Giáo viên Hà Tĩnh linh hoạt trong thay thế ngữ liệu sách Cánh Diều
Trong khi chờ điều chỉnh nội dung trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, các trường học ở Hà Tĩnh đã chủ động thay thế một số ngữ liệu dạy học phù hợp.
Bộ sách Cánh Diều đã được đưa vào nhiều trường học ở Hà Tĩnh.
Bài đọc dài, một số bài học có nội dung khó hiểu, không phù hợp với học sinh lớp 1, sách sử dụng phương ngữ quá nhiều thay cho từ phổ thông…. Đó là nhận xét chung của một số phụ huynh có con em đang học lớp 1 khi đề cập đến cuốn sách Tiếng Việt thuộc bộ sách Cánh Diều.
Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu, việc dạy học bộ sách này ở Hà Tĩnh đang được triển khai linh hoạt, phù hợp với năng lực của học sinh.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) đã linh động trong việc thay đổi ngữ liệu cho phù hợp.
Cô Hồ Thị Na, giáo viên lớp 1C Trường Tiểu học Sơn Tây (Hương Sơn) cho biết: “Thời gian qua, tổ chuyên môn của trường đã linh hoạt trong việc điều chỉnh một số ngữ liệu trong sách Tiếng Việt để học sinh dễ tiếp nhận hơn”.
Cụ thể, ở một số bài tập đọc, cô Na cùng đồng nghiệp đã họp chuyên môn đánh giá để quyết định việc thay thế các ngữ liệu. Chẳng hạn: bài đọc có sử dụng phương ngữ là tiếng miền Nam, các cô vẫn dạy bình thường, đồng thời giải thích, đưa từ cùng nghĩa mà người miền Trung, miền Bắc hay dùng để các em hiểu nghĩa và học được thêm từ vựng; hay ở những từ chưa được học như: “nhờ thỏ bê ti vi”, do các cháu chưa học từ ti vi nên các cô cũng đã thay thế bằng từ “nhờ thỏ bê đồ”…
Video đang HOT
“Việc thay đổi ngữ liệu cùng với những hình ảnh minh họa tương tự được các giáo viên soạn thảo và giảng dạy trên giáo án powerpoint. Vì vậy, sau 3 tháng, học sinh tích cực trong các hoạt động, các em biết đọc nhanh hơn, mở rộng vốn từ nhiều hơn so với chương trình cũ. Ở lớp tôi có khoảng 2/3 học sinh đã đọc được những bài đọc dài” – cô Na cho biết thêm.
Đến nay, nhiều học sinh lớp 1 đã đọc được những văn bản dài…
Là một trong 3 địa phương có 100% trường tiểu học lựa chọn bộ sách Cánh Diều, tại huyện Can Lộc việc triển khai giảng dạy bộ sách này cũng đang được triển khai một cách linh hoạt.
Cô Hoàng Thị Ái Khanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: “Ngoài việc thường xuyên duy trì sinh hoạt tổ chuyên môn hàng tuần để nghiên cứu, thống nhất những ngữ liệu thay thế, chúng tôi cũng đã tổ chức những hoạt động giáo dục, những giờ dạy mời phụ huynh lớp 1 tham gia. Sau những giờ dạy ấy phụ huynh đã cùng dự tọa đàm với giáo viên để giải quyết kịp thời những băn khoăn, thắc mắc; đồng thời, cung cấp thêm cho phụ huynh những kỹ năng khi hướng dẫn con học tại nhà”.
Các em tích cực trong các hoạt động, viết chữ khá thành thạo, mở rộng vốn từ nhiều hơn so với chương trình cũ ( Ảnh chụp tại Trường Tiểu học Sơn Tây ).
Cùng với việc linh hoạt trong việc thay thế ngữ liệu, các giáo viên lớp 1 ở Hà Tĩnh cũng đã có sự chủ động trong việc giảng dạy phù hợp với năng lực của học sinh.
Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên lớp 1B Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: “Ngữ liệu trong phần tập đọc ở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều nhiều và dài hơn so với sách cũ. Do đó, chúng tôi không phải tìm thêm ngữ liệu ngoài như trước mà chỉ thay đổi những bài tập đọc có thể gây khó hiểu cho học sinh.
Việc dạy học trong chương trình mới phải linh động, phù hợp với năng lực của người học, nên đối với những em đọc tốt, tôi sẽ cho đọc hết cả bài. Những em gặp khó khăn hơn trong việc đọc sẽ chỉ phải đọc 2-3 câu hoặc đọc lại những từ chứa âm, vần mà các em đã được học…”.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) hào hứng với nhiều hoạt động trong giờ học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Mục tiêu của giáo dục ở chương trình phổ thông mới là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chương trình cũng không quy định cứng nội dung từng bài học tương ứng với thời gian của buổi học, tuần học mà chỉ quy định thời lượng và yêu cầu cần đạt của cả năm học đối với từng môn. Do đó, giáo viên có thể chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và phân bổ các tiết dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh”.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Sở sẽ chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh và toàn xã hội hiểu hơn về chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó tạo sự đồng thuận, chung tay trong việc dạy dỗ, chăm sóc học sinh và thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đề ra.
Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều là một trong 5 bộ sách được Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng từ năm học 2020-2021. Đây cũng là bộ sách xã hội hóa đầu tiên viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại Hà Tĩnh, bộ sách Cánh Diều được 60% trường tiểu học lựa chọn để giảng dạy, trong đó có 3 huyện lựa chọn 100% bộ sách này đó là Hương Sơn, Hương Khê và Can Lộc.
Sửa lỗi sai trong sách: Nếu cần, nên biên soạn lại để đảm bảo tính thống nhất
Nhưng theo nghiên cứu nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, nhiều chuyên gia, giáo viên cảm thấy chưa thật yên tâm.
Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, những chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều đã được đưa ra để xin ý kiến giáo viên sử dụng SGK, các nhà khoa học và xã hội trước khi Hội đồng thẩm định cấp Bộ họp.
Đến thời điểm này, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, cần sửa sách theo hệ thống bài học, không thể chắp vá, có thể phải biên soạn lại.
Theo Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định đã làm việc thẩm định lần cuối sau khi có ý kiến góp ý về dự thảo tài liệu chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề cần sửa chữa trong sách Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều. Trước ngày 30-11, NXB có trách nhiệm hoàn thiện và gửi về địa phương để bổ sung miễn phí tài liệu cho học sinh.
Nhưng theo nghiên cứu nội dung tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều được công bố trên mạng, nhiều chuyên gia, giáo viên cảm thấy chưa thật yên tâm. Một số điều chỉnh vẫn tạo ra các câu khá trúc trắc và khó giải thích cho học sinh. Ví dụ, trang 61, thay "Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ" bằng "Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ"... Tức là các từ phổ thông hơn, nhưng ngữ nghĩa lại tối, trong văn cảnh một con thỏ đang là cà rong chơi chỗ nọ chỗ kia, tại sao lại vừa la cà vừa mơ ngủ?
Nhiều ý kiến cho rằng, những nội dung chỉnh sửa trong sách Tiếng Việt, bộ Cánh Diều phải kỹ lưỡng, đảm bảo tính hệ thống, không thể chắp vá. (Ảnh: NXB ĐH Sư Phạm TP HCM)
Tương tự, bài số 25, trang 49, SGK Tiếng Việt 1, tập 1. Bài tập đọc như sau: "Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca "ri...ri...". Phía xa là nhà quạ. Quạ la "quà...quà...". Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!". Thế nhưng trong tài liệu chỉnh sửa NXB chỉ sửa từ "quà...quà" thành "quạ...quạ". Trong khi đó, cả bài đọc này được nhận rất nhiều ý kiến rằng khó hiểu, trúc trắc, rất khó giải thích cho trẻ lớp 1.
GS Nguyễn Lân Dũng nhận định, không chỉ SGK Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của bộ sách Cánh Diều mà cả tập 2 của sách này cũng có nhiều "sạn". PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông- nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) lại cho rằng: Những sai sót trong sách không thể coi là "sạn" mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt, ngữ liệu của các bài đọc cũng ngô nghê, phương pháp học âm vần gán ghép các từ ngữ rất tùy tiện... Vì thế, muốn dùng SGK Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá.
TS Lê Thống Nhất tại Diễn đàn Giáo dục Vietnam Educamp 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội đưa ra câu hỏi: Vì sao 20 năm qua quanh đi quẩn lại vẫn là những người cũ viết SGK? Cả sách cũ, cả sách mới, chủ biên, người viết đều là những cái tên vô cùng quen thuộc, trong khi đó, học sinh ngày nay với cách nói năng, tư duy khác với học sinh thế hệ trước của mình... nên nếu không có những thay đổi thì khó bắt kịp với thời đại. Nhưng để chọn những khối kiến thức thay đổi, ngữ liệu hợp thời đại, lại cần những người chuyên nghiệp.
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Time School nêu quan điểm: Những ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.
Bởi thế, đã rất nhiều lần, câu hỏi về thực nghiệm sách trước khi giảng dạy chính thức, và lấy ý kiến dư luận về sách trước khi phát hành đã được đặt ra. GS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Lẽ ra sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều phải được đưa lên mạng ngay từ đầu để xin ý kiến của giáo viên, phụ huynh, dư luận, như thế, những sai sót có khi đã được khắc phục.
Với bộ sách mới, các khâu thẩm định, thực nghiệm...đều có vẻ như vội vàng. Trong khi việc triển khai chương trình GDPT mới, biên soạn SGK mới là một quá trình, đã có thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị. Và nếu khâu rà soát, thẩm định kỹ hơn thì học sinh, giáo viên sẽ không rơi vào tình trạng vừa học, vừa chờ tài liệu chỉnh sửa.
Cô giáo N.T.V, giáo viên tiểu học tại quận Tây Hồ cho biết: "Thay ngữ liệu, chọn từ phổ thông là cần thiết, nhưng có những bài không thể thay một, hai từ là đã hoàn toàn dễ giải thích nghĩa cho các con. Vì thế, tôi hi vọng nhóm tác giả kỹ lưỡng với những nội dung chỉnh sửa, bài nào cần thay thế hoàn toàn thì phải thay thế hoàn toàn, bằng những đoạn, từ, câu dễ đọc, dễ hiểu hơn".
Giáo viên chưa thấy văn bản cho phép thay dữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Nếu nói có văn bản hành chính chỉ đạo thời điểm này cho phép giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1 mới bị "sạn" thì chúng tôi chưa thấy. Sau khi dư luận xã hội phát hiện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều bị "sạn" thì các cơ quan quản lý giáo dục,...