Giáo viên tham gia chọn SGK mới: “Có khác nào cưỡi ngựa xem hoa”?
Đầu tháng 2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong các cơ sở giáo dục phổ thông, khiến các nhà trường chỉ có khoảng hơn một tháng để thực hiện việc lựa chọn SGK.
Như vậy, từ nay đến khi chốt phương án chọn SGK lớp 1 vào cuối tháng 3/2020, các nhà trường sẽ có khoảng hơn một tháng để thực hiện việc lựa chọn SGK.
Cũng theo thông tư này, người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông (hiệu trưởng) sẽ phải thành lập hội đồng chọn SGK và mỗi trường sẽ thành lập một hội đồng.
Hội đồng bao gồm: người đứng đầu; tổ trưởng tổ chuyên môn; đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) có SGK được lựa chọn; đại diện Ban phụ huynh học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông.
Có thể thấy, thời gian mà giáo viên đọc và đưa ra ý kiến cũng như bảo vệ ý kiến cho việc chọn SGK cho học sinh trường mình cũng không còn quá nhiều. Thời gian gấp gáp là thế nhưng theo ghi nhận của PV Infonet, hiện nay rất nhiều giáo viên ở địa phương cũng còn chưa nhìn thấy bộ SGK cho chương trình mới.
Bộ SGK mới mà giáo viên phải đưa ra lựa chọn.
“Đọc và đưa ra ý kiến với gần 40 quyển SGK ở các môn là điều không hề đơn giản. Thế nhưng đến giờ, chúng tôi vẫn chưa được tận mắt nhìn thấy cuốn sách hay dở ra sao.
Video đang HOT
Đó là chưa kể, SGK đó không có sách giáo viên hướng dẫn nên không biết bộ nào phù hợp và không phù hợp. Chỉ riêng việc đọc cũng làm sao giáo viên hiểu hết. Theo chúng tôi phải dạy qua một năm rồi mới biết cái ưu điểm với nhược điểm, chứ giờ yêu cầu giáo viên chọn bộ SGK nào thì thực sự là không khả thi”, một giáo viên tiểu học tại Ý Yên (Nam Định) cho hay.
Cũng theo giáo viên này, có những chỗ (kiến thức trong SGK) chỉ khi bắt tay vào nghiên cứu, giảng dạy thực tế mới lộ ra bất cập. Trong khi chỉ còn hơn 1 tháng là phải chốt việc lựa chọn SGK. “Nếu cứ bắt buộc phải chọn SGK theo đúng tiến độ yêu cầu như hiện nay có khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở các tỉnh khác như Bình Thuận, Hải Dương, SGK còn chưa đến tay giáo viên thì sao mà chúng tôi lựa chọn được” – cô giáo này thắc mắc.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh – TP.HCM) cho hay: “Cá nhân tôi thấy việc lựa chọn SGK hiện nay cũng chỉ dựa trên sự nhận định một cách cảm tính của giáo viên. Trong khoảng thời gian eo hẹp như hiện nay, giáo viên phải đọc 38 cuốn SGK và yêu cầu chọn khó tránh khỏi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bởi lẽ, để chọn được SGK tối ưu, tôi nghĩ giáo viên, học sinh phải được dạy thử, học thử… Nhiều cuốn sách khi đưa vào dạy học mới bộc lộ những bất cập, những “hạt sạn”. Lúc đó, giáo viên muốn kiến nghị đổi SGK thì các cở sở giáo dục sẽ phải ra sao? Tất nhiên, nếu làm tốt thì việc chọn SGK cũng sẽ là cơ hội để các trường khẳng định thương hiệu của mình”.
Cũng theo thầy Sơn, việc giao quyền tự chủ lựa chọn SGK cho các cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý. Việc này sẽ giảm áp lực chọn SGK sử dụng chung trong phạm vi cả nước, vừa phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị, địa phương. Mỗi địa phương sẽ có bộ SGK mang nét “đặc trưng riêng”, có tính vùng miền và phù hợp với trình độ của học sinh.
“Để lựa chọn được bộ SGK sử dụng trong nhà trường của mình, các thành viên phải đọc kĩ về nội dung kiến thức và so sánh với chương trình môn học đã được công bố. Mỗi thầy cô được nhà trường cơ cấu trong Hội đồng lựa chọn SGK phải đọc, phải mở từng trang, đọc từng dòng của mỗi cuốn SGK.
Sự cẩn trọng, tỉ mỉ khi thẩm định là yêu cầu không thể thiếu khi đánh giá mỗi một cuốn sách SGK. Nhưng với thời gian ít ỏi của mình, sẽ có rất ít giáo viên thực hiện được điều này. Đó cũng là điều rất đáng tiếc, chưa nói tới trình độ của người được chọn để thẩm định SGK có đủ tiêu chuẩn”, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn trăn trở.
Theo infonet
Lựa chọn sách giáo khoa: Phù hợp với điều kiện dạy - học ở các địa phương
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư số 01/20202 Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT).
Theo đó, SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở GDPT phải thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt. Việc lựa chọn SGK phải bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện dạy và học. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Thông tư cũng nêu rõ 2 tiêu chí lựa chọn SGK, đó là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở . Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2020.
Đại diện Ban phụ huynh trong thành phần chọn SGK
Theo quy định tại Thông tư, Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở GDPT do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 Hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng.
Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) có SGK được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở GDPT có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 7 người. Người đã tham gia biên soạn SGK hoặc tham gia thẩm định SGK do các NXB tổ chức, tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành SGK và người làm việc ở các nhà xuất bản có SGK không được tham gia Hội đồng.
Hội đồng có nhiệm vụ: Lựa chọn SGK theo quy định tại Thông tư này và quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đề xuất danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT với người đứng đầu cơ sở GDPT. Hội đồng lựa chọn SGK tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký. Kết quả của mỗi cuộc họp Hội đồng được lập thành biên bản. Biên bản phải có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên tham dự.
Phải có trên1/2 thành viên Hội đồng tán thành
Theo Thông tư, quy trình lựa chọn SGK được quy định rất chặt chẽ, rõ ràng. SGK được lựa chọn phải có trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp SGK không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các tiêu chí và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn SGK thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các ủy viên tham dự.
Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục SGK đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục SGK được sử dụng. Sau đó, công bố công khai danh mục SGK sử dụng và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là 4 tháng.
Căn cứ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Sở GDĐT; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức hướng dẫn, giám sát, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK theo quy định. UBND cấp tỉnh cũng có trách nhiệm bảo đảm nguồn kinh phí theo phân cấp quản lý để các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
Trong cuộc làm việc cuối tuần qua với ngành giáo dục Nam Định, một lần nữa Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: Vai trò của giáo viên cực kỳ quan trọng tới lựa chọn SGK cho khối lớp 1.
Dẫu thế, thời gian để các địa phương phải đưa ra quyết định lựa chọn SGK không còn nhiều, nhưng xem ra việc khởi động còn khá chậm. Có khá nhiều giáo viên lớp 1 vẫn đang mơ hồ về Chương trình GDPT mới chứ chưa nói đến việc tiếp cận SGK mới. Tâm lý của không ít cán bộ quản lý các nhà trường, cơ sở giáo dục là chờ hướng dẫn của Phòng GDĐT, Sở GDĐT...
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên tại các địa phương là họ mong muốn sớm nhận được SGK lớp 1 mẫu từ các NXB (tốt nhất là phiên bản điện tử) để nghiên cứu, dạy thử. Bởi việc chọn SGK thực chất là chọn đúng sách để Chương trình GDPT mới thực sự đi vào đời sống giáo dục, phù hợp với mỗi địa phương, hướng tới mục tiêu chính là giáo dục học sinh một cách toàn diện. Do đó chọn được một bộ SGK tối ưu, phù hợp các tiêu chí như đã nêu, đảm bảo chất lượng sẽ góp phần vào quá trình cải cách đổi mới theo Chương trình GDPT lần này.
Minh Quang
Theo daidoanket
Thầy Khang lo lắng không biết bao giờ sách giáo khoa mới đến tay giáo viên! Hiện nay chưa có bản mẫu sách giáo khoa do các nhà xuất bản phát hành để nhà trường mua rồi phát cho giáo viên cũng như những thành viên có trong Hội đồng. Đầu tháng 2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông....