Giáo viên phản đối trường học mở cửa đầu tháng 5
Maddie Ross, 24 tuổi, giáo viên trường tiểu học ở Wolverhampton, cho rằng tất cả thầy cô, nhân viên sẽ gặp rủi ro nếu trường mở cửa đầu tháng 5.
Cô giáo giải thích các quy tắc giãn cách xã hội không có tác dụng với trẻ em. Các em sẽ dễ dàng chạy đến ôm, nắm tay nhau ngay khi đến cổng trường. Học sinh ở lứa tuổi tiểu học chưa nhận thức và chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng tránh Covid-19 nếu không có người lớn hỗ trợ.
“Không chỉ vậy, tôi được biết nCoV nguy hiểm với người lớn hơn là với trẻ nhỏ. Nếu đi học trở lại thì phải áp dụng từ cấp học lớn trước rồi mới đến học sinh tiểu học”, cô Ross nói.
Sự lo lắng của nhiều giáo viên, nhân viên xuất hiện từ 14/4, khi quan chức Chính phủ Anh và Giám đốc của cơ quan Y tế công cộng Paul Cosford đề nghị trường tiểu học mở cửa trở lại vào đầu tháng 5.
Lãnh đạo của nhiều trường tiểu học đã viết thư cho Thủ tướng Boris Johnson, yêu cầu Chính phủ khẩn trương công bố kế hoạch và bằng chứng cho thấy tháng 5 là thời điểm an toàn để học sinh đi học trở lại.
Trường học tại Anh thông báo đóng cửa. Ảnh: PA/Mirror
Bà Bryony Baynes, 58 tuổi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kempsey (Worcester), cảm thấy lo lắng nếu trường học mở cửa trở lại. “Không chỉ tôi, rất nhiều giáo viên, nhân viên không muốn đi làm vì cho rằng mình không được bảo vệ khỏi Covid-19″, bà Baynes nói.
Nữ hiệu trưởng chia sẻ, nhân viên của bà sẵn lòng trở lại trường làm việc nhưng “không phải bây giờ” vì dịch bệnh chưa được kiểm soát. “Nếu đi làm trong khi đất nước vẫn đang có lệnh phong tỏa, điều này có nghĩa là tôi đẩy nhân viên vào nguy hiểm”, bà Baynes nói.
Hiệu trưởng này chia sẻ thêm, nỗi thất vọng lớn nhất của bà với cách giải quyết của Chính phủ Anh đối với ngành giáo dục là giáo viên bị lãng quên, được cung cấp quá ít thông tin và đồ bảo hộ cá nhân.
Cô Jackie Schneider, 56 tuổi giáo viên âm nhạc bán thời gian tại một trường tiểu học quận Merton (London), cho rằng việc quay trở lại trường quá sớm có thể khiến mọi nỗ lực phong tỏa trở nên vô nghĩa.
Với 30 năm kinh nghiệm, cô Schneider chia sẻ: “Tôi rất yêu công việc này nhưng chỉ muốn trở lại trường khi có thể nhìn thẳng vào mắt phụ huynh và nói Hãy tin tưởng chúng tôi, ở đây con bạn sẽ an toàn. Hiện tôi không thể làm vậy vì sự an toàn của chính mình tôi còn không chắc chắn”.
Kể từ 23/3, Anh phong tỏa toàn quốc. Người dân chỉ được rời nhà để mua nhu yếu phẩm, tập thể dục một lần mỗi ngày, khám sức khỏe hoặc đi làm nếu đảm nhiệm những công việc đặc biệt quan trọng. Mọi cửa hàng, trừ bán thực phẩm và dược phẩm, trạm xăng, bưu điện và sạp báo sẽ bị đóng.
Đến 18/4, Covid-19 đã lan ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến hơn 2,2 triệu người nhiễm bệnh, gần 155.000 người chết. Anh đang là ổ dịch lớn thứ sáu thế giới với hơn 108.000 người nhiễm bệnh, trong đó gần 15.000 người tử vong.
Thanh Hằng
Video đang HOT
Chứng chỉ ngoại ngữ có cần thiết cho giáo viên không?
Viên chức ngành giáo dục phải vận dụng được những kiến thức về ngoại ngữ để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ mới là điều thiết thực nhất.
Ngày 8/11/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: "Chuẩn ngoại ngữ mới cho giáo viên".
Theo nội dung bài báo, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức" nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí, việc làm và khung năng lực theo quy định.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, có 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên; hướng đến năm 2030 sẽ đảm bảo 70% viên chức và 60% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên.
Như vậy, giáo viên/nhân viên (sau đây gọi chung là viên chức) làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục (ngoại trừ giáo viên ngoại ngữ) phải tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) theo quy định.
Ở trường học, phải có 60% viên chức đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4. Đối với giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo quản lý (Hiệu trưởng, Hiệu phó, tổ trưởng/tổ phó chuyên môn và văn phòng) phải có 50% đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4.
Viên chức phải vận dụng được những kiến thức về ngoại ngữ để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ mới là điều thiết thực nhất. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)
Chúng tôi có mấy điều băn khoăn với đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức" như sau:
Thứ nhất, trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) rất khó để viên chức có thể đạt được, nếu thi cử nghiêm túc.
Bởi, để đạt được trình độ này, viên chức phải thi qua 3 kĩ năng: nói, nghe và viết.
Kĩ năng nói: Kể cả giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay, nhiều người cũng phát âm sai, cho nên thí sinh nói được một đoạn văn để giám khảo hiểu không phải dễ, kể cả học thuộc lòng.
Hơn nữa, thí sinh không phải thích gì nói đó mà phải trả lời từng câu hỏi của giám khảo. Mỗi câu hỏi liên quan đến một chủ đề khác nhau, thì liệu họ có đủ vốn từ để nói hay không?
Kĩ năng nghe: Thí sinh nghe một đoạn văn (dài) do người bản ngữ nói, sau đó trả lời các câu hỏi liên quan.
Phần nghe thường khiến thí sinh lo sợ nhất (sợ bị điểm liệt), bởi họ phát âm chưa chuẩn, vốn từ vựng hạn chế nên khó hiểu được người bản ngữ nói gì. Và không phải lúc nào âm thanh ở phòng thi cũng đủ chuẩn để thí sinh nghe được rõ ràng.
Cho nên, sau khi nghe xong, nhiều thí sinh đánh lụi các câu hỏi trắc nghiệm. Riêng phần điền từ, thí sinh thường để trống (vì không nghe được).
Phần viết: Thí sinh viết một đoạn văn về một chủ đề nào đó, có nội dung rõ ràng và có độ dài theo quy định.
Để viết được đoạn văn, thí sinh cần có đủ vốn từ, nắm chắc ngữ pháp, nắm vững văn phong tiếng Anh thì mới có thể hoàn thành được.
Tuy vậy, qua những kì thi cấp chứng chỉ tiếng Anh, hiếm có thí sinh nào thi hỏng, thậm chí nhiều người được xếp loại khá giỏi.
Thi cử khó khăn là thế, vậy họ đỗ bằng cách nào?
Thường những cơ sở đào tạo nghiêm túc rất ít người học vì sợ rớt. Những cơ sở được nhiều người đăng kí thường thu học phí và lệ phí cao, kèm theo những chiêu trò mà chỉ có người trong cuộc mới biết.
Đề thi chứng chỉ tiếng Anh thường có hơn 70% câu hỏi trắc nghiệm. Thí sinh làm bài thế nào, chỉ có giám khảo (của cơ sở đào tạo đó) và bản thân thí sinh biết mà thôi.
Cho nên, nhiều người có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng thường hữu danh nhưng vô thực, chỉ để làm đẹp hồ sơ.
Thứ hai, viên chức sử dụng kiến thức tiếng Anh thế nào trong công tác quản lí, giảng dạy/văn phòng?
Trước hết, với lãnh đạo, nhiệm vụ chính họ phải làm là công tác hành chính, chuyên môn và cơ sở vật chất.
Tiếp đến, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, hoặc có thể kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm, thư viện, văn phòng (số ít).
Cuối cùng, các nhân viên như kế toán, văn thư, văn phòng, thiết bị-thí nghiệm, công nghệ thông tin... thì mỗi vị trí có một nhiệm vụ riêng.
Như thế để thấy rằng, lãnh đạo quản lí, giáo viên và nhân viên ở trường học chỉ đơn thuần làm công tác hành chính, chuyên môn, nghiệp vụ chứ không phải làm công tác nghiên cứu.
Chúng tôi nhận thấy, ít ai vận dụng kiến thức tiếng Anh nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, bởi kiến thức thầy cô giảng dạy cho học sinh chỉ mang tính phổ thông.
Chỉ một số trường chất lượng cao dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh thì giáo viên mới có cơ hội sử dụng ngoại ngữ này.
Tiếng Anh chỉ cần cho những người làm công việc nghiên cứu để tìm thêm tài liệu tham khảo. Và cho dù có làm công tác nghiên cứu thì không phải ai cũng có thể sử dụng được tiếng Anh, bởi từ vựng trong nghiên cứu mang tính học thuật rất cao.
Thứ ba, những viên chức nào được miễn chứng chỉ tiếng Anh, trong số 40, 50% còn lại? Cũng có thể là viên chức trên 55 tuổi, nhưng đây là con số ít.
Vậy những viên chức được miễn chứng chỉ tiếng Anh liệu có bị xếp hạng thấp? Và như thế, lương của họ có bị trả thấp hơn không?
Với viên chức bắt buộc phải có chứng chỉ tiếng Anh, liệu họ có bị ép buộc cho đủ chỉ tiêu không?
Và như thế, liệu có công bằng không?
Thứ tư, đề án "Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức" có nội dung:
"Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho viên chức được bố trí từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (không bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho đơn vị); đóng góp của viên chức và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. "
Như vậy, người được cử đi học chứng chỉ tiếng Anh phải tốn một khoản kinh phí, nhiều hay ít tùy thuộc vào chi tiêu nội bộ và nguồn kết dư của từng đơn vị.
Nếu đơn vị không có tiền chi trả thì người học phải tự bỏ tiền túi, trong khi đồng lương của viên chức ngành giáo dục hiện nay không đủ sống.
Đơn vị nào đủ tiền chi trả một phần cho viên chức thì phúc lợi của người lao động sẽ bị cắt giảm. Những dịp như lễ, Tết, ngày 20/11... viên chức ít được quan tâm về vật chất (dĩ nhiên có cả tinh thần) thì cũng khó động viên họ làm tốt công việc.
Thiết nghĩ, viên chức phải vận dụng được những kiến thức về ngoại ngữ để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ mới là điều thiết thực nhất.
Đây cũng là điều chúng tôi trăn trở lắm thay...
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuan-ngoai-ngu-moi-cho-giao-vien-post204663.gd?fbclid=IwAR3AfDQKGKn51y-1Vobfnt261yp6QZZC66rlLs3xhkixlJSUeZ6PmUpAuog
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-thay-rang-quy-dinh-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-post204149.gd
Cao Nguyên
Theo giaoduc
Nếu thầy cô giáo dạy hết bài trên lớp sẽ không còn tình trạng dạy thêm, học thêm Thời gian dành cho học thêm quá nhiều khiến cho một số em học trò thiếu quá nhiều những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã được nói nhiều trong thời gian qua bởi thực tế có khá nhiều học sinh phải vùi tuổi thơ của mình vào những buổi học thêm không cần...