Giáo viên “nhầm lẫn” chương trình với sách giáo khoa vì đâu?
Nếu nói như vậy thì một số chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục liệu có đang “chuyền” quá bóng trách nhiệm sang các thầy cô giáo hay không khi triển khai?
Năm học 2020-2021 chính thức áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo tinh thần “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn 1 tháng triển khai, nhiều thầy cô giáo cho rằng chương trình lớp 1 quá nặng, học sinh theo không kịp.
Ngay lập tức các chuyên gia xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cùng những người có trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng cho rằng chương trình không nặng.
Theo họ nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do các thầy cô giáo không hiểu, không nắm vững chương trình giáo dục phổ thông mới, đang có sự “nhầm lẫn”, không phân biệt giữa chương trình với sách giáo khoa nói chung…Thực tế có phải như vậy không?
Còn quan điểm sách mới nặng hay nhẹ thì cũng tùy thuộc vào giáo viên quan tâm đến đối tượng học sinh của mình thế nào? Khả năng tiếp nhận của các em cũng như cách truyền tải của giáo viên trên lớp. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo N.N.A – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn một trường tiểu học tại Hà Nội cho biết:
“Có thể hiểu với chương trình cũ trước kia thì những ngữ liệu ở trong sách đã được nghiên cứu, dạy qua nhiều năm và ở mức độ đơn giản.
Những ngữ liệu cũ này bị thiếu phần khơi dậy kỹ năng để cho học sinh được tiếp xúc nhiều hơn về ngôn ngữ, vậy nên đáng ra lượng từ ngữ, ngữ liệu cũ này cần phải nhiều hơn.
Nên với sách giáo khoa cũ chúng tôi phải soạn tăng cường thêm tư liệu bên ngoài sách với mục đích giúp cho học sinh được cọ xát, thấy được từ ngữ xuất hiện nhiều lần.
Nhưng với sách giáo khoa mới hiện nay chúng tôi không phải soạn thêm ngữ liệu nữa vì từ ngữ trong sách rất nhiều và phong phú, hơn nữa lại còn có nhiều bộ sách để tham khảo mà không phải tự mày mò thêm ngữ liệu.
Mỗi bộ sách giáo khoa có lộ trình học và thứ tự sắp xếp âm vần khác nhau, vậy nên khi tham khảo chúng tôi cũng phải tính toán đến việc học sinh đã học đến vần này hay chưa để đưa ngữ liệu vào cho phù hợp”.
Cô A cho biết: “Xu hướng các bộ sách giáo khoa mới là tăng cường khả năng cho trẻ biết đọc nhanh hơn, vậy nên có một số bộ sách mới đã rút ngắn thời gian học vần.
Ví dụ, trước kia học sinh phải học vần lên đến tuần thứ 26 – 27, nhưng hiện nay chỉ vào khoảng tuần thứ 22 là phải xong phần đó, chính vì thời gian bị rút ngắn nên đã đẩy phần học vần nhanh hơn cùng với số lượng vần nhiều hơn trong một tiết học.
Với sách cũ ít vần thì đương nhiên giáo viên dạy cũng nhàn hơn, thoải mái thời gian nên có thể luyện đi luyện lại vì chỉ có 2 vần trong một bài. Nhưng thực tế hiện nay có bài tới 3 vần, và khi đã có thêm vần thì đương nhiên phần đọc và phần ngữ liệu từ, tiếng sẽ nhiều hơn.
Có thể vì lý do đó mà không ít giáo viên kêu chương trình, sách giáo khoa mới nặng hơn sách cũ. Một phần vì các giáo viên đã quá nhiều năm dạy sách giáo khoa cũ ít vần, đã quá quen với nếp cũ rồi thì đương nhiên sẽ nhẹ nhàng hơn. Vậy nếu nói nặng hơn thì cũng đúng.
Video đang HOT
Còn nặng hay nhẹ thì cũng tùy thuộc vào giáo viên quan tâm đến đối tượng học sinh của mình thế nào? Khả năng tiếp nhận của các em cũng như cách truyền tải của giáo viên trên lớp.
Cũng tùy thuộc vào yêu cầu của giáo viên với phụ hynh học sinh khi về nhà, ví dụ chỉ yêu cầu các con đọc trơn khác với đánh vần. Ở những tuần đầu chỉ yêu cầu đánh vần thôi vì trẻ mới tiếp cận với ngôn ngữ, mặt chữ.
Nhưng đến tuần sau trẻ con đánh vần quen rồi, quen với nhịp học và nề nếp thì việc đọc cũng sẽ dễ dàng hơn, vậy nên giáo viên cần phải tùy vào thực tế để đưa ra yêu cầu. Nên nhớ là đánh vần và đọc trơn tru khác nhau hoàn toàn”.
Việc thay đổi này cần phải có thời gian để các giáo viên làm quen và bắt kịp với phương pháp dạy mới phát triển năng lực học sinh thay vì phương pháp cũ. Sự thay đổi này không thể trong 1-2 tháng được. Ảnh minh họa: Tùng Dương.
Giáo viên chưa thông hiểu chương trình?
Cô A cho rằng: “Tư tưởng từ người làm sách muốn truyền đạt đến cho giáo viên có đầy đủ hay không thì vấn đề đó liên quan đến tập huấn, truyền thông.
Thử hỏi các nhà làm sách đã tập huấn, giải thích đầy đủ, chi tiết… đến các giáo viên hay chưa? Việc tập huấn sách giáo khoa mới đã đủ cho giáo viên hiểu và thấm nhuần đầy đủ về chương trình mới không?
Hay các nhà làm sách mới chỉ dừng lại ở mức độ thông báo rằng có thay đổi sách giáo khoa mới, chương trình như vậy và đã được Bộ thông qua, nhưng cụ thể vấn đề các bộ sách đó được triển khai như thế nào…thì liệu đã có được bao nhiêu % giáo viên lĩnh hội?
Vậy nên vấn đề tập huấn, đào tạo, truyền thông đến giáo viên theo tôi đang có vấn đề. Muốn làm bất cứ việc gì mà lại là vấn đề mới thì người thực hiện trực tiếp phải được hướng dẫn, phải thông hiểu.
Đã là quan điểm thì phải được truyền tải lại cho các giáo viên đầy đủ để họ hiểu được đúng và rõ quan điểm đấy”.
Cũng theo cô A: “Đợt tập huấn sách giáo khoa mới vừa qua nhanh quá bởi mới tập huấn đào tạo giáo viên được một thời gian ngắn thì lại bị dịch Covid-19 làm gián đoạn.
Khi giáo viên lĩnh hội tư tưởng qua tập huấn và cũng có nhiều bộ sách, mỗi bộ sách cũng sẽ có tư tưởng, cách tiếp cận khác nhau.
Tất nhiên khung chương trình là một chuyện, nhưng khung chương trình đó là vĩ mô, còn khi đã triển khai đến từng phần, từng bước thì lại phải là vi mô, lúc này cần chi tiết tỉ mỉ, rõ ràng.
Vậy nên cần phải làm rõ việc đào tạo tập huấn đã đủ đến mức độ chi tiết để các giáo viên nắm bắt đầy đủ tinh thần sách giáo khoa mới hay chưa? Đó mới là điều cốt lõi vấn đề.
Theo tôi là đợt tập huấn vừa qua ngắn và chưa truyền đạt đầy đủ ý tưởng, trong khi giáo viên chính là người lĩnh hội quan điểm để triển khai chương trình sách giáo khoa mới này.
Chính vì vậy một số chuyên gia và các nhà quản lý không thể “chuyền” quá bóng trách nhiệm sang các thầy cô giáo được vì bản thân họ chưa được tập huấn kỹ”.
Cô A. chia sẻ: “Hiện nay có thay đổi nhưng chỉ là khung chương trình, còn người viết sách sẽ tiếp cận trên nhiều quan điểm và mọi con đường đều có điểm cuối như nhau.
Cần bám sát khung chương trình theo quy định, và dù có triển khai theo cách nào, học theo kiểu nào thì cuối cùng cũng đến được cái đích cuối là khung đó.
Bản thân giáo viên như chúng tôi là sản phẩm của các chương trình trước và đó là chương trình tiếp cận theo nội dung nên bao giờ nội dung cũng có định hướng rất kỹ.
Nhưng chương trình hiện nay là tiếp cận theo phát triển năng lực, người ta chỉ tính toán đến vấn đề năng lực như nghe, nói, đọc, viết của học sinh, chứ họ không quá quan trọng về cụ thể bài đó là cái gì, tên bài ra sao…
Có thể nói trước kia giáo viên đã quen với việc được hướng dẫn cụ thể, tiết học dạy những gì… rõ ràng rồi, nhưng giờ đây thay vì việc hướng dẫn cụ thể thì mọi chuyện lại để mở.
Giáo viên được phép tự lựa chọn ngữ liệu và đôi khi bản thân giáo viên cũng chưa quen với phương pháp dạy mở này. Được cho quyền tự chủ…nhưng có không ít giáo viên chưa dám thoát ra và cũng có thể năng lực chưa theo kịp vấn đề đó.
Theo tôi việc này cần phải có thời gian để các giáo viên làm quen và bắt kịp với phương pháp dạy mới phát triển năng lực học sinh thay vì phương pháp cũ. Sự thay đổi này không thể trong 1-2 tháng được.
Nhiều năm trước theo một bộ sách giáo khoa và chương trình cũ, vậy mà năm nay giáo viên được quyền chủ động, được quyền chọn lựa những nội dung kiến thức mà giáo viên định dạy thì đó là một thay đổi rất lớn nên cần có thời gian”.
Cô A. nhấn mạnh: “Cái gì mới làm cũng sẽ khó khăn và sẽ có nhiều luồng ý kiến từ mọi phía. Khi nhà trường chúng tôi chọn lựa sách giáo khoa thì cũng đã tính toán mọi vấn đề nhưng cũng không thể trọn vẹn được.
Với góc độ quan sát của giáo viên thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, còn lại trong quá trình triển khai phải phụ thuộc vào học sinh của mình, rồi chỉnh sửa.
Phải linh hoạt chương trình, ngữ liệu để làm sao học sinh tiếp cận kiến thức một cách hợp lý nhất, đảm bảo được vấn đề mục tiêu chung của chương trình.
Với bất cứ một bộ sách giáo khoa nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng là cuối mỗi lớp học, cấp học khi thực hiện các bộ sách khác nhau cũng cần đạt chuẩn, đạt mục tiêu quy định”.
Sách giáo khoa hay chương trình, cái nào là tài liệu có tính pháp lệnh?
Cô A. nêu quan điểm: Nếu nói sách giáo khoa không là pháp lệnh thì chưa hẳn là đúng, theo tôi đó là cách mọi người hiểu chưa kỹ.
Trước kia coi sách giáo khoa là pháp lệnh, có nghĩa học sinh ở bất cứ đâu trên toàn quốc trong cùng cấp học, cùng tuần, cùng giờ sẽ là bài học giống nhau, bởi chung một bộ sách giáo khoa thì đương nhiên sẽ giống nhau. Đó gọi là pháp lệnh và tất cả đều phải thực hiện.
Nhưng hiện nay coi sách giáo khoa là tài liệu tham khảo bởi có thể vào ngày này, tuần này ở địa phương này học sinh mới học đến bài A, nhưng ở trường khác lại học bài B, lý do là có nhiều bộ sách và cách bố trí các bài theo tiến độ học khác nhau.
Cùng một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa thì có nghĩa sách giáo khoa không còn là pháp lệnh nữa mà trở thành tài liệu tham khảo, giáo viên dựa vào đó để xây dựng chương trình khung.
Nếu người nói chỉ cần cắt bớt câu sách giáo khoa không phải là pháp lệnh thì tự nhiên mọi việc trở nên nặng nề và người nghe có thể hiểu sai vấn đề”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, nêu quan điểm:
“Muốn đổi mới giáo dục thành công thì trước hết phải đào tạo giáo viên thật tốt để họ thích ứng được với chương trình đổi mới, nắm chắc, hiểu và dạy được chương trình đổi mới đó. Cái gốc chính là ở chỗ đó chứ không phải chỉ là đổi mới mấy quyển sách giáo khoa.
Giáo viên nên bám vào sườn của sách giáo khoa để dạy chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào sách, có thể tham khảo tìm ngữ liệu ở nhiều nguồn để phục vụ giảng dạy.
Thực tế hiện nay đang có vấn đề khập khiễng, chương trình muốn đổi mới nhưng có nhiều giáo viên lại không đáp ứng được về năng lực, các nơi đào tạo giáo viên không theo kịp. Việc dạy theo nhiều đối tượng khác nhau như vậy thì phải dạy kiểu khác chứ không thể cào bằng.
Nhưng còn với một bộ phận giáo viên có năng lực yếu thì sách giáo khoa lại là cứu cánh của họ, những người này chỉ biết dạy theo sách”.
Thầy Cường nói: “Gốc ở đây là vấn đề đào tạo từ các trường sư phạm, các trường này phải đổi mới rất nhiều từ cách dạy, cách tiếp cận và cách đào tạo.
Trong khi hiện nay có nhiều trường sôi sục đổi mới, thông tư chỉ thị mới khiến cho nhiều trường thay đổi, thì ngược lại nơi đào tạo giáo viên chỉ mải mê với kiến thức chuyên sâu, nghiên cứu gì đó…rất sách vở.
Đào tạo cái gốc mà sơ sài, quan liêu không chịu đổi mới như vậy thì làm sao mà đáp ứng được yêu cầu đổi mới nguồn nhân lực. Đó mới là gốc của vấn đề đổi mới giáo dục hiện nay”.
"Tác giả sách giáo khoa không hình dung được sách mình đào tạo con người nào!"
"Phản ứng của xã hội về sách giáo khoa những ngày qua cho thấy một nội dung rất quan trọng: Khi biên soạn bộ sách này, các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt, nên các tác giả đã không hình dung được sách giáo khoa của mình sẽ đào tạo con người nào...
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch GiapGroup
... Vì thế, ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... sẽ thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó chính là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.
Ngoài ra, cách dùng từ ngữ, cách nói của các tác giả khi còn nhỏ cũng đi thẳng vào sách giáo khoa vì cho rằng trẻ con nào cũng sẽ nói năng như vậy. Nhưng thực tế không phải vậy, vì vùng miền khác nhau, thời đại khác nhau, nên cách dùng từ của trẻ hiện nay sẽ rất khác so với cách dùng từ của các tác giả khi còn nhỏ trước kia.
Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong sách giáo khoa sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả, những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ, chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới.
Chưa kể, điểm yếu cốt tử của việc biên soạn sách giáo khoa từ xưa đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là: Không có một tổng công trình sư chỉ huy việc biên soạn sách giáo khoa cho toàn cấp học.
Việc này dẫn đến một thực tế rằng các tác giả trong cùng một bộ sách nhưng thuộc các bộ môn khác nhau, hiếm khi làm việc cùng nhau để đồng bộ hóa, dẫn đến nhịp đi của các bộ sách bị vênh nhau, gây khó cho học sinh và giáo viên, làm giảm chất lượng giáo dục rất nhiều.
Những điều này chỉ có thể khắc phục khi: Xác lập được một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt việc biên soạn sách giáo khoa, bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu, một nhóm phương pháp giáo dục tiên tiến để truyền tải các nội dung này, và một tổng công trình sư đủ tầm vóc để chỉ huy việc biên soạn sách giáo khoa cho toàn cấp học. Nếu không thì các bộ sách giáo khoa của năm sau cũng không hy vọng sẽ khắc phục được các sai sót này".
(TS GIÁP VĂN DƯƠNG nêu quan điểm về nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 đang vấp phải phản ứng dư luận hiện nay).
Chưa nhận được văn bản, giáo viên chỗ tôi vẫn dạy theo Tiếng Việt 1 Cánh diều Không nên trao quyền cho thầy cô thay đổi ngữ liệu, sẽ tạo cơ hội để sách giáo khoa biên soạn và thẩm định ẩu (họ sẽ có cớ đá quả bóng trách nhiệm qua giáo viên). Ngay tại thời điểm này 13/11, học sinh các trường tiểu học trong cả nước đã bước sang tuần học thứ 10 và còn khoảng 5...