Giáo viên mệt vì đánh giá cuối năm
Giáo viên phải hoàn thành đánh giá theo chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xếp loại công chức của Bộ Nội vụ; bình xét thi đua cuối năm…
Giữa tháng 5, nhiều trường phổ thông cả nước tổ chức kiểm tra học kỳ II cùng các công việc khác theo quy định để tổng kết năm học. Năm học này, cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá theo chuẩn mới. Hiệu trưởng phải đánh giá theo Thông tư 14 ngày 20/7/2018, ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Giáo viên phải đánh giá theo Thông tư 20 ngày 22/8/2018, ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Đánh giáo theo chuẩn mới
Theo Thông tư 20, chuẩn nghề nghiệp giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất nhà giáo; Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí, tổng cộng 15 tiêu chí, mỗi tiêu chí được phân loại theo 4 mức chưa đạt, đạt, khá, tốt.
Mỗi giáo viên hoàn tất các biểu mẫu sau: Phiếu tự đánh giá của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; Phiếu lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn; Phiếu lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong trường (đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng).
Với phiếu tự đánh giá bản thân, theo yêu cầu, giáo viên cần có minh chứng. Trong ví dụ minh chứng sử dụng đánh giá theo chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (kèm theo công văn số 4530 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 1/10/2018) có đến 20 trang giấy A4 dày đặc chữ.
Tại phiếu lấy ý kiến của giáo viên đối với hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, giáo viên có 4 lựa chọn: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý. Những lựa chọn khá mơ hồ, vô hình trung gây khó cho giáo viên…
Đánh giá, xếp loại viên chức, công chức
Cùng với đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, giáo viên còn đánh giá, xếp loại theo Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập, ban hành theo Quyết định 06 ngày 21/3/2006 của Bộ trưởng Nội vụ. Nội dung giáo viên tự đánh giá gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Kết quả công tác được giao; Khả năng phát triển.
Ba tiêu chuẩn này gồm hơn 11 tiêu chí. Giáo viên tự làm phiếu đánh giá và phân loại theo 4 mức: Xuất sắc, khá, trung bình, kém. Theo quy định hiện hành, hiệu trưởng là công chức, phó hiệu trưởng, giáo viên là viên chức. Căn cứ Nghị định 56 ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên tự đánh giá và phân loại theo một trong bốn mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ.
Một số sở giáo dục và đào tạo có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong quá trình triển khai, theo Nghị định 56 kết hợp với Quyết định 6/2006 của Bộ Nội vụ. Tổ chuyên môn góp ý, hiệu trưởng nhà trường kết luận, tổng hợp và báo cáo cấp trên.
Video đang HOT
Giáo viên phải hoàn thành nhiều loại báo cáo đánh giá cuối năm. Ảnh: ST
Bình xét thi đua cuối năm học
Sau hai cuộc họp để đánh giá, giáo viên trong các tổ chuyên môn có cuộc họp thứ ba, thông qua bản tự nhận xét, đưa ra minh chứng, đánh giá theo các tiêu chí tại Hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng và Luật Thi đua khen thưởng. Theo đó, giáo viên được xếp danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua các cấp, Lao động tiên tiến…
Theo yêu cầu, không được gộp đánh giá (theo chuẩn) với thi đua (Luật Thi đua khen thưởng); các cuộc họp ghi chép thành các biên bản độc lập.
Báo cáo kết quả bồi dưỡng thường xuyên
Ngoài ba nội dung trên, tại tổ chuyên môn, giáo viên tổng hợp các bản thu hoạch theo một số module mà giáo viên tự chọn cho mình từ đầu năm học. Các biểu mẫu khá chi tiết, giáo viên phải “gồng mình” mới kịp báo cáo cho tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường.
Sau một năm học, nhìn lại công việc đã làm, đánh giá những việc làm được, những mặt cần cố gắng, rút ra một số kinh nghiệm, chuẩn bị tốt cho năm học sau, điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều cuộc họp, với hàng chục biểu mẫu, lại rơi vào thời điểm giáo viên hoàn tất đánh giá học sinh, trao đổi với phụ huynh, chuẩn bị chu đáo cho tổng kết năm học, tiếp tục ôn tập khối 12 cho kỳ thi THPT quốc gia… dẫn đến không ít giáo viên, ban giám hiệu các cơ sở giáo dục làm đối phó, hình thức.
Chuẩn nghề nghiệp, đánh giá, xếp loại giáo viên, kết quả bồi dưỡng thường xuyên – những nhận xét chung chung, ghi vào hồ sơ, gửi báo cáo cho cấp trên rồi… đâu lại vào đấy. Thực trạng đó cho thấy, nhiều quyết định, thông tư, kế hoạch hướng đến phát triển năng lực nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức nhà giáo, nhưng kết quả sau nhiều năm thực hiện không đạt được như mong muốn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ thống nhất kết hợp giữa đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đánh giá xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập (Bộ Nội vụ) và bình xét thi đua cuối năm theo một số biểu mẫu chung giúp giáo viên dễ làm, dễ đánh giá, thiết thực giảm áp lực cho họ.
Thi đua đối với trường học nên chú trọng đánh giá của phụ huynh, học sinh, địa phương nơi trường đóng, ghi nhận của cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp ủy và chính quyền địa phương. Ban giám hiệu các trường hiện nay cũng xoay tít với công việc, trong trường nhiều việc, rồi làm việc với các đoàn kiểm tra chéo về hồ sơ thi, phúc tra thi đua, cả với đoàn giám sát của cấp ủy (nếu kế hoạch giám sát đúng vào lúc này).
“Vào mùa thu hoạch”, để tạo sự thay đổi trong nhà trường, đành rằng khó mấy cũng phải làm. Nhưng loạn biểu mẫu, nhiều cuộc họp đánh giá, nhiêu khê ấy chỉ làm khổ giáo viên, hiệu trưởng trường học.
TS Nguyễn Hoàng Chương
Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Theo VNE
Chuẩn hiệu trưởng: Thước đo năng lực trong đổi mới GD
Quy định Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực từ năm học 2018 - 2019 đã tạo nên một hy vọng mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý
Trong năm 2019, đồng thời với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Bộ GD&ĐT xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó quy định cụ thể về cơ chế tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong trường phổ thông, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy tinh thần tự chủ, đổi mới và sáng tạo trong dạy và học.
Điểm đáng chú ý, Chương trình GDPT mới sẽ giao quyền tự chủ sắp xếp chương trình dạy học cho các trường. Vì vậy, cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực đổi mới chương trình giáo dục.
Chia sẻ về vai trò của hiệu trưởng trong quá trình đổi mới, cô giáo Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (Lào Cai) cho biết: Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT nêu rõ hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí. Như vậy Chuẩn hiệu trưởng là thước đo đánh giá và cũng tạo cơ hội cho CBQL tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng yêu cầu mới.
Cô Xuân cho rằng, hiệu trưởng cần bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp; Quản trị nhà trường; Xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, phòng chống bạo lực học đường; Tổ chức các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và huy động, sử dụng nguồn lực để phát triển nhà trường; bồi dưỡng ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường.
Đổi mới quản lý hoạt động dạy - học là nhiệm vụ đòi hỏi người "thủ lĩnh" phải có con mắt nhìn xa trông rộng được hiện thực hóa bằng việc chú trọng giáo dục toàn diện học sinh, đào tạo nên thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hiệu trưởng phải là người truyền lửa đối với đội ngũ các nhà giáo. (Ảnh minh họa)
Đi đầu trong đổi mới
Tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành về chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, kết quả Chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc vào việc triển khai thực tiễn. Trong đó cần sự đồng hành, phối hợp của đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý. Chương trình dù hay nhưng nếu người triển khai không được đào tạo, tập huấn bài bản thì cũng không thể phát huy hiệu quả. Vì thế, thành bại của chương trình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, muốn có đội ngũ giáo viên chất lượng thì hiệu trưởng phải là người đi đầu trong đổi mới. Thực tế minh chứng, khoảng cách giữa ngôi trường hàng đầu và ngôi trường bình thường thể hiện năng lực của người hiệu trưởng. Họ biết chỉ ra những điểm trọng tâm cần làm, kiên định với các quyết sách tạo sự khác biệt, bền bỉ xây dựng các giá trị văn hóa cốt lõi, khích lệ những nỗ lực dù nhỏ nhất của giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú (Thanh Hóa) nhận định: Ở bất cứ lĩnh vực nào, người quản lý cũng có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong các nhà trường, hiệu trưởng chính là đầu tàu để khởi động cả cỗ máy cùng vận hành về phía trước. Trước yêu cầu đổi mới, đầu tàu ấy phải có những bước đột phá tự biết làm mới mình mới có thể dẫn dắt các đồng nghiệp cùng thực hiện tốt sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Chúng ta đang trong nhịp bước của quá trình đổi mới, vì thế người hiệu trưởng phải luôn đi đầu trong phong trào đổi mới đó, để luôn là người truyền lửa đối với đội ngũ các nhà giáo.
Từ thực tiễn mạnh dạn đổi mới công tác quản lý giáo dục, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: Muốn đổi mới quản lý, người hiệu trưởng phải có tinh thần chủ động quyết tâm cao, tìm tòi giải pháp thực sự phù hợp. Hơn nữa, phải khơi dậy tinh thần cùng đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục cho tất cả các thành viên. "Vẽ" lên chân dung của hiệu trưởng thời kỳ đổi mới là cần trang bị kỹ năng mềm để đủ tự tin điều hành nhà trường như một doanh nghiệp nhưng không làm mất bản sắc nhà trường phổ thông.
Vì thế, người đứng đầu trong các nhà trường không chỉ giỏi về năng lực chuyên môn mà cần vững vàng trong công tác quản lý; Biết đánh giá đúng năng lực từng cá nhân, công tâm trong phê phán cũng như khen thưởng. Người hiệu trưởng giỏi còn là người dám đột phá xây dựng những mô hình mới bắt kịp với các xu hướng tiên tiến trên thế giới.
Thực tế, trong môi trường giáo dục, hiệu trưởng biết điều hành, quản lý giỏi, chất lượng giáo dục được khẳng định và ngược lại. Đó là điều khiến những người đứng đầu cơ sở giáo dục được trao quyền lái con thuyền giáo dục ra biển lớn tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới phải suy ngẫm.
Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt lên vai các nhà quản lý giáo dục rất nhiều thách thức và cơ hội mới. Vì vậy, hiệu trưởng trong các cơ sở giáo dục phải thay đổi nhận thức về vai trò quản lý, phải tự đào tạo, bồi dưỡng các nhóm năng lực để đáp ứng yêu cầu kết nối mới trên nền tảng kiến thức và công nghệ. Đó là bài toán cần giải đáp ngay và quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực sự, thiết thực đổi mới nền giáo dục nước nhà.
Lê Đăng
Theo Giáo dục & Thời đại
Hiệu trưởng phải là một nghề Nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi về chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông là cần thiết nhưng điều quan trọng hơn phải coi đây là một nghề và coi trọng vai trò dẫn dắt của họ thay vì chỉ yêu cầu chấp hành máy móc. Một cuộc họp lãnh đạo các trường phổ thông tại TP.HCM - ĐÀO...