Giáo viên đau đầu vì chỉ tiêu 98-99% lên lớp, học online nhiều HS không theo kịp
Cho các em học sinh cơ hội được lưu ban cũng chính là đang giúp các em kéo dài hơn con đường học vấn của chính mình.
Sau 9 tháng xa trường do dịch bệnh, học sinh nhiều địa phương chỉ học online. Công bằng nhìn nhận, ngành giáo dục triển khai việc dạy và học online trong thời gian vừa qua là hoàn toàn sáng suốt.
Nhờ được học online, học sinh không bị gián đoạn việc học và nhiều em vẫn nắm chắc kiến thức. Tuy nhiên, vẫn còn không ít em không thể theo kịp chương trình do rất nhiều nguyên nhân mang lại.
Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp hiện nay không hiếm ở các nhà trường (Ảnh minh họa: VTV online)
Không riêng lớp 1 mà rất nhiều khối lớp, bản thân người viết nhận thấy và thông qua rất nhiều đồng nghiệp của mình biết được, số lượng học sinh chưa đạt yêu cầu phải chiếm đến 1/3 tổng số học sinh của lớp.
Có em học lớp 1 dù đã hết chương trình học kỳ 1 nhưng chưa thuộc bảng chữ cái. Có những học sinh lớp 2 đã quên hết kiến thức từng học ở lớp 1 (giáo viên chúng tôi thường gọi là hiện tượng tái mù). Có những học sinh lớp 3 không còn nhớ cộng trừ có nhớ phải làm thế nào. Có những học sinh lớp 4, lớp 5 đến bảng nhân 2 hoặc 3 cũng đã quên tuốt tuột.
Tương tự, những học sinh lớp 6, lớp 7 thậm chí lớp 8, lớp 9 cũng rơi vào tình huống tương tự, quên hẳn những kiến thức đã học trước đó.
Năm dịch bệnh không nên áp chỉ tiêu
Ngay tại thời điểm này, nếu làm một cuộc khảo sát chất lượng một cách toàn diện và trung thực thì theo những gì người viết quan sát được ở trường mình, địa phương mình mỗi lớp học có ít nhất khoảng 15% (lớp nhiều có thể chiếm 30%) học sinh không có khả năng theo kịp chương trình.
Điều nhiều thầy cô giáo lo lắng nhất hiện nay, chỉ tiêu trường học đưa ra, trường ít 98%, trường nhiều 99% học sinh lên lớp thẳng. Xét vào thực tế, đây là con số chỉ tiêu không tưởng đối với năm dịch bệnh thế này.
Từ trước đến nay, đã là chỉ tiêu thầy cô giáo chỉ còn một cách phải thực hiện bằng mọi giá nếu không muốn “tai bay vạ gió bất ngờ”. Vì lẽ đó, mới sinh ra học sinh ngồi nhầm hết lớp này đến lớp khác.
Nhiều giáo viên lo lắng, đầu năm nhà trường giao chỉ tiêu nhưng dịch bệnh bùng phát đã cướp đi cơ hội học trực tiếp của học sinh, giáo viên làm sao có thể hoàn thành chỉ tiêu như những năm học trước đây được?
Nếu không hạ chỉ tiêu, nhiều thầy cô chỉ còn cách lùa học sinh lên lớp và hậu quả buồn sẽ đến với chính học sinh và gia đình các em.
Con đường học tập của học sinh sẽ ngắn lại khi phải ngồi nhầm lớp
Phải thẳng thắn nói với nhau rằng, học sinh yếu về một số môn như thể dục, hát nhạc, mỹ thuật thậm chí là toán, lý, hóa, khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý… vẫn có thể du di cho lên lớp cũng không ảnh hưởng nhiều đến con đường học vấn của các em.
Video đang HOT
Tuy nhiên, học sinh lớp 1 mà không biết đọc, biết viết mà buộc phải lên lớp thì giỏi lắm những học sinh ấy chỉ học xong bậc tiểu học cũng buộc phải nghỉ học sớm.
Không biết đọc, biết viết ở lớp 1, có lên lớp 2, lớp 3, lớp 4 và lớp 5 vẫn sẽ không biết đọc.
Bởi những lớp học này không có tiết học vần, không có bài dạy phát âm, ghép tiếng mà chỉ đọc trơn. Những học sinh này sẽ đuối dần, đuối dần và tái mù chữ là chuyện bình thường.
Không biết đọc, biết viết sẽ không thể theo học bậc trung học cơ sở và khi này các em đã lớn, sự mặc cảm cao nên cũng sẽ tự ý nghỉ học.
Không ít giáo viên lớp 1 tâm sự với người viết, lớp mình có tới chục em không biết đọc, biết viết.
Lớp ít hơn cũng phải 5 em. Số lượng học sinh như này vượt xa chỉ tiêu cho phép học sinh được lưu ban ở trường (mỗi khối nhiều nhất cũng chỉ được một đến hai em).
Giáo viên đã rất nỗ lực giảng dạy
Để dẫn đến tình trạng trên, lỗi không do giáo viên giảng dạy kém mà do nhiều nguyên nhân như học sinh thiếu thiết bị học tập, đường truyền chậm, gia đình không quan tâm đến chuyện học của con dẫn đến một số em có thái độ học tập chưa đúng mực… nên chất lượng học tập đi xuống trầm trọng.
Vì thế, bồi dưỡng, phụ đạo để lấp lỗ hổng kiến thức cho học sinh là trách nhiệm và lương tâm của mỗi thầy cô.
Trong thực tế, giáo viên đã, đang và sẽ nỗ lực giảng dạy hết mình. Dạy bất chấp thời gian vào các giờ nghỉ, giờ ra chơi, khi trống tiết. Vừa dạy trực tiếp trên trường, vừa dạy phụ đạo online ở nhà cho những em khó khăn trong học tập.
Thế nhưng, không phải học sinh yếu kém nào cũng có thể vực dậy kiến thức trong thời gian ngắn. Sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô cũng chỉ cải thiện được một phần nào, còn cải thiện hoàn toàn là điều không thể.
Đừng đổ lỗi cho thầy cô, cần cảm thông và đồng hành
Mặc dù biết rõ nguyên nhân học sinh yếu nhiều là do hoàn cảnh khách quan mang lại, mặc dù biết rõ giáo viên cũng đã nỗ lực hết mình, nhưng không ít nhà trường vẫn cứ quy trách nhiệm cho giáo viên chưa nhiệt tình, chưa sử dụng đúng phương pháp giáo dục, chưa vận dụng hết các giải pháp tích cực và mặc nhiên quy lý do học sinh yếu là do thầy cô giáo để tạo sức ép.
Bởi thế, niềm mong ước của nhiều giáo viên lúc này, sau khi đã nỗ lực rất nhiều trong việc giảng dạy và kèm cặp học sinh. Nhà trường đừng áp dụng chỉ tiêu, em nào có lực học yếu cần cho học lại một năm. Cần trả lại cho học sinh cái quyền được lưu ban khi không thể cải thiện được lực học.
Cho các em cơ hội được lưu ban cũng chính là đang giúp các em kéo dài hơn con đường học vấn của chính mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên dạy trực tuyến: "2 năm học nhiều khi cười ra nước mắt với học sinh"
Sau 2 năm áp dụng, dù đã có những tiến bộ nhất định, song công tác dạy và học trực tuyến tại nhiều nơi vẫn gặp không ít khó khăn, sóng điện thoại, mạng internet, đường truyền ổn định vẫn là ao ước của cả thầy và trò.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, trong suốt 2 năm qua, học sinh tại hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước đều phải trải qua những đợt học trực tuyến dài ngày chưa từng có.
Cũng do dịch bệnh, lần đầu tiên lễ khai giảng được tiến hành online, học sinh ở nhà nhiều hơn đến trường. Năm học 2021-2022, tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, dù gần hết học kỳ 1, nhưng học sinh lớp 1 vẫn chưa được cảm nhận ngày đầu tiên đi học.
Dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học, từ việc học trực tiếp tại lớp, giờ đây tòan bộ hoạt động học tập, tương tác được diễn ra thông qua một màn hình điện thoại, máy tính.
Sóng và máy tính vẫn là mong ước của nhiều học sinh
Gắn bó với ngành giáo dục hơn 20 năm, cô Vi Thị Nhung (THCS Châu Thôn, huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết, đây là 2 năm học đặc biệt nhất cô từng trải qua với nhiều thay đổi, nhưng cũng có vô vàn áp lực, khó khăn với cả thầy và trò.
Học sinh của cô Vi Thị Nhung thường xuyên phải đi "hứng sóng" học online.
Trong suốt 2 năm qua, nhiều thời điểm dịch bệnh bùng phát, phải chuyển sang học trực tuyến, nhận thức rõ đây là giải pháp tối ưu nhất trong mùa dịch, đảm bảo cho học sinh dừng đến trường, nhưng không dừng học, song quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn do nhiêu em thiếu thiết bị học tập, thiếu mạng internet, thiếu sóng.
"Đường truyền học online thường xuyên bị gián đoạn, có khi cô vào được thì trò lại bị thoát ra ngoài. Đặc biệt, hầu hết học sinh trên địa bàn là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, cả phụ huynh và các em đều ít có cơ hội tiếp cận CNTT, nhiều em không biết cách đăng nhập vào hệ thống, thầy cô nhiều lần phải đến tận nhà để hướng dẫn cụ thể cho từng em.
Với những học sinh ở khu vực đặc biệt khó khăn, không có mạng internet, thầy cô phải đến từng bản giao bài cho em.
Cũng có những tình huống nhiều em không quen dùng điện thoại thông minh, khi không vào được đường link để học lại liên tiếp gọi cho thầy cô lo điện thoại bị hỏng. Cũng có những buổi đang dạy, học sinh chụp ảnh đang ngồi trên mỏm đá, hay dựng lều chông chênh trên sườn đồi để "hứng sóng", các em vẫn rất hào hứng học, nhưng thầy cô thì cười ra nước mắt", cô Nhung chia sẻ.
Dù thường xuyên gián đoạn, nhưng có mạng internet đã là niềm vui của nhiều học sinh nơi đây. "Với những học sinh nghèo vùng cao, số tiền mỗi ngày 5.000 đồng để đăng ký 4G không dễ dàng, nhiều em không có tiền để đăng ký phải đi học nhờ hoặc đến những nơi có mạng, có sóng để bắt. Đặc biệt có nhiều em đặc biệt khó khăn, không có internet cũng không có điện thoại, giáo viên phải soạn bài tập, phối hợp với trưởng bản gửi đến từng nhà. Sau 1 tuần, học sinh các lớp lại nộp lại bài để thầy cô chấm và chữa bài".
Trong năm qua, từ chương trình Sóng và máy tính cho em do Chính phủ phát động, đến nay học sinh tại trường THCS Châu Thôn đã được hỗ trợ một số điện thoại, máy tính để học trực tuyến. Bên cạnh đó, tập thể giáo viên nhà trường cũng tự góp tiền để mua tặng 3 chiếc điện thoại cho những học sinh có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Hơn 20 năm công tác trong nghề, cô Nhung chia sẻ, việc dạy và học trực tuyến đã thay đổi "180 độ" cách dạy và học của thầy trò. Từ chỗ chỉ quen với những thao tác cơ bản như gửi mail trên máy tính, cô Nhung cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã phải tự học hỏi, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT để thích ứng với điều kiện mới.
Giáo viên trường THCS Châu Thôn trao tặng điện thoại cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tại điểm trường Chè Lỳ A (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), cô Hoàng Thị Điệu chia sẻ trong 2 năm dịch bệnh, cô và nhiều học trò chưa từng trải qua hình thức học trực tuyến đúng nghĩa. Lý do bởi ở điểm trường này, sóng điện thoại và mạng internet vẫn là điều xa vời.
"Thầy cô có khi phải đi khắp sân trường, ngồi gốc cây để hứng sóng, mạng cũng nào cũng "e". Học sinh mỗi lớp vài chục em, nhưng may ra chỉ có 3-4 phụ huynh tiến bộ lắm mới dùng điện thoại thì lấy đâu ra sóng, thiết bị để học online. Năm ngoái, có những thời điểm phải học trực tuyến, thiếu mạng, thiếu máy tính, điện thoại, thầy cô toàn trường phải in bài, phát về từng bản, từng xóm cho hơn 200 học sinh. Có những bản xa cách trường 4-5 cây đường đất đá, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì không thể đi nổi. Điều mong ước lớn nhất của thầy và trò ở điểm trường Chè Lỳ A hiện nay là có mạng internet, có sóng điện thoại. Từ đầu năm học mới đến nay, Chè Lỳ A vẫn may mắn tránh được Covid nên việc dạy học chưa bị ảnh hưởng, nhưng nếu có dịch, thầy và trò rất vất vả, khó khăn", cô Điệu chia sẻ.
Không chỉ ở vùng cao, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, giáo viên, học sinh cũng vẫn chật vật với các tiết học trực tuyến.
Cô Nguyễn Bích Thủy, giáo viên trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ, thời gian đầu nhà trường áp dụng hình thức học khá đơn giản, giáo viên sử dụng phần mềm zoom để dạy học. Tuy nhiên, quá trình vận hành nhận thấy cần đồng bộ hơn nữa giữa dạy học, kiểm tra, đánh giá và công tác quản lý của nhà trường, do đó, trường đã xây dựng và phát triển một nền tảng dạy học trực tuyến có hệ thống.
Thực hiện một hình thức học tập mới, cô Thủy cho biết, bản thân cũng gặp không ít khó khăn: "Đường truyền bị ngắt kết nối là vấn đề không thể tránh khi học online. Có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khi dạy trực tuyến. Có khi cô đang say sưa giảng bài rất cao trào, thì học sinh tự nhiên hỏi, cô ơi con không nghe thấy gì, nãy giờ cô đang nói gì ạ. Khi đó, cảm hứng dạy của giáo viên cũng bị ảnh hưởng. Hoặc khi gọi học sinh tương tác, kiểm tra mức độ hiểu bài của các con, nhiều con vô tư trả lời con không nghe rõ cô nói gì ạ, con không trả lời được".
Từ thực tế giảng dạy, cô Nguyễn Bích Thủy cho rằng, việc dạy và học trên nền tảng dạy học có tính hệ thống và quản lý sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Bộ GD-ĐT cũng cần tìm cách phối hợp với các tập đoàn để tạo ra nền tảng dạy học trực tuyến của ngành, từ đó các cơ sở giáo dục dựa trên nền tảng này để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ và thống nhất. Như vậy có thể tăng khả năng quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của giờ dạy học trực tuyến, chất lượng giáo dục cũng được đảm bảo.
Đặc biệt, cô Nguyễn Bích Thủy cũng mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ quan tâm hơn về vấn đề bồi dưỡng giáo viên ứng dụng CNTT trong dạy học và tổ chức các lớp học chính khóa để nâng cao trình độ của giáo viên khi dạy học trực tuyến.
Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau
Đánh giá về công tác dạy và học trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện nay giáo viên và học sinh vẫn gặp phải những khó khăn về đường truyền, học liệu học trực tuyến.
Tuy nhiên, hiện cả nước có hơn 16 triệu học sinh, hơn 30.000 trường trên khắp 63 tỉnh, thành, do đó, việc có hệ thống chung để học trực tuyến lớn không hề dễ, rất cần sự tham gia của các lực lượng xã hội.
Trong Thông tư 09 của Bộ GD-ĐT ban hành hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng những yêu cầu đó, các nhà mạng cung cấp hệ thống mạng cho các địa phương, các nhà trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho rằng, việc thiếu các phương tiện để dạy và học trực tuyến là một thực tế. Hiện nay một mặt Bộ GD-ĐT vẫn đang phát triển hệ thống, mặt khác vẫn hỗ trợ học sinh có cơ hội tiếp cận sóng, internet và thiết bị.
"Thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em" được triển khai mới đây, học sinh tại nhiều địa phương đã được cấp máy tính, nhiều nơi có thư viện máy tính cho học sinh mượn. Với những em vẫn chưa có khả năng tiếp cận, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương nhà trường thực hiện hỗ trợ học sinh. Với những nơi dịch bệnh chưa quá căng thẳng, có thể chia nhóm học sinh để tương trợ lẫn nhau, dùng chung 1 màn hình. Với nhiều nơi khó khăn, học sinh không thể tiếp cận, thầy cô vẫn lặn lội đến từng gia đình đưa bài tập đến tay thầy cô. Chúng tôi rất mong muốn không có bất kỳ học sinh nào bị bỏ rơi trong giai đoạn khắc phục khó khăn vì đại dịch covid-19", ông Thành nói.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, hiện nay nguồn học liệu dạy học trực tuyến chưa được thiết kế, xây dựng, hoàn thiện trong việc giúp học sinh có khả năng chủ động khai thác để học tập có hiệu quả trước khi vào lớp học trực tuyến.
"Tôi mong muốn các thầy cô nghiên cứu thật kỹ các tài liệu hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy. Muốn dạy học sinh phát triển năng lực, giờ học tích cực phải là giờ học cơ bản tĩnh, có thời gian cho học sinh tư duy độc lập, trả lời câu hỏi của thầy cô nêu. Thầy cô có thể làm các video giảng bài gửi cho học sinh, hướng dẫn học sinh chủ động nghe trước, khi lên lớp học trực tuyến, sẽ giảm thiểu được thời gian học sinh ngồi nghe thầy cô giảng, tăng thời gian tương tác giữa thầy và trò", ông Nguyễn Xuân Thành nói./.
Chương trình giáo dục mới: Cần đánh giá đúng để triển khai phù hợp Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá sát thực tế về một năm thực hiện chương trình giáo dục mới để có chỉ đạo phù hợp, nhất là khi học sinh lớp 1 sẽ phải học trực tuyến. (Ảnh minh họa: TTXVN) Sau năm đầu tiên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ...