Giáo viên mẫu giáo 15 tuổi đánh đập, bắt học sinh ăn đồ thừa
Không chỉ đánh đập, giáo viên vị thành niên này còn bắt học sinh mẫu giáo ăn đồ thừa từ một bạn cùng lớp.
Một giáo viên mầm non tại Trung Quốc mới đây đã bị cáo buộc tội đánh đập trẻ em và buộc chúng phải ăn đồ thừa. Theo đó, giáo viên này tên là Xiao Wei, mới 15 tuổi, được trường mầm non Chương Vũ ở thành phố An Dương, tỉnh Liêu Ninh thuê bất hợp pháp.
Video: Giáo viên mầm non đánh và bắt trẻ em ăn đồ thừa
Sự việc chỉ được phơi bày khi ông Ma, phụ huynh của bé Xiao Lei (5 tuổi) phát hiện thấy con trai mình không thể ngủ ngon vào ban đêm và bé liên tục đòi bố chuyển trường. Khi gặng hỏi con trai đã có chuyện gì xảy ra, bé Xiao Lei lúc này mới thú nhận rằng cậu bé bị giáo viên đánh đập và bắt ăn đồ thừa của bạn cùng lớp.
Tức giận, ông Ma nói chuyện này với các phụ huynh khác để cùng nộp đơn khiếu nại lên hiệu trưởng trường mẫu giáo, đồng thời báo cáo vụ việc lên cảnh sát. Các đoạn video được quay từ lớp học cho thấy, vào ngày 18/12/2018, giáo viên vị thành niên đã bắt các học sinh “nghịch ngợm” đứng thành hàng để lần lượt đánh trong giờ ăn trưa. Một số học sinh còn bị bắt ăn đồ thừa của một bạn cùng lớp.
Đoạn video ngày 6/12/2018 cho thấy, giáo viên Xiao Wen đánh vào tay một cậu bé và nhéo tai một cậu bé khác vào ngày 14/12. Ngày 18/12, cậu bé Xiao Lei và hai đứa trẻ khác đã bị giáo viên đánh. Từ những đoạn video cho thấy, rõ ràng Xiao Lei không phải là đứa trẻ duy nhất bị giáo viên vị thành niên này áp dụng những hình phạt cay nghiệt.
Xiao Wei đánh đập và bắt học sinh mẫu giáo ăn đồ thừa từ một bạn cùng lớp.
Ngoài việc bạo hành trẻ em, ông Ma còn tuyên bố giáo viên này chỉ mới 12 tuổi theo chứng minh nhân dân – nhỏ hơn 4 tuổi so với độ tuổi lao động tối thiểu tại Trung Quốc. Thế nhưng, cảnh sát nói rằng Xiao Wei đã 15 tuổi, sự chênh lệch về tuổi tác là do sai sót trong chứng minh nhân dân. Mẹ của Xiao Wei cũng đã xác nhận điều này.
Nói về việc cho trẻ em ăn đồ ăn thừa, Xiao Wei bao biện rằng là do cô lo những đứa trẻ sẽ không đủ thức ăn. Sau khi sự việc xảy ra, hiệu trưởng trường mầm non đã sa thải giáo viên này và hứa sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về vụ việc. Tuy nhiên, sẽ không có hình thức xử phạt nào cho Xiao Wei vì cô chưa tròn 16 tuổi.
Giáo viên của lớp bé Xiao Lei chia sẻ, Xiao Wei đã bị sa thải chỉ một ngày sau khi vụ việc xảy ra. “ Đứa trẻ kia chỉ cắn một miếng vào thức ăn. Sau đó, giáo viên lại đưa miếng thức ăn đó cho một bé khác. Do bị thiếu giáo viên nên đã nhà trường đã thuê Xiao Wei mà không cần kiểm tra chứng minh thư của cô. Trong buổi phỏng vấn, Xiao Wei nói rằng cô ấy đã 18 tuổi. Gia đình Xiao Wei rất nghèo khó, mẹ bị tàn tật ở chân, bố thì bị câm“.
Theo saostar
Giáo viên bắt học sinh đánh bạn và những cái chết thương tâm
Trường học không còn an toàn khi giáo viên đánh học sinh hoặc yêu cầu trẻ "đánh hội đồng" bạn. Nhiều em qua đời khi tuổi còn quá trẻ bởi tội ác trong môi trường sư phạm.
Dù vụ việc xảy ra hồi năm 2017, câu chuyện Joy Wangari, học sinh trường Tiểu học Mukandamia ở huyện Laikipia, Kenya, vẫn khiến nhiều người đau xót. Em được đưa tới bệnh viện sau khi nôn ra máu, sau đó chết trong quá trình điều trị do vết thương quá nghiêm trọng.
Người chịu trách nhiệm trực tiếp cho cái chết thương tâm của cô bé là phó hiệu trưởng kiêm giáo viên của trường. Người này đã yêu cầu học sinh trong lớp đánh Joy vì em không biết đọc tiếng Anh.
Tội ác đến từ giáo viên
Theo nhân chứng kể lại, thầy giáo giao bạn dạy Joy Wangari đọc tiếng Anh và cho phép đánh nếu em không đọc được. Ông ta cũng đánh mạnh vào lưng nạn nhân chỉ vì em thừa nhận không biết đọc. Một số phụ huynh cho biết thầy giáo yêu cầu bạn học cùng đánh Joy nhằm che giấu những vết thương nghiêm trọng do ông gây ra.
Sau khi bị "đánh hội đồng", Joy lên gặp hiệu trưởng báo cáo và xin phép về nhà. Đó là lần cuối cùng em ở trường.
Thầy giáo bỏ trốn khi cảnh sát điều tra cái chết của Joy Wangari. Ảnh: Alamy.
Sau cái chết của nữ sinh 10 tuổi, cảnh sát tiến hành điều tra nhưng không bắt giữ ai. Thầy giáo bỏ trốn. Dù vậy, nhiều cha mẹ không dám cho con đến Mukandamia học vì lo sợ cho an toàn của các em.
Đây không phải vụ duy nhất giáo viên đứng sau bạo lực học đường. Cuối tháng 2/2016, giáo viên thực tập trường Anula Devi ở Galle, Sri Lanka, ra lệnh cho 44 học sinh đánh vào đầu một nữ sinh lớp 4 (10 tuổi) vì em nói chuyện riêng trong giờ học. Cô giáo này còn cấm nạn nhân giải thích khiến em không chỉ bị thương về thể xác mà còn tổn thương tinh thần nghiêm trọng.
Với hành vi tra tấn học sinh, nữ giáo viên thực tập bị cảnh sát đưa ra tòa. Để được tại ngoại, cô ta đóng 100.000 rupee tiền bảo lãnh. Tòa án yêu cầu trường Anula Devi dừng việc thực tập của giáo viên này, đồng thời đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý cho nữ sinh.
Tháng 3/2013, Dru Dehart - giáo viên trường Northport K-8, Florida, Mỹ - xúi giục 6 học sinh vây đánh Radravious Williams, học sinh lớp 7, sau khi nghe nam sinh nói "muốn ngày nào đó có thể nguyền rủa các giáo viên".
Vụ việc được camera giám sát khi lại. Sau đó, Dehart chuyển qua làm ở bộ phận khác trong trường trước khi bị sa thải vào tháng 4/2014.
Tháng 6/2012, giáo viên trường Salinas, Texas, Mỹ, ép 20 học sinh cùng đánh Aiden, 6 tuổi. Theo Daily Mail, khi nghe một số người nói Aiden bắt nạt bạn học, cô giáo này đã xin ý kiến một giáo viên khác trong trường và được gợi ý dùng bạo lực để chứng minh cho nam sinh thấy đánh bạn học là không tốt.
Cô yêu cầu 24 em xếp hàng, lần lượt đánh Aiden dù các em không muốn. Trước hành vi phản giáo dục này, trường Salinas quyết định sa thải cả hai giáo viên.
Tháng 11/2011, một vụ việc thương tâm khác cũng xảy ra ở Pakistan khi Muhammad Ahsan, học sinh trường Trung học Chính phủ Chiniot, bị bạn học Muhammad Rizwan và chú Zafar Ahmed cũng là giáo viên Thể dục tại trường, đánh chết.
Điều đáng nói, bạo lực diễn ra nhiều lần, nhưng Ahmed luôn bao che cháu. Thậm chí, khi Ahsan báo hiệu trưởng, trường cũng không có hành động can thiệp.
Hậu quả, cả hai chú cháu nổi giận, đánh chết nam sinh lớp 7. Cùng lúc đó, gia đình Ahsan lên trường báo cáo về sự việc. Đáng tiếc, lúc bố em đến phòng học, em đã trút hơi thở cuối cùng.
Cuộc chiến học sinh yếu thế
Sau vụ Joy Wangari chết do giáo viên trường Tiểu học Mukandamia yêu cầu học sinh đánh em, nhiều phụ huynh không dám cho con đến trường. Đây cũng là mối lo của tất cả bậc cha mẹ có con theo học tại trường mà giáo viên không đảm bảo an toàn cho học sinh. Ngược lại, chính họ đứng sau các vụ bạo lực kinh hoàng.
Giáo viên bạo hành trẻ là "cuộc chiến mà những đứa trẻ không thể chống lại". Ảnh: Tribune.
Anh thậm chí có hẳn trang web về bạo lực học đường và dành một phần để cảnh báo phụ huynh về bạo lực xuất phát từ giáo viên. Họ hướng dẫn người nhà cách phát hiện con mình bị giáo viên dày vò. Việc này khó hơn do người lớn nhiều khi thiếu tin tưởng, cho rằng con trẻ tố cáo vì bất mãn với giáo viên hoặc tự tìm lý do để thông cảm, rằng thầy cô làm thế cũng chỉ muốn tốt cho con mình.
Việc phản ứng lại như thế nào khi giáo viên là người bắt nạt học sinh cũng khá phức tạp. Nhưng chắc chắn, người lớn không được phép để tình trạng này xảy ra vì bất cứ ai cũng không có quyền tra tấn, dày vò người khác.
"Thật khó để xác định điều gì khiến giáo viên vượt qua những ranh giới kỷ luật cơ bản để chửi mắng, đe dọa, thậm chí làm nhục, đánh học sinh, khiến các em sợ đến trường", Jessica Kelmon - biên tập viên giáo dục, sức khỏe trẻ em của tổ chức phi lợi nhuận GreatSchools (Mỹ) - viết.
Dưới bài viết của bà, một giáo viên thừa nhận lúc mới vào nghề, ông nhiều lần bắt nạt học sinh vì cảm thấy "lũ trẻ thật kinh khủng". Ông bị sa thải. 3 năm sau, người này nhận ra sai lầm, dũng cảm theo tiếp nghề giáo. Từ đó, ông chưa bao giờ lên giọng hay đe dọa học trò vì hiểu rõ hành vi này khiến các em tổn thương rất nhiều.
Hàng chục người khác cũng tâm sự họ từng có trải nghiệm đau thương khi bị chính giáo viên bắt nạt ở trường mà không biết làm gì để thoát ra.
Jessica Kelmon gọi tình trạng giáo viên bạo hành trẻ là "cuộc chiến mà những đứa trẻ không thể chống lại". Bà lý giải trong cuộc chiến đó, trẻ em là người duy nhất bị tổn thương, các em hoàn toàn không thể tự bảo vệ mình.
Thậm chí, khi MA, một học sinh trung học ở Boston (Mỹ) yêu cầu trường cho chuyển lớp vì thường xuyên bị giáo viên sỉ nhục, đày đọa, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, trường đình chỉ học, ghi vào hồ sơ.
Việc này ảnh hưởng cơ hội vào đại học của MA. Vì thế, nam sinh này đã thuê luật sư, đưa vụ việc ra tòa.
Rõ ràng, kể cả khi học sinh ý thức được mình bị giáo viên bắt nạt, các em không thể làm gì khác mà cần đến sự bảo vệ từ cha mẹ hoặc luật pháp. Cuộc chiến đó không dễ dàng nhưng cần được đấu tranh đến cùng vì an toàn tính mạng cũng như sự phát triển của trẻ.
Theo Zing
Quảng Nam: Học sinh một số điểm trường vùng cao đã hết "khát" nước sạch Sau khi Dân trí phản ảnh bài viết "Học sinh vùng cao "khát" nước sạch" về tình trạng nhiều điểm trường thuộc huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) không có nước sạch cho các em học sinh sử dụng, đến nay đã có 20 điểm trường được trang bị bồn chứa nước từ tài trợ của mạnh thường quân. Ngày 13/11,...