Giáo viên thi dạy giỏi cấm học sinh kém: Nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi thưa Bộ trưởng!
Câu chuyện “Giáo viên thi dạy giỏi, học sinh kém không được vào lớp” xảy ra ở Hải Phòng đã gây bức xúc dư luận những ngày qua. Thêm một cái tát nữa vào c – thứ lâu nay gây ra không ít áp lực cho cả giáo viên và học sinh.
Nhiều giáo viên thừa nhận, tiết dự giờ, thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi là áp lực với họ.
Lao Động xin giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương – nguyên là giảng viên khoa Lịch sử của Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – chia sẻ những lý do cần bỏ ngay thi giáo viên giỏi, vì quá hình thức.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương chia sẻ những lý do cần bỏ ngay thi giáo viên dạy giỏi.
“ Cơn ác mộng” của giáo viên và học sinh
Thi giáo viên giỏi – một hạng mục thi đua không thể thiếu của các trường phổ thông- đã tồn tại trong suốt một thời gian dài. Ban đầu, nó cũng có tác dụng kích thích nhất định và cũng ít nhiều đem lại danh giá cho người được giải, cho nhà trường.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, do sự vô lý trong cách thức tổ chức và nhìn nhận đơn giản về đánh giá giáo viên, thi giáo viên giỏi đã trở thành “cơn ác mộng” của cả giáo viên và học sinh.
Xin kể ra dưới đây vài hệ lụy dễ thấy nhất đã tạo ra cơn ác mộng đó.
Thứ nhất, việc thi giáo viên giỏi đi kèm với lựa chọn, sàng lọc, chấm thi, xếp loại, xét thi đua, đưa vào điều kiện thăng tiến… đã tạo ra “đội thắng” và “đội thua” trong chính đội ngũ giáo viên trong nhà trường.
Trong một tập thể, đặc biệt trong một ngôi trường nơi sứ mệnh của nó là giáo dục, thì tinh thần liên kết, hợp tác giữa các giáo viên là nền tảng quan trọng để tạo ra hiệu quả giáo dục. Khi một nhóm giáo viên được giải cảm thấy mình “ưu việt” còn đội không có giải không tránh khỏi cảm giác “tự ti”, sự gắn kết giữa họ sẽ yếu đi.
Hơn nữa, kết quả cuối cùng của nghề giáo là con người. Muốn đánh giá chính xác giáo viên phải nhìn vào con người mà họ tạo ra – thứ phải chờ sau khi học sinh ra trường, tốt nghiệp và sống như một con người độc lập.
Video đang HOT
Lấy gì đảm bảo một người giáo viên có hết giấy khen này đến giấy khen khác nhờ thi giáo viên giỏi có cống hiến xã hội tốt hơn các giáo viên bình thường khác?
Đấy là chưa kể tính phi khoa học của việc cho thi giữa các giáo viên để rồi đoán định kết quả dựa trên những tiêu chuẩn nằm trong tay ban giám khảo, trong khi không có gì đảm bảo ban bệ đó đủ công tâm và tài năng giáo dục.
Thi giáo viên giỏi là “diễn”?
Thứ hai, thi giáo viên giỏi trở thành thứ “tra tấn” tinh thần cho cả thầy và trò khi họ phải ôn thi, luyện thi, thi và… diễn.
Đã có thi thì phải có chấm điểm, muốn được điểm cao thì phải ôn luyện, muốn ôn luyện tốt thì lặp đi lặp lại nhiều lần. Kết quả là một bài được cô ôn đi ôn lại với trò nhiều lần. Bắt trò trả lời, đọc sách giáo khoa, thể hiện như cái máy. Bản thân cô còn chán ngán nói gì tới trò.
Tiếp đến là màn góp ý của đồng nghiệp còn kinh hãi hơn. Hết góp ý giáo án tới góp ý bài giảng. Rối như canh hẹ, chín người mười ý. Khi nhiều người can thiệp thô bạo vào bài giảng như vậy, cuối cùng bài giảng là sản phẩm lao động trí tuệ của ai? Lấy gì đảm bảo các góp ý đó tốt hơn phương án của giáo viên thực hiện bài giảng?
Thông thường ở nước ngoài, các thực tiễn dạy học của giáo viên rất phong phú và triết lý giáo dục là soi chiếu cuối cùng. Nhưng ở nước ta, triết lý giáo dục còn mù mờ, chưa được luật hóa, lấy gì soi chiếu?
Chính vì vậy mà khi bị chọn đi thi, giáo viên đùn đẩy cho nhau và sợ như sợ…cọp.
Đi thi lấy thưởng mà có cảm giác sắp bị đưa ra đoạn đầu đài. Tất nhiên, cũng có giáo viên thích thi vì không có giải thì con đường thăng tiến có khi khép lại.
“Đánh giá giáo viên qua một tiết dạy là nguy hiểm”
Thứ ba, thi giáo viên giỏi không đem lại nhiều nhặn gì hiệu quả chuyên môn. Một câu hỏi đơn giản đặt ra: “Nếu thực sự họ là giỏi thì chỉ cần các giáo viên khác học theo là có giáo dục tốt rồi?”. Nhưng sự thật không đơn giản thế.
Hơn nữa, việc đánh giá giáo viên về chuyên môn chỉ qua một tiết dạy là chuyện vô cùng nguy hiểm.
Cuối cùng, khó có thể nói có công bằng ở các cuộc thi khi người thi phải lụy vào ban giám khảo – mà ban giám khảo này không bị công luận và ban giám sát độc lập nào theo dõi, kiểm soát.
Vì thế, giáo viên giỏi – nhưng giỏi với ai? Với học sinh, với đồng nghiệp hay với ban giám khảo? Đấy là vấn đề lớn tạo ra vô vàn các lùm xùm, thậm chí tai tiếng làm hỏng cả môi trường giáo dục.
Còn rất nhiều lý do khác có thể kể ra để đi đến việc cần làm là bỏ ngay kì thi giáo viên giỏi các cấp.
Giáo viên cần có nhiều thời gian và sức lực tinh thần hơn để tập trung vào các hoạt động hữu ích khác như đọc sách, hướng dẫn học sinh đọc sách – tự học, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, nghiên cứu tạo ra các “thực tiễn giáo dục” có bản sắc của riêng mình. Đấy là một cách để giúp cho giáo dục tiến lên phía trước.
THẠC SĨ NGUYỄN QUỐC VƯƠNG
Theo laodong
Giáo viên thi dạy giỏi cấm học sinh kém: "Cái tát" vào bệnh thành tích
"Giáo viên dạy giỏi thì phải dạy cho các em học sinh yếu kém, cớ sao lại yêu cầu các em yếu kém phải ở nhà để thi giáo viên giỏi?" - đây là câu hỏi mà nhiều phụ huynh đặt ra trước sự việc học sinh yếu kém không được vào lớp vừa xảy ra tại Hải Phòng.
Băng rôn căng trước cổng trường Tiểu học Lê Hồng Phong và tin nhắn những học sinh chỉ định thì được đi học, còn không thì ở nhà. Ảnh: Phạm Đông
"Giáo viên giỏi là phải dạy học sinh kém tiến bộ hơn"
Trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi TP.Hải Phòng cấp tiểu học, những học sinh khá giỏi mới được chỉ định đi học, còn lại một số học sinh học kém phải ở nhà. Đọc những thông tin này trong bài viết "Giáo viên thi dạy giỏi, cấm học sinh kém không được vào lớp" đăng tải trên Lao Động, nhiều phụ huynh bày tỏ sự chua xót.
Chua xót là bởi, không ít người trong thời đi học từng ở trong hoàn cảnh này, hoặc con mình từng bị phân biệt như vậy.
Chị Đỗ Thị Nhung (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, thời còn học tiểu học, chị và một số bạn hay nghịch hoặc học kém trong lớp có vài lần được thông báo cho nghỉ học ở nhà vì lớp có tiết dự giờ. Thời đó, cứ được nghỉ học là thích, không để ý gì cả.
"Nhưng hồi lên cấp 2, trường tôi học có hoạt động thao giảng hay bầu chọn, thi giáo viên dạy giỏi gì đó để chào mừng 20.11, tôi và một số bạn khác bị dồn sang một lớp để các cô thi. Lúc đó mới thấy tủi thân ghê gớm, vì bị phân biệt đối xử.
Không ngờ bao năm qua vẫn tồn tại việc thi thố hình thức thế này. Tôi nghĩ thi giáo viên dạy giỏi mà chỉ tuyển chọn các học sinh ngoan, học giỏi để dạy thì thực sự rất hình thức, làm tổn thương học sinh và cả phụ huynh nữa"- chị Nhung chia sẻ.
Những giờ qua, nhiều độc giả cũng bày tỏ bất bình, cho rằng nếu sự việc ở Hải Phòng là thật, thì thực sự đây là "cái tát vào bệnh thành tích".
Bởi học sinh yếu kém mới cần đến giáo viên giỏi. Đã là giáo viên giỏi là phải làm sao cho học sinh yếu kém tiến bộ hơn, chứ không phải là không cho học sinh yếu kém đến lớp vì sợ ảnh hưởng đến giờ thi, đến thành tích.
Những gì xảy ra trong tiết thao giảng, hay khi có người đến dự giờ đã không lạ với giáo viên và các thế hệ học sinh.
Thi giáo viên giỏi: Khổ học sinh, áp lực với giáo viên?
Trong ngành giáo dục, hằng năm, cứ đến ngày 20.11, nhiều trường tổ chức thi giáo viên giỏi để lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc này kéo dài đến tận năm sau vì hết cấp trường sẽ lên cấp huyện, rồi tỉnh/thành phố.
Nhiều giáo viên tâm sự, mùa thi giáo viên giỏi cũng là mùa áp lực của giáo viên dự thi, giáo viên đi chấm thi và học sinh của trường được ưu tiên làm cụm thi. Dưới áp lực của trường, giáo viên không muốn thi vẫn phải đi thi. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến xét thi đua vào cuối năm học.
Hết chu kì (4 năm) người giáo viên hết giỏi, nên lại phải thi giáo viên giỏi lại từ cấp trường lên cấp huyện, cấp tỉnh, cứ thế lặp lại.
Việc tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi phần nào đó giúp thầy cô thêm động lực thi đua dạy tốt, học tốt, đổi mới sáng tạo. Nhưng nếu tổ chức theo kiểu chỉ chọn lớp có học sinh khá giỏi để cho giáo viên thi dạy thì quả thật mang tính chất "diễn" và không thực chất.
Vì lý do này, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cách đây chưa lâu về việc rà soát bỏ các cuộc thi nặng hình thức để giảm áp lực cho giáo viên. Trong đó có cho rằng thi giáo viên giỏi hiện nay chỉ là diễn, gây áp lực cho giáo viên.
Thạc sĩ Vương hy vọng trên cơ sở tư duy đó, Bộ trưởng sẽ có hành động cụ thể để kỳ thi giáo viên giỏi được thực chất, hoặc cần bỏ ngay cuộc thi này, để giáo viên có nhiều thời gian và sức lực, tinh thần để tập trung vào các hoạt động hữu ích khác như hướng dẫn học sinh đọc sách-tự học, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và nhất là nghiên cứu tạo ra các "thực tiễn giáo dục" có bản sắc của riêng mình.
BÍCH HÀ
Theo laodong
Học sinh yếu không được vào lớp ở Hải Phòng: Bộ GD&ĐT lập tổ công tác rà soát Trước việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa chỉ đạo tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, làm căn cứ sửa đổi thông tư 21/2010/TT-BGDĐT. Dư luận đang xôn...