Giáo viên lên tiếng: Sao cứ phải xuất sắc?
Mấy ngày nay, chúng tôi vất vả với công tác coi thi và chấm thi học kì 1. Gần một tuần giáo viên chúng tôi làm việc căng thẳng với mong muốn đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh. Từ đó mà điều chỉnh việc dạy và học sao cho thật phù hợp.
Ảnh minh họa
Là một giáo viên, bản thân tôi khi chấm thi luôn tuân thủ nguyên tắc công tâm và khách quan. Chưa bao giờ tôi thiên vị trò nào về điểm số. Ngay cả người quen cũng vậy. Tôi luôn làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Sau mỗi kì thi, bao giờ tôi cũng sửa bài, rút kinh nghiệm chung cho tất cả các em.
Năm nay, đề môn Ngữ văn của tôi được Phòng Giáo dục ra hơi khó. Mức độ yêu cầu cũng cao đối với học sinh. Ở phần Tập làm văn, học sinh phải xây dựng được một câu chuyện tưởng tượng dựa trên những sự việc đã có sẵn trong tác phẩm. Ngoài ra các em phải nói được suy nghĩ và nêu trách nhiệm của bản thân. Riêng phần đọc – hiểu học sinh phải đọc kĩ mới không bị nhầm. Chính vì vậy mà điểm số các em không cao. Tuy nhiên, theo tôi đề ra hay và phân loại đúng được đối tượng học sinh.
Sau hơn hai ngày chấm thi vất vả, tôi đã hoàn thành điểm cho học sinh. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành công việc. Tuy nhiên chỉ hơn tiếng sau đã có một phụ huynh điện cho tôi hỏi xem điểm số của con. Sau khi nghe tôi thông báo cháu đạt điểm 7 thì phụ huynh bảo tôi coi dùm lại bài xem có sự nhầm lẫn không. Chị bảo rằng con bé năm nào môn Văn cũng đạt điểm 9 hoặc 9,5. Năm nay với điểm 7 này, con bé tổng kết chung chỉ đạt 7,5, tức là có nguy cơ rớt danh hiệu học sinh giỏi. Rồi chị không ngừng trách con gái lơ là trong học tập. Chị bảo đã la rầy con suốt những ngày thi rồi. Ai dè nó mê bóng đá quá. Mà không hiểu sao năm nay chung kết AFF Cup 2018 lại diễn ra đúng vào mùa thi. Kết quả cuối cùng là như vậy. Thật là buồn biết bao.
Sau khi nghe chị phân trần, tôi hiểu tâm trạng lúc này của chị. Cô bé vốn học khá ở tất cả các môn. Tuy nhiên ở phần đọc hiểu, học sinh dễ bị mất điểm vì đọc đề chưa kĩ. Với lại mùa thi, các em thường căng thẳng quá dẫn đến áp lực. Tôi mong chị sẽ động viên cháu cố gắng phấn đấu tiếp ở học kì 2 để đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Tôi muốn chị ngày mai vào trường để tôi lấy bài thi cho chị coi và giải thích từng phần cụ thể, rõ ràng hơn.
Sau khi tôi nói vậy thì phụ huynh tỏ ý không vui. Điều phụ huynh cảm thấy buồn nhất vẫn là con bị rớt danh hiệu học sinh giỏi. Họ sợ con mình không bằng bạn bè. Nhất định con phải đạt xuất sắc thì họ mới vui.
Dẫu rất thương học trò lẫn thông cảm với phụ huynh nhưng tôi không thể làm khác. Tôi vẫn phải làm đúng theo quy định của ngành. Tôi đã từng nghe phụ huynh trách cứ mình khó tính. Việc nâng điểm cho trò đâu có gì khó. Nhất là môn Văn lại theo cảm nhận chủ quan của từng người. Chưa kể “quyền sinh, quyền sát” trong tay, thế nhưng tôi luôn giữ đúng quan điểm của mình. Cái chính là mong trò cố gắng nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập. Ngoài ra nó còn thể hiện sự công bằng với những trò khác. Tôi rất mong phụ huynh hiểu và thông cảm cho tôi.
Video đang HOT
Hiện nay có một bộ phận phụ huynh đang xem trọng về thành tích. Họ luôn mong muốn con mình phải xuất sắc. Dường như họ không chấp nhận việc con học khá. Họ không tiếc tiền để đầu tư cho con. Nào là học thêm ở trường, học thêm ở nhà riêng của thầy… Tiền của và công sức của phụ huynh bỏ ra không phải là ít. Chính vì vậy mà khi con không đạt được kết quả như mong muốn, phụ huynh sẽ trút hết lên đầu con. Nhiều người cứ nghĩ mình đầu tư và ép con học nhiều là đang thương con. Họ cứ lấy cái tôi để áp đặt con cái. Với họ, con mình phải luôn là nhất. Khi con điểm số thấp, họ trách con lẫn cả thầy cô đang dạy dỗ. Thật là buồn hết sức.
Năm rồi, tôi từng chứng kiến một em học sinh gần nhà học rất giỏi. Năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Các kì thi em luôn đứng tốp đầu. Cha mẹ em không tiếc tiền để đầu tư cho con gái. Đi đâu họ cũng hãnh diện về con. Vậy mà chẳng hiểu sao cuối năm ngoái em bỗng phát bệnh. Em bắt đầu sợ đến lớp. Rồi em cười nói trong vô thức. Em xé hết tập và đóng cửa nhốt mình trong phòng.
Quá hoảng sợ, ba mẹ em đã đưa con đi viện điều trị. Suốt một năm ròng, em phải uống thuốc và điều trị tâm lý. Mẹ em đã từng khóc khi gặp tôi vì ân hận. Chị không ngừng trách bản thân vì đã ép con học quá nhiều. Với chị, con luôn phải học giỏi bằng mọi giá. Lúc nào chị cũng nhắc nhở con học bài để đạt điểm cao. Chị cứ nghĩ đó là cách thương con tốt nhất. Bây giờ chị chỉ mong con khỏi bệnh rồi đi học một cái nghề nào đó để hòa nhập cuộc sống mà thôi.
Một kỳ thi nữa lại về. Mong sao các bậc phụ huynh hiểu và đừng gây áp lực về điểm số cho các em. Hãy tạo cho chúng sự tự tin để phấn đấu vươn lên. Làm sao để các em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Chúng ta, ai cũng đang nợ thầy cô một lời xin lỗi, một lời cảm ơn mà chưa bao giờ đủ can đảm nói ra
20/11, một dòng status chẳng thế nói lên được tình cảm của bạn dành cho thầy cô, hãy về thăm họ, hãy nhấc máy lên gọi cho họ để họ biết rằng, đứa học trò họ dạy dỗ bao năm qua luôn trân quý, luôn nhớ về họ.
Suốt những năm tháng học trò, ngay cả khi là sinh viên, đã bao giờ bạn đủ can đảm dành cho thầy cô một lời cảm ơn, một lời xin lỗi chưa? Những người lặng lẽ lái đò ấy chưa bao giờ đòi hỏi học sinh phải đền ơn hay bày tỏ gì tấm chân tình, họ chỉ lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ gieo cho đời tri thức.
Chúng ta chia sẻ rất nhiều lên Facebook, lên mạng xã hội nhưng mấy ai đủ can đảm gọi điện trực tiếp để bày tỏ tình cảm với thầy cô. Ngày ra trường, ai cũng hứa sẽ về thăm thầy cô nhưng bao nhiêu dịp Tết, bao nhiêu cái lễ, bao nhiêu ngày 20/11 rồi vẫn để thầy cô chờ mong trong tuyệt vọng. Dòng status Facebook rất dễ để gõ nhưng một lời nói trực tiếp dường như lại quá khó khăn.
Thời đi học, ai cũng từng một lần ghét cay ghét đắng môn nào đó, vì mình học mãi không khá được nên ghét luôn thầy cô. Mỗi tiết học chỉ muốn trôi qua thật nhanh vì sợ nhìn vào mắt thầy cô, sợ bị hỏi bài. Khi bị phạt, bị điểm kém lại nói những lời khó nghe, lại trách thầy, trách cô; để rồi ra trường mới nhận ra thầy cô chỉ muốn tốt cho mình. Nhưng liệu có ai can đảm quay về nói câu xin lỗi vì đã hiểu lầm, vì đã làm thầy cô phiền lòng?
Người ta vẫn nói rằng những người cá biệt trong lớp sau ra chính là những người tình cảm nhất, họ chính là những người về thăm thầy cô đều đặn, vì họ nhận ra được bài học mà thầy cô lúc ấy dành cho mình quý giá như thế nào.
Đi học ai chẳng thích học giỏi, ai chẳng thích được thầy cô khen. Sướng nhất có lẽ là được làm trò cưng của thầy cô, được họ tuyên dương trước lớp, được nêu gương cho bạn bè.
Nhiều khi thầy cô nhẹ nhàng, đơn giản lắm, chính chúng ta tự tạo ra áp lực, tạo ra khoảng cách với họ. Nếu dám mở lời tâm sự, mở lời bày tỏ sẽ thấy ai cũng gần gũi, dễ mến. Thầy cô cũng luôn công tâm nữa, ai học tốt thì thầy cô khen, học yếu thì thầy cô nâng đỡ. Thế nên đừng vì vài ba câu nói nặng lời mà giận họ nhé.
Có những người may mắn khi sinh ra có ba mẹ là thầy cô giáo, được uốn nắn, dạy dỗ từ trường cho đến nhà. Dù cho có chút áp lực mang tên con giáo viên nhưng suy cho cùng, đó vẫn là lợi thế vô cùng lớn. Có những kỷ niệm vui, những kỷ niệm buồn, những kỷ niệm nghèo khó, những điều bất hạnh, những điều không may... nhưng khi vượt qua rồi nhìn lại mới thấy chặng đường đó thật may mắn và hạnh phúc vì có thầy cô, ba mẹ kề bên.
Chúng ta, ai cũng nợ thầy cô một lời cảm ơn, một lời xin lỗi mà chẳng bao giờ dám nói ra. Khi thầy cô không còn trên đời nữa mới bày tỏ phải chăng đã quá muộn màng. Dòng status Facebook nhiều like nhưng thầy không đọc được, nếu còn cơ hội, hãy dành cho thầy cô những điều ấm áp nhất từ đáy lòng của bạn.
Có những người thầy, người cô thay đổi được cuộc đời của một học sinh. Họ không chỉ dạy con chữ, họ còn mang đến nhiều thứ lớn lao hơn thế bên cạnh tri thức. Một lời phê nhẹ nhàng, một câu nhận xét ngọt ngào có thể khiến một học sinh hư thành ngoan, kém thành tốt. Có chăng là chúng ta chưa đủ tỉnh táo để nhận ra ẩn ý sâu xa những lời đó thôi.
Kỷ niệm với thầy cô bạn có gì? Mình ư, chẳng có gì để kể cả! Vì suốt những năm tháng học sinh mãi chạy theo những thứ không đâu, chẳng chú tâm học hành, cứ nghĩ thầy cô chẳng coi mình ra gì đâu, không thèm để ý đâu. Ra trường mới biết, thầy cô luôn âm thầm dõi theo từng bước chân, luôn nhớ đến mình dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.
Và 20/11 rồi, một dòng status Facebook chẳng nói lên được tình cảm của bạn dành cho những người đã miệt mài dạy dỗ bạn bao năm qua. Hãy về thăm thầy cô đi, xem họ đã sống như thế nào mấy năm qua, xem họ có già hơn ngày xưa không? Nếu không có điều kiện, chí ít cũng nhấc máy hỏi thăm thầy cô một câu nhé. Họ vẫn luôn chờ bạn!
Theo Helino
Nội quy, cái thòng lọng loằng ngoằng bủa vây giáo viên Thầy cô không chỉ chịu nhiều quy định bủa vây từ nhà trường mà còn luôn bị phụ huynh giám sát một cách quá khắt khe. LTS: Chia sẻ về việc có quá nhiều nội quy của trường học đang ràng buộc, bủa vây người giáo viên, cô Phan Tuyết đã có bài viết. Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài...