Giáo viên nhiều địa phương chật vật sửa ngọng ‘n, l’
Nhiều lần bị học trò cười vì nói ngọng “n, l” lúc giảng bài, cô Vân ở Bắc Giang cố gắng tự sửa sai nhưng bất thành.
Là giáo viên một trường THCS tại huyện Yên Dũng (Bắc Giang), từ bé Vân đã nói nọng “n, l” như bao người khác sống cùng quê. Học hết cấp 3, Vân chưa ý thức về lỗi phát âm đó, chỉ biết rằng hay viết sai chính tả “n, l”.
Thời gian đầu học Đại học Tây Bắc (tỉnh Sơn La), mỗi khi Vân nói chuyện lại thấy các bạn ôm miệng cười mà không hiểu vì sao. Mãi về sau cô mới biết cách mình phát âm “nghe lói” (nghe nói), “luột là” (nuột nà); “Hà Lội” (Hà Nội)… là lý do gây cười.
“Từ lúc đó, tôi ý thức phải nói đúng n, l để tránh bị chế giễu, cũng là cách giúp học sinh sau này không rơi vào tình cảnh xấu hổ vì phát âm sai như cô giáo”, cô Vân nay đã 33 tuổi, nói.
Ngày đó cô Vân tự tập cách phát âm “l” uốn lưỡi, “n” thẳng lưỡi; nói nhiều lần các câu: Nồi đồng nấu ốc nồi đất nấu ếch; Lúa nếp là lúa nếp làng/ Lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng… Trong giao tiếp, cô Vân cũng ý thức hơn khi nói những từ có âm “n, l”, cố gắng nói chậm để không bị lẫn lộn.
Phát âm đúng N, L luôn là thách thức của nhiều người. Ảnh: Kenh14.
Sau một thời gian luyện tập, cô đã hạn chế hẳn việc phát âm sai, viết chính tả chuẩn hơn. Tuy nhiên, khi trở về quê công tác, cô lại bị tái ngọng do tiếp xúc thường xuyên với những người lớn có tật này.
“Dạy học ở trường THCS xã bên, nơi học sinh không bị nói sai n, l, tôi nhiều lần bị cười vì phát âm lẫn lộn hai phụ âm này. Lúc đầu tôi xấu hổ lắm nên lại luyện nói chuẩn, nhưng vẫn chưa được. Tôi phải thú nhận mắc tật lẫn n, l, đang cố gắng sửa để các em thông cảm”, cô Vân nói.
Cũng sinh ra ở vùng quê bị phát âm sai “l” thành “n” tại tỉnh Thái Bình, Minh Anh (30 tuổi) khi học Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn bị nói “con lợn” thành “con nợn”. Cô được giảng viên liên tục nhắc nhở công việc đứng lớp giảng dạy cần sự chuẩn chỉ từ đạo đức lối sống, kiến thức và cả cách nói năng, phát âm. Bởi một giáo viên nói ngọng có thể ảnh hưởng đến nhiều học sinh.
Nhận thức rõ hệ luỵ của việc giáo viên phát âm sai, Minh Anh lên mạng tìm hiểu phương pháp chữa ngọng “n, l” bằng cách đặt lưỡi, đưa luồng hơi ra đúng vị trí. Hiện cô gần như không mắc lỗi này, trừ lúc nói nhanh không kiểm soát.
Làm giáo viên tiểu học ở quê, Minh Anh đem kiến thức, kinh nghiệm mình có để dạy cho học sinh phát âm đúng “n, l”. Trong các tiết tập đọc, việc đầu tiên cô làm là hướng dẫn các em phân biệt ngữ cảnh sử dụng, nghĩa của từ có âm đầu là hai chữ cái đó. “Mặt khác, tôi đọc chuẩn và yêu cầu học sinh nghe, viết chuẩn chính tả các từ có âm đầu n, l. Bản thân hiện vẫn luyện nói những từ nói năng, lo lắng, nói lầm, lưu loát… để sửa tật”, cô Minh Anh chia sẻ.
Một giáo viên tiểu học ở khu vực người dân thường xuyên phát âm sai “n, l” thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng áp dụng phương pháp “đặt lưỡi thẳng khi nói “n”, lưỡi bật cong khi nói “l” và luyện các câu có nhiều chữ cái này để sửa lỗi cho bản thân và học sinh. Câu luyện sửa phát âm nằm lòng của cô là:
Nói năng nên luyện luôn luôn.
Nói lời lưu loát luyện luôn lúc này.
Lẽ nào nao núng lung lay.
Lên lớp lú lẫn lại hay nói lầm.
Thầy giáo tiếng Anh dạy cách sửa ngọng.
Nói ngọng “l, n” phổ biến ở nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, các tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng… Tại Hà Nội, sáng kiến sửa ngọng hình thành từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội; bắt đầu thí điểm chương trình phát âm chuẩn ở các trường tiểu học huyện Phú Xuyên từ năm 2009, mở rộng ở 13 huyện ngoại thành từ năm 2011. Nhưng đến 2015, chương trình không còn là bắt buộc, chỉ nhắc nhở thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội), người lập kế hoạch, chương trình đạt kết quả khả quan, mỗi năm giảm 2-10% số học sinh, giáo viên bị ngọng. Tuy nhiên, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ chuẩn hóa giọng Hà Nội vì việc này đòi hỏi phải làm lâu dài, 10 năm vẫn là “quá ngắn ngủi”.
Quỳnh Trang
Theo VNE
Ý tưởng sửa ngọng 'l, n' ở Hà Nội hình thành như thế nào?
Chương trình sửa ngọng tại trường tiểu học ngoại thành Hà Nội được xây dựng sau cuộc họp với 28 trên 29 hiệu trưởng nói sai "l, n".
Đầu tháng 9/2008, cuộc họp triển khai kế hoạch, nhiệm vụ đầu năm cấp tiểu học huyện Phú Xuyên do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) chủ trì. Đây là năm học đầu tiên tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội.
Trong cuộc họp, nhiều hiệu trưởng phát biểu ngọng, lãnh đạo Phòng Giáo dục Phú Xuyên cũng ngọng "l, n". Ban đầu lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học chỉ thấy hơi buồn cười, nhưng sau đó về họp lại với nhau.
"Hiệu trưởng ngọng nhiều như thế, chắc rằng giáo viên, học sinh ở các trường đó cũng ngọng. Phát âm sai có thể dẫn đến viết sai chính tả. Cần nhìn nhận việc nói ngọng nghiêm túc và đưa ra giải pháp", ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội (khi đó là Trưởng phòng Giáo dục tiểu học) nhớ lại.
Ông Nguyễn Trí Dũng, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội, hiện đã nghỉ hưu. Ảnh: Tất Đinh
Từng nhiều năm phụ trách cấp tiểu học của Sở Giáo dục, ông Nguyễn Trí Dũng (nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Hà Nội) hiểu rõ phương ngữ của vùng nên nhận nhiệm vụ khảo sát, xây dựng kế hoạch sửa ngọng với mục tiêu "góp một phần tích cực cho việc nói đúng, viết đúng l, n trong nhà trường và trong cuộc sống hàng ngày, nhằm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt".
Những phiếu khảo sát phát âm đúng hai phụ âm "l, n" đầu tiên phát cho lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Phú Xuyên và 29 hiệu trưởng trường tiểu học. Ban giám hiệu nhà trường giao phiếu khảo sát cho giáo viên, học sinh. Kết quả 28/29 hiệu trưởng phát âm ngọng; 30% trong 890 giáo viên và 48% trong hơn 13.560 học sinh được khảo sát bị ngọng, viết sai chính tả. Trong đó, Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, Tiểu học Hồng Thái dẫn đầu danh sách với 97% giáo viên phát âm sai.
"Sửa nói ngọng phải bắt đầu từ chính lãnh đạo phòng giáo dục, hiệu trưởng rồi mới đến giáo viên, học sinh. Một giáo viên ngọng mà không sửa được ảnh hưởng đến hàng chục thế hệ học sinh. Phiếu khảo sát dựa trên tinh thần tự giác, nhưng thầy cô đều không ngại ngần nhìn thẳng vào vấn đề", ông Dũng nhận xét.
Dựa trên kết quả khảo sát, ông Dũng lập kế hoạch thí điểm "luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n" đối với giáo viên và học sinh tiểu học tại huyện Phú Xuyên. Tài liệu hướng dẫn xây dựng dựa trên cơ sở lồng ghép bài tập đọc trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5.
Sở Giáo dục đưa ra mẫu biểu "danh sách giáo viên sửa phát âm sai hai phụ âm "l, n", yêu cầu ban giám hiệu theo dõi sự tiến bộ của giáo viên, lưu trong hồ sơ quản lý của nhà trường. Trường cũng lập danh sách học sinh sửa phát âm để giáo viên chủ nhiệm theo dõi quá trình sửa của từng em từ lớp 1 đến lớp 5. Khi học sinh chuyển lớp, danh sách sẽ đính kèm học bạ để giáo viên khác theo dõi.
Tháng 4/2009, chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" thí điểm tại Phú Xuyên. Phòng Giáo dục tiểu học cử chuyên viên lần lượt đến các trường đào tạo kỹ năng phát âm chuẩn "l, n" cho giáo viên, hiệu trưởng cũng tham dự. Sau đó, giáo viên dạy lại cho học sinh, chuyên viên dự giờ theo dõi.
Học sinh tiểu học Hà Nội trong lễ khai giảng năm 2015. Ảnh: Q.Đ.
Từ Phú Xuyên mở rộng ra 12 huyện ngoại thành
Tháng 9/2010, theo đánh giá của Sở Giáo dục Hà Nội, chương trình thí điểm tại Phú Xuyên đạt hiệu quả tốt, tỷ lệ giáo viên phát âm ngọng đã giảm từ 30% xuống 23,5%, học sinh phát âm ngọng giảm mạnh từ 48% xuống 28,1%. Sở tiếp tục khảo sát toàn thành phố.
Kết quả 13 huyện ngoại thành có tỷ lệ giáo viên, học sinh phát âm ngọng "l, n" nhiều gồm: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn.
Đầu năm 2011, Sở tổ chức hội thảo chuyên đề cấp thành phố tập hợp kinh nghiệm, giải pháp "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm l, n". Nhóm ba huyện thành một cụm tổ chức chuyên đề hàng tháng. Năm học 2011-2012, Sở đưa chương trình này triển khai tại 13 huyện ngoại thành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, tiêu chí thi đua của nhà trường, giáo viên.
"Hồi đó, Phòng Giáo dục Thanh Trì còn đưa ra đề nghị không cho giáo viên ngọng đứng lớp cho đến khi sửa xong. Nhiều thầy cô còn sáng tác cả những câu thơ vui để luyện phát âm như: Nói năng nên luyện luôn luôn/ Nói lời lưu loát luyện luôn lúc này", ông Dũng nhớ lại.
Mỗi năm, Sở Giáo dục Hà Nội đều khảo sát, đánh giá kết quả. Kết quả chữa ngọng của giáo viên, học sinh tại 13 huyện giảm 2-10% mỗi năm. Theo ông Dũng, khi đưa ra chương trình, những người thực hiện không ảo tưởng sẽ sửa ngọng, chuẩn hóa giọng Hà Nội. Tuy nhiên, chương trình đã lan tỏa tích cực ra cộng đồng, nhiều người lớn cũng tích cực sửa.
Đề tài "Sáng kiến kinh nghiệm luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n đối với giáo viên, học sinh tiểu học" của ông Nguyễn Trí Dũng sau đó đoạt giải A Sáng kiến - Sáng tạo Thủ đô 2012.
"Để xóa ngọng, 10 năm vẫn là quãng thời gian quá ngắn ngủi. Học sinh ngọng ảnh hưởng từ gia đình, thói quen ngôn ngữ lâu đời của địa phương. Sửa ngọng cho học sinh không có điểm kết thúc, hết lứa này đến lứa khác. Nhưng chuẩn hóa phát âm cho giáo viên, làm tích cực có thể hạn chế", ông Dũng nhận định.
Từ năm 2015, Sở Giáo dục chỉ còn triển khai chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" với hình thức nhắc nhở Phòng Giáo dục các huyện tự thực hiện. Chính vì không sát sao, tỷ lệ học sinh bị ngọng ở nhiều huyện vẫn rất cao. Như Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên, đến tháng 4/2018 còn 12 giáo viên (chiếm 25%), 338 học sinh (chiếm 30%) phát âm ngọng.
Tất Định
Theo VNE
Chuyên gia ngôn ngữ: 'Phát âm chuẩn phải là quy định bắt buộc với giáo viên' Làm công việc truyền bá văn hóa kiến thức, giáo viên nói ngọng "l, n" rất khó chấp nhận vì có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Theo PGS Mai Xuân Huy, nguyên Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ, nói ngọng là hiện tượng không phát âm chuẩn trong tiếng Việt. Ngôn ngữ nói được coi chuẩn hiện nay là dùng trên...