Giáo viên và thí sinh vùng biên đồng lòng ứng phó với đại dịch
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại các tỉnh biên giới, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ; đồng thời chủ động các phương án ứng phó với đại dịch.
Học sinh Trường THPT Nậm Pồ thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang. Ảnh: Minh Thịnh
Theo sát học sinh
Là trường nằm vùng biên giới, thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) cho biết: Nhà trường được chọn làm điểm thi – Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ngoài việc chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, nhà trường đang tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu học sinh ở nội trú 100% và không ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Những học sinh có người nhà sang biên giới Trung Quốc phải khai báo dịch tễ trung thực, đồng thời chủ động theo dõi sức khỏe và báo cáo với bộ phận y tế nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở…
Cũng theo thầy Hùng, nhà trường đã trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết: Khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thuốc khử trùng, máy đo thân thiệt. “Chúng tôi yêu cầu người dân, phụ huynh không có lý do chính đáng không được vào trường. Nếu vào phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và khai báo y tế đầy đủ” – thầy Hùng chia sẻ, đồng thời cho biết: Bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ đường mòn, không để người dân hai nước qua lại lẫn nhau. Công tác phòng chống dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nên yên tâm để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bà Lê Thị Thủy – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lai Châu thông tin: Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tiến hành khẩn trương và gấp rút hoàn thiện những khâu cuối cùng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các phương án phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn trên mọi phương diện. Tỉnh đã bảo đảm cơ sở vật chất cho 18 điểm thi, với 172 phòng thi chính thức, 24 phòng chờ thi, 18 phòng cách ly y tế và chuẩn bị tối thiểu 36 phòng thi dự phòng để tổ chức phòng thi riêng cho học sinh thuộc diện F1, F2.
Cũng theo Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Lai Châu, tỉnh có văn bản chỉ đạo các trường, các điểm thi, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phòng chống dịch bệnh: Phòng cách ly y tế, khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn, xà phòng và các chậu rửa… Đồng thời rà soát, cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe 100% cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và thí sinh tự do tham gia kỳ thi.
Video đang HOT
“Chúng tôi khuyến cáo cán bộ giáo viên, nhân viên và thí sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh…; đồng thời chủ động huy động tất cả cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy chế thi, sẵn sàng tham gia phục vụ kỳ thi khi cần thiết” – bà Thủy khẳng định, đồng thời cho biết: Hiện nay, các đơn vị trường học vẫn tiếp tục rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức ôn tập cho học sinh, tiếp tục tổ chức cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh học tập quy chế thi và rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hồ sơ thi, nhân lực phục vụ cho kỳ thi…
Đo thân nhiệt hằng ngày cho học sinh tại các tỉnh vùng biên phía Bắc. Ảnh: Minh Thịnh
Chú trọng phương án phòng chống dịch
Tại tỉnh Cao Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Dương cho hay: Cùng với việc xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh đặc biệt chú trọng các phương án phòng chống Covid-19. Trước mắt, tổ chức phun thuốc khử trùng, sát khuẩn tay tại các điểm thi. Bố trí cán bộ chuyên trách dự phòng và mỗi điểm thi chuẩn bị từ 1 – 2 phòng thi dự phòng.
Trong những ngày diễn ra kỳ thi, tất cả thí sinh, thành viên làm việc tại điểm thi phải tiến hành rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giãn cách theo quy định. Đồng thời, yêu cầu nhân viên y tế trực sẵn sàng tại điểm thi, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tốt nhất.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai Dương Bích Nguyệt đã ký công văn yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người học, phụ huynh học sinh và người thân tạm dừng các chuyến tham quan, du lịch, thăm thân và những công việc chưa cần thiết khác tại địa phương có dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi có thông báo mới.
Đặc biệt, lập riêng danh sách cán bộ quản lý, giáo viên tham gia làm thi và học sinh, học viên tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã đến, đi về từ địa phương có ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 15/7 gửi về sở GD&ĐT. Đối với trường hợp đi về từ địa phương có dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ ngày 12/7 phải thực hiện khai báo y tế và tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đủ 14 ngày theo quy định; khi có biểu hiện bất thường như: Sốt, ho, khó thở… phải đến ngay cơ sở y tế khám và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định về phòng, chống dịch.
Cũng theo bà Dương Bích Nguyệt, căn cứ diễn biến dịch bệnh và điều kiện thực tế tại đơn vị, địa phương, trường học, điểm thi chủ động xây dựng phương án, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Thường xuyên nắm bắt tình hình sức khỏe của người học, cán bộ, giáo viên, nhân viên và các đối tượng liên quan để có phương án xử lý kịp thời. Khi có trường hợp bất thường xảy ra, báo cáo nhanh về sở GD&ĐT để giải quyết.
Các điểm thi trên địa bàn tỉnh đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực cho các điểm thi dự phòng nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. – Bà Lê Thị Thủy
Mô hình bán trú, đòn bẩy phát triển giáo dục vùng khó Mường Tè
Nhờ chính sách ưu việt của chế độ bán trú, con em đồng bào các dân tộc có được nơi ăn học ổn định, được trang bị kỹ năng sống
Là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu luôn xác định đầu tư cho giáo dục là hướng ưu tiên hàng đầu. Nhờ chính sách ưu việt của chế độ bán trú, con em đồng bào các dân tộc có được nơi ăn học ổn định, được trang bị kỹ năng sống, giúp các em yên tâm học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Từ chính sách ưu việt của mô hình bán trú, con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè có thêm điều kiện, động lực đến trường, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Vàng San - xã khó khăn của huyện đặc biệt khó khăn Mường Tè là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Mảng, Thái và La Hủ, người dân thường thiếu đói vào mùa giáp hạt. Lo ăn từng bữa, khiến đường đến trường của con em các hộ gia đình nơi đây những năm trước cũng gặp nhiều trắc trở.
Từ khi mô hình bán trú được áp dụng rộng rãi trên địa bàn, con em đồng bào địa phương đã có nơi ăn nghỉ để học tập, chia sẻ bớt một phần gánh nặng kinh tế cho gia đình. Học sinh không phải theo cha mẹ đi nương như trước nên tỷ lệ chuyên cần cũng tăng theo từng năm học.
Thầy giáo Nguyễn Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Vàng San cho biết: Năm học này nhà trường có gần 260 học sinh, trong đó có hơn 100 em được hưởng chế độ bán trú. Cùng với chế độ chính sách, nhà trường còn tổ chức tăng gia như nuôi gà, vịt và trồng rau xanh nên đã góp phần cải thiện thêm bữa ăn cho học sinh.
"Đưa các em từ nhà về các thầy, các cô phải lên lịch kế hoạch hoạt động, phân công lịch trực đối với các thầy giáo, cô giáo và đối với nhân viên trong đơn vị trường, để đảm bảo các em được chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo chế độ các em được thụ hưởng. Và tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ, các hoạt động rèn kỹ năng sống cho các em học sinh, coi các em như là con em của mình. Vì các em ăn ở, sinh hoạt tại trường thì buổi tối các thầy, cô giáo cũng lên quản các em học buổi tối, dạy thêm cho các em".
Năm học 2019 - 2020, huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu có 18 trường tổ chức mô hình bán trú, với trên 3.700 em học sinh, ở 3 cấp học là mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng mỗi khi có chương trình, dự án mới, chính quyền địa phương đều ưu tiên cho công tác bán trú. Nhờ đó nhà bán trú, nhà ăn và các trang thiết bị khác luôn được bổ sung.
Nhờ mô hình bán trú, tỷ lệ chuyên cần của học sinh các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn Mường Tè tăng cao hàng năm, chất lượng giáo dục phát triển bền vững hơn.
Bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: Quy mô trường, lớp và số lượng học sinh, nhất là học sinh bán trú ngày càng tăng. Để đảm bảo cuộc sống cho học sinh bán trú, ngành đã chỉ đạo các trường phân công cho các giáo viên xây dựng lịch sinh hoạt, học tập hàng ngày cho từng học sinh. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, giáo viên thường xuyên gần gũi, thân thiện, giúp đỡ các em trong sinh hoạt, qua đó nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng của học sinh để giúp các em yên tâm học tập.
"Thời gian tới chúng tôi tập trung vừa nuôi dưỡng, chăm sóc và nâng cao việc rèn kỹ năng sống cho các em. Đầu tiên là chúng tôi bồi dưỡng cho các thầy cô có tinh thần trách nhiệm và có năng lực để hướng dẫn cho các em những nội dung, hoạt động nâng cao kỹ năng sống. Đối với công tác bán trú, nội trú thì phối hợp với chính quyền địa phương, phụ huynh để cùng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, nâng cao chất lượng tổng thể cho các em".
Với việc ưu tiên cho cơ sở vật chất bán trú, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, ngành giáo dục huyện Mường Tè luôn đứng tốp đầu về tỷ lệ học sinh chuyên cần của tỉnh Lai Châu. Không chỉ được học tập về kiến thức chương trình học, qua mô hình bán trú, học sinh trên địa bàn còn được rèn luyện kỹ năng sống, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương./.
Hình ảnh xúc động về tấm lòng người thầy ở Thu Lũm Các thầy cô Trường THCS Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) không để học trò vì đường xa, khó khăn mà phải bỏ học. Một góc Thu Lũm. Ảnh: Duy Nguyễn. Trường THCS Thu Lũm nằm ở trung tâm xã Thu Lũm thuộc huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Xã này không chỉ nằm trong danh sách những xã khó khăn...