Giáo viên tích cực nghiên cứu sách Ngữ văn 6
Thời điểm này, việc lựa chọn SGK cho lớp 2, lớp 6 đã được các địa phương hoàn thiện, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT. Giáo viên đang tích cực nghiên cứu để giảng dạy sao cho hiệu quả.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
Sách hỗ trợ tốt học sinh tự học
Cô Phạm Phương Chi – giáo viên Trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Trong Chương trình GDPT mới, phần kiến thức Ngữ văn lớp 6 không quá khó nhưng đa dạng thể loại hơn so với Chương trình trước đây, đặc biệt là phần hình thành kĩ năng viết.
Trước đây, ở một khối lớp, học sinh sẽ được học cách viết 2- 3 loại (Ví dụ: Kể chuyện, miêu tả) – nhưng với sách mới, tất cả các loại học sinh đều được học (kể, miêu tả, thuyết minh, nghị luận,…) ở mức độ vừa sức và được nâng cao, mở rộng trong chương trình những năm sau.
Hệ thống văn bản trong sách Ngữ văn 6 cũng có thay đổi khá nhiều, mang tính cập nhật. Phần kiến thức Tiếng Việt là ít thay đổi nhất. Kiến thức phần Làm văn có bổ sung thêm các thể loại ở khối lớp trên xuống, nhưng vừa sức đối với học sinh.
Các hướng dẫn ở SGK mới khá kĩ, giúp học sinh có thể tự học, tự chuẩn bị bài theo hướng dẫn đó để chiếm lĩnh kiến thức. Đặc biệt, cấu trúc bài học trước kia một bài học/tuần, bây giờ 1 bài học là 1 chủ đề, học trong 2-3 tuần. Sách mới cũng yêu cầu ý thức tự học của học sinh cao hơn qua các phần Đọc mở rộng.
Theo cô Phương Chi, với khá nhiều cải tiến, mở rộng và yêu cầu cao hơn trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 mới nhưng học sinh lớp 5 chỉ cần học và nắm chắc kiến thức theo đúng chương trình hiện hành là hoàn toàn có thể bắt nhịp sách mới.
Là giáo viên dạy Ngữ văn lớp 6 năm học tới, cô giáo Lê Thanh (THCS Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) cho biết: Cả ba đầu sách môn ngữ văn lớp 6 thuộc bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống đều có những điểm nổi trội khác nhau. Ngữ văn lớp 6 được viết gần gũi với cuộc sống và có nhiều hoạt động thực tế giúp phát triển năng lực học sinh.
Video đang HOT
Sách ngữ văn Chân trời sáng tạo có điểm nổi bật là viết theo chủ điểm, thể hiện tính “mở” khá rõ ràng và kết nối văn chương với cuộc sống. Nếu chọn sách này thì giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Bởi nội dung cuốn sách yêu cầu người dạy phải tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh trong quá trình dẫn dắt các em đến với tri thức.
Còn sách ngữ văn 6 thuộc bộ Cánh diều có ưu điểm là biên soạn theo thể loại văn kể, miêu tả, văn nghị luận, văn thuyết minh. Nội dung sách có vẻ như kế thừa khá nhiều nội dung bộ SGK ngữ văn hiện hành. Vì vậy, nó có cảm giác quen thuộc và dễ chịu. Điều quan trọng khi chọn sách là hội đồng đưa tiêu chí nào lên đầu tiên mà thôi.
Ảnh minh hoạ. (nguồn: Internet)
“Có một điểm mới trong quy trình chọn sách lớp 2, lớp 6 là Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi giáo viên phải có bản nhận xét về các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Ngoài việc đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu giáo viên phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì phải báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng. Lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ GD&ĐT” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Vai trò tự đổi mới của người dạy
Theo thông tư 25 về lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định việc chọn sách cho học sinh trên địa bàn, dựa trên đề xuất của hội đồng chọn sách của tỉnh. Điều này khác với chọn sách giáo khoa lớp 1 (do trường thành lập hội đồng, hiệu trưởng quyết định, quy định tại thông tư 01).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, mặc dù sách giáo khoa đã được phê duyệt nhưng nếu giáo viên, các trường phát hiện những điểm không phù hợp, những vấn đề khiến giáo viên, học sinh có thể gặp khó khăn khi thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị xuất bản giải thích hoặc điều chỉnh khi cần thiết.
Trải qua gần một năm học, thực hiện theo chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp 1, các giáo viên đã không còn bỡ ngỡ với những thay đổi. Họ đã khẳng định vai trò của những người tiên phong, chủ động, dẫn dắt học sinh trong các bài học. Các giáo viên cũng hiểu rõ vị thế người tạo nền móng kiến thức để học sinh sẵn sàng với phương pháp và kiến thức ở lớp học tiếp theo.
“Điều cần nhất trong đổi mới giáo dục nói chung vẫn là giáo viên phải tự đổi mới chính mình. Nếu với chương trình mới, sách mới mà giáo viên không thay đổi, vẫn phương pháp cũ kĩ đã vài chục năm nay, vẫn lên lớp kiểu thuyết giảng thì đổi mới sẽ thất bại và học sinh sẽ thiệt thòi” – cô Phương Chi nhận định.
Còn cô Lê Thanh bày tỏ: “Để đáp ứng yêu cầu mới, đòi hỏi giáo viên chủ động và linh hoạt sử dụng phương pháp phù hợp. Vừa tốt nghiệp bậc tiểu học, học sinh làm quen với phương pháp học mới ở THCS và chương trình SGK không phải là trở ngại mới. Vấn đề dẫn dắt, chủ động thuộc về các giáo viên”.
Với quy trình chọn sách, cùng việc nghiên cứu, kế thừa và tâm thế chuẩn bị của giáo viên lớp 1, lớp 5, không chỉ ý kiến của giáo viên được tôn trọng mà vai trò tham gia “nhặt sạn” của giáo viên còn được phát huy. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi đã bước vào năm học, sách được sử dụng, mới nảy sinh những vấn đề bất cập như đã xảy ra với SGK lớp 1. Khi giáo viên đã xác định rõ tâm thế “ nhạc trưởng” trong việc tiếp thu và triển khai cái mới thì mọi đổi mới sẽ thành công.
Thay SGK lớp 2, lớp 6: Nhà trường chủ động, giáo viên sẵn sàng
Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới trong năm học 2021-2022, các trường tại Vĩnh Phúc đã chủ động về cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên cũng sẵn sàng tâm thế cho giai đoạn mới.
Sử dụng máy chiếu trong giờ học Tiếng Anh tại Trường THCS Tô Hiệu, TP. Vĩnh Yên.
Ưu tiên nguồn lực
Trường Tiểu học Liên Bảo (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm trên địa bàn dân cư đông đúc nên tỷ lệ học sinh/lớp luôn là vấn đề nóng. Tuy nhiên, triển khai Chương trình GDPT mới, nhà trường được tạo điều kiện về cơ sở vật chất để bố trí đủ lớp học, đúng số lượng học sinh/lớp.
Cô Nguyễn Thị Kim Cúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều năm trở lại đây, Thành ủy và UBND thành phố Vĩnh Yên có chính sách ưu tiên phát triển giáo dục. Do vậy, triển khai Chương trình GDPT mới gặp nhiều thuận lợi. Nhà trường chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cũng như cộng động xã hội về Chương trình, SGK mới.
Nhà trường lựa chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng động, sáng tạo trong đổi mới giáo dục để tham gia tập huấn và sẽ bố trí dạy lớp 2 năm học 2021-2022. Cơ sở vật chất phục phục vụ cho việc dạy và học cũng được quan tâm, đầu tư từ sở và phòng GD&ĐT. Mỗi phòng học được trang bị máy chiếu, màn chiếu hoặc bảng tương tác. Học sinh được học 2 buổi/ngày. Phòng học đủ tiêu chuẩn cho việc học và bán trú của học sinh.
Giờ học Tiếng Anh tại phòng Lab, Trường THCS Tô Hiệu, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Trường THCS Tô Hiệu (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có 21 lớp với 875 học sinh. Năm 2021-2022, nhà trường dự kiến tuyển sinh 6 lớp 6. Thầy Bùi Văn Học - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để triển khai tốt Chương trình GDPT mới, nhất là việc thay SGK lớp 6, nhà trường đã trang bị đủ số phòng học theo biên chế lớp và trang bị 100% máy chiếu, camera tại các lớp học. Về đội ngũ giáo viên, nhà trường đã dự kiến giáo viên giảng dạy lớp 6 năm học tới để tham gia tập huấn. Đến nay, thầy cô đã hoàn thành tập huấn các mô đun 1,2,3 theo quy định.
Về chọn SGK lớp 6, sau khi được nhà xuất bản giới thiệu, tổ, nhóm chuyên môn họp và bỏ phiếu kín về đầu sách của từng bộ môn. Từ đó, Tổ trưởng Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội đề xuất với hiệu trưởng đầu sách mà tổ đã thảo luận và lựa chọn. Nhà trường họp các tổ trưởng, đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thể để chốt lại các đầu sách và đề xuất với phòng GD&ĐT danh sách chính thức các đầu sách mà nhà trường lựa chọn.
Giáo viên sẵn sàng
Chuẩn bị cho việc giảng dạy SGK lớp 2, năm học 2021-2022, cô Bùi Thị Bích Liên và Phương Lan, giáo viên Trường Tiểu học Liên Bảo chia sẻ: Giống như triển khai SGK lớp 1 năm học 2020-2021, việc lựa chọn SGK lớp 2 năm học 2021-2022 được đội ngũ giáo viên nhà trường trải nghiệm, nghiên cứu rất kỹ. Cùng với đó, giáo viên được tham gia các buổi tập huấn trực tiếp và trực tuyến do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tổ chức. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để hiểu rõ hơn nội dung, chương trình SGK mới.
Các buổi sinh hoạt chuyên môn cũng là dịp để chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên dạy SGK lớp 1 với giáo viên dạy lớp 2 năm học tới. Từ đó, tạo sự liên kết chặt chẽ, bảo đảm tính liên tục, kế thừa trong quá trình dạy và học. Đồng thời, hạn chế những va vấp, bỡ ngỡ khi triển khai SGK lớp 2 mới.
"Triển khai chương trình GDPT mới, nhiều phụ huynh sẽ gặp khóp khăn bước đầu trong việc hướng dẫn con cái học tập. Tuyên nhiên, với đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm, luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ, phụ huynh hoàn toàn yên tâm"- cô giáo Bích Liên chia sẻ thêm.
Từ trái qua, cô Phương Lan và cô giáo Bùi Thị Bích Liên - Trường Tiểu học Liên Bảo chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ.
Cô Đỗ Thị Bích Hằng giáo viên Ngữ văn - Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội,Trường THCS Tô Hiệu cho biết: Giáo viên được lựa chọn tham gia giảng dạy lớp 6 trong năm học tới là những người có nhiều kinh nghiệm. Thầy cô đã được phổ biến, nghiên cứu những văn bản hướng dẫn và chương trình, SGK mới qua các buổi tập huấn. Đến nay, giáo viên nắm bắt được các nguyên lý cơ bản khi dạy SGK mới; kỹ năng phát huy năng lực học sinh; kỹ năng kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình mới. Đồng thời, hiểu được học sinh theo học SGK mới cần chuẩn bị những gì.
"Trường THCS Tô Hiệu từng dạy thử nghiệm bộ sách V-NEN nên có thuận lợi trong việc triển khai SGK mới. Ban giám hiệu nhà trường luôn sẵn sàng cùng giáo viên đón nhận sự đổi mới. Đặc biệt, bộ SGK mới có nhiều ưu điểm, cập nhật thông tin mới, tạo hứng thú học tập cho học sinh, góp phần củng cố và vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Phụ huynh, học sinh yên tâm với kiến thức chương trình mới sẽ có cấu trúc đề thi, kiểm tra dánh giá phù hợp cho các con" - cô Đỗ Thị Bích Hằng thông tin.
Khẩn trương chuẩn bị khâu "hậu chọn sách" Kế thừa việc chọn SGK lớp 1 năm học trước, năm nay công tác chọn sách lớp 2, lớp 6 thuận lợi hơn. Trí tuệ tập thể được huy động để giáo viên, nhà trường, địa phương chọn bộ sách phù hợp nhất... Cô, trò một trường tiểu học ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ trong giờ học SGK mới. Chọn sách...