Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc
Mới đây, tại hội thảo “ Giáo viên hiệu quả, trường học hạnh phúc” do Tổ chức đào tạo và tư vấn giáo dục FAROS Education and Consulting tổ chức, hơn 200 chuyên gia giáo dục đến từ các trường học, viện nghiên cứu trên địa bàn TPHCM đã chỉ ra 5 yếu tố khiến trường học ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chưa đạt mục tiêu hạnh phúc.
Ảnh minh họa
Đó là nguy cơ kém an toàn và dễ bị bắt nạt, học sinh chịu áp lực lớn từ sự quá tải và gánh nặng thi cử, môi trường học tập và không khí nhà trường còn nhiều tiêu cực, giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp, diễn biến xấu của các mối quan hệ (giáo viên – học sinh, phụ huynh – giáo viên, giáo viên – giáo viên…). Vậy điều gì làm nên một ngôi trường hạnh phúc?
Theo Th.S Nguyễn Thúy Uyên Phương, 3 yếu tố cấu thành nên một ngôi trường hạnh phúc gồm con người, hệ thống quy trình và văn hóa. Trong đó, 5 thành phần cần được bớt đi trong trường học hiện nay là kiểm tra, cạnh tranh, thành tích, xếp hạng và bài vở. Ở chiều ngược lại, các yếu tố cần được tăng cường là coi trọng góc nhìn của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển khả năng sáng tạo và chơi đùa, cho trẻ được khám phá, khuyến khích trẻ thể hiện các kỹ năng cảm xúc, xã hội…
Để trả lời cho câu hỏi “Thế nào là giáo viên hiệu quả”, TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, cho biết nhiều giáo viên hiện nay còn mơ hồ, thậm chí hiểu sai về mục tiêu giáo dục là phấn đấu vì thành tích và điểm số của học sinh. “Có một hiệu trưởng đã thẳng thắn nói với tôi rằng, ông hiểu rõ bản chất mục tiêu của giáo dục. Nhưng khi phụ huynh trao con cho nhà trường, mục tiêu của nhiều người trong số họ là thành tích và danh hiệu. Nhà trường không thể không chạy theo yêu cầu của phụ huynh. Giáo viên cũng chỉ là một con ốc nhỏ trong guồng máy đó”, TS Bùi Trân Phượng ngậm ngùi bày tỏ.
Riêng đối với cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS), giáo viên trong thời đại mới cần chủ động tiếp cận, truyền thông hình ảnh đến phụ huynh (bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như gửi mail tự giới thiệu kinh nghiệm, triết lý giáo dục của bản thân với phụ huynh vào đầu năm học, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh quá trình tiến bộ của học sinh sau mỗi tuần học…), thay cho việc thụ động ngồi chờ phụ huynh đến hoặc chỉ giao tiếp với phụ huynh khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt, nhà giáo này lưu ý, một phương pháp giáo dục hiệu quả chỉ thật sự đạt mục tiêu như kỳ vọng khi có sự đồng thuận của phụ huynh. Bên cạnh đó, một số yêu cầu trước đây của nghề giáo như lòng yêu nghề, mến trẻ thôi chưa đủ, mà để đạt hiệu quả, người dạy phải nỗ lực chuyển hóa kiến thức, phương pháp, lòng yêu mến thành sản phẩm là sự tiến bộ mỗi ngày của học sinh.
Video đang HOT
Trong bối cảnh định nghĩa “trường học hiệu quả” còn khác nhau giữa Bộ GD-ĐT, trường học, phụ huynh, thậm chí giữa trường công và trường tư, các chuyên gia giáo dục đều khẳng định người giáo viên cần trước hết trang bị cho mình một số kỹ năng như nhận diện cảm xúc và nhu cầu của phụ huynh, cân bằng cảm xúc, kỹ năng đương đầu xung đột để làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với phụ huynh nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người học.
MINH QUÂN
Theo SGGP
Tự bồi dưỡng - chìa khóa để trở thành giáo viên hạnh phúc
Giáo viên hạnh phúc thì học sinh mới hạnh phúc - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh điều này trong nhiều diễn đàn về giáo dục.
Hẳn mỗi giáo viên chúng ta khi quyết định chọn nghề giáo đều tự nói với mình: nhất định mình sẽ là một giáo viên hạnh phúc.
Ảnh minh họa: Đức Trí
Để mỗi người giáo viên hạnh phúc, từ đó xây dựng trường học hạnh phúc, cần có một hệ thống giải pháp toàn diện, bắt đầu từ việc cải cách chế độ tiền lương cho nhà giáo.
Tuy nhiên, giải quyết hết mọi rào cản, khó khăn đối với giáo viên nói riêng, ngành giáo dục nói chung luôn là điều không tưởng.
Bất cứ xã hội nào, ngành nghề nào cũng có những vấn đề của nó, không có một nền giáo dục nào là hoàn hảo. Điều này cũng có nghĩa là, trước khi trông chờ vào sự thay đổi đến từ bên ngoài, mỗi thầy cô giáo cần hiểu rằng hạnh phúc do chính mình lựa chọn.
Nếu không thể đến với một công việc khác thì hãy biến chuỗi ngày đến trường buồn chán, tẻ nhạt thành những tháng ngày vui vẻ, ý nghĩa, "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Trước hết, một người hạnh phúc là một người tự tin vào giá trị bản thân và không ngừng bồi đắp cho trí tuệ tâm hồn mình hàng ngày. Nghề giáo là nghề học tập suốt đời.
Vốn kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy được không bao giờ là đủ, trong khi nhu cầu của giáo dục hiện đại ngày càng cao. Do vậy, mỗi thầy cô giáo cần thường xuyên tự bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ.
Người giáo viên hạnh phúc sẽ luôn trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi mới trong từng bài giảng, cố gắng không lặp lại mình. Kho giáo án, tài liệu, các khóa học online vô cùng phong phú trên mạng Internet là nơi mỗi thầy cô có thể khám phá, học hỏi và đưa ra các ý tưởng mới.
Với mạng xã hội, các thầy cô cũng có cơ hội tham gia các hội/nhóm trên mạng, kết nối với nhiều giáo viên có năng lực, tâm huyết ở khắp mọi miền.Đó là điều kiện để giáo viên giao lưu, học hỏi không giới hạn.
Trong công tác tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên, khâu yếu nhất, khó nhất chính là đổi mới phương pháp dạy học. Mặc dù trong chương trình học ở trường đại học, sinh viên sư phạm đã được tiếp cận các phương pháp dạy học tích cực, song trong thực tế, việc sử dụng phương pháp mới trong dạy học ở trường phổ thông hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập.
Tổ chức giờ học theo phương pháp mới là vấn đề khiến nhiều giáo viên lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Các đợt tập huấn, các module bồi dưỡng vẫn nặng về cung cấp lí thuyết, chưa tập trung tháo gỡ vướng mắc về phương pháp, chưa tạo cơ hội để giáo viên thực hành đổi mới phương pháp.Thời lượng dành cho thực hành, thể nghiệm, vận dụng chưa đủ trong khi kiến thức lí thuyết thường trừu tượng, khó hình dung.
Do vậy, chủ động tìm hiểu, tham gia các khóa học kĩ năng mềm sẽ giúp các thầy cô linh hoạt, sáng tạo hơn trong dạy học, có những giờ dạy thú vị và hiệu quả.
Mặt khác, thật khó hình dung về một giáo viên hạnh phúc nhưng lại ít đọc sách. Đọc sách hàng ngày sẽ bồi đắp tâm hồn, trí tuệ, giúp các thầy cô có tâm thế vững vàng hơn trước học trò.Hình ảnh người thầy đọc sách cũng là nguồn cảm hứng để thôi thúc học sinh đến với sách, trải nghiệm niềm hạnh phúc của việc tự học, tự khám phá tri thức.
Chủ động kết nối với phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, ta sẽ có cơ hội để tháo gỡ các vướng mắc trước khi mọi chuyện đi quá xa. Đầu và cuối mỗi năm học, nên dành thời gian cho học sinh bày tỏ nguyện vọng của mình với thầy cô. Một tờ giấy nhỏ ghi lại ý kiến, nhận xét, góp ý của các em thực sự giúp chúng ta nhìn nhận bản thân ở những góc khuất mà mình không nhận thấy. Đó là định hướng quý báu để ta tự điều chỉnh mình.
Hơn ai hết, chính các thầy cô giáo phải chủ động kiếm tìm hạnh phúc trong nghề bằng cách không ngừng làm mới mình, tích cực tìm tòi, học hỏi, cập nhật các kiến thức, kĩ năng mới. Bởi lẽ, xét đến cùng, càng khao khát đổi thay thế giới, ta càng nhận ra rằng thứ cần thay đổi trước nhất và cũng dễ thay đổi nhất là chính mình.
Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Theo GDTĐ
Truyền cảm hứng vào tiết học Với đa số giáo viên (GV) việc dạy hết, dạy đủ kiến thức môn học không khó khăn. Tuy nhiên để học sinh (HS) hứng thú, chủ động tiếp nhận kiến thức, tương tác trong quá trình học, không ngại nghiên cứu, học hỏi... lại đòi hỏi người thầy tìm ra những phương pháp giáo dục phù hợp. Đây cũng trở thành yêu...