Giáo viên gọi học sinh là “con” thể hiện bước lùi về ngôn ngữ?
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lại Nguyên Ân phản đối cách giáo viên gọi học trò là “con” và cho đây là một bước lùi trong phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
Liên quan tới cuộc tranh luận “Giáo viên có nên gọi học sinh là các con?”, cô Hoàng Minh Phương – Giáo viên trường THCS Pascal (Hà Nội) cho hay: “Việc giáo viên gọi học sinh thế nào đó là lựa chọn của họ làm sao để hài hòa mối quan hệ hai bên.
Như bản thân tôi thì thích gọi học sinh là “con”, tức là tôi coi học sinh của mình như con cháu trong nhà, có cái gì đó thân thiết, gần gũi và yêu thương hơn”.
Cô Phương phân tích, nếu gọi học sinh là “anh/chị” và xưng “tôi” thì người nghe lại có cảm giác người nói như giáo viên thiếu thiện chí, thậm chí là thù ghét không yêu thương. Hơn nữa, nó lại mang một cảm giác gì đó cứng nhắc. Việc xưng hô thế nào tôi nghĩ các nhà nghiên cứu không cần “quan trọng hóa vấn đề”.
Hiện nay ở trường cô Phương đa số giáo viên đều gọi học sinh là “con” và học sinh cũng xưng “con” với thầy cô.
“Tôi nghĩ không cần quy định một cách cứng nhắc là xưng hô nên phải thế nào. Thực tế, chính học sinh đến độ tuổi nào đó sẽ bỏ cách xưng hô “con-cô/thầy” vì xưng hô không còn thoải mái nữa. Khi cấp 3 hay lớn hơn, học sinh tự thấy xưng hô “con-cô” là trẻ con quá thì chúng sẽ thay đổi”, cô Phương nói.
Đứng trên góc độ khoa học xã hội, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lại Nguyên Ân cho rằng: “Một trong những điểm đặc biệt trong từ vựng tiếng Việt là hệ thống các đại từ thiếu hoàn chỉnh, nhất là ngôi thứ ba, hầu như sang thời hiện đại, thế kỷ XX vẫn chưa định hình được một từ dùng để gọi ngôi thứ hai và ngôi thứ ba sao cho đầy đủ tính trung lập; do vậy thường mượn tạm các từ chỉ các vai trò, các tư cách trong quan hệ gia đình, như ông, bà, cô, chú, bác..v.v.. để thay thế”.
Ông Nguyên Ân nhìn lại cách xưng hô ở nhà trường miền Bắc giai đoạn 1954-1975: “Các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đứng trước cộng đồng học trò thường gọi họ là “các em”, “các cháu” nếu là học trò mẫu giáo, lớp 1; gọi là “các bạn”, “các trò” nếu là học trò lớn cấp 3; nhà giáo đại học thì phổ biến gọi sinh viên là “các bạn”".
Ảnh minh họa
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu Nguyên Ân đánh giá, những cách lựa chọn xưng hô như thế, vẫn mượn từ chỉ các vai của quan hệ gia đình Việt nhưng “còn tạm lọt tai, vì các từ tuy mượn từ quan hệ gia đình, nhưng đã chọn những vai mà quan hệ gia đình tương đối xa: “em”, “cháu”, không nhất thiết nghĩa là em ruột, cháu ruột, “bạn” thì đã ngoài liên hệ ruột thịt rồi”.
Cho rằng cách gọi trò là “con” là bước lùi về tác động phát triển nhân cách xã hội, ông Nguyên Ân nêu thêm: “Nếu trẻ em Việt lớn lên ở môi trường Anh ngữ, Pháp ngữ ..v.v… họ sẽ sớm phải tự xưng là “tôi” chứ không có từ “con, em, cháu” cho môi trường ngôn ngữ ấy”.
Theo ông Nguyên Ân, cách gọi “con”, “các con” như thế chỉ gia cố quan hệ gia đình cho các không gian xã hội chứ không kích thích phát triển các quan hệ xã hội rộng hơn gia đình.
Làm rõ thêm vấn đề xưng hô trên, PGS.TS Phạm Văn Tình -Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam chỉ ra những cặp xưng hô đang tồn tại trong nhà trường hiện nay: Thầy/Cô- Cháu; Thầy/Cô- Em; Thầy/Cô-Con; Thầy/Cô- Anh/Chị.
Trong số những cặp xưng hô này thì cặp xưng hô Thầy/Cô- Con chưa tạo sự thoải mái trong giao tiếp. “Trong tiếng Việt, ta chỉ xưng “con” với người nào đó sinh ra mình, thường là bố mẹ, ông bà thân tình lắm mới gọi cháu là “con”.
Cho nên, thầy cô gọi trò là “con” đôi khi tạo ra những tình huống lúng túng: Có những cô giáo mới tốt nghiệp đại học, chỉ hơn trò mấy tuổi, gọi trò bằng “con”, không hợp về mặt tuổi tác đã đành, cũng không hợp lắm về mặt tâm lí dẫn đến thầy/cô cũng gượng, trò xưng “con” cũng không thỏa mái. Có tình trạng, học sinh ở lớp xưng “con” nhưng ra ngoài lại lập tức xưng “em”, xưng “cháu”, thoải mái hơn hẳn”.
PGS-TS Phạm Văn Tình cảnh báo: “Khi xưng hô không thoải mái thường không đạt hiệu quả trong giao tiếp. Cho nên, cần cân nhắc vấn đề này”.
Theo Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, vấn đề xưng hô trong nhà trường cần có một cuộc khảo sát chung trong xã hội, từ học sinh, giáo viên, phụ huynh… nếu không những cuộc cày xới luận bàn trên mạng sẽ lại chìm nghỉm, giống như câu chuyện này từng được các nhà ngôn ngữ học lưu ý nhưng rơi vào quên lãng suốt 20 năm nay.
Hoàng Thanh
Có nên gọi học trò là con: Không nên can thiệp?
Các nhà tâm lý, nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng gọi học trò là con trong trường học chẳng có gì là sai và không nên can thiệp vào cách xưng hô của cô- trò.
Có nên gọi học trò là các con? Mới đây, câu hỏi này được "xới" lên bởi các học giả có tiếng. Họ đưa ra lí lẽ để khẳng định không nên gọi học trò bằng con, bởi không ích lợi về nhiều mặt, trước hết và trên hết, không tốt cho trò.
PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, "Vấn đề được nêu lên từ lâu rồi. Cách đây gần hai chục năm giới ngôn ngữ học đã bàn đến các cặp xưng hô phù hợp trong nhà trường".
GS Trần Đình Sử chính là một trong những người "châm ngòi" cho cuộc tranh luận: Có nên gọi học trò là các con, trên facebook hiện nay.
TS. Nguyễn Đức Mậu, Viện Văn học Việt Nam hưởng ứng nhiệt tình, anh đăng dòng trạng thái: "Cực lực phản đối gọi học sinh bằng con". Trước thái độ của các giáo sư, tiến sỹ, dư luận "nóng" lên.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội
Không nên can thiệp, đó là quyền của thầy trò với nhau
Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, cách xưng hô như vậy có gì là sai.
TS Lâm cho rằng, cách xưng hô phụ thuộc vào thói quen, biểu cảm và mối quan hệ nên giáo viên tùy độ tuổi mà có cách xưng hô với học sinh là "con" hay "em". Nếu ai gọi tùy tiện thì không phù hợp thôi. Theo tôi không nên can thiệp. Nhân cách của thầy cô mới là quan trọng.
" Tôi cho rằng, nếu thầy cô và học sinh cảm thấy không phù hợp thì sẽ không có cách xưng hô này. Đó là quyền của thầy và trò với nhau. Thầy cô- học trò là mối quan hệ lâu dài. Cách xưng hô cô- con hay cô- em không hạ thấp nhân cách của học sinh hay giáo viên"- TS Lâm nhấn mạnh
TS Lâm cho rằng, cần tôn trọng cách xưng hô của thầy cô với học sinh nhưng cần đưa các nguyên tắc, cũng như điều kiện, hòan cảnh, lứa tuổi để có cách xưng hô phù hợp.
Không có gì là sai, đó là sự đa dạng trong giao tiếp
Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, cách xưng hô "con" hay được sử dụng ở hệ mầm non. Ở trong trường, một số trường sử dụng cách xưng hô là "con" và cả từ "em" nữa. Đa số các con sử dụng từ "con" nhiều.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý này, dù hình thức nào thì không quan trọng mà cách xưng hô trong nhà trường thể hiện được lòng biết ơn, sự giáo dục trên dưới, sự tôn trọng. Đương nhiên cách xưng hô cô - con mang tính chất gần gũi hơn.
"Dù xưng hô là "con" hay "em" đều là cách xưng hô sử dụng sự tôn trọng. Tôi nghĩ, cách xưng hô là anh chị, hay xưng hô không đúng như gọi thầy cô là ông, bà thì điều đó nên tránh"- TS Hà nêu quan điểm.
Thạc sĩ Thu Hà cho rằng, cách xưng hô "con" hay "em" về chuẩn mực xã hội đều được chấp nhận.
Có ý kiến cho rằng, ở bậc mầm non và tiểu học, thầy/cô giáo gọi các cháu là các con thì được, thậm chí tốt. Còn từ THCS trở lên thì không nên gọi trò là con nữa. Thạc sĩ tâm lý này cho rằng, xưng hô giữa thầy cô và học trò chỉ là 1 phần trong giáo dục nhà trường. Điều quan trọng ở mối quan hệ thầy - trò là ở đó luôn luôn khuyến khích và tôn trọng các con có chính kiến.
"Khi tôi dạy học sinh cấp 3 các học sinh vẫn xưng "con" bình thường. Điều này vẫn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng. Việc xưng hô không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ cô trò cả. Quan trọng là chúng ta hỗ trợ và tương tác với các học sinh như thế nào thôi"- nhà tâm lý này cho biết.
Nhiều ý kiến của phụ huynh phản đối cách xưng hô "con" vì cho rằng đó là quan hệ xưng hô trong gia đình, huyết thống? Về vấn đề này, Thạc sĩ Hà cho rằng, việc xưng hô giữa học sinh và giáo viên rất đa dạng. Đây là tính đa dạng của ngôn ngữ.
"Thầy cô gọi học sinh bằng em hay con, cách gọi đó không có gì là sai cả. Đó là sự đa dạng trong giao tiếp. Thầy cô và học sinh cần linh hoạt. Trong trường hợp này gọi thế này trong trường hợp khác lại gọi khác. Có chăng cần một sự giới hạn và đảm bảo yếu tố cách gọi đó là tốt và tích cực. Chứ không phải ở hệ học sinh tiểu học thì nên gọi "con" còn các trò lớn hơn thì không nên gọi bằng con?"- nhà tâm lý này nhấn mạnh.
ĐỖ HỢP
Covid-19: "Biến nguy thành cơ" để ngành giáo dục thực hiện chuyển đổi số Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành GD&ĐT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngày 26/3. Chuyển đổi số ngành Giáo dục sẽ tạo tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong những năm...