Giáo viên chia sẻ nỗi khổ khi học sinh “ngồi nhầm lớp”
Thông tin về một học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Duẩn (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đọc viết chưa rành rọt cùng bài viết của cô giáo Loát Trần “Vì sao học sinh lớp 6 đọc chưa sõi vẫn được lên lớp?” trên báo Dân trí khiến tôi rất đồng cảm và chia sẻ với tâm sự của một người trong ngành.
Ảnh minh họa
Học sinh đọc chưa thông, viết chưa thạo vẫn lên lớp ở trường phổ thông là điều không hiếm gặp. Chỉ có điều khi nào báo chí vào cuộc phát hiện, lên tiếng thì câu chuyện những học sinh “ ngồi nhầm lớp” ấy mới bị trưng ra ánh sáng và khiến nhiều người ngạc nhiên, bất an.
Trong mỗi lớp học đều có có sự phân hóa rõ ràng về năng lực của học sinh. Có học sinh khá giỏi thì cũng tồn tại nhiều em học lực trung bình, yếu. Vậy nhưng có một vài học sinh yếu đến mức đọc không rõ chữ, viết không ra chữ lại lên lớp đều đều là một vấn đề cực kỳ tế nhị, nhạy cảm.
Giáo viên cấp hai chúng tôi vẫn thỉnh thoảng rỉ tai nhau về em A, em B ở lớp này, lớp kia đang “chép chữ”, “vẽ chữ” của cô giáo trên bảng. Bởi nếu giáo viên không viết bảng, chỉ đọc thôi thì em không thể tự ghi bài được. Rồi mỗi lần chấm bài kiểm tra mới thật sự kinh hãi, bởi vừa cố đọc vừa cố đoán xem các em ấy viết gì.
Chúng tôi từng rất băn khoăn, thắc mắc không hiểu ở cấp một các em học hành thế nào, thầy cô đánh giá các em thế nào để các em được lên cấp hai. Chúng tôi vừa dạy vừa phụ đạo mỗi tuần nhưng năng lực vốn không có lại hỏng kiến thức từ những lớp dưới nên sự tiến bộ của các em cực kỳ mong manh. Nhưng như một vòng xoay không điểm dừng, các em sẽ lại lên lớp, chuyển cấp và giáo viên cấp ba quay lại trách cứ cấp hai ư?
Video đang HOT
Năng lực hạn chế, sức học kém lẽ tất nhiên phải bị lưu ban, ở lại lớp. Đó là sự sàng lọc như một quy luật tất yếu của mọi ngành nghề, giáo dục cũng không ngoại lệ chứ? Vậy mà, thực tế lại cực kỳ tréo ngoe khi học sinh yếu kém không thể ở lại lớp bởi sự ràng buộc của nhiều quy định khắt khe và sự chồng chéo của nhiều chính sách.
Đơn cử như chính sách phổ cập giáo dục và chủ trương giáo dục hòa nhập cực kỳ nhân văn của đất nước ta. Khi mọi trẻ em đều có quyền đi học, quyền được đến trường thì việc cho các em có bệnh lý về nhận thức và năng lực ở lại lớp dường như lại khó thực hiện bởi người ta cảm thấy “thương cảm” cho hoàn cảnh của học sinh rồi lại lo lắng học sinh sẽ bỏ học sau khi ở lại… khiến tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp lại càng trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận rằng căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay chẳng khác gì “gió đẩy thuyền” cho tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Người thầy bị ràng buộc chỉ tiêu chất lượng với nhà trường, nhà trường lại chịu sự chi phối của chỉ tiêu chất lượng của Phòng, Sở Giáo dục.
Bảng chỉ tiêu chất lượng không biết bao nhiêu lần bị ví von như chiếc “vòng kim cô” cột chặt người thầy vào thành tích, thi đua. Nào đâu phải ai không muốn thi đua danh hiệu này kia cứ việc đánh giá đúng thực chất và mạnh tay xếp loại học lực yếu kém cho học sinh?!
Ngoài việc bị trừ điểm thi đua, hạ danh hiệu khi tỉ lệ học sinh yếu kém vượt ngưỡng, dẫu rằng đó là kết quả của quá trình đánh giá trung thực, nghiêm khắc, thì người thầy còn phải đối diện với bao áp lực từ cấp trên dội xuống. Những câu hỏi “Vì sao?”, “Tại sao?”, “Giải pháp nào?”… sẽ khiến bao người quay vòng trong áp lực.
Và tôi nghĩ là sau những lần bị chất vấn, nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến nghiêm khắc của cấp trên, không ít người thầy đã nhận ra rằng mình không thể “ngược dòng” thành tích và thoải mái nhận xét, đánh giá học sinh để rồi yếu vẫn lên lớp, kém vẫn lên lớp.
Thú thật, ai trong cảnh ngộ mới thấm thía cái khó, cái khổ của giáo viên khi không thể đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh. Và câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” có lẽ sẽ thỉnh thoảng bị khuấy động lên tí xíu rồi chìm ngỉm trong dòng chảy của thành tích.
Nguyễn Thùy
(Thừa Thiên Huế)
Theo Dân trí
Ý kiến giáo viên: Vì sao học sinh lớp 6 đọc chưa sõi vẫn được lên lớp?
Hôm qua, tôi thấy trên Facebook người ta không ngừng tranh luận về bài viết "Học sinh lớp 6... đọc còn phải đánh vần". Nhiều người tỏ vẻ kinh ngạc vì không hiểu sao em này lại lên tới được lớp 6. Riêng các thầy cô giáo thì lại cảm thấy bình thường, không có gì cá biệt cả. Thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp ở lớp mình, trường mình đó thôi.
Ảnh minh họa
Theo như thông tin báo đưa, em S. (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã lên lớp 6 nhưng đọc, viết còn chưa sõi. Điều lạ là một học sinh yếu như thế lại lên tới được lớp 6.
Ngay cả mẹ em là chị B.T.V cũng cho biết: "Tới 5 tuổi S mới biết nói. Em bị chậm phát triển. S học trước quên sau, lúc viết thì tay em run run và phải đánh vần em mới viết được. Tuy lớp 6 nhưng khả năng đọc còn phải đánh vần. Lúc S viết thì phải dịch từng chữ thì S mới viết được. Gia đình cũng đã từng xin nhà trường để cho con ở lại lớp nhưng không được chấp thuận".
Câu chuyện về em S. khiến cho nhiều người cảm thấy rất ngạc nhiên. Họ không hiểu vì sao mỗi năm em vẫn được lên lớp. Làm sao em có thể vượt qua được các kì thi vậy. Rồi họ không ngừng đặt dấu chấm hỏi về chất lượng dạy học hiện nay. Năm nào ngành cũng báo cáo về sự đổi mới. Rốt cục chất lượng thì chẳng thấy đi lên. Tất cả chỉ vì bệnh thành tích trong giáo dục.
Thực ra, có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Các giáo viên chẳng ai muốn làm chuyện đó cả. Phải đẩy các em lên lớp cũng là chuyện cực chẳng đã. Chẳng ai muốn làm trái lương tâm của nhà giáo cả. Cuối năm những học sinh không đủ điều kiện lên lớp luôn là vấn đề đau đầu của giáo viên. Cho các em ở lại lớp hay lên lớp đều không được. Lên lớp thì sao các em học nổi. Mà ở lại thì nhà trường cũng không đồng ý. Sếp chỉ đạo sao thì thầy cô chấp hành vậy. Thành thử mới có những hiện tượng "học sinh ngồi nhầm lớp".
Nói tóm lại, cũng là do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại khoản 3 Điều 37 Điều lệ Trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), thì học sinh không được lưu ban quá 2 lần trong một cấp học. Quy định rõ ràng rồi thì các trường cứ thế mà thực hiện thôi. Chẳng hạn tiêu chuẩn đánh giá trường trung học mức 3 quy định. Vùng khó khăn, không quá 3% học sinh bỏ học, không quá 5% học sinh lưu ban. Các vùng còn lại thì không quá 1% học sinh bỏ học, không quá 2% học sinh lưu ban. Chưa kể các trường còn quy định học sinh cuối cấp đều phải tốt nghiệp 100%. Và kết quả cuối cùng giống như bài báo đã phản ánh.
Đây là những câu chuyện muôn thuở của Giáo dục - "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Thiết nghĩ, muốn thay đổi và không còn hiện tượng "học sinh ngồi nhầm lớp" thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh lại những quy định sao cho thật phù hợp.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Vụ học sinh lớp 6 đọc, viết chưa thạo: Cho lên lớp để khỏi bỏ học! Theo các giáo viên, việc em Q.V.S (học lớp 6, ở Gia Lai) chưa đọc thông, viết thạo mà vẫn được lên lớp là vì các cô thương, tạo điều kiện để em hòa nhập với cuộc sống. Ngày 1-3, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết đã yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê báo cáo bằng văn bản việc học sinh...