Giáo viên Trường THCS Phú Thọ (TP. HCM) trĩu nặng nỗi lo không được thưởng tết
(Đời sống) – Tôi bước ra khỏi phòng họp trong đầu ong ong câu hỏi: Tết này lấy tiền đâu mua đồ tết cho con? Lấy gì sắm sửa nhà cửa để đón ông bà?…”
Trong khi giáo viên, công nhân viên (GV, CNV) nhiều trường phấn khởi với khoản tiền tăng thu nhập cuối năm (còn gọi là tiền thưởng tết) cao hơn năm trước, thì GV, CNV Trường THCS Phú Thọ (Q. 11, TP. HCM) được thông báo là trưởng bị bội chi, kết toán âm, nên cuối năm không có tiền thưởng tết.
“Lấy gì mua sắm?”
Ngay sau khi nhận tin trên, một GV của trường buồn bã: “Lương GV thấp thì ai cũng hiểu nên cũng chẳng đòi hỏi gì, tôi đã công tác sáu – bảy năm trong ngành cũng chỉ có thu nhập hơn ba triệu đồng/tháng. Cả năm sống tằn tiện, đến trường tự ý thức tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm… Tôi nghĩ, mỗi người tiết kiệm một ít, trường sẽ có được khoản dư cuối năm, tăng thu nhập, để nhà cửa có một cái tết tươm tất hơn. Nhưng họp hội đồng sư phạm vừa rồi, thầy hiệu trưởng và nhân viên kế toán thông báo trường bị bội chi. Tôi bước ra khỏi phòng họp mà trong đầu cứ ong ong mấy câu hỏi: Tết này lấy tiền đâu mua đồ tết cho con? Lấy gì sắm sửa nhà cửa để đón ông bà?…”.
“Tôi người lớn, không có Tết cũng không sao, nhưng hai đứa con thì khó có thể giải thích rằng ba mẹ không có tiền mua đồ mới cho con. Tết năm 2014, chúng tôi được thưởng hơn bảy triệu đồ ng từ tiền tăng thu nhập cuối năm, năm rồi cũng được hơn bốn triệu đồng. Khi thấy GV các trường bạn phấn khởi khoe thưởng Tết năm nay cao hơn, tôi và các đồng nghiệp ở trường lòng đầy hy vọng. Nào ngờ kết quả là con số 0, nhưng tôi còn có chồng công tác ở nơi khác cũng tạm ổn. Thương nhất phải kể đến ba cặp vợ – chồng cùng công tác tại trường. Tình hình này coi như họ sẽ chẳng có đồng thưởng nào ăn tết” – một nhân viên công tác nhiều năm tại trường chia sẻ.
Nhiều năm nay, khi các trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định 43, thì khoản thu nhập tăng thêm hằng tháng, hằng quý và đặc biệt là vào dịp cuối năm luôn là niềm mong đợi của nhiều GV. Trường nào giỏi tiết kiệm và có thêm các nguồn thu từ các dịch vụ giữ xe, căng-tin… thì GV tăng thu nhập.
Video đang HOT
Số tiền kết dư càng lớn thì tiền thưởng tết càng cao. Chính vì vậy, bài toán thưởng tết cho GV ít hay nhiều phụ thuộc nhiều vào “người cầm lái”. Vì thế mà việc một trường nào đó kết toán không có dư, GV không có thưởng tết là chuyện thường tình.
Nhưng điều khiến GV, CNV Trường THCS Phú Thọ bức xúc là hiệu trưởng không công khai tài chính thu-chi trong năm để GV biết được tình hình của trường và những lý do dẫn đến việc không có kết dư. Ngược lại, hiệu trưởng chỉ thông báo ngắn gọn rằng trường đã bội chi.
Một GV nói: “Nếu nói bội chi thì phải giải thích vì sao bội chi. Ít nhất cũng công khai tài chính để GV biết. Kinh phí ngân sách cấp đủ, trường lại có thêm nhiều khoản thu dịch vụ lên đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, GV có ý thức tiết kiệm trong mọi hoạt động mà bây giờ nói không có dư thì thật khó hiểu!”.
Nhiều khoản thu nhưng vẫn “nợ”
Thắc mắc, bức xúc ngày một tăng, tập thể GV, CNV trường THCS Phú Thọ đã làm đơn “cầu cứu” khắp nơi. Ông Lê Thanh Huy – Hiệu trưởng nhà trường (ông Huy mới về làm hiệu trưởng từ tháng 9/2015) cho biết: từ 25/8/2015, trường đã thông báo và khẳng định trong kỳ họp hội đồng sư phạm ngày 9/1 rằng, do các khoản chi quá lớn dẫn đến không kết dư cuối năm 2015, GV không có khoản thu tăng thu nhập.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, khi bàn giao công tác hiệu trưởng cho ông Huy vào đầu tháng 6/2015, hiệu trưởng cũ là bà Trần Thị Mỹ Hạnh có bàn giao lại số quỹ tồn gồm tiền mặt và tiền trong kho bạc hơn bốn tỷ đồng, riêng ngân sách là hơn 2,7 tỷ đồng và tiền thu học phí hơn 560 triệu đồng.
Vào thời điểm tháng 10/2015, trường lại được cấp bổ sung ngân sách đợt 4/2015 với số tiền hơn 730 triệu đồng. Với những khoản thu và được cấp như vừa nêu, tập thể GV, CNV của Trường THCS Phú Thọ thắc mắc: nếu không có kết dư thì những khoản tiền trên đi đâu, được chi tiêu vào những khoản nào?
Một nhân viên công tác tại trường chỉ rõ: “Bên cạnh những khoản thu từ ngân sách, học phí chính khóa, Trường THCS Phú Thọ còn có các khoản thu phúc lợi đầu năm như đấu thầu căngtin 240 triệu đồng/năm, bãi giữ xe 70 triệu đồng/năm, đấu thầu cửa hàng văn phòng phẩm trong trường 25 triệu đồng/ năm, bãi giữ xe buổi tối cho nhà hàng Tân Lạc Viên là năm triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, trường còn thu học phí tin học 30.000đ/ tháng/HS; học phí bồi dưỡng toán-văn-Anh văn 150.000đ/ tháng/HS. Tất cả các khoản thu này đều được trích một phần đưa vào chi hoạt động thường xuyên… Nhưng những khoản thu – chi này đều không được thông báo cụ thể để chúng tôi biết, giám sát việc chi tiêu”.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 14/1, Hiệu trưởng Lê Thanh Huy cho biết, ngân sách cấp cả năm cho trường chỉ khoảng 6,2 tỷ đồng thì không có chuyện dư đến bốn tỷ vào thời điểm bốn tháng cuối năm như GV phản ánh. Cũng theo ông Huy, hiệu trưởng cũ về hưu vào tháng Sáu và ông nhận công tác tại trường vào cuối tháng Tám nên có đến hai đợt bàn giao từ hiệu trưởng cũ sang cho ban giám hiệu trường và từ ban giám hiệu về cho hiệu trưởng mới là ông.
“Tôi không biết đợt bàn giao thứ nhất với số tiền lên đến hơn bốn tỷ đồng liệu có khớp với số thực không” – ông Huy nói. Thế nhưng, khi chúng tôi yêu cầu được biết con số từ ban giám hiệu bàn giao thì ông Huy cho biết chưa thống nhất con số (?).
Ông Huy đưa cho chúng tôi xem báo cáo thu – chi lập vào ngày 11/1/2016 để báo cáo lên Phòng GD-ĐT quận. Theo báo cáo này, nguồn thu từ tháng 9/2015 (thời điểm ông Huy bắt đầu về trường) đến cuối năm 2015 là 1.255.287.349đ.
Theo tài liệu này, số tiền phải chi từ tháng 9/2015 đến cuối năm 2015 là hơn 1,8 tỷ đồng, nghĩa là trường đã chi lố gần 600 triệu đồng so với nguồn thu, vì vậy, không có tiền để tăng thu nhập cuối năm 2015. Thế nhưng, điều lạ là trong báo cáo thu – chi này chỉ thể hiện một nguồn thu duy nhất từ ngân sách. Các khoản thu từ học phí chính khóa, học phí tin học, học phí bồi dưỡng văn hóa… đều không thấy thể hiện.
Bên cạnh đó, trường còn có các khoản thu dịch vụ từ căngtin, bãi xe… hơn 330 triệu đồng/ năm cũng không được đưa vào nguồn thu chung để kết toán. Trả lời vấn đề này, ông Huy giải thích: “Tất cả cán bộ – nhân viên – giáo viên đã đồng ý đưa vào quỹ phúc lợi, điều này đã được đưa vào nghị quyết cán bộ viên chức hồi đầu năm học. Số tiền này, tôi chỉ dùng để khen thưởng chứ không đưa vào tăng thu nhập cuối năm”.
Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi một số GV, CNV thì họ khẳng định chưa từng đồng ý với chủ trương trên. Hiệu phó Nguyễn Tăng Thanh cũng đã xác nhận điều này ngay trước mặt hiệu trưởng. Ngoài ra, ông Thanh còn nói thêm: “GV, CNV bức xúc, thắc mắc về thu-chi tài chính không được minh bạch và đề nghị thầy hiệu trưởng sớm công khai các khoản thu – chi trong năm”. Ông Huy cho biết đã báo cáo sự việc lên Phòng Giáo dục, Phòng Tài chính Q.11 kiểm tra và hẹn sẽ trả lời khi có kết quả.
Chiều 18/1, ông Đặng Đức Hoàng – Trưởng Phòng GD-ĐT Q.11 cho biết: “Theo Nghị định 43, vấn đề thu – chi sẽ do hiệu trưởng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải yêu cầu các trường báo cáo thu – chi, tăng thu nhập cuối năm cho GV… để đảm bảo các trường làm đúng quy định. Ngay khi nhận thông tin phản ánh từ phía báo Phụ Nữ, Phòng GD-ĐT sẽ lập tức cử người kiểm tra sự việc để có câu trả lời thỏa đáng và đảm bảo quyền lợi cho GV”.
Theo Phunuonline