Giáo viên tự học: Khoảng trời rộng mở và thách thức đổi mới
GD&TĐ – Tự học là yêu cầu tất yếu để giáo viên phổ thông hoàn thiện và phát triển nghề nghiệp, nếu không muốn trở thành người ngoài cuộc trong sự vận động và phát triển của giáo dục và nhà trường.
Lực cản từ chủ nghĩa kinh nghiệm
PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết: Hiện nay, bên cạnh những giáo viên có ý thức học tập nâng cao trình độ, không phải không có một bộ phận giáo viên tự bằng lòng với khả năng hiện có, cho rằng những kiến thức và phương pháp đã tiêp nhận được trong trường đại học cùng với thâm niên kinh nghiệm đã có sẽ giúp họ hoàn thành tốt thiên chức người thầy trong quá trình dạy học của mình.
Chủ nghĩa kinh nghiệm và sự tự tin thái quá đã là lực cản không nhỏ đến quá trình tự học, tự nâng cao trình độ của giáo viên phổ thông.
Video đang HOT
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh: Giáo viên phổ thông của chúng ta hiện nay thường thực hiện chương trình giảng dạy theo kế hoạch đã quy định sẵn, nội dung kiến thức đã có trong chương trình và sách giáo khoa (được coi như là pháp lệnh) nên giáo viên chỉ cần thực hiện đúng kế hoạch giảng dạy và truyền thụ kiến thức trong sách giáo khoa, đảm bảo cho học sinh có thể tham gia tốt các kì thi là hoàn toàn yên tâm.
Trong các trường sư phạm chưa có những môn học về xây dựng và thiết kế chương trình nên giáo viên cũng không cần phải biết và sáng tạo các quá trình dạy học (các con đường dạy học) hướng tới một chuẩn đầu ra như quy định.
Giáo viên không thể hoặc không muốn đi chệch ra khỏi con đường truyền thống của dạy học là bám sát chương trình và sách giáo khoa, thiếu đi sự sáng tạo cần có để dẫn dắt học sinh đến mục tiêu một cách hấp dẫn và hiệu quả.
Từ tự nhận thức đến quyết tâm và đam mê
Đề cập đến thực tế, ở các nước có nền giáo dục phát triển đều có nhiều bộ sách giáo khoa trên cơ sở một chương trình, PGS.TS Ngô Minh Oanh cho rằng: Một mặt giáo viên sẽ có một khoảng trời rộng mở cho sự lựa chọn những nội dung tốt nhất cho dạy học, nhưng đồng thời cũng đặt giáo viên trước thách thức là làm sao không đi chệch khỏi chương trình quy định mà vẫn hướng tới mục tiêu đã định đó chuẩn đầu ra của cấp học, lớp học.
Với chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo, giáo viên Việt Nam chưa từng được trang bị những kiến thức về xây dựng và thực hiện chương trình phải tự tìm hiểu để có thể vận dụng vào quá trình tìm kiếm tư liệu, thiết kế bài giảng và triển khai thực hiện bài giảng ở trên lớp… hướng tới mục tiêu đào tạo. Đây là một ví dụ trong những nội dung tự học mà giáo viên cần lưu ý trong thời gian tới.
PGS.TS Ngô Minh Oanh nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi người giáo viên phải có những nỗ lực cao mới hoàn thành được nhiệm vụ mà xã hội và nhân dân giao phó.
Ngoài việc phải có phẩm chất chính trị, đạo đức của người thầy giáo; có năng lực chuyên môn, tức là nắm vững những nội dung tri thức của bộ môn mà mình giảng dạy, người giáo viên còn phải có năng lực nghiệp vụ sư phạm để chuyển tải kiến thức đến học sinh, tổ chức cho học sinh tích cực, chủ động tự tìm kiếm kiến thức nhằm đạt được yêu cầu kiến thức và kỹ năng theo chuẩn.
Người giáo viên cũng cần có những năng lực cần thiết cho hoạt động xã hội, năng lực nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức và phương pháp mới để phục vụ cho dạy học có hiệu quả cao.
Tuy nhiên, không phải sau khi ra trường, giáo viên phổ thông nào cũng có thể có điều kiện tham gia các lớp học liên quan để nâng cao những năng lực nói trên. Vì thế, muốn hoàn thiện và nâng cao năng lực nghề nghiệp chỉ có một cách chủ yếu là bằng con đường tự học.
Về những giải pháp cho công việc tự học của giáo viên phổ thông trong hoàn cảnh bộn bề công việc của một người giáo viên như hiện nay, theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, yếu tố quan trọng hàng đầu là người giáo viên phải nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của việc tự học, từ đó mới có quyết tâm và tìm được niềm say mê, hứng thú trong quá trình tự học.
“Chỉ có con đường phát triển bằng nội lực thì kết quả thu được mới hiệu quả và vững chắc. Hơn ai hết, mỗi người giáo viên tự soi mình, biết mình đang thiếu những kiên thức gì, từ đó xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện công tác.
Nếu không thể theo học được các lớp bồi dưỡng kiến thức, phương pháp thì việc xây dựng cho mình một tủ sách cá nhân, trong đó chú trọng đến các loại sách công cụ như các loại từ điển, sách tra cứu chuyên môn và luôn cập nhật được các sách mới về chuyên ngành sẽ giúp giáo viên đắc lực trong quá trình tự học. Năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin cũng là những phương tiện rất quan trọng cho việc tự học” – PGS.TS Ngô Minh Oanh cho hay
Theo GD&TĐ