Giáo viên vẫn chưa thể yên tâm về thi giáo viên giỏi sắp tới
Việc tôn vinh khen thưởng giáo viên giỏi phải đi vào thực chất, phải cho xã hội thấy được sự cố gắng, nỗ lực của những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi.
Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Hội thi giáo viên giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông (gọi chung là Hội thi giáo viên giỏi).
Thông tư trên có hiệu lực từ 12/02/2020.
Hội thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh minh hoạ: sogd.hanoi.gov.vn)
Ngoài một số ý kiến đồng tình về Hội thi đã giảm bớt một phần áp lực, tuy nhiên khá nhiều ý kiến chưa yên tâm lắm về những quy định mới của Hội thi trên như:
Về nguyên tắc tự nguyện của Hội thi
Theo Khoản 2 – Điều 2: Mục đích và nguyên tắc của Hội thi giáo viên giỏi: Nguyên tắc của Hội thi là dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực của giáo viên tham gia Hội thi.
Nguyên tắc của Hội thi là tự nguyện không được ép buộc giáo viên dự thi dưới bất kỳ hình thức nào, có nghĩa là đầu năm khi ban hành kế hoạch Hội thi, giáo viên sẽ đăng ký dự thi từ cấp trường đến cấp tỉnh.
Lý tưởng là thế nhưng hiện nay nếu để giáo viên tự nguyện thì chắc chắn sẽ có tình trạng “trắng” giáo viên dự thi.
Giáo viên đã khá áp lực với rất nhiều công việc khác vả lại việc dự thi hay đạt danh hiệu giáo viên giỏi không khiến giáo viên hào hứng, phấn khởi.
Bên cạnh đó, giả sử sau khi thi đạt và được công nhận giáo viên giỏi các cấp rồi thì hiệu quả sau đó cũng là một dấu chấm hỏi khá lớn.
Hiện nay, việc giáo viên thi đạt giáo viên giỏi các cấp xong được cấp giấy chứng nhận giáo viên giỏi xong kèm một khoản tiền thưởng theo quy định và hết.
Giáo viên đạt giáo viên giỏi chưa kèm theo các quy định trong thi đua như công nhận chiến sĩ thi đua, nâng lương trước hạn,… nên khó kích thích, lôi cuốn giáo viên tự nguyện.
Như đã nói ở phần trên, nếu để giáo viên tự nguyện thi sẽ có rất ít giáo viên dự thi, cho nên chắc chắn để đảm bảo số lượng giáo viên dự thi “đông đủ” thì Sở/ phòng Giáo dục sẽ giao chỉ tiêu cho các trường, mỗi trường phải có bao nhiêu giáo viên dự thi, thì đương nhiên hiệu trưởng sẽ “ép” giáo viên dự thi cho đạt số lượng.
Nếu trường không đủ giáo viên dự thi thì sẽ cắt thi đua của trường, nếu giáo viên tới “vòng xoay tua” mà không dự thi sẽ cắt thi đua giáo viên đó, cắt luôn thi đua của tổ chuyên môn,…
Vậy thì cuối cùng nguyên tắc tự nguyện của Hội thi dần dần sẽ bị phá bỏ, cuối cùng rồi sẽ dẫn đến nguyên tắc “bắt buộc tự nguyện” như hiện nay.
Mỗi năm sẽ có từ 1 – 2 Hội thi giáo viên giỏi
Tại Điều 3: Các cấp tổ chức, chu kỳ và đối tượng tham dự kỳ thi, quy định rõ:
1. Hội thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh:
a. Cấp trường: Được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần, do trường tổ chức (hiện nay là mỗi năm một lần).
b. Cấp huyện: theo chu kỳ 02 năm một lần (giống như hiện nay) do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Video đang HOT
c. Cấp tỉnh: Theo chu kỳ 04 năm một lần (giống như hiện nay) do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Như vậy, chu kỳ Hội thi cấp trường đã được giãn ra 2 năm một lần.
Tuy nhiên, hiện nay theo thông tư trên có đến ít nhất 2 cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi nên một năm mỗi cơ sở giáo dục sẽ diễn ra ít nhất 1 Hội thi hoặc có thể cả 2 Hội thi giáo viên giỏi cấp trường, chưa kể có thể sau đó thi tiếp cấp huyện, cấp tỉnh nên tần suất dự thi về cơ bản chưa giảm.
Đó là chưa kể các Hội thi khác như tổng phụ trách đội giỏi, thư viện giỏi,…
Về công nhận giáo viên giỏi
Điều 5: Công nhận giáo viên giỏi nêu rõ:
Được công nhận giáo viên giỏi sau khi đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức Hội thi.
Theo Điều 20 – Sử dụng kết quả Hội thi: Sử dụng kết quả hội thi dùng để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và thực hiện chính sách giáo viên theo quy định hiện hành.
Như vậy, với việc công nhận, khen thưởng giáo viên giỏi không khác là mấy so với quy định cũ, giáo viên đạt giáo viên giỏi cũng nhận giấy chứng nhận giáo viên giỏi, khen thưởng và đánh giá chuẩn nghề nghiệp.
Việc quan trọng là thực tế nếu đạt giáo viên giỏi thì được làm căn cứ để đánh giá thi đua như chiến sĩ thi đua hoặc cao hơn chưa thấy đề cập hay như việc đạt danh hiệu giáo viên giỏi có thể được đặc cách xét nâng lương trước thời hạn cũng chưa đưa vào thông tư trên.
Đây là điều quan trọng để kích thích sự tự nguyện tham gia của giáo viên đúng như mục đích, nguyên tắc của Hội thi.
Có chấm dứt “diễn” trong Hội thi
Vấn đề “diễn” trong Hội thi giáo viên giỏi chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi điều lệ Hội thi như hiện nay.
Việc Hội thi mới đã đơn giản hóa thủ tục, hình thức, nội dung của Hội thi chủ yếu gồm 2 vòng là trình bày giải pháp và dạy 1 tiết thực dạy trên lớp (dạy văn hóa hoặc dạy tiết sinh hoạt chủ nhiệm, trải nghiệm).
Tuy rất nhẹ nhàng nhưng việc công nhận giáo viên giỏi như trên vẫn còn rất nhiều băn khoăn như giáo viên giỏi là điều thiêng liêng, tôn vinh giáo viên giỏi cả quá trình phấn đấu nhưng việc chỉ dựa vào 30 phút báo cáo và trình diễn 1 tiết tại lớp đang giảng dạy mà công nhận giáo viên giỏi theo tôi cho rằng chưa phù hợp.
Việc thực dạy tại lớp tuy quy định chỉ báo trước 2 ngày nhưng thực chất giáo viên đã đăng ký dự thi, ban tổ chức, giám khảo, kế hoạch Hội thi cũng thành lập và thực chất giáo viên cơ bản cũng biết được thời điểm dự thi, nhất là giáo viên chủ nhiệm vì dạy tại lớp mình.
Giáo viên dự thi tại lớp thì việc “diễn” cũng khó mà tránh..
Ban giám khảo cũng là điều băn khoăn
Hiện nay việc thành lập Ban giám khảo chấm thi giáo viên giỏi chưa được sự đồng thuận cao trong giáo viên, việc nhiều giám khảo đôi khi là cán bộ Sở/ phòng giáo dục chưa hề dự thi giáo viên giỏi, chưa hề dạy giỏi thật sự lại đi đánh giá giáo viên giỏi thì e không phù hợp, việc giáo viên quen biết, cả nể,… dẫn đến kết quả Hội thi không công bằng là điều vẫn sẽ diễn ra.
Với việc đơn giản hóa, giảm áp lực dự thi thì thông tư trên đã một phần làm được nhưng tôi vẫn còn rất nhiều băn hoăn, nếu không khéo sau này cả trường học ai cũng là giáo viên giỏi, giáo viên đạt đủ mọi danh hiệu nhưng chất lượng thật lại không có.
Một số biện pháp để kỳ thi đi vào thực chất
Đầu tiên rằng tôi cho rằng việc ban hành Thông tư thi giáo viên giỏi mới trên thể hiện sự lắng nghe, cầu thị và là sự cố gắng rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giảm bớt áp lực, giảm bớt tiêu cực của kỳ thi.
Tuy nhiên để kỳ thi đi vào thực chất và khuyến khích giáo viên dự thi tự nguyện theo tôi ngoài các tiêu chuẩn trên nên bổ sung việc đánh giá hàng năm ở thời điểm dự thi, giáo viên để công nhận đạt giáo viên giỏi phải được sự công nhận của đồng nghiệp, học sinh và sự tiến bộ của học sinh.
Ví dụ với giáo viên dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi thì phải xem xét đánh giá học sinh đầu năm và thời điểm cuối năm tại lớp chủ nhiệm về các mặt tiến bộ của học sinh, tín nhiệm của học sinh,…
Theo tôi, sau khi công nhận giáo viên giỏi ngoài mức tiền thưởng cần phải được xem là một tiêu chuẩn để đặc cách xét nâng lương trước hạn, việc đạt giáo viên giỏi cấp trường nên được xét nâng lương trước thời hạn 03 tháng, cấp huyện 06 tháng, cấp tỉnh 12 tháng.
Tất nhiên để được xét nâng lương trước thời hạn phải đãm bảo các điều kiện khác.
Bên cạnh đó nên quy định giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện trở lên nên được quy định thay thế sáng kiến kinh nghiệm để được xét thi đua đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên.
Không những thế, việc tôn vinh khen thưởng giáo viên giỏi phải đi vào thực chất, phải cho xã hội thấy được sự cố gắng, nỗ lực của những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi trong năm dự thi và các năm tiếp theo.
Giáo viên giỏi là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của giáo viên. Để công nhận giáo viên giỏi nên dựa vào sự tiến bộ, sự khơi gợi, kích thích học sinh tiến bộ đó chính là mục tiêu cao cả mà Hội thi đang hướng đến.
Nếu vẫn tổ chức Hội thi mà hiệu quả đạt được không như mong muốn thì hậu quả sẽ khá lớn, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai.
BÙI NAM
Theo giaoduc.net
Có giáo viên một năm phải tham gia tới 3 Hội thi giáo viên giỏi
Trong thực tế vẫn còn không ít địa phương dùng sức ép vô hình để buộc thầy cô phải đăng ký dự thi giáo viên giỏi gây bức xúc trong dư luận nhà giáo.
Thông tư số: 21/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng như Dự thảo về giáo viên giỏi đang lấy ý kiến thì thời hạn tổ chức các hội thi được quy định:
Mỗi năm một lần Hội thi giáo viên giỏii cấp trường được tổ chức (Ảnh minh họa Website: //thpthoangcau.edu.vn)
Điều 3. Các cấp tổ chức Hội thi
a) Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần;
b) Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần đối với giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở.
Việc tổ chức hội thi đối với giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương;
c) Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần;
Thế nên, nhiều giáo viên trong một năm học phải tham gia tới 3 Hội thi giáo viên giỏi tạo quá nhiều áp lực cho thầy cô và ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy, học của các em học sinh.
Đơn cử, năm học này tại nhiều trường tiểu học ở phía Nam sẽ tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thị, thành phố.
Vậy là, ngay tại thời điểm này, các trường tiểu học phải gấp rút tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Một trường hạng 2 khoảng 25 lớp, nhà trường ấn định các tổ chuyên môn phải cử từ 2-3 giáo viên đi thi cấp huyện.
12 giáo viên này sẽ thi cấp trường ở học kỳ 1 và tham gia thi cấp huyện ở học kỳ 2.Toàn trường sau khi sàng lọc sẽ có số lượng khoảng 10-12 giáo viên "đem chuông đi đánh xứ người".
Cuối năm, những giáo viên này cũng phải tham dự tiếp Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường.
Để chuẩn bị cho 3 hội thi này, giáo viên phải có ít nhất 2 cái Sáng kiến kinh nghiệm.
Một cái sáng kiến về chuyên môn, một cái sáng kiến về công tác chủ nhiệm.
Giáo viên chịu sức ép từ trên xuống
Nếu chứng kiến một cuộc họp tổ gần đây ở một số trường lớn (trường chuẩn quốc gia) mới thấy được nhiều giáo viên không muốn tham gia Hội thi cũng chẳng thể chối từ.
Sau khi lấy ý kiến tự nguyện đăng ký thi nhưng không thầy cô nào giơ tay, tổ trưởng chuyên môn vò đầu bứt tai:
"Nhà trường giao cho tổ mình phải đề cử 2 - 3 người, ai cũng từ chối thì lấy ai đi thi?"
Và, người được gọi tên đương nhiên là tổ trưởng (nhưng nếu tổ trưởng đang nằm trong danh sách bảo lưu kết quả cấp huyện, cấp tỉnh lần thi trước thì khó khăn hơn vì phải cử người khác).
Người thứ hai chắc chắn là đảng viên vì Đảng viên phải đi trước để làm gương.
Tự đánh rớt mình
Có người nói rằng chối từ việc đi thi không được chỉ còn cách tự mình đánh rớt mình từ "vòng gửi xe".
Cách này được xem là an toàn nhất, vì nếu cứ khăng khăng không đi sẽ bị kiểm điểm, bị Ban giám hiệu để ý thì mệt. Thế nên tự mình loại mình thôi.
Điều này cũng chẳng có gì lạ, vì hàng trăm người thi với hàng trăm cái sáng kiến ban giám khảo lấy thời gian, hơi sức đâu mà đọc? Đó là việc lấy đại một Sáng kiến trên mạng chẳng cần chỉnh sửa gì in ra và nộp thì cơ hội bị loại sẽ cao hơn. Thế mà có người vẫn không bị rớt.
Người rớt, người đậu cũng tù mù, hên xui chứ đâu phải viết tốt là đậu còn viết chưa đạt thì rớt.
Quyết tâm tự đánh rớt mình bằng sáng kiến không được, có thầy cô đánh rớt bằng bài thi năng lực.
Đó là việc để giấy trắng hoặc đánh thí đánh đại các câu trả lời cho xong.
Những giáo viên tự mình đánh rớt phần đông là những thầy cô không màng danh lợi, không màng thành tích.
Phương châm của họ chỉ là dạy làm sao cho học sinh hiểu bài, học tốt là được.
"Cấm nhà trường ép buộc giáo viên đi thi" vẫn được quy định trong Điều lệ thi giáo viên giỏi.
Thế nhưng trong thực tế vẫn còn không ít địa phương dùng sức ép vô hình để buộc thầy cô phải đăng ký dự thi gây bức xúc trong dư luận nhà giáo.
Thảo Ly
Theo giaoduc.net
Thi giáo viên giỏi, tôi được hỏi 'làm phong bì chưa' Tôi được hỏi "đã làm phong bì chưa", khi tôi còn chưa hết ngỡ ngành thì thấy cô xòe trong tay nhiều phong bì đã chuẩn bị sẵn. Một cô giáo đã có thâm niên trong ngành chia sẻ về mặt trái của việc chạy theo các chỉ tiêu, các danh hiệu thi đua để đạt được danh hiệu "lao động tiên tiến",...