Giáo viên chủ nhiệm đánh 9 học sinh lớp 5 vì lười học
Vì các em không chịu học bài, cô giáo chủ nhiệm dùng thước đánh vào đầu, tay 9 học sinh lớp 5 tại trường Tiểu học An Thượng B (huyện Hoài Đức, Hà Nội)
Theo thông tin ban đầu, vụ việc trên xảy ra vào tiết học thứ 4 của ngày thứ 5 (tức ngày 12/4).
Sau khi vụ việc diễn ra, tan học, các cháu đứng túm tụm lại với nhau trước cổng trường nói với một phụ huynh về việc đã bị cô giáo H., chủ nhiệm lớp 5C đánh.
Nơi xảy ra vụ việc.
Trao đổi liên quan đến thông tin trên, ông Lê Đức Tuân – Hiệu trưởng trường Tiểu học An Thượng B cho biết: “Cô giáo có hành vi dùng thước đánh học sinh tên là cô Hoàng Thị H. (giáo viên chủ nhiệm lớp 5C). Trong số 9 học sinh bị đánh, có 3 em bị cô giáo dùng thước đánh vào đầu, 6 em khác bị đánh vào tay. Vụ việc xảy ra vào tiết học thứ 4, buổi sáng 12/4 khi các em học sinh chuẩn bị tan học”.
“Khi biết được thông tin, tôi đã gọi điện gọi cho cô H. thì cô thừa nhận có đánh 9 em học sinh. Lý do được cô đưa ra là do bức xúc vì tổ chức ôn thi cuối cấp cho các cháu nhưng các cháu lười học, không chịu học bài”, ông Tuân cho biết thêm.
Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo nhà trường đã mời các bên liên quan tới họp. Tại cuộc họp, cô H. thừa nhận hành vi sai trái và chủ động đến từng nhà học sinh để xin lỗi các phụ huynh.
Đã có 8/9 vị phụ huynh có mặt tại buổi họp (1 vị vắng do ốm) thống nhất là đề nghị cô giáo và học sinh rút kinh nghiệm, cảm thông cho cô giáo.
Cũng theo vị hiệu trưởng, về hình thức xử lý giáo viên, nhà trường sẽ giao hội đồng chuyên môn xem xét, nhưng trước tiên sẽ để cô tự nhận hình thức kỷ luật, sau đó, nhà trường sẽ ra quyết định kỷ luật cụ thể.
“Cô giáo H. đã công tác tại trường từ tháng 6/2014 đến nay và được nhận xét là giáo viên dạy giỏi, nề nếp và kỷ luật. Các hoạt động cô làm rất tốt, cô H. vừa dự thi xong hội thi giáo viên giỏi với kết quả khá cao. Ngoài ra, hôm đó cô H. chuẩn bị ôn tập cho học sinh lớp 5 để thi học kì. Buổi sáng cùng ngày lại bị tụt huyết áp nên đã có hành động không đúng mực. Thực tế, lớp 5C có nhiều em có học lực thấp hơn so với mặt bằng chung của trường. Dù giải thích ra sao thì trường hợp này, cô H. đã sai”, hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Diễn biến liên quan, ông Nguyễn Chí Lương – Chủ tịch UBND xã An Thượng cho rằng: “Lãnh đạo nhà trường cũng đã có báo cáo về sự việc bằng văn bản gửi UBND xã, Phòng GD&ĐT huyện. Thầy cô cũng đã làm việc với gia đình và phía gia đình cũng cảm thông cho cô giáo H”.
Ông Lương cũng nhấn mạnh: “Ban giám hiệu nhà trường cũng đang đẩy mạnh quán triệt và ổn định tình hình dạy và học trong nhà trường. Tránh gây tâm lý hoang mang để các em học sinh chuẩn bị thi học kì 2. Hiện tại, sức khỏe của cả 9 cháu học sinh đều bình thường”.
Nhật Ngân
Video đang HOT
Theo VOV
Con khóc nhiều vì không thể đạt 9 điểm IELTS để bố vui
'Thay vì hỏi điểm số thế nào?, liệu bố mẹ có thể hỏi con sức khỏe con thế nào? là con vui lắm rồi, vui đến phát khóc ấy chứ', đứa con viết trong thư gửi cô giáo.
Ảnh minh họa: The Wanderlust Project
Cuộc họp phụ huynh của lớp 7 tại một trường THCS&THPT ở Hà Nội. Cô giáo chủ nhiệm đề nghị các bố mẹ lắng nghe những lá thư của học sinh. Những lá thư đều được mở đầu bằng dòng chữ "Bố mẹ kính mến" hoặc " Bức thư gửi bố, mẹ".
Nhưng thực chất, những lá thư không được gửi cho bố, mẹ mà chỉ chuyển cho cô giáo chủ nhiệm, nơi mà những đứa trẻ tin rằng sẽ không bị mắng, bị đánh khi nó được đọc.
Cô Nguyễn Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm đã chia sẻ với các phụ huynh rằng một buổi sáng, khi cô vừa đến trường thì một học sinh đã chạy ào ra, ôm lấy cô giáo.
"Tôi thấy em học sinh đó mắt đỏ hoe. Tôi hỏi có chuyện gì nhưng em chỉ khóc, nghẹ ngào nói rằng là chuyện liên quan tới bố, mẹ. Thấy trò khóc, tôi cũng khóc theo. Tôi bảo em hãy viết một lá thư cho bố hoặc mẹ nhưng chuyển cho tôi. Trong giờ sinh hoạt lớp, tôi cũng nói với các học sinh khác trong lớp như thế".
Áp lực vì kỳ vọng, tổn thương vì bị so sánh...
Không nói là thư của học sinh nào, gửi cho bố mẹ là ai, cô Thu Hà chỉ đọc một số trích đoạn thư. Những dòng tâm sự khiến hầu hết các phụ huynh trong buổi họp lặng đi.
Có lẽ cả những "người trong cuộc" cũng không lường được hết một câu mắng trong khi tức giận, một lời so sánh con với bạn khác như một thói quen, những kỳ vọng quá lớn đặt vào con lại khiến các con mang một tâm trạng nặng nề, đau khổ, tổn thương đến thế.
Trong một lá thư, em học sinh viết:
"Thay vì hỏi 'điểm số thế nào?' liệu bố mẹ có thể hỏi con 'sức khỏe con thế nào?' là con vui lắm rồi, vui đến phát khóc ấy chứ. Nhưng lại không phải như thế. Ngày nào con cũng phải nghe nhắc nhở là con cả thì phải làm gương, phải thế này, thế kia.
Trong mắt bố mẹ, con lười biếng, không biết giúp đỡ bố mẹ. Những lúc thi hay kiểm tra, lúc nào con cũng phải cố gắng làm tốt nhất có thể không phải vì con yêu thích việc học mà vì con sợ.
Con sợ bố mẹ sẽ không được ngẩng cao đầu khoe với người ngoài. Sợ bố mẹ thất vọng. Nhưng những cố gắng của con hình như không chạm tới bố mẹ thì phải vì cụm từ "con nhà người ta" vẫn được mang ra để so sánh.
Sự so sánh con với con người khác của bố mẹ khiến con không muốn tiếp xúc với ai, chỉ muốn nhốt mình trong nhà và mong sao có thể thoát khỏi sự hỗn loạn này..."
Một lá thư khác với nét chữ bị nhòe nước, như thể thấm đẫm nước mắt:
"Bố ạ, con muốn được bố khen ngợi con nhiều hơn thay vì chỉ nói 'Thế đã là cái gì?' Hay 'Học nhiều không chết được đâu, chơi nhiều mới chết'. Có lần con đi thi IELTS về, khi nói kết quả, bố đã bảo con 'khi nào được 9.0 thì hãy khoe'.
Bố có biết con buồn lắm không, con đã khóc rất nhiều vì không hiểu sao bố lại nói như vậy. Khóc vì con không thể đạt được 9.0 cho bố vui. Con chỉ cần bố nói 'Ừ, tốt lắm thôi mà!'. Bố biết con yêu bố rất nhiều nhưng bố không tôn trọng điều đó."
Lời mong mỏi của một học sinh chỉ xin được vui chơi như bao bạn khác:
"Con rất ghét môn Toán. Nhưng khi con nói như vậy mẹ lại bảo con 'không bao giờ được ghét gì cả'. Chẳng lẽ con không được nói ghét một thứ mình ghét hay sao? Dù thế con cũng vẫn cố gắng nhưng con cần thời gian vì con không thể tiến bộ trong một ngày, một tuần được.
Con muốn bố mẹ cho con có cơ hội được biết nhiều thứ trong cuộc sống thay vì chỉ học. Bố mẹ có thể cho con có thời gian chơi cùng bạn không?"
Trong tập thư của học sinh chuyển cho cô Thu Hà, còn có những bức thư vô cùng nặng nề. Có học sinh đã cho rằng 'dù bố mẹ luôn cố tạo hình ảnh đẹp, hoàn hảo trong mắt con nhưng hình ảnh đó giờ đã sụp đổ rồi'.
Một vài học sinh kể về nỗi sợ hãi phải học thêm hết ca này đến ca khác. Càng học, càng áp lực, các con càng sa sút và sợ hãi với kết quả sút kém.
Trong một bức thư, em học sinh đã kể chuyện từng bị bố đuổi khỏi nhà, dọa 'tát lật mặt', bị mắng là 'bất hiếu', 'mất dạy' và có em bị đánh vì điểm số học tập.
Trong gần 20 bức thư của học sinh, rất nhiều bức thư thể hiện sự tổn thương, chán nản khi bị bố mẹ so sánh với 'con người ta'.
Các em đã cố gắng, đã thay đổi nhưng bố, mẹ lại không nhìn thấy, không ghi nhận và không hài lòng. Có em viết 'sức người chỉ có giới hạn nhưng kỳ vọng của cha mẹ dường như vô hạn'.
Dĩ nhiên, những suy nghĩ của trẻ là non nớt, còn phiến diện và các em chưa đủ chín chắn để hiểu đằng sau những lời trách mắng, đằng sau những kỳ vọng, lo âu là tấm lòng cha mẹ.
Nhưng điều này cũng cho thấy, người lớn cần suy nghĩ về ứng xử của mình để thấu hiểu những cảm xúc, tâm trạng, mong muốn của trẻ. Chỉ có làm bạn với con thì mới có thể giúp chúng thay đổi.
Những lá thư gửi đến một cuộc họp phụ huynh khiến nhiều người bất ngờ và sau đó, cũng khiến nhiều người suy nghĩ.
Cha mẹ nên làm gì?
Theo ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoa vẫn thường tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi đến khám vì gặp khó khăn trong học tập, một trong những lý do thường gặp là do áp lực thành tích học tập từ phía gia đình.
Lúc đầu, những trẻ này có thể có biểu hiện chống lại ý muốn của cha mẹ, càng về sau trẻ càng không có hứng thú với học tập.
Nếu mâu thuẫn này tiếp tục kéo dài, trẻ có thể có biểu hiện buồn, lo lắng và sợ đi học, học tập sa sút, trẻ có thể bị trầm cảm vì không chia sẻ được với ai. Một số trẻ có thể có biểu hiện đau ở vài vị trí trên cơ thể nhưng không tìm ra nguyên nhân thực tế.
Cha mẹ nên làm gì để giúp con? Đầu tiên, hãy quan sát, trao đổi để biết con có đang bị áp lực không, và có phải cha mẹ đang gây áp lực quá mức cho con hay không để điều chỉnh ứng xử cho phù hợp. Những trường hợp có dấu hiệu bệnh lý hãy sớm tìm đến bác sỹ.
Hãy khích lệ con những nỗ lực, dù chỉ rất nhỏ. Khơi dậy trong con sự tự tin, tự hào vì những ưu điểm mà con có. Tuyệt đối không so sánh con với 'con người ta'.
Không hoặc hạn chế mắng mỏ con trong lúc bức xúc, tức giận vì lúc ấy khó kiểm soát được lời lẽ, cần trì hoãn để có thể nói chuyện với con bình tĩnh hơn. Những lời lẽ xúc phạm hoặc thô tục có thể khiến con tổn thương nặng nề.
Không ngại thừa nhận, hoặc chủ động kể cho con về những điểm yếu, những thất bại mà mình đã trải qua và cố gắng vượt lên.
Đây là việc nhiều cha mẹ đã tránh né, nhưng thực tế nó rất hữu ích nếu có thể giúp con tránh được sai lầm mình từng vấp phải, hoặc cho con biết cha mẹ cũng không hoàn hảo, điều quan trọng là luôn biết cố gắng.
Bài viết trích từ cuốn sách "Tuổi Teen yêu dấu" của tác giả Chu Hồng Vân (bút danh Vĩnh Hà) và Vũ Thu Hà. Sách viết về lứa tuổi dậy thì từ 12-15 do Nhã Nam xuất bản, dự kiến phát hành giữa năm 2018.
Thông qua cuốn sách, nhóm tác giả hi vọng mang lại những hiểu biết nhất định về lứa tuổi 12-15 để người lớn cảm thông, yêu thương, giúp đỡ teen, cũng như để teen hiểu hơn tâm tư, lo nghĩ của bậc làm cha mẹ...
CHU HỒNG VÂN
Theo tuoitre.vn
Hiệu trưởng bị buộc trả lại tiền tỷ nhưng chỉ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm Ông Lê Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) cho hay, việc thu sai quy định của Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Bối là có và thanh tra của ngành đã có kết luận. Khi báo cáo với Ủy ban xét thấy Hiệu trưởng đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chưa đến mức phải nhận...