Giáo viên lúng túng khi xử lý học sinh hư
Thông tư 08 hướng dẫn khen thưởng và kỷ luật học sinh ra đời từ 30 năm trước, hiện vẫn là căn cứ để trường xử lý học sinh hư.
Sau vụ học sinh xúc phạm thầy cô ở trường THPT Nguyễn Trãi ( Thanh Hóa), hiệu trưởng lập hội đồng kỷ luật, đuổi học một năm ba học sinh, đuổi một tuần bốn em khác và cảnh cáo trước toàn trường một nữ sinh. Dưới sức ép dư luận và chỉ đạo của Sở Giáo dục Thanh Hóa, trường phải giảm mức kỷ luật.
Nhiều nhà quản lý giáo dục chia sẻ hiện các trường rất lúng túng trong việc xử lý học sinh vi phạm nội quy. Căn cứ chủ yếu để xem xét kỷ luật là hai văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Thông tư 12 năm 2011 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 08 năm 1988 hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh phổ thông.
Điều 41 trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định các hành vi học sinh không được làm như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên…; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh… Học sinh vi phạm bị xử lý theo bốn mức độ: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, thông tư không quy định cụ thể vi phạm nào, mức độ ra sao sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật nào.
Căn cứ chính để giáo viên, các trường áp dụng mức kỷ luật học sinh do đó chỉ còn Thông tư 08 năm 1988. Văn bản này quy định năm hình thức kỷ luật học sinh, có đề cập một số lỗi cụ thể. Ví dụ học sinh nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian một tháng; nói năng thô tục, đánh bạc, hút thuốc lá… bị khiển trách trước lớp. Học sinh ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường, có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo… bị cảnh cáo trước toàn trường.
Ra đời từ 30 năm trước, Thông tư 08 đã lạc hậu, nhất là khi Internet, Facebook phát triển, học sinh có nhiều hình thức vi phạm mới. “Học trò nói xấu giáo viên trên Facebook thì bị xử lý thế nào? Giữa nói xấu công khai và nói xấu trong nhóm kín thì xử lý có khác nhau? Những vi phạm này không có trong các văn bản của Bộ”, một giáo viên THCS công lập ở Hà Nội, nói.
Thực tế, giáo viên đã sáng tạo ra nhiều cách phạt học sinh như: cho đứng ngoài cửa lớp, quét dọn nhà vệ sinh, thu điện thoại di động một thời gian… Gần đây, ở Thừa Thiên Huế, cô giáo phạt học sinh ngậm ngang bút chì vì hay nói chuyện. Ở TP HCM, cô giáo yêu cầu trò tự tát vào mặt vì vi phạm nội quy. “Tất cả đều không có trong quy định của Bộ. Giáo viên chúng tôi rất thiếu hành lang pháp lý, căn cứ cụ thể, phù hợp để xác định hình thức kỷ luật học sinh vi phạm và yên tâm thực thi”, một giáo viên trường THCS công lập tại Hà Nội, nói.
Theo giáo viên này, cô và nhiều đồng nghiệp khi kỷ luật học sinh dù là hình thức nhẹ như đứng 15 phút, đánh nhẹ vào tay… vẫn lo lắng, sợ phụ huynh khiếu kiện. Để an phận, tránh phiền hà, nhiều thầy cô chọn cách không áp dụng bất cứ hình thức nào, trừ việc yêu cầu viết kiểm điểm. Họ trông chờ Bộ Giáo dục xây dựng thông tư hướng dẫn xử lý kỷ luật mới, phù hợp với thực tế hoặc bảng quy tắc ứng xử có giá trị, khả thi để yên tâm vận dụng.
Video đang HOT
Bộ Giáo dục sẽ thay thế Thông tư 08
Vụ phó Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Bùi Văn Linh.
“Sau 30 năm, Thông tư 08 có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, giáo dục học sinh hiện nay. Bộ Giáo dục đã tiếp nhận nhiều phản ánh của giáo viên, cơ sở giáo dục”, ông Bùi Văn Linh, Vụ phó phụ trách Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên thừa nhận.
Từ năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục đã giao cho Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các đơn vị liên quan nghiên cứu về kỷ luật tích cực đối với học sinh và dự thảo thông tư thay thế. Thông tư mới sẽ quy định nguyên tắc, hình thức và trình tự xử lý kỷ luật học sinh phổ thông trên quan điểm kỷ luật tích cực, giúp học sinh nhận thức được khuyết điểm để khắc phục dưới sự quản lý, giúp đỡ của giáo viên, gia đình và xã hội.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đang hoàn thành chuyên đề nghiên cứu về kỷ luật trong trường học. Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên đã xây dựng dự thảo thông tư mới thay thế và đang xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục. “Dự kiến, sau khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Giáo dục sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 8, phù hợp với thực tiễn”, ông Linh nói.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đánh giá, việc kiểm điểm, phê bình, nhắc nhở và xử lý kỷ luật nhằm răn đe, giáo dục học sinh là rất quan trọng trong quá trình giáo dục của trường học. Biện pháp này để học sinh nhận thức rõ khuyết điểm, từ đó tự khắc phục, hoàn thiện nhân cách; cũng là cách giữ nghiêm kỷ cương, nền nếp học đường. Tuy nhiên, mọi hình thức kỷ luật học sinh đều phải mang tính giáo dục, được Hội đồng kỷ luật của nhà trường xem xét thấu đáo, dựa trên từng vi phạm cụ thể. Các hình thức, phương pháp giáo dục này cần có sự trao đổi, đồng thuận của phụ huynh.
Ngoài ra, trong vấn đề xử lý kỷ luật học sinh, hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm xây dựng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục, trên cơ sở thống nhất của Hội đồng sư phạm nhà trường và cha mẹ học sinh. Các quy định cần được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến từng giáo viên, học sinh, phụ huynh từ đầu mỗi năm học để các bên cùng thực hiện, tạo sự đồng thuận khi xem xét, xử lý kỷ luật những trường hợp cụ thể.
Theo VNE
Nữ sinh xúc phạm cô giáo trên Facebook thừa nhận 'bồng bột'
Trở lại lớp sau gần 10 ngày bị đuổi học, hai nữ sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) chia sẻ rất hối lỗi, sẽ quyết tâm sửa sai.
Ngày 2/11, hai trong ba học sinh bị Hội đồng kỷ luật trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) đuổi học một năm vì xúc phạm thầy cô trên Facebook đã trở lại trường. Còn một nam sinh chưa đến lớp vì lý do cá nhân, đang ở xa. Việc dạy học ở lớp 10A5 diễn ra bình thường, song lớp này thu hút sự chú ý của thầy cô và học sinh trong trường.
Đi học sau gần 10 ngày bị đuổi, nữ sinh Lan kể chiều qua đang ở nhà thì nhận thông báo được quay lại lớp. "Em rất vui vì lại được cắp sách đến trường, gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Song em lo lắng vì nghỉ học dài ngày sẽ không bắt kịp kiến thức các bạn, một phần sợ thầy cô ác cảm...", Lan nói.
Cảm giác lo lắng trong Lan vơi đi khi bạn bè trong lớp, thầy cô hỏi han. Nói về những ngày nghỉ học, Lan cho biết rất buồn, có lúc còn nghĩ đến những điều tiêu cực. "Tụi em đã hành động bồng bột, sai trái, mong cô chủ nhiệm tha thứ, giúp đỡ. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để sửa chữa", nữ sinh giãi bày.
Lan cho hay, group của lớp mang tên "Động Cô Bích" không rõ do thành viên nào lập ra từ những ngày đầu năm học, tag đầy đủ 48 thành viên 10A5. Việc nói xấu, xúc phạm cô chủ nhiệm và hai giáo viên bộ môn từ giữa tháng 9, xuất phát từ việc một nhóm bạn bị ghi sổ đầu bài, các em giải thích bị oan song cô giáo không chấp nhận. Không vừa ý, nhóm học sinh có lời lẽ thiếu tôn trọng cô.
Trường THPT Nguyễn Trãi trong buổi học ngày 2/11. Ảnh: Lê Hoàng.
Nữ sinh tên Nga cũng suýt bị đuổi học một năm chia sẻ, những ngày xa trường lớp em suy nghĩ rất nhiều, thấy xấu hổ và hối lỗi. "Em xin lỗi thầy cô và hứa không tái phạm", Nga nói và mong muốn nhận hình thức kỷ luật nhẹ hơn để có cơ hội sửa chữa.
Bị cảnh cáo trước toàn trường, nữ sinh My thừa nhận mức phạt này đúng với lỗi của mình và đánh giá các bạn bị đuổi học một năm là "hơi nặng". Những ngày nhóm bạn không đi học, My cũng như cả lớp rất buồn. Lúc rảnh rỗi, các em vẫn nhắn tin động viên nhau và hỏi han tình hình trường lớp.
Nói về nhóm bạn vừa bị kỷ luật, em Nguyễn Ngọc Quyền, lớp trưởng 10A5 cho rằng "các bạn chỉ a dua, muốn thể hiện mình và không giữ được chừng mực".
Ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị của nhà trường, do điện thoại của nữ sinh không khóa nên cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện trên nhóm Facebook có tên là "Động Cô Bích".
Kiểm tra, cô giáo phát hiện các cuộc trò chuyện có nội dung tục tĩu, nói xấu xúc phạm thầy cô, nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường sau đó đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình. Do học sinh không có thái độ tiếp thu, tiếp tục vi phạm, nhà trường họp Hội đồng kỷ luật biểu quyết đuổi học một năm ba học sinh, đuổi học một tuần bốn em khác, cảnh cáo trước toàn trường một nữ sinh.
Sau khi dư luận phản ứng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa lập đoàn kiểm tra và đánh giá, trường kỷ luật các em còn nóng vội, không mang tính giáo dục. Vi phạm của các em chưa đến mức phải đuổi học một năm nên yêu cầu hủy quyết định.
Trường THPT Nguyễn Trãi là trường công lập, hiện có hơn 1.100 học sinh theo học. Lớp 10A5, có 48 học sinh do cô Đậu Thị Bích, giáo viên Vật lý làm chủ nhiệm. Nữ giáo viên có hơn 10 năm giảng dạy, được đánh giá là hiền lành, có kinh nghiệm quản lý, vững chuyên môn.
Lê Hoàng
Theo VNE
Thông tin mới vụ 7 học sinh bị đuổi học do xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội 7 học sinh bị trường THPT Nguyễn Trãi (đường Lê Hoàn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) quyết định đuổi học do xúc phạm giáo viên trên Facebook đã trở lại trường. Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức họp hội đồng kỷ luật để đưa ra mức xử lý phù hợp. Quyết định thu hồi quyết định kỷ luật của trường THPT...