Giáo viên tiểu học long đong tìm lại lớp dạy sau kì nghỉ hậu sản
Với nữ giáo viên tiểu học, sau khi nghỉ hậu sản nhiều người thường “ mất việc”, phải chờ đợi đôi khi mất vài năm mới có lớp dạy lại.
Các nữ giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sau khi nghỉ hậu sản vào sẽ tiếp tục được Ban giám hiệu bố trí dạy lại bình thường mà không gặp khó khăn, trở ngại gì. Nhưng đối với nữ giáo viên Tiểu học, sau khi nghỉ hậu sản họ thường không có lớp dạy, nhiều giáo viên phải chờ đợi.
Có người đợi hết năm học đó nhưng cũng có người phải chờ đợi mất vài năm sau mới có lớp để dạy.
Từ thực trạng này mà nảy sinh một số vấn đề tiêu cực trong nội bộ của một số nhà trường, khiến không ít giáo viên phải âm thầm ngậm ngùi chịu đựng.
“Vật vờ” sau 6 tháng nghỉ hậu sản
Ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, mỗi bộ môn thường có nhiều giáo viên. Khi giáo viên này có việc hoặc nghỉ hậu sản thì Ban giám hiệu nhà trường bố trí các giáo viên khác dạy thay thế. Có thể trong thời điểm tổ chuyên môn có giáo viên nghỉ thì giáo viên khác dạy quá số tiết quy định, nhưng khi có giáo viên vào thì họ sẽ được bố trí số tiết ít lại để cân đối lại số tiết trong một năm học.
Ở cấp Tiểu học, theo biên chế hiện nay, ngoài giáo viên Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục thì các giáo viên khác là chủ nhiệm lớp, dạy những môn học còn lại
Việc “bù qua lấp lại” như vậy rất bình thường và ai cũng dễ dàng thông cảm, chấp nhận sự phân công của nhà trường. Bởi, ai cũng hiểu chuyện thai sản là chuyện đương nhiên của người phụ nữ nên gần như không có vấn đề gì phải thắc mắc cả.
Tuy nhiên, ở cấp Tiểu học lại hoàn toàn khác. Bởi, theo biên chế hiện nay, ngoài giáo viên các môn chuyên (Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Thể dục) thì các giáo viên khác là chủ nhiệm lớp, dạy những môn học còn lại. Chính vì vậy, nếu khi có người nghỉ hậu sản cũng đồng nghĩa lớp học đó không có giáo viên.
Vì thế, bắt buộc nhà trường phải điều giáo viên dự trữ hoặc tuyển thêm người mới thay thế để duy trì việc giảng dạy cho học sinh.
Do đó, khi giáo viên hết thời kỳ nghỉ thai sản, đương nhiên họ sẽ không còn lớp dạy trong năm học đó.
Họ sẽ trở thành giáo viên dự trữ cho nhà trường, có thể là dự trữ hết năm học đang dở và cũng có thể sẽ dự trữ nhiều năm cho tới khi có giáo viên trong trường nghỉ hưu, nghỉ hậu sản tiếp theo hoặc cơ cấu lớp được tăng lên thì mới có lớp.
Công việc của họ là hàng ngày đến trường ngồi hết giờ hành chính và làm một số công việc lặt vặt do Ban giám hiệu bố trí, hoặc hôm nào có giáo viên bệnh, bận đột xuất nghỉ thì lên lớp đó dạy thế.
Bạn bè của tôi có một số cô đang giảng dạy ở cấp Tiểu học. Sau mỗi kỳ nghỉ hậu sản mà năm học chưa kết thúc là đều phải “vật vờ” ở trường một thời gian dài mới có lớp dạy lại.
Có cô thì được phân công làm giám thị, cô thì dạy thủ công, cô thì dạy Mỹ thuật (thay giáo viên nghỉ hậu sản). Có cô thì làm những việc không tên trong nhà trường như trực thay giáo viên Tổng phụ trách Đội trong những ngày họ nghỉ, họp, đi công tác, có khi được phân công đem học sinh đi thi các phong trào của trường ở những đơn vị bạn…
Tóm lại, chuyện gì có thể giao được là Ban giám hiệu nhà trường giao cho. Thậm chí, có những giáo viên phải dạy tăng cường ở những đơn vị khác trên cùng địa bàn khi Phòng Giáo dục có công văn điều động.
Cuộc chạy đua ngầm
Chính từ chuyện thừa người kiểu này, nên có cuộc chạy đua ngầm giữa một số giáo viên trong trường với nhau.
Người vừa mới nghỉ vào trường muốn năm mới có lớp dạy, người đang dạy thế cũng muốn được duy trì công việc của mình. Thậm chí, một số giáo viên “có vấn đề” trong giảng dạy cũng được nhà trường lưu ý cắt lớp cho người khác dạy.
Vậy nên, chỉ một vị trí thừa nhưng có nhiều giáo viên phải “quan tâm” gặp gỡ các thành viên Ban giám hiệu, để mình không nằm trong vị trí “dự trữ” đó.
Phải thừa nhận một điều là ngay cả Ban giám hiệu cũng có những khó khăn trong việc phân công nhân sự khi trong trường có giáo viên nghỉ hậu sản.
Chính vì sự khó khăn trên nên một số giáo viên ở thành phố rất ngại sinh con. Bởi sinh xong, họ không chỉ gặp khó khăn về chuyện tìm lại lớp dạy cho mình, mà đôi lúc còn phải phát sinh thêm một số kinh phí để “gặp gỡ” người này, người kia nhằm xin xỏ, tác động cho việc dạy lại.
Vì thế, cuộc chạy đua ngầm giữa một số nữ giáo viên Tiểu học vẫn xảy ra khi có giáo viên hết thời gian nghỉ thai sản.
Ngoài công việc hàng ngày thì vai trò, thiên chức cao quý của người phụ nữ là có gia đình và sinh con. Song, sự khó khăn của nữ giáo viên Tiểu học sau sinh con lại là chuyện tìm lại công việc hàng ngày cho mình. Đây là thực trạng đã và đang xảy ra ở một số trường Tiểu học cần các cấp có sự quan tâm thích đáng hơn.
Nguyễn Đăng
Theo vietnamnet
Khánh Hòa: Cầu bị tháo dỡ do mưa lũ, hàng chục học sinh đi học bằng đò
Hàng chục học sinh ở xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã phải đi học bằng đò ngang sau khi một cây cầu gỗ bị tháo dỡ do ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Học sinh ở bờ bắc sông Cái Nha Trang đi đò về nhà sau một ngày đến trường (ảnh chụp vào chiều 27/11/2018)
Chông chênh phận đò đến trường
Cầu gỗ dài hơn 400m, bắc qua sông Cái Nha Trang (đoạn chảy qua xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang). Đây là cây cầu đi lại của cả nghìn người dân thuộc 3 thôn là Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 và Xuân Ngọc (xã Vĩnh Ngọc) nằm ở phía bắc sông Cái Nha Trang.
Từ ngày cầu bị tháo và bị cuốn trôi một phần do mưa lũ, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Trong đó, các em học sinh muốn qua trung tâm xã ở phía nam sông đi học phải đi đò rất nguy hiểm bởi mùa này đang mùa nước lũ, nước sông chảy xiết.
17h20 ngày 27/11, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hiệp, giáo viên trường tiểu học Vĩnh Phương 2 (xã Vĩnh Phương) cùng hàng chục học sinh trường tiểu học Vĩnh Ngọc, trường THCS Cao Thắng (xã Vĩnh Ngọc) xuống bến ở nam sông để đi đò về nhà sau một ngày đến trường.
Thầy Hiệp cho biết, từ ngày cầu bị tháo dỡ, thầy đưa xe máy qua bờ nam bến sông gửi tạm nhà người dân. Mỗi ngày thầy đi đò qua bờ nam, lấy xe máy chạy đến trường.
Một phụ huynh ở bắc sông Cái Nha Trang cũng chèo con thuyền nhỏ đón hai con đi học về, chiều 27/11/2018.
"Nói chung đi đò mà trời không mưa gió thì đi cũng tạm ổn, nhưng khi có mưa thì cũng khá vất vả. Chủ đò cũng trang bị nhiều áo phao cho các em học sinh nhưng mà học sinh còn nhỏ, nhiều cháu tính hiếu động nên cũng lo", thầy Hiệp tâm sự.
Giáo viên, học sinh và người dân nơi đây mong muốn một cây cầu kiên cố được xây càng sớm càng tốt.
Kiến nghị giáo viên: Nên phân tuyến lại học sinh 3 thôn ở bắc sông?
Theo các thầy cô giáo, ở phía bắc sông có hơn 10 giáo viên, trong đó đa phần là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học phải đi đò qua bờ nam dạy học. Nhiều giáo viên cho biết, mỗi mùa mưa lũ không có cầu để qua sông thì nhiều học sinh ở bắc sông rất thiệt thòi.
"Mưa lớn, nước sông dâng cao thì đò không ai dám chạy nên các cháu học sinh mất học, mất tiết nhiều. Là một giáo viên, tôi thực sự mong muốn tuyến tuyển sinh đầu vào của học sinh 3 thôn Hòn Nghê 1, Hòn Nghê 2 và Xuân Ngọc đi về phường Vĩnh Hải, phường Vĩnh Hòa để cho thuận lợi, không bị cách sông trở đò", thầy Hiệp nói.
Học sinh đi đò qua sông Cái Nha Trang đi học mùa mưa lũ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Trong khi đó, chủ cầu là ông Nguyễn Xuân Thuận (56 tuổi, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang) cho biết, hiện nay cầu gỗ Phú Kiểng bị tháo dỡ khoảng 60m và bị mưa lũ làm trôi thêm một đoạn. Ông Thuận cho biết, hiện đang theo dõi tình hình mưa bão và sẽ nhanh chóng lắp đặt lại cầu cho bà con qua lại khi thời tiết thuận lợi, chấm dứt đợt mưa lũ.
Hiện nay, ông Thuận cũng bố trí 8-12 chuyến đò ngang/ngày để đưa miễn phí học sinh, giáo viên qua sông đến trường.
Trao đổi với PV Dân trí về câu chuyện kể trên, ông Phan Trần Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) cho biết, nhằm đảm bảo an toàn cho các em học sinh qua sông, xã cũng đã nhắc nhở chủ đò trang bị đầy đủ áo phao cho học sinh, giáo viên khi đi đò.
"Bữa trước triển khai là thuê xe buýt nhưng mà hợp đồng chưa xong nên xe buýt chưa chạy, các cháu tạm thời đi đò. Hiện có khoảng 200 học sinh đi học bằng đò", ông Nghị nói.
Cầu bị tháo dỡ do mưa lũ, hàng chục học sinh đi học bằng đò
Thủy Nguyên
Theo Dân trí
Nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0: Robot không thể thay thế được giáo viên mầm non Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, robot sẽ vẫn không thể thay thế được giáo viên mầm non. Tuy vậy, bản thân giáo dục mầm non phải điều chỉnh để không chỉ có năng lực đáp ứng cho công việc tương lai mà còn cả khả năng linh hoạt chuyển đổi công việc và nghề nghiệp khi có sự thay...