Giáo viên kiệt sức ở mọi nơi
Không chỉ ở Việt Nam, giáo viên cảm thấy làm việc quá sức và kiệt sức là một tình trạng lâu năm ở Singapore.
Một phần nguyên nhân được cho là áp lực từ các bậc cha mẹ.
Mỗi tuần, Sandra kéo một chiếc vali nhỏ từ nơi làm việc về nhà. Không phải là tiếp viên hàng không, cũng không phải là nhà thiết kế thời trang, cô chỉ là một giáo viên mang sách bài tập về nhà để đánh dấu cho học sinh của mình vào cuối tuần.
“Chúng tôi thường đùa rằng chúng tôi giống như những tiếp viên hàng không mang hành lý trở về nhà sau một chuyến bay dài”, cô giáo dạy quốc ngữ ở trường tiểu học nói.
Giống như những giáo viên khác đã nói chuyện với TODAY, Sandra chọn nghề giáo vì với cô, đây là một công việc cao quý, cho phép cô định hình một thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, việc phải dành hàng giờ đồng hồ để giải quyết công việc hành chính, lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khóa và trao đổi với phụ huynh đã khiến những giáo viên này mệt mỏi.
“Một ngày kết thúc với tôi là khi tôi kết thúc mọi cuộc họp, tôi cũng đã hoàn thành việc đánh dấu bài tập về nhà của lũ trẻ và đã chuẩn bị cho tiết học ngày mai”, Sandra, một giáo viên có thâm niên 4 năm, cho hay.
Xã hội Singapore đặt kỳ vọng cao lên giáo viên, cho rằng họ sẽ là người tạo nên tương lai của đất nước. Ảnh: Reuters.
Ngoài vật lộn khối lượng công việc khổng lồ, Mandy, một giáo viên trung học, còn phải vất vả “chỉ đường” cho học sinh ngoài giờ làm việc.
“Đôi khi, có những đứa trẻ cần một ai đó để nói chuyện. Đó có thể là một tình huống nguy cấp. Chúng tôi sẽ trò chuyện vào đầu giờ sáng, trong khi giải lao. Tôi cũng rất vui vì mình có thể giúp gì đó”, cô giáo có 20 năm kinh nghiệm cho biết.
Tuy nhiên, học sinh không phải là những người duy nhất tìm đến cô.
“Những lần khác, phụ huynh liên lạc với tôi về bài tập về nhà và muốn tôi phản hồi gần như ngay lập tức. Ranh giới giữa công việc và cuộc sống của tôi bị đảo lộn”, cô chia sẻ
Việc giáo viên cảm thấy phải làm việc quá sức đến kiệt sức là một vấn đề lâu năm ở Singapore, nơi xã hội đặt nhiều kỳ vọng lên vai trò của nhà trường và giáo viên trong cuộc sống của con trẻ.
Video đang HOT
Năm ngoái, một bức thư đăng trên Straits Times của chồng một giáo viên đã lan truyền mạnh mẽ với nội dung kêu gọi chính quyền hạn chế khối lượng công việc của giáo viên để vợ anh có nhiều thời gian hơn với gia đình.
“Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người giáo viên không bị kiệt sức? Họ đến trường trước khi mặt trời mọc và chỉ về nhà sau khi mặt trời lặn. Ở nhà họ sẽ lại tiếp tục chấm bài và trả lời các cuộc gọi”, anh viết.
Xã hội Singapore đặt nhiều quá nhiều kỳ vọng lên giáo viên và nhà trường. Ảnh: TODAY.
Khi chính quyền Singapore quyết định lấy ngày 2/9 hàng năm làm Ngày Nhà giáo, các vấn đề lâu năm mà giáo viên phải đối mặt hàng ngày đã được quan tâm và mổ xẻ.
Tháng trước, Bộ Giáo dục Singapore (MOE) cho biết sẽ tăng 5-10% lương giáo viên cũng như người trong ngành giáo dục như một phần nỗ lực giữ chân những người làm giáo dục giỏi.
Trong những năm qua, MOE cũng đã đưa ra một loạt sáng kiến để hỗ trợ giáo viên tốt hơn, gần đây nhất là ra đời ứng dụng sức khỏe tinh thần dành riêng cho đối tượng này, Mindline. Tuy nhiên, các giáo viên tin rằng chính quyền có thể làm được nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề then chốt là khối lượng công việc khổng lồ.
Một cách để giải quyết vấn đề này là giảm bớt một số công việc hành chính và hoạt động ngoại khóa để giáo viên có thể, như Sandra đã nói, “quay trở lại mục đích cốt lõi của những gì một giáo viên phải làm, dạy học”.
Trả lời các câu hỏi của TODAY, MOE cho biết họ đã có vài động thái giúp giảm bớt khối lượng công việc của giáo viên, chẳng hạn sử dụng công nghệ giải quyết các quy trình hành chính và cung cấp thêm kinh phí để các trường thuê nhân viên hành chính.
MOE cũng đã áp dụng các biện pháp để hỗ trợ nhân viên như dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp tại nhà và đường dây nóng tư vấn 24/7 của “toàn chính phủ” dành cho công chức.
Ngoài ra, Liên minh Giáo viên Singapore (STU) cũng cung cấp một bộ các dịch vụ huấn luyện và tư vấn nghề nghiệp. Tổng thư ký STU Mike Thiruman nói rằng những dịch vụ trên được đưa ra là để giúp các thành viên “xác định và vượt qua thách thức tại nơi làm việc”.
Hiện tại, Singapore có khoảng hơn 32.000 giáo viên với tỷ lệ từ chức “tương đối thấp và ổn định ở mức từ 2 đến 3% trong vài năm qua”, theo MOE.
Nhưng vấn đề lớn nhất của giáo viên tại Singapore là tương tác với các bậc phụ huynh. Chủ đề có thể là về việc kỷ luật con họ, họ muốn can thiệp vào cách giáo viên truyền đạt kiến thức hoặc bày tỏ mong muốn giáo viên có thể là “cha mẹ thay thế” hay “người trông trẻ”.
Trước tình trạng này, MOE nhấn mạnh rằng nỗ lực giúp đỡ giáo viên của bộ cũng phải được sự đồng lòng của phụ huynh.
“Phụ huynh có thể hỗ trợ sức khỏe của giáo viên bằng cách tôn trọng thời gian và không gian cá nhân cũng như giảm thiểu những tương tác không quan trọng với họ về con mình ngoài giờ hành chính”, MOE gợi ý.
Ngoài ra, MOE cho rằng phụ huynh và giáo viên cũng nên có mối quan hệ đối tác chặt chẽ và tích cực. Các bậc cha mẹ cũng nên đặt kỳ vọng phù hợp vào trách nhiệm của giáo viên đối với sự phát triển của con em chúng ta.
*Tên nhân vật đã được thay thế.
Vụ mầm non Việt-Bun không nhận trẻ: Lý do gì cũng không thể cao hơn quyền trẻ em
'Khi dư luận, báo chí phản ánh về vụ Trường mầm non Việt - Bun từ chối nhận trẻ, Sở Lao động và Sở Giáo dục cần vào cuộc để bảo vệ quyền trẻ em'.
Liên quan đến vụ việc Ai cho Hiệu trưởng mầm non Việt-Bun từ chối quyền học được hiến định của trẻ?, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hai từ chối trả lời phóng viên bởi không đúng "Tôn chỉ mục đích".
Theo đó, con anh T. là bé N.H. P. A. sinh tháng 4 năm 2020. Bé có hộ khẩu tại Đồng Nhân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng. Theo đúng quy định, gia đình anh làm thủ tục để con được theo học đúng tuyến tại Trường Mầm non chất lượng cao Việt - Bun. Gia đình có đưa cháu đến trường một lần, các cô quan sát và theo lời cô Chi, Hiệu trưởng nhà trường là: "Con em chậm hơn các bạn thì mọi hoạt động sẽ không bắt nhịp được với các bạn. Các cô phải dừng lại để hỗ trợ con em sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác, lâu dần con em sẽ rơi vào trạng trái cô lập".
Đến 20/7, nhà trường công bố danh sách trúng tuyển thì không có tên bé P.A. Đến ngày 1/8, các cháu được nhận đã nhập học. Đến ngày 23/8, bà ngoại của cháu có đến trường thì cô Chi, Hiệu trưởng có bảo bà ký vào giấy xin tự nguyên rút hồ sơ. Như vậy, sau gần 1 tháng các cháu đã nhập học gia đình anh T. mới đến lấy hồ sơ chứ không phải rút hồ sơ trong quá trình xét duyệt.
Ngay sau khi bài báo đăng tải, rất nhiều ý kiến của độc giả gọi điện đến đường dây nóng và gửi mail về Tòa soạn bày tỏ sự bức xúc liên quan vụ việc.
Để có thêm góc nhìn liên quan đến quyền của trẻ em trong vụ việc này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với bà Phạm Thị Minh Hiền (Đại biểu Quốc hội khóa XIV), một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh liên quan đến công tác xã hội và quyền trẻ em.
Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hai Bà Trưng có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?
Quyền trẻ em là cao nhất
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trong hai năm diễn ra đại dịch Covid-19, trẻ nhỏ là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi không được đến lớp và giao tiếp với môi trường xung quanh. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Bởi vậy, khi đại dịch đi qua, trẻ có quyền được đến trường để tiếp cận các hình thức học tập giúp trẻ phát triển.
Thời gian gần đây, có nhiều vấn đề giáo dục gây chú ý như thiếu giáo viên mầm non, trường mầm non "quá tải" phu huynh bốc thăm để được học ở trường công...
Trong khi đó, cơ quan chức năng địa phương nơi xảy ra vụ việc không nhận bé P.A đã không có sự nhạy cảm, quan tâm đúng mức đến quyền của trẻ.
Bé P.A mới chỉ 2 tuổi, ở giai đoạn tập ăn, tập nói, nhà trường không thể kiểm tra và đánh giá năng lực, hành vi của cháu bé trong một, hai buổi giống như "khám lâm sàng", rồi đưa ra quan điểm chủ quan. Điều này, có thể gây tổn thương đến phụ huynh và gia đình trẻ.
"Cháu bé mới 2 tuổi, đang trong giai đoạn được chăm sóc nên nhà trường không thể nói trẻ sẽ học chậm hơn bạn bè khác. Về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực của người làm trong ngành giáo dục không cho phép giáo viên từ chối nhận trẻ, khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Để đánh giá năng lực, hành vi của một đứa trẻ cần có cơ quan y tế có chuyên môn kiểm tra", bà Hiền cho hay.
Bà Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, trong Hiến pháp và Luật trẻ em, cùng nhiều luật khác đã có những quy định quyền học tập của trẻ được ưu tiên cao nhất.
Việc lãnh đạo Trường mầm non chất lượng cao Việt - Bun đưa ra bất kỳ lý do nào như về hành vi tự chủ, tư duy của cháu... những lý do này cũng không thể vượt qua quyền của trẻ em.
"Mục tiêu, chức năng quan trọng nhất của trường mầm non là chăm sóc và giáo dục trẻ em. Còn về vấn đề tự chủ của nhà trường, hoặc các tiêu chuẩn chất lượng cao được nhà trường đặt ra, vẫn nằm sau quyền của trẻ em", bà Hiền nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho hay, trong vụ việc trên, hồ sơ nhập học của trẻ đúng tuyến, nhà trường không thể nào có quyền từ chối nhận trẻ. Nếu có khó khăn, nhà trường phải phối hợp với cơ quan quản lý để khắc phục, không nên đổ lỗi với bất cứ nguyên nhân nào, bởi người gánh chịu sẽ là trẻ em.
Nhà trường cũng phải có trách nhiệm trả lời nguyên do từ chối nhận trẻ với phụ huynh, người đại diện hợp pháp cho cháu bé. Việc từ chối trả lời báo chí, đồng nghĩa nhà trường đang đi từ cái sai này, sang cái sai khác.
"Việc nhà trường từ chối trả lời báo bởi không đúng tôn chỉ mục đích là rất lòng vòng. Trong khi đó, câu trả lời quan trọng nhất về việc tại sao đơn vị không tiếp nhận trẻ lại không có", bà Hiền cho hay.
Trẻ phải được tiếp cận các dịch vụ công về học tập
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, trong vụ việc trên, khi nhà trường từ chối nhận trẻ, gia đình có quyền đưa con đến trường khác để bé học tập. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là trách nhiệm của nhà nước phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ đến cùng, không thể để cháu bé chuyển trường là kết thúc mọi việc.
"Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng đã làm chưa đến nơi đến chốn. Quyền được học tập của bé P.A đã bị xâm phạm, cơ quan chức năng phải chủ động vào cuộc, không nhất thiết phải theo quy trình cụ thể", bà Hiền nhấn mạnh lại.
Phân tích về giải pháp cụ thể, bà Hiền cho rằng, đáng lẽ, Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng phải chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng để về địa phương làm rõ. Từ đó giúp cho trẻ được tiếp cận với các dịch vụ công về học tập, đảm bảo quyền lợi như các em khác. Nếu nhà trường vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính.
Bởi vậy, bà Hiền đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần vào cuộc vụ việc này, đây là hai đơn vị đều có trách nhiệm về quyền của trẻ em.
Theo bà Hiền, khi có bất cứ thông tin phản ánh nào trong dư luận, hai đơn vị trên cũng có thể phối hợp để làm rõ. Từ đây, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu các bên liên quan phải giải quyết dứt điểm tránh để dư luận xấu.
Xuất bản sách phục vụ việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài Bộ sách 'Chào Tiếng Việt' của TS Nguyễn Thụy Anh đã có cách tiếp cận từ khía cạnh tâm lý của người dạy và người học tiếng Việt ở những không gian địa lý, văn hóa khác nhau. Buổi giới thiệu về bộ sách đã diễn ra trong khuôn khổ Tọa đàm "Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở...