Giáo viên đá bé gái 5 tuổi trong thư viện, thái độ trơ trẽn của cô sau đó mới thực sự đáng nói
Khi bị mẹ của đứa bé tra hỏi, cô giáo này không những không nhận lỗi mà còn đổ hết mọi lỗi lầm lên người bé gái, thậm chí nói bé gái đá cô ta vài lần.
Video: Cô giáo đá học sinh trong thư viện
Vào ngày 21/2, cô Crystal Smith thuộc trường tiểu học Bluejquet Flint ở Shawnee, bang Kansas, Mỹ đã đánh một bé gái 5 tuổi ngay trong thư viện của nhà trường. Vụ việc chỉ được phát giác khi mẹ của bé gái đón em sau khi tan trường và hỏi em về ngày học hôm đó. Trái ngược với ngày thường, hôm đó bé gái trả lời mẹ rằng: “ Con thực sự không thích cô giáo. Cô ấy đã đánh vào tay con“.
Sau khi kiểm tra cơ thể con, người mẹ phát hiện thấy một vết đỏ lớn trên cánh tay của con. Ngay lập tức, người mẹ gọi điện cho hiệu trưởng nhà trường để tìm hiểu về vụ việc. Sau đó, mẹ của bé gái cũng gặp cô Crystal, giáo viên chủ nhiệm của con gái cô, để ba mặt một lời, nhưng cô không thừa nhận và đổ hết mọi lỗi lầm lên đầu bé gái 5 tuổi.
“ Tôi không ngạc nhiên khi cô bé có một vài vết đỏ trên người. Cô bé đã bò vào bên trong kệ sách nên mới có vết đỏ trên cánh tay. Cô bé sau đó còn thậm chí đá tôi vài lần“, cô Crystal phân bua.
Cô giáo đá vào người bé gái 5 tuổi nằm trên sàn nhà.
Không hài lòng với câu trả lời của cô Crystal, người mẹ yêu cầu xem đoạn video ngày hôm đó và sự thật hoàn toàn trái ngược với những gì cô Crystal đã nói. Đoạn video trích xuất cho thấy, cô Crystal đã tiếp cận bé gái trốn trong kệ sách của thư viện. Ban đầu, cô Crystal nắm lấy tay bé gái kéo mạnh em ra khỏi kệ sách và sau đó là dùng chân đá vào lưng khi em nằm trên sàn nhà.
Chia sẻ với KCTV5, người mẹ nói: “ Tôi đã rất đau lòng khi xem đoạn video đó. Tôi đau lòng vì tất cả những gì cô ấy nói. Cô ấy ngồi bên cạnh tôi nhưng nói dối về mọi thứ. Cô ấy đã lừa dối tất cả mọi người. Cô ấy gần như sắp thuyết phục được tôi trước đó“.
Sau vụ việc, cô Crystal được nhà trường cho nghỉ phép một thời gian và cô chính thức bị đuổi vào ngày 25/3. Văn phòng luật sư quận Johnson cũng đang xem xét vụ việc để xác định xem có nên buộc tội cô Crystal hay không.
Phương An
Theo baomoi
Thư viện thân thiện ươm mầm văn hóa đọc
Tại Hà Tĩnh, mô hình "Thư viện thân thiện" đã góp phần ươm mầm văn hóa đọc ở lứa tuổi "măng non". Bằng việc đem sách đến gần hơn với học sinh, thư viện thân thiện giúp các em chăm đọc sách hơn và hình thành kỹ năng học tập suốt đời.
Đọc sách trở thành thói quen, đam mê của học sinh Trường tiểu học thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Ở Trường tiểu học thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), đọc sách trở thành một hoạt động không thể thiếu trong mỗi giờ ra chơi của học sinh. Hình ảnh những cô bé, cậu bé đeo khăn quàng đỏ ngồi tụm năm, tụm ba trong thư viện hay dưới mỗi gốc cây đọc sách đã trở thành nét đẹp riêng của ngôi trường này.
Mặc dù mới học lớp 1, nhưng Đặng Thị Thảo Vy, Trường tiểu học thị trấn Thạch Hà luôn chọn điểm đến là thư viện sau mỗi giờ học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm và cô thủ thư, em tự chọn cho mình những cuốn truyện tranh lý thú, bổ ích. Thảo Vy chia sẻ: Con rất thích đọc sách. Qua những câu chuyện trong sách, con học được nhiều điều hay và những đức tính tốt đẹp. Còn Vũ Khánh Đan, lớp 5A2 tự tin khoe: Con đã mượn sách từ năm học lớp 2 và hằng ngày đến giờ ra chơi con lại lên thư viện để mượn những quyển sách hay, thú vị.
Thư viện Trường tiểu học thị trấn Thạch Hà được xây dựng khang trang và đồng bộ với hơn 4.000 cuốn sách với nhiều thể loại như: sách tham khảo, sách thiếu nhi, sách bổ trợ kiến thức, truyện tranh... Không gian tại thư viện rộng rãi với nhiều bộ bàn, ghế và thảm để học sinh có thể ngồi đọc sách theo nhóm. Sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày sinh động trên các kệ, học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc. Cô Thái Thị Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mô hình thư viện thân thiện được nhà trường xây dựng từ năm 2014 bằng nguồn tài trợ của tổ chức Room to Red. Đến với thư viện, các em không chỉ đọc sách, nghiên cứu tài liệu như trước mà còn được tham gia những tiết sinh hoạt nhóm bổ ích với quy trình tổ chức chặt chẽ, trong đó cô giáo phụ trách đóng vai trò là người dẫn dắt, qua đó các em tự chọn sách để đọc. Người đọc xong trước sẽ là người chia sẻ về nội dung cuốn sách mình vừa đọc, đồng thời sẽ nghe các bạn "chất vấn" và trả lời các câu hỏi của bạn. Lần lượt như thế, trong mỗi tiết sinh hoạt thư viện, hầu hết các em học sinh vừa là người diễn thuyết, vừa là người đặt câu hỏi. Vì vậy, tiết sinh hoạt diễn ra hết sức sôi nổi, hào hứng. Việc tiếp cận các kiến thức, kỹ năng thông qua các phương thức sinh hoạt tập thể không chỉ góp phần bồi dưỡng, củng cố các kiến thức sau mỗi giờ học mà còn giúp học sinh chủ động, tự tin hơn trong các hoạt động giáo dục.
Đến nay, hầu hết các trường tiểu học và THCS tại huyện Thạch Hà đều có thư viện với đầy đủ trang thiết bị. Trong đó, 31 thư viện trường tiểu học và 10 thư viện trường THCS có diện tích từ 80 m2 trở lên; 39 thư viện xanh với hệ thống ghế đá, bồn hoa được thiết kế thân thiện, dưới các gốc cây trên khắp sân trường. Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Hà cho biết: Để khuyến đọc, ngoài việc đọc sách tại thư viện thì các lớp 1, 2 có một tiết giáo viên kể chuyện theo sách. Nhà trường cũng thường xuyên giới thiệu, chia sẻ sách, tuyên dương các học sinh tiêu biểu về hoạt động thư viện trong các giờ chào cờ đầu tuần. Các hoạt động khuyến đọc cũng được tổ chức thường xuyên như: thi kể chuyện, giới thiệu, chia sẻ sách; tổ chức ngày đọc sách gia đình, phối hợp các tổ chức, đoàn thể, các thôn, xóm, cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động khuyến đọc, tham gia đọc sách cùng con, tham gia thiết lập thư viện, bổ sung sách, báo...
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Nguyễn Quốc Anh, sau ba năm chỉ đạo xây dựng và thiết lập thư viện, đến nay đã có 127 trường tiểu học có thư viện tiên tiến, 65 thư viện xuất sắc. Hầu hết thư viện các trường tiểu học đều có diện tích từ 80 m2 trở lên, nhiều thư viện còn có không gian xanh, thoáng mát thu hút học sinh như ở Trường tiểu học Kỳ Xuân, Kỳ Sơn (huyện Kỳ Anh); Cẩm Bình, Cẩm Hà, thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên); Xuân Giang, Xuân Viên, Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân)...
Hoạt động thư viện của các trường tiểu học đã mang lại hiệu quả lớn, bước đầu tạo được thói quen đọc sách cho học sinh. Tại nhiều địa phương, thư viện nhận được sự tham gia tích cực của phụ huynh học sinh trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất, mượn đọc và giới thiệu sách. Nhiều thư viện được tài trợ hàng nghìn đầu sách, là kho tàng kiến thức để các em khai thác, tìm hiểu.
BÀI VÀ ẢNH: NGÔ TUẤN, THÚY QUỲNH
Theo Nhân dân
Tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ trường học Theo cô Hoàng Thị Diễm Trang, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thị Lý, quận 7, TPHCM muốn phát triển văn hóa đọc và hình thành lại thói quen đọc sách, cần chú ý đầu tư cho hệ thống thư viện, một hình ảnh không thể thiếu với một xã hội gắn liền với sự hiện đại và phát triển. Việc đọc...