Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn được chọn 1 trong 5 ngoại ngữ thi tuyển
Theo thông tin của Sở Nội vụ Hà Nội, ngày 13-4 sẽ là ngày chốt hồ sơ đăng kí dự thi công chức cấp xã, phiếu đăng ký dự tuyển công chức, viên chức các cơ sở giáo dục.
Cũng theo Sở Nội vụ, do đề nghị của một số cơ quan, đơn vị nên sẽ báo cáo UBND thành phố cho người đăng ký dự thi được chọn 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc để thi vòng 1 theo quy định.
Trước đó, theo kiến nghị của một số giáo viên ở huyện Sóc Sơn, có nhiều giáo viên trước đây học tiếng Nga nên việc quy định cứng phải thi tiếng Anh khiến họ gặp khó khăn.
Các cô giáo hợp đồng ở Sóc Sơn lo âu trước kỳ thi tuyển giáo viên sắp tới – Ảnh: NGỌC QUANG
Tuy nhiên, 265 giáo viên ở huyện Sóc Sơn đã ký đơn kêu cứu tập thể vẫn có nguyện vọng được xét đặc cách không phải qua thi tuyển vì số năm dạy học từ 10- trên 20 năm, nhiều người đang là giáo viên cốt cán, kiêm nhiệm nhiều công việc trong ngành, có thành tích dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Trong số họ có những giáo viên chưa bao giờ có cơ hội được tham gia kỳ thi tuyển giáo viên, nhưng nay đã có tuổi, họ không tự tin vượt qua kỳ thi này và đứng trước nguy cơ mất việc sau nhiều năm cống hiến.
Trao đổi với Tuổi trẻ Online về việc này, ông Lê Hữu Mạnh, phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết đây là vướng mắc do quy định hiện hành không cho phép đặc cách, nhưng cũng thừa nhận việc để kéo dài số giáo viên hợp đồng trong nhiều năm là một bất cập.
Hiện tại, UBND huyện chỉ có thể tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng sẽ tham gia kỳ thi tuyển dụng bồi dưỡng kiến thức để đi thi. Sau kỳ tuyển dụng, nếu còn thiếu giáo viên thì các trường đề xuất hợp đồng lại giáo viên cũ, nhưng sẽ theo chế độ lương khởi điểm. Hiện huyện Sóc Sơn – Hà Nội còn thiếu 685 giáo viên.
Video đang HOT
Theo tuoitre
256 giáo viên Sóc Sơn có nguy cơ mất việc: Công đoàn Giáo dục vào cuộc
Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ cho 256 giáo viên ở Sóc Sơn có nguy cơ mất việc.
Theo đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhận được đơn của nhiều giáo viên đang công tác tại huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội.
Qua đơn của giáo viên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được biết, trong thời gian tới UBND TP.Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển viên chức năm 2019.
Trong số những người dự thi tuyển kỳ thi này có trên 250 giáo viên cấp Tiểu học và THCS tại huyện Sóc Sơn là những người đã hợp đồng giảng dạy nhiều năm, nhiều người là giáo viên giỏi các cấp, có nhiều thành tích trong giảng dạy; có người có hoàn cảnh khó khăn hoặc đã lớn tuổi.
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng việc thực hiện chủ trương và các quy định về thi tuyển viên chức để đảm bảo có đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ, chuẩn nghề nghiệp nhất định là việc làm đúng và cần thiết.
Các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn đang hết sức lo lắng, tìm cách kêu cứu lên các cơ quan chức năng. Ảnh: Bình Minh
Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể với những giáo viên đã có nhiều năm công tác trong ngành, để có sự ghi nhận đối với quá trình cống hiến cho ngành giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội: Có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức đối với các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt (giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên có nhiều thành tích trong công tác...), giáo viên tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên, giáo viên là cán bộ công đoàn từ tổ trưởng công đoàn trở lên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Còn đối với số giáo viên không trúng tuyển nhưng đã có thời gian công tác trong ngành giáo dục nhiều năm thì xem xét, tiếp tục ký hợp đồng và bố trí ở những nơi còn thiếu.
Đối với những người không trúng tuyển và không bố trí được thì thực hiện các chế độ theo quy định của Nhà nước, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để họ có cơ hội chuyển đổi công việc, tìm kiếm việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống.
Hơn một tháng nay, các giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn (Hà Nội) sống trong lo lắng, không biết tương lai của mình sẽ ra sao.
Theo quyết định thi viên chức của UBND TP.Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn, giáo viên hợp đồng muốn tiếp tục đứng lớp phải đăng ký dự tuyển viên chức và nếu thi không đỗ, họ sẽ bị chấm dứt hợp đồng làm việc.
Nhiều giáo viên sau hơn 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, cũng có nguy cơ bị đẩy "ra đường", dù có nhiều thành tích trong giảng dạy, được đánh giá cao về chuyên môn.
Những ngày qua, các thầy cô gửi đơn kêu cứu đi nhiều nơi, nhờ vào cuộc giúp đỡ để có cơ hội được tiếp tục đứng lớp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Theo Đặng Chung
Theo Lao động
265 giáo viên tại Hà Nội gửi đơn xin "cơ chế đặc thù" trong tuyển dụng Lo lắng trước kỳ thi tuyển dụng viên chức sắp tới, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã gửi đơn kêu cứu xin "cơ chế tuyển dụng đặc thù". Theo các giáo viên này, nếu không được ưu tiên do đã có nhiều năm cống hiến thì họ sẽ không thể cạnh tranh được với các sinh viên...