Giáo viên lên tiếng: Tôi phản đối phạt quỳ, nhưng…
Tranh cãi “muốn để học sinh quỳ hay học sinh hư” trên báo Dân trí một lần nữa khơi lên chủ đề chưa có hồi kết lâu nay: Có nên duy trì hình thức phạt roi, phạt quỳ trong giáo dục? Bức ảnh cùng câu chuyện học sinh Trường THCS Thường Tín (Hà Nội) bị phạt quỳ đã làm nóng các diễn đàn suốt mấy hôm nay.
Ảnh minh họa
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng dư luận vẫn đang chia thành hai “chiến tuyến” và ngay trong đội ngũ nhà giáo vẫn có người ủng hộ cũng như phản đối hình thức xử phạt học sinh bằng cách đánh roi hoặc quỳ gối.
Lâu nay, xung quanh vấn đề này vẫn luôn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ lập luận rằng “không đánh không nên người”, “quỳ một tí có chết ai đâu”, thậm chí là thẳng thừng khẳng định “nếu không chấp nhận hình phạt ở trường, phụ huynh giữ con ở nhà mà dạy”…
Còn người phản đối hành động phạt quỳ cũng ra sức đả kích, ném đá hành động của cô giáo, cho rằng đó là “sự bất lực của giáo dục”, là “hành động phản sư phạm”, là “sự sỉ nhục, xúc phạm nhân cách người học”…
Là một phụ huynh có con đang tuổi đến trường, tôi cũng cật lực phản đối các hành vi xử phạt mang tính tiêu cực xuất hiện trong thời gian qua, chẳng hạn yêu cầu học sinh tát nhau, bắt uống nước giặt khăn lau bảng hoặc là phạt roi trò đến mức thâm tím tay chân và chấn động não…
Còn hành động phạt quỳ ư? Nó không làm bọn trẻ đau về mặt thể xác nhưng nó khiến các con bị tổn thương lớn về mặt tâm hồn. Khi cô giáo yêu cầu 2 học sinh trường Tô Hiệu quỳ gối, một em chấp hành còn em kia thì không thực hiện bởi chính em lập luận “quỳ là sự sỉ nhục”.
Nhìn nhận thẳng thắn thì lập luận ấy có phần đúng khi mà hành động quỳ gối giữa lớp học, ngay trước mặt các bạn cùng trang lứa là một sự trừng phạt nặng nề. Hành động quỳ gối trước tập thể ấy chỉ khiến sự bất mãn trong lòng học sinh dâng cao, và mục đích giáo dục học sinh thông qua biện pháp phạt quỳ hoàn toàn phản tác dụng!
Video đang HOT
Tôi không hoàn toàn phủ nhận tác dụng của các cách phạt truyền thống trong giáo dục. Chúng tôi cũng lớn lên, trưởng thành từ trong phương pháp giáo dục nghiêm khắc của thầy cô. Thời ấy, việc học sinh “ăn” roi, bị phạt quỳ gối là việc thường xuyên.
Ở thời điểm ấy, trong giai đoạn ấy, việc thầy cô và bố mẹ sử dụng đòn roi cùng các hình phạt nghiêm khắc như một lẽ thường và được chấp nhận. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khi mà quyền con người được ý thức hơn, bọn trẻ lại tiếp nhận nhiều luồng thông tin về nhân quyền hơn thì các phương pháp giáo dục truyền thống đã thực sự không còn phù hợp.
Đặc biệt là toàn ngành giáo dục đã phát động phong trào “trường học thân thiện”, nghiêm cấm các hành vi “xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học” thì những đòn roi và hành động phạt quỳ của cô giáo vấp phải sự phản đối của cộng đồng là lẽ tất nhiên.
Tuy nhiên, là một nhà giáo trực tiếp đứng lớp gánh nhiệm vụ “trồng người”, tôi thấu hiểu hơn ai hết nhiệm vụ nhọc nhằn của người thầy trong bối cảnh hôm nay. Dạy chữ không vất vả bằng dạy người. Người thầy hôm nay phải gánh lấy áp lực khủng khiếp trên con đường gieo chữ, trồng nhân cách.
Tâm sinh lý của học sinh đang thay đổi theo những biến động của xã hội, thời đại. Sự ủng hộ, đồng hành của một bộ phận gia đình cũng biến chuyển theo chiều hướng công kích mọi biện pháp giáo dục của người thầy. Bên cạnh đó là áp lực từ cấp trên, sự đơn độc trong tìm kiếm phương pháp giáo dục tích cực… khiến người thầy mất phương hướng thật sự.
Không ít giáo viên đã ca thán “xã hội đang tước dần quyền giáo dục của người thầy”. Từng có giáo viên buông xuôi “mặc kệ nó”, “lương tâm không bằng lương tháng”… Đó là hệ quả tất yếu khi mà gia đình sẵn sàng kiện tụng, dư luận hả hê “ném đá” mỗi lúc phát hiện người thầy đánh trò, phạt trò.
Chính nó sẽ khiến nghề giáo bỏ rơi nhiệm vụ “dạy người” mà chỉ chuyên tâm “dạy chữ”. Và nó cũng sẽ để lại những hậu họa khủng khiếp về nhân cách thế hệ trẻ tương lai. Không ai muốn điều ấy xảy ra!
Bởi vậy, người thầy rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ nhà trường, gia đình và xã hội trên con đường giáo dục nhân cách trẻ.
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
"Nhiều gia đình có con bất trị vì hay bênh vực con trước mặt cô giáo"
Câu chuyện về cô giáo trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ gối đã thu hút dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng hình phạt này mang tính xúc phạm danh dự học sinh, song cũng có không ít ý kiến đồng cảm với những áp lực của giáo viên.
Phạt quỳ chắc chắn không phải cách tốt
Dưới góc độ của một chuyên gia giáo dục, tâm lý, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng phạt học sinh bằng cách quỳ chắc chắn không phải là cách tốt, đôi khi còn mang lại những hậu quả tiêu cực. Các hình phạt giúp học sinh tiến bộ lên, nhưng vẫn phải tôn trọng cơ thể của trẻ. Tuy nhiên việc gia đình cháu bé làm ầm lên, lại phản giáo dục, tai hại hơn cả hình thức phạt của cô giáo. Việc làm này của phụ huynh khiến hình phạt của cô giáo trở nên vô nghĩa, học sinh có thể nghĩ rằng bản thân không bao giờ sai, mọi lỗi lầm đều do cô giáo.
TS Vũ Thu Hương cho rằng việc phụ huynh bênh vực con thái quá có thể dẫnđến tác dụng phản giáo dục. (ảnh: KT)
"Bản thân tôi đã rất nhiều lần trợ giúp cho gia đình có con trở nên "bất trị" vì có nhiều lần phụ huynh bênh vực con trước mặt cô giáo. Từ đó giáo viên gần như không thể giáo dục các học sinh này. Đến khi chúng hành xử tệ với cả bố mẹ, phụ huynh mới nhận ra thì quá muộn và đôi khi không thể cứu vãn.
Trong câu chuyện này, cả 2 bên đều sai. Chúng ta nhấn mạnh vào lỗi sai của người này để hành xử một cách sai hơn với người khác thì sẽ dẫn đến những hậu quả rất lớn và không thể khắc phục", cô Hương nhấn mạnh.
Theo TS Vũ Thu Hương, thực tế, hình thức phạt quỳ rất phổ biến ở thời kỳ trước giải phóng. Chính bản thân các cô giáo có lẽ cũng đã được giáo dục bằng phương pháp này, nên chưa ý thức hết được tác động đến học sinh, thậm chí có thể nghĩ rằng việc này có lợi cho học sinh.
Không phải tất cả các nước trên thế giới đều tôn trọng học sinh bằng cách không đánh các em. Có đến 17 bang tại nước Mỹ đồng ý rằng học sinh cũng cần phải "ăn roi". Rất nhiều quốc gia có hình thức phạt quỳ học sinh trên các hạt đỗ đông lạnh để phải chịu cảm giác đau, nhớ lâu. Họ đề cao các hình phạt này mà không hề ngăn cấm hay lên án.
Học sinh là ông "vua con" vì gia đình bênh thái quá
Song điều đáng nói là đôi khi nguyên nhân khiến nhiều học sinh trở nên "bất trị" lại đến từ việc phụ huynh bênh vực con một cách thiếu cân nhắc. Bố mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện giáo dục trong trường, từ đó học sinh cảm thấy không ai có quyền động vào mình.
"Tôi rất thông cảm với những áp lực mà giáo viên phải chịu, nhưng cũng không đồng ý với cách làm của cô. Sở dĩ việc này trở nên căng thẳng do cách giáo dục của giáo viên không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Trong câu chuyện này, những người làm giáo dục đều thấy được ý tốt của cô giáo, nhưng những người trong ngành giáo dục không hề có tiếng nói bênh vực với giáo viên và giải quyết mâu thuẫn với phụ huynh.
Rồi cũng từ những câu chuyện tương tự, ngành giáo dục đã đưa ra những dự thảo quy định ngang trái như phạt tiền 20-30 triệu với giáo viên đánh, mắng học sinh. Điều này càng khiến những mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn. Giáo viên là người đứng giữa việc làm thế nào để học sinh tiến bộ và không được sử dụng hình phạt với học sinh. Giáo viên sẽ là người thiệt thòi, áp lực trong câu chuyện này, nếu như lãnh đạo không hiểu, thông cảm và giúp đỡ họ. Bản thân tôi cũng đặt ra câu hỏi, công đoàn ngành giáo dục ở đâu để không có những cách giải quyết tốt hơn", TS Hương băn khoăn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng chính sự chồng chéo trong các điều luật, nhưng lại không có quy định cụ thể về thưởng phạt học sinh đã khiến cho giáo viên bối rối không biết làm gì. Nếu có những quy định rõ ràng rằng trong hoàn cảnh nào được phạt ra sao, những hình thức nào được coi là xúc phạm học sinh thì sẽ hạn chế được những sự việc tương tự.
"Có nhiều trường hợp tôi được biết giáo viên chỉ phạt học sinh đứng lên ngồi xuống nhưng cũng bị phụ huynh đòi kiện. Điều này đôi khi để lại hậu quả nặng nề, các con sẽ không biết đâu là điểm dừng, đâu là đúng sai, dẫn đến rối loạn nhận thức các vấn đề xã hội và điều chỉnh hành vi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng sẽ có tâm lý sợ không dám động vào học sinh", TS Hương lo lại.
Để giảm những sự việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục, TS Vũ Thu Hương đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Hiệu trưởng các trường học. Trong đó, Hiệu trưởng là người nên làm rõ những giới hạn hành vi của cả giáo viên và học sinh, công khai những hình phạt và có sự thống nhất về phương pháp giáo dục giữa nhà trường và phụ huynh.
Theo VOV
Nhân vụ phạt học sinh quỳ: người thầy đâu phải 'công chức cắp ô' Tôi là người phản đối quyết liệt với bạo lực học đường, nhưng tôi cũng không đồng tình với việc tước đi quyền được dạy người của thầy cô giáo. LTS: Câu chuyện cô giáo Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh bằng cách quỳ gối trong giờ học đang...