Giáo viên “ôm cục tức” khi phụ đạo học sinh yếu kém trong hè
Sáng qua, trường tôi tập trung học sinh yếu kém để phụ đạo cho các em trong hè. Vậy nhưng chờ hết cả buổi sáng mà không có em nào đến trường! Các giáo viên chúng tôi “ôm một cục tức” to đùng mà không biết phải làm sao.
Ảnh minh họa
Theo như kế hoạch của nhà trường thì giáo viên (GV) sẽ phụ đạo các em khoảng 2 buổi/tuần. Thầy cô sẽ củng cố lại toàn bộ những kiến thức cơ bản để giúp các em thi lại cho tốt. Chúng tôi ai cũng mong, sau đợt phụ đạo hè này, 100% các em sẽ đủ điều kiện để lên lớp.
Để chuẩn bị cho đợt phụ đạo, GV đã làm sẵn tất cả đề cương cho các em. Chỉ mong sao các em đi học thật đầy đủ. Vậy mà suốt cả buổi chờ đợi vẫn không có em nào tới trường. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà thở dài buồn bã.
Chứng kiến cảnh này, GV chúng tôi thật ngán ngẩm cho học trò bây giờ. Dường như các em không hề có ý thức trong học tập. Đối với các em, việc học tập là việc của thầy cô. Các em không hề quan tâm gì đến chuyện học hành. Với các em, việc lên lớp hay ở lại cũng không quan trọng. Đấy là việc của thầy cô giáo.
Thực ra, bản thân tôi cũng chẳng muốn rước khổ vào mình làm gì. Tôi đã từng đắn đo rất nhiều khi tổng kết điểm cho các em. Tôi cũng đã từng tạo rất nhiều cơ hội để các em cố gắng. Nhiều khi bài kiểm tra định kì tôi vẫn cho các em về nhà làm lại. Khổ nỗi, các em có chịu cố gắng đâu. Các em chỉ làm vài dòng qua loa, đối phó cho xong. Nếu tôi cứ đẩy các em lên lớp đâu có được. Làm sao các em có thể theo kịp chương trình. Cuối cùng, cực chẳng đã, tôi mới để các em phải thi lại trong hè.
Video đang HOT
Tôi vẫn còn nhớ, trước ngày tổng kết, một GV chủ nhiệm đã nhắc nhở tôi thế này: “Em xem có vớt được trường hợp nào thì vớt luôn đi, chứ để các em thi lại cũng chẳng có tác dụng gì đâu. Các em này học suốt năm rồi, khi kiểm tra có cả những bạn khá, giỏi còn không làm được thì ôn lại phỏng có tác dụng gì. Em căng quá, cuối cùng khổ em, khổ cả chị nữa”.
Vẫn biết để các em thi lại trong hè là GV đang tự làm khổ chính mình. Những ngày hè, GV phải đến trường để bồi dưỡng cho các em. Chưa kể, có em còn không thèm đi học. Ngày thi, GV còn phải tới tận nhà để kiếm các em nữa. Bực mình lắm nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm sao.
Bây giờ GV làm gì có quyền cho học sinh ở lại lớp. Ban giám hiệu thì lúc nào cũng nhắc nhở, thầy cô làm sao để chúng ta đạt chỉ tiêu thi đua nhé. Nhất định là phải đạt chỉ tiêu thi đua đã đăng kí. Cuối cùng, GV đành “mắt nhắm, mắt mở” mà chấm bài. Tình trạng này cứ tái diễn và lặp lại nên các em đâu có sợ. Nhiều em còn biết mình chẳng cần học vẫn được lên lớp. Mình mà không ra thi là thầy cô phải đi kiếm. Vậy thì cần gì phải học cho vất vả. Tất cả rồi cuối cùng cũng được lên lớp thôi.
Một cô giáo, cũng là người bạn thân của tôi, từng tâm sự: “Cuối năm học, mình nâng điểm hết cho các em học sinh yếu kém. Chứ để các em ôn thi lại trong hè cũng chẳng có tác dụng gì. Buồn và bực thật nhưng vẫn phải làm như thế thôi. Thôi thì vớt ngay từ đầu để an tâm mà nghỉ hè”.
Chao ôi, cảnh này còn lặp mãi nếu Giáo dục không thay đổi. Còn bệnh thành tích, GV chúng tôi còn khổ dài.
Loát Trần (Tây Ninh)
Theo giadinh.net
Vì sao có nhiều học sinh giỏi?
Thầy cô coi kiểm tra, chấm điểm chưa thật nghiêm túc; học sinh thiếu trung thực, sử dụng tài liệu trong giờ thi nhằm đạt điểm số cao.
Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cho rằng chất lượng giáo dục không thực chất, tìm học sinh yếu kém khó như "tìm kim đáy bể". Từ góc độ giáo viên, thầy Nguyễn Văn Lực (trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) đã lý giải về tình trạng này.
Điểm 10, học sinh giỏi nhiều xuất phát từ bệnh thành tích trong giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm muốn lớp có nhiều học sinh giỏi để được ban giám hiệu khen là dạy giỏi, tay nghề vững, tâm huyết, cũng là tiêu chí thi đua cuối năm. Giáo viên bộ môn cho điểm 10 để đạt chỉ tiêu về chất lương bộ môn do mình giảng dạy. Hiệu trưởng thì luôn muốn trường có nhiều học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh để cuối năm đưa vào tiêu chí xếp loại danh hiệu của trường.
Thầy cô giáo là người cầm cân nảy mực, nhưng đôi khi cũng vì thương học trò, dẫn đến việc coi kiểm tra, chấm điểm chưa thật nghiêm túc, chặt chẽ, nhất là đối với điểm kiểm tra thường xuyên (hệ số 1). Nhiều thầy cô là "chủ nợ" điểm của học sinh, khi kiểm tra bài cũ trò không học bài, thay vì cho điểm kém thì cho các em nợ để hôm sau kiểm tra lại đạt 9-10. Việc làm này là có tình, nhưng về lý là không đúng.
Cứ đến cuối năm, nhiều giáo viên chủ nhiệm đi xin điểm cho học sinh để đạt danh hiệu học sinh giỏi, với lý do em thiếu 0,1; 0,2... là đủ 8 được giỏi. Nhiều trường còn quy định nếu bài kiểm tra hơn 2/3 lớp dưới điểm trung bình thì báo nhà trường có thể cho kiểm tra lại để có điểm số đẹp hơn. Những việc làm này của thầy cô là một trong những nguyên nhân góp phần lạm phát học sinh giỏi.
Góp phần tăng số lượng ngày càng nhiều học sinh giỏi là quy chế đánh giá, xếp loại theo Thông tư 58/2011. Cụ thể Điều 13 tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học quy định học sinh đạt loại giỏi nếu có đủ các tiêu chuẩn sau:
a) Điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 2 môn Toán, Ngữ văn từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5; c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại đạt.
Do tính điểm trung bình môn nên nhiều học sinh chỉ cần siêng học bài các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân để bù cho những môn khó Toán, Văn, Tiếng Anh là đạt điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên.
Về phía học sinh, tuy không phải tất cả song nhiều em bằng nhiều cách khác nhau đã thiếu trung thực trong kiểm tra để có được điểm số cao, đối phó với thầy cô, cha mẹ. Tôi đã phát hiện rất nhiều học sinh với đủ hình thức quay cóp bài của bạn, tài liệu trong giờ kiểm tra, nhiều em dùng điện thoại chụp tài liệu để sử dụng rất tinh vi. Nếu không phát hiện thì điểm 9, 10 là nắm chắc, nên phụ huynh đừng xem điểm số là thước đo năng lực của con em mình.
Cha mẹ nào không tự hào, hãnh diện khi con đạt được thành tích học giỏi, xuất sắc? Để đạt điều đó, nhiều người đua nhau cho con học thêm, luyện thi ở trường, trung tâm, tại gia. Dù học ở đâu, phụ huynh không quên đăng ký cho con theo học thầy cô dạy trên lớp dù thích hay không với hy vọng được thầy cô chú ý con mình trên lớp chính khóa nhằm có được sự chiếu cố, điểm số cao, học sinh giỏi.
Áp lực cho học sinh không phải chỉ là vấn đề xếp hạng theo điểm trung bình môn cuối học kỳ hay cuối năm mà xuất phát từ tâm lý thành tích của thầy cô, phụ huynh... để rồi tất cả phải chạy theo điểm số. Dưới góc độ là giáo viên cũng là phụ huynh, tôi mong rằng chúng ta hãy trả lại sự công bằng trong dạy và học, đó là thầy cô thực hiện đúng phương châm: Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật để các em thật sự hạnh phúc khi đến trường.
Nguyễn Văn Lực
Theo VNE
Vĩnh Phúc lưu ý ôn tập thi THPT quốc gia 2019 Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc hướng dẫn các trường THPT trên địa bàn triển khai tổ chức dạy học lớp 12 và ôn thi THPT quốc gia năm 2019. Trong hướng dẫn này, về tài liệu giảng dạy, ôn tập, sở GD&ĐT yêu cầu đơn vị chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn cần bám sát sách giáo khoa, sách bài tập; tài liệu chuẩn...