Giáo viên phổ thông cốt cán đã sẵn sàng cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Xác định là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giáo viên đại trà chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đội ngũ giáo viên cốt cán của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được chọn cử tham gia bồi dưỡng mô đun 2 theo Chương trình ETEP tại Trường Đại học Vinh luôn nêu cao tinh thần chủ động, tự giác, cầu thị.
Chịu khó, cầu thị
Mặc dù đợt bồi dưỡng mô đun 2 diễn ra đúng vào thời điểm thời tiết không thuận lợi, bão lũ kéo theo mưa lớn khiến nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền trung bị ngập lụt sâu trên diện rộng nhưng các giáo viên cốt cán được cử đi học bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chương trình ETEP vẫn cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh để tham gia.
Có trường hợp cả 2 vợ chồng là những “tấm gương sáng” động viên nhau “vượt lũ” để hoàn thành nhiệm vụ được giao như thầy Hoàng Quốc Quyết – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng vợ là cô Nguyễn Thị Trà – giáo viên cùng trường. Hay như Thầy Hoàng Văn Báu – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), thầy Trương Văn Tiến – giáo viên Trường THCS thị trấn Cẩm Xuyên cũng là những giáo viên đến từ vùng bị ngập lụt sâu.
Nhiều thầy cô giáo vượt lũ đến trường. Ảnh: H.N- K.L
Thầy Trương Văn Tiến chia sẻ: Tham gia bồi dưỡng mô đun 2 đúng dịp bão lũ, Cẩm Xuyên quê tôi là một trong những vùng chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh, có những nhà dân ngập sâu đến mái, có những trường học ngập nửa tầng. Nhưng giáo viên cốt cán chúng tôi vẫn quyết tâm đến lớp để hoàn thành chương trình bồi dưỡng đúng tiến độ. May mắn là chúng tôi được Trường Đại học Vinh hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa từ nơi ăn chốn nghỉ đến bố trí phương tiện đi lại khá thuận lợi.
Thầy Tiến cho biết thêm: “Bản thân mỗi giáo viên cốt cán đều ý thức được nhiệm vụ của mình trong việc tiếp thu các nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông mới để về hỗ trợ giáo viên đại trà nên đều chủ động, tích cực trong học tập. Học viên được chia nhóm, chia tổ và tất cả mọi người đều tích cực hoạt động, phát huy hết công suất để có sản phẩm trong mỗi buổi học để trình chiếu. Các nhóm khác tham gia góp ý kiến và giảng viên sẽ đánh giá, tổng hợp và chỉnh sửa để sản phẩm của học viên hoàn thiện hơn”.
Một tiết học của môn Ngữ văn. Ảnh: K.L
Nhiều giảng viên của Trường Đại học Vinh trực tiếp đứng lớp đều có chung nhận xét: Đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán tham gia các lớp bồi dưỡng mô đun 2 có tinh thần cầu thị rất cao. Họ sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, tương tác với các giảng viên và đồng nghiệp nhằm tiếp thu tốt nhất phương pháp dạy học, kỹ năng truyền đạt, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trong Chương trình ETEP. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ do giảng viên giao, học viên là đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán còn học cách chuẩn bị kịch bản, kế hoạch để triển khai hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên đại trà tại trường và địa phương mình.
Cô Lê Thị Lan – giáo viên Trường THCS Nông Trường (Triệu Sơn, Thanh Hóa) bày tỏ: “Giáo viên cốt cán chúng tôi luôn cố gắng tiếp thu, lĩnh hội những nội dung mới, phương pháp mới trong Chương trình ETEP một cách tốt nhất để có thể hỗ trợ, truyền thụ lại cho giáo viên đại trà là đồng nghiệp ở địa phương; đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, nhất là trong cách thức tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm một cách linh hoạt, nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh”.
Trình độ, năng lực đồng đều
Video đang HOT
Là người đã tham gia bồi dưỡng học viên ở cả mô đun 1 và mô đun 2, TS. Lê Thanh Nga -Giảng viên Viện Sư phạm Xã hội (Trường Đại học Vinh) chia sẻ: Nếu ở mô đun 1, học viên còn bỡ ngỡ vì tiếp cận với những vấn đề mới hoàn toàn, thậm chí nhiều người chưa nhận thức được đúng vấn đề, còn cho rằng đi tập huấn thay sách giáo khoa.
Do vậy, giảng viên chúng tôi phải chấn chỉnh, giải thích cho họ hiểu rõ: Bồi dưỡng về chương trình mới, chứ không phải thay đổi sách giáo khoa, bản chất vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nhưng từ mô đun 2 trở đi, tôi thấy học viên làm việc trách nhiệm, tinh thần, thái độ học tập rất tốt. Đặc biệt họ vốn là những giáo viên cốt cán được lựa chọn trên nhiều tiêu chí, được trang bị kiến thức nền tốt nên khi bắt tay vào việc thì tiếp thu rất nhanh, nhận thức rõ vấn đề. Dĩ nhiên thỉnh thoảng vẫn có một số nhầm lẫn, ngộ nhận nhưng không đáng kể.
TS. Lê Thanh Nga- Giảng viên Viện Sư phạm xã hội -Trường Đại học Vinh ( áo trắng) hướng dẫn học viên thảo luận theo nhóm. Ảnh: K.L
Cũng theo TS. Lê Thanh Nga: “Điều đáng mừng là đội ngũ học viên là giáo viên cốt cán trình độ, năng lực khá đồng đều, không có sự chênh lệch quá nhiều, kể cả các thầy cô ở các huyện miền núi cao như Kỳ Sơn, Tương Dương xuống cũng tiếp thu rất tốt, không thua kém gì so các giáo viên ở thành phố và vùng đồng bằng”.
Bám sát mục tiêu của các lớp bồi dưỡng theo các mô đun là: Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên phổ thông về Chương trình Giáo dục phổ thông mới (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), hỗ trợ giáo viên cốt cán triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà thực hiện tốt Chương trình này. Do vậy, việc đánh giá kết quả tập huấn của học viên cũng được thực hiện công khai, minh bạch thông qua hình thức làm việc nhóm, làm việc cá nhân và đánh giá trên hệ thống LMS…
PSG.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Giảng viên Viện Sư phạm Tự Nhiên -Trường Đại học Vinh ( người đeo kính) hướng dẫn học viên. Ảnh: KL
PSG.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Giảng viên Viện Sư phạm Tự Nhiên (Trường Đại học Vinh) cho biết: Sau khi qua mô đun 2, học viên nhận thấy rõ sự đổi mới, ưu điểm và sự khác biệt của chương trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực nên khi triển khai các hoạt động cho học viên, họ làm rất say sưa. Đương nhiên, trong một lớp sẽ có những “hạt nhân”, có những người nổi trội hơn nhưng nhìn chung đội ngũ giáo viên cốt cán được chọn tham gia bồi dưỡng đều có kiến thức chuyên sâu, có năng lực nên khi giảng viên truyền đạt họ tiếp thu rất nhanh, nắm được phương pháp, hiểu được bản chất của vấn đề và có kỹ năng làm việc nhóm.
Trong quá trình tập huấn mô đun 2, giảng viên đã cố gắng thiết kế bài giảng để học viên đóng hai vai, tức là họ vừa được trải nghiệm phương pháp, kỹ thuật dạy học mới đồng thời họ lại là người sau này sẽ tổ chức lại cho học sinh của mình và hướng dẫn cho đồng nghiệp đại trà.
Học viên là giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng mô đun 2 có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Ảnh: K.L
“Việc đánh giá học viên sẽ có 2 loại, đánh giá quá trình và đánh giá định kỳ. Để đánh giá quá trình thì giảng viên phải theo dõi học viên để xem mức độ tiếp thu của các nhóm sẽ như thế nào, trong từng nhóm cũng sẽ có những mức độ khác nhau. Đầu tiên sẽ cho các nhóm tự đánh giá qua sản phẩm. Nếu như ở mức ngang nhau thì giáo viên sẽ đánh giá căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của nhóm để đánh giá” – PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng cho hay.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Quản lý Chương trình ETEP ( Trường đại học Vinh): Đối với việc đánh giá trên hệ thống LMS cũng gặp phải một số khó khăn do sự khác nhau giữa học viên thực tế tập huấn và học viên chỉ có trong danh sách dẫn đến hệ thống không cập nhật kịp thời thông tin học viên khiến giảng viên không thể đánh giá chính xác học viên thực học. Ngoài ra, trong quá trình học và cập nhật bài tập nộp lên hệ thống, có nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến lỗi hệ thống hoặc cập nhật thông tin của học viên bị lỗi (học môn này nhưng phân quyền vào môn khác) nên việc đánh giá của Giảng viên cũng chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, thời gian tập huấn ngắn không đủ để các nhóm hoạt động một cách chuyên sâu về phân tích và xây dựng kế hoạch bài học nên việc đánh giá cũng là một trở ngại. Một bất cập nữa là mặc dù đánh giá người học bằng công nghệ thông tin sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch nhưng cũng rất khó để kiểm soát kỹ năng của người học.
Giáo viên phổ thông cốt cán đã sẵn sàng cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ảnh: K.L
Mặc dù vậy, theo TS. Tăng Thị Thanh Sang – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (Trường Đại học Vinh): Đại đa số các giáo viên tham gia bồi dưỡng và các cán bộ quản lý chuyên môn đã thấy tự tin, an tâm khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các giáo viên phổ thông cốt cán cũng đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong việc hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho đồng nghiệp tại địa phương nhằm phục vụ tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trường Đại học Vinh bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên phổ thông cốt cán năm 2020
Thực hiện kế hoạch của Bộ GD&ĐT,Trường Đại học Vinh phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức bồi dưỡng mô-đun 2 cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán năm 2020.
TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng NVSP, Trường Đại học Vinh phổ biến nội quy khóa bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam
Đây là khóa bồi dưỡng trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP), mục tiêu là hướng dẫn sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho giáo viên phổ thông cốt cán để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khóa bồi dưỡng mô-đun 2 được chia làm 3 đợt (22/10 - 3/11) với sự tham gia của 1.425 giáo viên cốt cán ở cấp THPT, THCS.
Học viên dự khai mạc khóa bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam
Là 1 trong 8 đơn vị tham gia Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), để tổ chức tốt khóa bồi dưỡng, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Vinh đã có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để chốt danh sách học viên, chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ báo cáo viên, sắp xếp lịch trình các đợt học khoa học, hợp lý.
Nhà trường ưu tiênsử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị tốt nhất hiện có để phục vụ bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên cốt cán năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cũng được lựa chọn cẩn thận, đáp ứng theo tiêu chuẩn của Chương trình ETEP. Trước đó, đội ngũ giảng viên này đã được cử tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng tập huấn thuộc Chương trình ETEP và Dự án RGEP tổ chức, tham gia đầy đủ các hội thảo, tập huấn và các hoạt động nâng cao năng lực của nhà trường.
TS. Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại lễ khai mạc . Ảnh: Hoàng Nam
Trên cơ sở đó, Trường Đại học Vinh đã lựa chọn các giảng viên sư phạm có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu, biên soạn, xây dựng Chương trình phổ thông 2018 và được giao nhiệm vụ trực tiếp đứng lớp bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán, bố trí đủ 2 giáo viên/lớp. Nhà trường cũng đã chủ động mời lãnh đạo, chuyên viên các Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, đại diện Ban Quản lý Chương trình ETEP và Ngân hàng Thế giới tham gia giám sát, dự giờ trong các buổi bồi dưỡng trực tiếp tại trường.
Do có phương án bồi dưỡng hợp lý, phối hợp nhịp nhàng với Sở GD&ĐT các tỉnh, chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo nhà trường nên hoạt động bồi dưỡng mô-đun 2 của Trường Đại học Vinh diễn ra theo đúng kế hoạch, tuân thủ các nội dung được đề ra, đạt kết quả tốt và nhận được sự đánh giá cao của Bộ GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương và Ngân hàng Thế giới.
Các học viên tại các lớp bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam
Theo TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm, Trường Đại học Vinh: Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ tài liệu, giáo trình bồi dưỡng theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, giải đáp mọi thắc mắc, hỗ trợ tối đa cho học viên theo các lớp bồi dưỡng, rút kinh nghiệm từ khóa bồi dưỡng mô-đun 1 năm 2019, năm nay, công tác chuẩn bị về nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại cho học viên chủ động, thuận lợi, khoa học hơn. Theo đó, nhà trường được hợp đồng, đấu thầu với các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở kinh doanh vận tải từ trước để sắp xếp phục vụ học viên theo lớp để thuận lợi cho việc học tập, trao đổi. Ngoài ra, trong những ngày mưa lũ tại Hà Tĩnh, nhà trường đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh động viên giáo viên phổ thông của tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực, cố gắng tham gia đầy đủ các nội dung của khóa bồi dưỡng.
Nhìn chung hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã tạo ra một không khí phấn khởi, hào hứng trong đội ngũ giáo viên, lãnh đạo và các cán bộ phụ trách chuyên môn (các chuyên viên) của 3 Sở GD&ĐT Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đại đa số các giáo viên tham gia bồi dưỡng và các cán bộ quản lý chuyên môn đã thấy tự tin, an tâm khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các giáo viên phổ thông cốt cán cũng đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong việc hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương thực hiện phương thức bồi dưỡng thường xuyên mới với phương châm "liên tục, tại chỗ, có chất lượng, đảm bảo tiến độ" qua Hệ thống LMS.
Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản và điều phối.
Theo lộ trình, năm học 2020 - 2021, Chương trình Giáo dục phổ thông mới hay còn gọi là Chương trình 2018 bắt đầu triển khai đối với lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn tất ở tất cả các khối lớp. Để đảm bảo tiến độ này, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rốt ráo tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nguồn, giảng viên sư phạm chủ chốt để những người này tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông.
Trường Đại học Vinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 8 cơ sở giáo dục chủ chốt về đào tạo giáo viên theo Chương trình ETEP. Mỗi giáo viên phổ thông cốt cán phải hoàn thành 6 mô-đun; giáo viên phổ thông đại trà phải hoàn thành 5 mô-đun trong 3 năm (từ năm 2019 đến năm 2021).
Sau khi hoàn thành các mô-đun bồi dưỡng, học viên sẽ được Trường Đại học Vinh cấp chứng nhận hoàn thành chương trình. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Trường Đại học Vinh sẽ tổ chức bồi dưỡng 3 mô-đun cho 2.967 giáo viên phổ thông cốt cán; 2 mô-đun cho 75.660 giáo viên phổ thông đại trà của 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Giáo dục không thể thay đổi qua đêm Ngay từ đầu chúng ta phải xác định sẽ mất một thời gian dài. Bởi sản phẩm của giáo dục là con người, rất đặc biệt. Đánh giá sản phẩm đó cũng cần rất nhiều thời gian. Nếu nhanh quá, chắc chắn hỏng. Cần thay đổi từng bước. GS.TS Phùng Hồ Hải. Đó là quan điểm của GS.TS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng...