Giáo viên trẻ phải vay nợ, xin tiền bố mẹ… để sống vì lương thấp
Ở độ tuổi mới ra trường khát khao cống hiến, đầy nhiệt huyết, háo hức, khám phá với nghề nhất nhưng rất nhiều giáo viên trẻ đã không thể theo nghề vì thu nhập không đáp ứng được cuộc sống tối thiếu.
“Rụng nghề” khi đầy nhiệt huyết
Năm học 2017-2018, cô T.H.V., tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM về công tác tại một trường tiểu học ở TPHCM. Trẻ trung, năng động, nhiều ý tưởng, cô đã đưa thêm một luồng gió mới vào hoạt động dạy học ở trường. Những tiết học theo dự án, đổi mới, kết nối với học trò… được cô giáo trẻ chia sẻ với đồng nghiệp, lan tỏa trên Facebook thể hiện phần nào nhiệt huyết, háo hức với nghề của cô.
Đồng lương thấp, nhiều giáo viên trẻ gặp thách thức khi bám trụ với nghề giáo. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, chỉ qua một học kỳ, không chờ hết năm học, cô V. đã phải tạm biệt công việc, học trò khi đồng lương không đủ trang trải được cuộc sống tối thiểu. Tổng thu nhập khi đi dạy của cô chỉ 3 triệu đồng nên cô thường xuyên phải xin thêm tiền gia đình hay vay mượn bạn bè. Gần 7 tháng đi dạy, số tiền cô vay nợ để “nuôi mình” đã hơn chục triệu đồng.
“Trong những tháng đi dạy, tiền chi tiêu, sinh hoạt tôi vay bạn bè, còn cưới hỏi hay thăm viếng, phát sinh thì… xin bố mẹ. Không thể duy trì việc này nên tôi quyết định nghỉ dạy, tìm việc khác dù rằng tôi đam mê sư phạm từ nhỏ”, cô V. cho hay. Hiện tại, cô V. đang làm cho một công ty giáo dục kỹ năng sống.
Bám nghề được lâu hơn cô V., sang năm thứ 3 đi dạy, thầy giáo trẻ Nguyễn D.T., từng dạy học dạy học ở Bình Tân, TPHCM cũng nghỉ việc sau thời gian trúng tuyển đầy háo hức. Thầy T. từng xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc nhưng thực tế không trôi chảy như thầy hình dung.
“Trong những tháng đi dạy, tiền chi tiêu, sinh hoạt tôi vay bạn bè, còn cưới hỏi hay thăm viếng, phát sinh thì tôi phải xin thêm bố mẹ” - cô T.H.V.
Mức thu nhập hơn 3 triệu đồng, thầy suốt ngày phải đau đầu tính toán, chi tiêu tằn tiện hết sức cũng chỉ đủ “trụ” giỏi lắm được hơn nửa tháng, những ngày còn lại là gọi điện, nhắn tin… khắp mọi nơi tìm nguồn trợ giúp.
“Nhà tôi có 4 anh em và những anh em còn lại thay nhau hùn tiền nuôi một ông em làm thầy giáo. Bố mẹ ốm đau hay đóng góp gì trong nhà, tôi cũng được miễn hết”, thầy T. chua chát cho biết.
Thầy kể, nhiều khi giáo viên trong trường rủ nhau đi ăn uống thầy tìm cách từ chối, nhiều khi muốn mua quà bánh kẹo, sách… để kết nối với học sinh mà đành chịu vì trong túi hết tiền. Thầy T. cho rằng, nếu không có hậu thuẫn từ gia đình hay làm thêm công việc khác thì giáo viên trẻ rất khó để theo nghề. Như thầy, tạm gác ước mơ, quyết định tìm việc khác trước hết là để.. tự lập, nuôi lấy thân mình.
Lấy gì nuôi thân để theo nghề?
Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên trường tiểu học An Phú 2, Củ Chi, TPHCM cho biết, cô ra trường gần 15 năm, tổng thu nhập tính cả tiền 2 buổi, tiền vùng sâu vùng xa là khoảng 6 triệu đồng. Còn giáo viên mới ra trường, lại hợp đồng chỉ nhận theo hệ số lương 1,86 không có gì thêm. Cô chứng kiến nhiều giáo viên trẻ, ra trường đi dạy đã phải bỏ nghề vì không thể sống nổi với đồng lương “khởi đầu” đó.
Video đang HOT
Theo báo cáo của quận 11 trong năm học 2017-2018, mức thu nhập thấp nhất của giáo viên (thời gian công tác 1 – 5 năm) là 2.253.000 đồng. Ông Đặng Hoàng Đức, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay với đội ngũ chính là giữ chân giáo viên mới ra trường. Ở bậc mầm non, tiểu học công việc áp lực nhưng đồng lương quá thấp, nhiều người không đủ trang trải sinh hoạt nên họ bỏ việc.
Việc trả lương theo năng lực trong nghề giáo sẽ là động lực cho đội ngũ trẻ (ảnh minh họa)
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TPHCM chia sẻ, bà rất buồn lòng mỗi khi phải tuyển hợp đồng giáo viên, như năm trước hợp đồng giáo viên tin học vì không có hộ khẩu ở thành phố, ở tỉnh nên giáo viên còn tốn kém tiền thuê trọ và rất nhiều khoản chi tiêu cơ bản. Đặc biệt giáo viên trẻ mới ra trường dạy các môn ít tiết như nhạc, mỹ thuật, thể dục, tin học… lại càng khó khăn, sẽ phải làm thêm rất nhiều việc.
Theo bà Hà, nghịch lý là giáo viên trẻ nhiệt tình, đầy năng lượng nhưng lương thấp nên rất khó để giữ chân các em bám trụ với nghề. Trong khi nhiều giáo viên lớn tuổi, hệ số lương cao nhưng lại sa sút trên nhiều mặt. Thế nên, rất cần thực hiện việc trả lương theo năng lực trong nghề giáo.
Theo báo cáo vào cuối năm 2017 của Bộ GD-ĐT, lương của giáo viên tiểu học/mầm non mới ra trường đang thấp hơn mức lương tối thiểu. Giáo viên thâm niên trên 25 năm lương 10,5 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường, do mức lương khởi điểm được hưởng của giáo viên thấp, phụ cấp ưu đãi lại tính trên nền của mức lương cơ sở nhân với hệ số lương và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên ngành do chưa đủ 60 tháng công tác. Cụ thể, tiểu học, mầm non nhận hệ số lương 1,86 và nếu có phụ cấp ưu đãi thì tổng lương cũng chưa đến 3.265.000 đồng.
Đây cũng là hai bậc học thiếu giáo viên nhiều nhất đang diễn ra ở các thành phố lớn.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Học văn có lăn tăn?
Một số người cho rằng phải học giỏi toán, lý, hóa hay tiếng Anh thì mới dễ thành công và e ngại khi giới thiệu bản thân hay con em mình đang là học sinh chuyên văn, sinh viên ngành văn học, sư phạm văn...
Các bạn trẻ trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm viết văn do dự án Cái cây nhỏ tổ chức - ẢNH: THÚY HẰNG
Tuy nhiên trên thực tế, ngữ văn là môn học theo ta suốt cuộc đời, gắn bó với tất cả chúng ta ở một khía cạnh nào đó, cho dù khi ra trường làm bất cứ ngành nghề gì.
Môn học dạy làm người
"Những bài học văn của cô giáo dạy tiểu học đã đổi thay cuộc đời tôi. Từ một học trò ngỗ nghịch, từng chỉ biết gạch đầu dòng cho một bài văn, tôi đã trở thành một người học văn khá nhất nhì lớp và sau này nghề nghiệp của mình gắn liền với những con chữ", anh Nguyễn Bá Tuấn, cựu nhân viên Công ty TNHH truyền thông Hoa Mặt Trời (TP.HCM) chia sẻ.
Không chỉ với anh Tuấn, nhiều bạn trẻ nay đã trưởng thành, có thể làm nhiều công việc khác nhau, họ đều nhận ra không phải toán, lý, hóa hay tiếng Anh, mà chính văn mới là môn học họ cần nhiều nhất trong cuộc đời.
Một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi bắt gặp hai anh em song sinh Nguyễn Phạm Thiên Thanh, Nguyễn Phạm Thiên Phúc, HS lớp 10 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM đang chăm chú lắng nghe và ghi chép buổi trò chuyện của Thiên Hương, cô gái trẻ có nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo vệ hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). "Em sẽ viết thư cho chị Hương, đây là một đề tài thầy giáo dạy văn giao cho chúng em, viết thư cho một người em ngưỡng mộ", hai anh em nói và khoe với chúng tôi một tập sách lưu lại những bức thư em viết cho người thân, bạn bè.
Bà Phạm Thanh Dung, mẹ của Thanh và Phúc, cho hay đây là những hoạt động của dự án Học văn từ cuộc sống đang được nhiều học sinh yêu thích ở Trường THPT Bùi Thị Xuân. "Các con yêu thích môn văn và không bao giờ nghĩ viết văn là áp lực bắt buộc. Mỗi bài văn với các con đều là ghi chép những cảm xúc thật của mình", bà Dung nói.
Gắn bó với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú (TP.HCM) hơn 14 năm, trong những bài giảng văn, cô Lê Thị Trúc, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, luôn lồng ghép nhiều bài học thực tế cuộc sống để hướng các học trò trở thành người nhân ái, tử tế. Nhiều học trò từng ngỗ nghịch đã đổi thay, các em thành công và không quên ơn cô giáo cũ. Với cô Trúc, đó là một niềm hạnh phúc của nghề.
"Môn văn là môn dạy làm người. Sau này dù có thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều phải dùng môn văn ngày ngày để nói chuyện với bệnh nhân, thuyết phục khách hàng, đối tác", cô Trúc nói.
Viết đúng trước khi viết hay
Lê Phương Dung, 22 tuổi, sinh viên năm cuối Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trước khi nghĩ đến viết hay, hãy viết cho đúng. "Cảm giác khi đọc một bài văn đang mượt mà, gặp một lỗi chính tả thấy "khựng" lại, những cảm xúc chợt tan biến. Nếu được, bạn hãy chuẩn bị cho mình một cuốn từ điển tiếng Việt bên mình để tra ngay khi nghi ngờ", Phương Dung chia sẻ.
Nguyễn Quỳnh Hương (22 tuổi, cựu HS chuyên văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, người sáng lập dự án Cái cây nhỏ về chuyện học văn), chia sẻ: "Tôi tìm được phương pháp, kinh nghiệm học văn. Môn văn có những quy tắc của nó. Muốn học văn tốt, cũng như người VN học tiếng Anh, tập trung kỹ vào các ngôn ngữ, ngữ pháp, chính tả, quan hệ từ... Cái gốc phải vững, sau đó mới trau dồi những cách diễn đạt hay. Làm sao để học môn văn tốt hơn là trăn trở của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đang ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, nếu biết tự tạo động lực cho mình thì dù là môn học gì cũng là niềm vui và hữu ích".
Phạm Thiên Trang, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cho rằng động lực học văn có thể đơn giản như là để viết những nội dung hấp dẫn trên mạng xã hội, để những bài quảng cáo tiếp cận được nhiều người hơn; hay viết blog hay hơn, ấp ủ dự định viết sách cho riêng mình...
Trong khi đó, Phạm Thúy Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: "Các bạn trẻ có thể trau dồi cách viết văn bằng cách đọc sách, viết nhật ký, chia sẻ những câu chuyện với người khác".
Ý kiến
Phát triển nhân cách và kỹ năng
"Tôi từng có thời gian rất ghét môn văn vì thấy nó nhàm chán. Thực tế, trong bối cảnh xã hội hiện tại nhiều người trọng việc học các môn tự nhiên hơn mà quên mất ngữ văn cũng là một môn khoa học. Đặc biệt việc học môn văn có tác động đến sự phát triển nhân cách và cả kỹ năng của con người".
Lê Thị Huyền Nhung (sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Nhìn nhận vấn đề tốt hơn
"Học văn giúp tôi lưu giữ những trải nghiệm của mình. Nhờ học văn, thái độ cũng như cách nhìn nhận sự việc của tôi trở nên khách quan, đa chiều, sâu sắc hơn".
Huỳnh Hải Nhi (học sinh Trường THPT Năng khiếu TP.HCM)
Khi đi làm mới thấy giá trị
"Hồi nhỏ vì chưa được khơi dậy giá trị và tình yêu với môn văn nên tôi chỉ học cho xong. Bây giờ đi làm, đặc biệt về mảng cần phải viết những câu quảng cáo cho các nhãn hàng, mới thấy giá trị của việc học ngữ pháp, ngôn ngữ. Nếu được quay trở lại, tôi sẽ học môn văn một cách khoa học hơn".
Vũ Thị Minh Thư (nhân viên marketing tại TP.HCM)
Nghĩ đến các ứng dụng sẽ thấy thích thú
"Nhiều người học văn một cách miễn cưỡng, học vì ai cũng học, nhưng nếu nghĩ về những ứng dụng của nó trong cuộc sống thì sẽ có hứng thú và động lực hơn nhiều".
Lê Phong (chuyên viên dịch thuật tại TP.HCM)
Tăng cường dạy văn ứng dụng
Đinh Thùy Linh, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, nhận xét: "Tôi thấy việc học môn văn ở nhà trường hiện còn đang xoáy sâu quá nhiều vào việc phân tích tác phẩm mà không tập trung sâu vào ngôn ngữ và ngữ pháp. Ngay cả bản thân tôi học khối D cũng viết, nói sai chính tả vì tính vùng miền khá nhiều. Thêm nữa, nếu môn văn có các tiết học tương tác nhiều hơn giữa thầy và trò, tăng cường dạy văn ứng dụng như viết đơn, thư, viết truyện ngắn, bài phát biểu... sẽ giúp chúng tôi gia tăng tình yêu với môn văn".
"Môn văn là môn dạy làm người. Sau này dù có thành bác sĩ, kỹ sư hay bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng đều phải dùng môn văn ngày ngày để nói chuyện với bệnh nhân, thuyết phục khách hàng, đối tác"
Lê Thị Trúc
Theo thanhnien
Nước Đức đang trải qua giai đoạn thiếu hụt giáo viên tồi tệ nhất Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội các giáo viên Đức, Heinz-Peter Meidinger chia sẻ trên tờ Passauer Neue Presse rằng nền giáo dục Đức đang trải qua tình trạng thiếu nhân sự tồi tệ nhất. Trả lời tờ báo Passauer Neue Presse, Chủ tịch Hiệp hội các giáo viên Đức cho biết, Đức ước tính sẽ thiếu hụt 40.000 giáo viên cho năm...