế này là thiếu tôn trọng học sinh vì các em đã khôn lớn. Vì vậy, trong các đề kiểm tra, đề thi thường có câu lệnh “anh, chị hãy làm rõ, hãy cho biết…”, cũng là một cách diễn đạt thể hiện sự tôn trọng đối với người học.
Đồng nghiệp của tôi ở Sài Gòn và một số tỉnh Tây Nam bộ mới ra trường nhưng nhiều giáo viên vẫn gọi học sinh là “con” đều được tôi góp ý cần thay đổi cách xưng hô là “em”. Giáo viên trẻ muốn tạo uy quyền cho mình, có thể xưng “tôi” thay vì “thầy, cô”. Nếu muốn thể hiện sự thân thiện, giáo viên gọi học sinh là “bạn, các bạn” cũng hay.
Video đang HOT
Vậy nên, việc ông Lại Nguyên Ân đề xuất với Bộ Giáo dục và Giáo dục thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học là khiên cưỡng. Giả sử Bộ Giáo dục ra văn bản quy định cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh thì cũng không mấy ai thực hiện.
Tôi dạy học ở Sài Gòn 15 năm, đồng nghiệp tôi đa số gọi học sinh là “con” nhưng tôi thì không bao giờ gọi như thế. Tôi chỉ xưng “thầy” và gọi học sinh là “em” bởi đơn giản tôi là người miền Trung, thói quen sử dụng từ ngữ đã đi vào tiềm thức, không thay đổi được.
Theo tôi, giáo viên xưng ‘con’ với hiệu trưởng mới là chuyện đáng bàn. Đơn vị tôi công tác có một số giáo viên thường xuyên xưng “con” với lãnh đạo trong cuộc họp hội đồng sư phạm khiến tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Dĩ nhiên, những giáo viên này đều trẻ tuổi, quen với cách xưng hô thầy cô mình thuở đi học, đến lúc làm giáo viên cũng không có ý thức thay đổi.
Việc giáo viên xưng “con” với hiệu trưởng (cho dù là theo thói quen vùng miền đi chăng nữa) cũng khiến số đông đồng nghiệp có cái nhìn thiếu thiện cảm. Bởi, cách xưng hô này trông giáo viên có vẻ khúm núm, quá nhỏ bé, non nớt (nếu như không muốn nói thấp cổ bé họng) trước hiệu trưởng.
Giáo viên xưng “con” dễ làm cho người khác nhận xét là họ cần sự chiếu cố, giúp đỡ của lãnh đạo. Cũng có người cho rằng, cách xưng hô mang tính thân tộc này thể hiện sự phục tùng tuyệt đối với cấp trên hoặc là một hành vi nịnh những mong được cầu thân là hoàn toàn có lí.
Bàn về giao tiếp xưng hô tiếng Việt bằng từ thân tộc (tôi chỉ đề cập đến từ “con”), tôi đồng tình với nhận định của Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Khang (Hà Nội):
“Các từ xưng hô thân tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao tiếp xưng hô của người Việt từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ giao tiếp phi quy thức đến giao tiếp quy thức.
Những biến động của giao tiếp xưng hô tiếng Việt hiện nay trong đó các từ xưng hô thân tộc đặt ra những cách nhìn và cách tiếp cận mới sao cho phù hợp với bối cảnh ngôn ngữ-xã hội của Việt Nam hiện nay”.
Tài liệu tham khảo:
[1] //laodong.vn/y-kien-ban-doc/giao-vien-khong-duoc-goi-hoc-sinh-la-con-1013590.ldo
[2] //vci.vnu.edu.vn/upload/15022/pdf/5763a0c27f8b9a0bbd8b459a.pdf
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Giáo viên dạy trực tuyến chưa đủ vất vả sao, còn bày thao giảng, dự giờ online
Sau mỗi tiết thao giảng trực tuyến như thế này thì giáo viên ở các trường sẽ học hỏi được điều gì hay chỉ tạo áp lực cho trực tiếp giảng dạy tiết học?
Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt với muôn vàn khó khăn đang bủa vây nhiều địa phương trên cả nước bởi phải dạy và học trực tuyến ngay từ những ngày đầu của năm học.
Chính vì thế, Bộ Giáo dục cũng đã phải ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (trung học cơ sở, trung học phổ thông) năm học 2021-2022 thay thế Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 nhằm tiếp tục giảm tải nội dung dạy học.
Số tiết học trong tuần cũng đã được giảm xuống, thời gian các tiết học trực tuyến đã phải giảm bớt từ 10-15 phút để chỉ còn 30-35 phút/ 1 tiết học để không gây quá tải cho học trò khi phải trước màn hình quá lâu.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Thanh Tùng / TTXVN.
Những thay đổi này giúp cho các nhà trường học đang dạy trực tuyến giảm bớt áp lực và quá tải trước một hình thức, phương pháp học tập hoàn toàn mới so với những năm trước đây. Vậy nhưng, một số hoạt động chuyên môn, phong trào vẫn được ngành giáo dục ở nhiều địa phương duy trì, trong đó có cả việc thực hiện các tiết thao giảng...trực tuyến để Hội đồng bộ môn dự giờ.
Thao giảng trực tuyến lúc này không giải quyết được vấn đề gì
Hiện nay, mỗi môn học đều có Hội đồng bộ môn cấp huyện, cấp tỉnh và hàng năm thường thực hiện từ 2-4 tiết thao giảng chuyên đề, những tiết thao giảng chuyên đề do Hội đồng bộ môn phân công thường được các trường chú trọng đầu tư hơn cả.
Việc thao giảng Hội đồng bộ môn được phân công cho một số tổ chuyên môn ở các trường học thực hiện hàng năm thường rất áp lực vì người được phân công đứng lớp không chỉ phải chuẩn bị về chuyên môn, phương pháp mà tâm lý cũng phải vững vàng mới đứng thao giảng được.
Nhìn hàng mấy chục con người từ các trường trong huyện (thao giảng cấp huyện) trong tỉnh (thao giảng cấp tỉnh) vào lớp dự khiến cho một số giáo viên tâm lý yếu dễ dàng mất bình tĩnh. Vì thế, những tiết thao giảng Hội đồng bộ môn thường được các trường lựa chọn những thầy cô phải thực sự bản lĩnh để đứng dạy tiết học này.
Dự giờ xong thì đến phần góp ý, mổ xẻ những điểm được và chưa được của tiết thao giảng. Nói chung những tiết thao giảng như thế này vừa cực mà thậm chí còn thêm buồn phiền từ những góp ý của đồng nghiệp trên địa bàn.
Nhưng, đó là chuyện thao giảng trong điều kiện bình thường còn năm nay nhiều tỉnh đang dạy học trực tuyến thì các Hội đồng bộ môn có thực hiện thao giảng chuyên đề hay không?
Hiện nay, nhiều tỉnh đang dạy và học trực tuyến vẫn triển khai việc tổ chức các tiết thao giảng Hội đồng bộ môn. Tuy nhiên, cái khác là thực hiện thao giảng...trực tuyến.
Khi triển khai kế hoạch thì tất nhiên các trường phải chấp nhận nếu được phân công đứng ra xây dựng và thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề. Tuy nhiên, có lẽ trong thâm tâm những thầy cô được giao nhiệm vụ không mấy vui vẻ khi đảm nhận những tiết thao giảng trong điều kiện như thế này.
Bởi, dạy và học trực tuyến đã là tình huống bất khả kháng rồi, học sinh không thể đến trường học tập, phải học tập ở nhà qua các phần mềm nên những khó khăn là điều không tránh khỏi.
Mỗi tiết học chỉ có 30-35 phút, các môn học đều giảm tải theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu cần đạt, điều này cũng đồng nghĩa những yêu cầu khó, cao đều được giảm đi để các bài học nhẹ nhàng hơn trong điều kiện dịch bệnh và học sinh không thể đến trường.
Vậy, những địa phương đang triển khai dạy và học trực tuyến có cần thiết phải thao giảng Hội đồng bộ môn bằng hình thức trực tuyến hay không? Chúng tôi cho rằng nó không cần thiết.
Bởi, mỗi lớp học hơn 40 học sinh đang học tập bình thường thì giờ đây thêm chừng ấy con người vào dự giờ, quan sát việc dạy và học để "học hỏi" và cũng để tìm ra những hạn chế để đóng góp, rút kinh nghiệm.
Nhưng, sau mỗi tiết thao giảng như thế này thì giáo viên ở các trường sẽ học hỏi được điều gì hay chỉ tạo áp lực cho đơn vị đứng ra thao giảng mà đặc biệt là giáo viên trực tiếp giảng dạy tiết học này?
Nên giảm tải những hoạt động, phong trào không cần thiết khi dạy và học trực tuyến
Việc dạy và học trực tuyến đã là một áp lực cho nhiều thầy cô giáo và học sinh ở các nhà trường. Vì thế, chúng tôi cho rằng các địa phương không nên tổ chức thao giảng trực tuyến làm gì vì thực tế giáo viên dự giờ các tiết này cũng khó học hỏi được điều gì mà tạo áp lực cho giáo viên đứng lớp.
Không chỉ nên dừng lại các tiết thao giảng trực tuyến mà các phong trào như thi học sinh giỏi văn hóa ở cấp trung học cơ sở cũng nên dừng lại.
Các hội thi chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên dạy giỏi các cấp ở những khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, đang phải dạy và học trực tuyến cũng nên tạm dừng.
Lúc này, các địa phương không thể đến trường dạy và học trực tiếp chỉ nên tập trung vào các hoạt động dạy và học trên lớp cho tốt là đã thành công lắm rồi vì nhiều môn học nhiều tiết/ tuần hiện nay rất áp lực.
Nhiều giáo viên phải soạn hàng chục giáo án/tuần cũng đã và đang quá tải cho họ, cộng thêm một số phong trào khác khiến cho cả tổ chuyên môn phải chi phối các hoạt động dạy học của mình.
Trong khi, giáo viên đang dạy trực tuyến thì có quá nhiều công việc. Họ vẫn phải thực hiện các hoạt động dạy và học, vẫn phải thực hiện việc báo cáo hàng ngày, phải thu các khoản tiền theo quy định. Rồi trong lớp, có những học sinh không thể tham gia học trực tuyến, phải phô tô bài vở đem đến cho học trò...
Những việc không tên ấy cũng chiếm mất rất nhiều thời gian của họ.
Vì thế, những hoạt động như thao giảng Hội đồng bộ môn, ôn thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi không cần thiết phải tổ chức trực tuyến làm gì. Xét cho cùng- đây là những hoạt động thường niên, năm học này khó khăn không tổ chức được thì năm sau tổ chức.
Tổ chức trực tuyến không chỉ hiệu quả thấp mà thực tế tạo ra rất nhiều áp lực cho thầy và trò ở các nhà trường. Hy vọng, các Sở, Phòng Giáo dục ở một số địa phương cần có những bàn bạc, chỉ đạo thấu đáo để những hoạt động dạy học, hội thi hướng tới chất lượng chứ không cần thiết phải tổ chức bằng mọi giá.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Dự kiến học sinh THPT đi học, Đà Nẵng lên kịch bản ứng phó tại trường học Những ngày gần đây, các giáo viên, học sinh ở những vùng không có dịch lần lượt trở về TP Đà Nẵng. Hầu hết các trường học tổng dọn vệ sinh, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Với các phương án đề xuất, TP Đà Nẵng dự kiến cho học sinh THPT đi học lại. Phụ huynh ghi danh sách đồ...