Giáo viên cắm bản: Lựa chọn không nuối tiếc
Dành cả thanh xuân tươi đẹp của mình cho giáo dục vùng khó, nhưng cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của mình.
Cô Bình và học trò của mình. Ảnh: NVCC
Ngày ngày cô vẫn miệt mài bên trang giáo án để thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao.
Thanh xuân là những ngày “cắm bản”
Chiều cuối năm, sương mù giăng mắc khắp nơi, cao nguyên đá Đồng Văn chìm trong cái lạnh tê buốt. Cô Bình tất tả che chắn lớp học, chống gió lùa; thu gom củi khô để đốt lửa cho cô – trò đều ấm. Nhìn học trò run rẩy trong giá rét, cô không cầm lòng được và muốn làm nhiều điều hơn nữa để các em đỡ thiệt thòi. Bởi cô hiểu hạnh phúc giản dị của HS vùng dân tộc thiểu số là “cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm” và ngày ngày vui bước đến trường học tập.
Cô Bình tâm sự: Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được làm GV nên thường hay chơi trò cô giáo. Cũng bảng, phấn, cũng sách, thước… học trò là mấy em nhỏ trong xóm và tôi được bầu làm cô giáo. Cứ như thế, lớp học “trò chơi” của con trẻ đã được thành lập, rộn vang tiếng cười và chiều nào cũng ê, a những chữ “i tờ”. Ấy vậy mà mấy em nhỏ trong xóm đều được cô Bình “dạy vỡ lòng” từ những “lớp học đồ hàng” như thế.
“Đứa nào, đứa nấy đều nghe răm rắp, có đứa gọi cô giáo Bình, có đứa chị giáo… Tuổi thơ của tôi cứ thế trôi qua – ngọt ngào và ấm áp” – cô Bình mỉm cười, phóng tầm mắt xa xăm, rồi thủ thỉ tâm sự: Mới đó mà đã gần 30 năm đứng trên bục giảng, làm bạn với “phấn trắng, bảng đen”, núi rừng mờ sương và trùng điệp. 30 năm – cũng là chừng ấy thời gian cô gắn bó, miệt mài “gieo chữ” nơi rẻo cao Đồng Văn.
Cô kể: Năm 1991, tỉnh Hà Giang thiếu GV “cắm bản”. Vừa học xong THPT, từ một cô gái sống ở thị trấn ( thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang), cô viết thư tình nguyện lên cao nguyên đá Đồng Văn dạy học; vừa thực hiện ước làm cô giáo, nhưng đồng thời cũng muốn cống hiến sức trẻ của mình cho vùng đất khó. “Ngày ấy, chẳng nghĩ gì đến khó khăn, gian khổ; cứ thế xách ba lô lên đường nhận nhiệm vụ. Đúng là tuổi xuân phơi phới, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, cô Bình tự hào nói.
Cung đường đến trường của cô Bình. Ảnh: NVCC
Mong các con hiểu
Theo cô Bình, từ thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đến huyện Đồng Văn hơn 160 km đường đèo. Nơi cô Bình đến dạy học là một trong những bản nghèo nhất của huyện, cách trung tâm huyện Đồng Văn gần 20 km. Thời điểm đó, nơi đây đúng là “3 không”: Không đường, không điện, không nước sinh hoạt. Gọi là lớp học nhưng thực chất là phòng học tạm nên mùa đông thì lạnh “thấu xương”. Khó khăn nhất là bà con dân bản chưa nhận thức được sự học nên việc vận động học sinh đến trường là câu chuyện dài và lắm gian nan.
“Bà con quan niệm, đi học hay không như nhau, đều ăn mèn mén (món bột ngô của đồng bào Mông). Do đó, chúng tôi phải đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để làm công tác tư tưởng với phụ huynh. Thậm chí, tình nguyện đưa, đón con em họ đến trường. Có HS đến lớp rồi, nhưng khi đứng trên bục giảng mới thấy bi hài và thất vọng. Các em sử dụng tiếng Mông nên cô – trò bất đồng ngôn ngữ.
Cô vừa giảng bài, vừa phải ký hiệu: Từ khẩu hình cho đến động tác hình thể. Ấy vậy mà HS chỉ biết cười sảng khoái vì chúng nhìn cô như một chú hề đang biểu diễn trong lớp, nhưng kiến thức bài học thì vẫn bằng không. Còn khi HS nói, cô chỉ biết căng tai, nheo mắt nhưng vẫn không hiểu các em nói gì và muốn gì”, cô Bình nhớ lại.
Kiên trì, bền bỉ và không chùn bước hay coi đó là thử thách, đòi hỏi mình phải vượt qua; cuối cùng cô Bình đã vượt lên tất cả mọi khó khăn và trở thành GV “cứng” của Trường Tiểu học Phố Cáo. Mới đây, cô là GV của tỉnh Hà Giang được vinh danh tại Đại hội Thi đua yêu nước do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Video đang HOT
Quyết định là GV “cắm bản” đồng nghĩa với việc chấp nhận thiệt thòi, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho giáo dục vùng khó. Khi lập gia đình riêng, cô cũng chấp nhận xa tổ ấm nhỏ của mình, xa con thơ khi vẫn còn khát dòng sữa mẹ.
Năm 1996, cô Bình sinh con gái đầu lòng. Bé được 9 tháng, cô gửi ông, bà để tiếp tục hành trình “cõng chữ” lên non của mình. Đến cháu thứ 2, cô Bình quyết định đón con lên ở cùng để mẹ – con có nhau. Nhưng vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cũng vì nhiều lý do khách quan, nên cô phải gửi về cho ông bà nuôi khi cháu được 4 tuổi. Để rồi mỗi tháng cô mong chờ cuộc sum họp gia đình ngắn ngủi, mẹ con âu yếm, hít hà lẫn nhau, rồi lại phải dứt lòng chia xa.
“Tôi thường đem theo chiếc khăn mặt, chiếc áo của con lên trường để vơi đi nỗi nhớ. Tôi không hối hận khi mình là cô giáo “cắm bản”. Điều tôi trăn trở là, các con phải xa mẹ khi còn quá nhỏ nên thiếu sự ôm ấp, vuốt ve và những lời ru ngủ. Tôi mong các con hiểu cho công việc “gieo chữ” của một cô giáo “cắm bản”. Đã nguyện là GV “cắm bản” thì phải tạm quên mình đi, bởi nơi vùng cao vẫn còn nhiều HS chờ cô giáo đến lớp dạy chữ” – cô Bình nói khi nước mắt lưng tròng.
Khi cô – trò hiểu nhau, bà con dân bản đã ủng hộ và hỗ trợ cô Hoàng Thị Thanh Bình rất nhiều từ những sinh hoạt thường nhật như: Mắm, muối, dầu thắp sáng… cho đến tự giác đưa con đến trường. Ngay trong những ngày lạnh giá, nhưng HS của cô Bình vẫn đến lớp đầy đủ, chăm ngoan học bài. Với cô, đó là thành công, bởi có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua khó khăn.
Điều thầm kín của cô giáo trên đỉnh Ngải Thầu
Những năm trước, những thầy cô giáo gan dạ nhất, quyết tâm nhất cũng đã từng không ít lần "chông chênh" khi nhận công tác tại vùng biên giới của huyện Nậm Pồ.
Theo nghĩa tiếng Mông, Ngải Thầu là chân tảng đá, Nà Bủng là ruộng sâu róm. Dãy Ngải Thầu cao 1.500m so với mặt nước biển.
Nhìn trên bản đồ, điểm nhô ra xa nhất trên đường biên tiếp giáp nước bạn Lào của tỉnh Điện Biên, ấy là vùng Ngải Thầu.
Ở đó, có tiếng trẻ thơ ê a những bài học đầu đời, những đứa trẻ bắt đầu chập chững với ước mơ về những bữa cơm no, áo ấm.
Từ những năm tháng ấy, việc "gieo chữ" ở xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nậm Pồ là cả một hành trình dài, không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của các cấp các ngành mà hơn cả là sự vượt qua những gian khó của các cô giáo mầm non.
Những năm trước, những thầy cô giáo gan dạ nhất, quyết tâm nhất cũng đã từng không ít lần "chông chênh" khi nhận công tác tại vùng biên giới của Nậm Pồ.
Thế nhưng, nhiệt huyết, thanh xuân và hơn cả là lòng yêu mến con trẻ đã níu chân các thầy, cô giáo ở lại.
Hạnh phúc của cô giáo Phạm Thị Tuyến trong ngày nhà giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC
Các thế hệ thầy cô giáo vẫn đang khắc phục nhiều khó khăn bám trường, bám lớp dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc nơi đây.
Hành trình của các cô giáo, thầy giáo đã mang lại lớp người mới, lớp tương lai của rất nhiều thế hệ học sinh các dân tộc thân yêu.
Trên đỉnh Ngải Thầu, bản Ngải Thầu 2, ngoài lớp học tiểu học còn có điểm trường mầm non của trường Mầm non Nà Bủng (xã Nà Bủng, Nậm Pồ, Điện Biên) với 2 lớp nhà trẻ và lớp mẫu giáo ghép 3 độ tuổi tổng số 45 học sinh, nhưng chỉ có 2 cô giáo phụ trách.
Trong đó, cô giáo Phạm Thị Tuyến, sinh năm 1985, đã có 9 năm gắn bó với nghề, với xã khó khăn Nà Bủng, và đó cũng là 9 năm cô xa gia đình, xa quê nhà Sông Mã (Sơn La).
Tuổi thanh xuân của cô Tuyến đã gắn bó với khắp các bản vùng cao, khó khăn nhất của xã biên giới Nà Bủng.
Trong 9 năm với vùng cao, cô giáo Phạm Thị Tuyến đã mang trái tim, nhiệt huyết của tuổi thanh xuân để giao chữ cho những trẻ em trên bản vùng cao gian khó.
Với bước chân của tuổi trẻ, dấu chân của cô giáo mầm non đã in hằn trên những vạt đồi, những bản làng của Nà Bủng.
Có những ngày ngã tím mặt mũi, hay những ngày bập bềnh trong sương sớm đón học trò... những ngày đó song hành với thanh xuân đang dần qua đi của cô Tuyến.
Cô Tuyến lưu lại khoảnh khắc đi qua trường cũ. Ảnh: NVCC
Nhớ lại những ngày đầu vào Nậm Pồ (xưa là Mường Nhé) cô giáo Tuyến cho biết: "Lúc đó em cũng chông chênh lắm. Không biết những ngày tháng sau như thế nào. Đoàn chị em cùng nhận quyết định, đi vào đến nơi công tác đến đêm. Sáng hôm sau tưởng chừng như bị lạc giữa núi đồi. Không biết đường nào là đường về nhà. Thân là con gái cũng có chút sợ...."
Ngày ấy, những giáo viên, cán bộ công tác ở Nà Bủng nửa đùa, nửa thật với nhau rằng: "Chưa đi chưa biết Ngải Thầu/ Đi rồi mới biết đầu rạp xuống chân" để chỉ hành trình vào với Ngải Thầu.
Cô Tuyến bảo, những năm ấy, những bản khó khăn, nhất là về giao thông, chỉ cần trời đổ cơn mưa, là con đường đất chảy bùn nhão, cộng với đường dốc cao thì chỉ có thể đi bộ đến độ "đầu rạp xuống chân".
Nhưng Ngải Thầu hôm nay đã đổi khác, có điện, có đường, có những điểm trường khang trang, sạch đẹp.
Bởi vậy, sự nghiệp "trồng người" của các thầy cô giáo nơi đây cũng giảm bớt đi bội phần gian nan.
Dẫu còn khó khăn, nhưng Ngải Thầu đã khoác lên mình bộ mặt mới, nhìn Ngải Thầu hôm nay, nhiều người vẫn nhắc nhau, ngày xưa, có mơ cũng chẳng tưởng tượng ra mọi thứ được như bây giờ.
Nhưng chừng ấy năm gian khó cũng qua đi, mọi thứ cũng trở thành ngày hôm qua, các em nhỏ trong những bản làng đã trở thành một phần cuộc sống của cô giáo Tuyến.
Khi nói về gia đình riêng, câu chuyện của chúng tôi như trùng xuống, bởi thanh xuân của cô Tuyến đã qua đi trên những triền mây trắng, những ngày gắt nắng, mưa dầm với học trò vùng cao. Cô Tuyến vẫn chưa kịp tìm cho mình gia đình nhỏ.
Các con của cô Tuyến trên đỉnh Ngải Thầu. Ảnh: NVCC
Cô Lường Thị Chim, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Nà Bủng cho biết: Cô Tuyến yêu nghề và mến trẻ lắm, mà đặc biệt lại cô xung phong đăng ký đi dạy ở những điểm bản khó khăn, vất vả nhất với lý do là mình còn "son dỗi".
Thế nhưng Ban giám hiệu Nhà trường cũng đã luân chuyển hàng năm, để có có nhiều điều kiện, nhiều cơ hội hơn tìm hiểu trong chuyện tình cảm.
Hễ cứ ai nhắc khéo cô chuyện lấy chồng, cô cũng chỉ cười và trả lời: Lấy chồng là để sinh con, nhưng cô có một đàn con rồi!
Câu chuyện của chúng tôi lảng đi sang một chủ đề khác, câu chuyện của ngày 20/11. Câu chuyện khiến cô Tuyến cũng chỉ biết cười gượng bởi học sinh vùng khó, nhận thức của phụ huynh về ngày nhà giáo cũng còn hạn chế nên 20/11 của các cô là một bữa cơm thân mật với đồng nghiệp.
Hạnh phúc của cô Tuyến đơn giản là thấy các em ngủ ngon, ăn ngon khi lên lớp và không ốm đau, ngoan ngoãn ê a học hát là các cô vui rồi.
Cô Tuyến coi Nà Bủng là quê hương thứ 2 của mình, nhìn Nà Bủng của mình dần thay đổi, các con ngày càng lớn hơn, thể chất khỏe mạnh cô Tuyến thấy hạnh phúc.
Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm tư của cô giáo Tuyến, nếu được các cấp, các ngành tạo điều kiện, cô mong được về gần nhà (huyện Sông Mã, Sơn La) công tác.
Thanh xuân rồi cũng qua đi, những khó khăn về vật chất, khó khăn về điều kiện sống có thể được khắc phục nhưng ở một góc nào đó cô Tuyến vẫn mong được về gần cha mẹ, gần anh em.
Có lẽ nhiều người cũng hiểu, đối diện với khó khăn về vật chất có thể vượt qua nhưng, nỗi cô đơn khi đêm về, cảnh thân gái dặm trường, giường đơn, gối chiếc... không mấy ai dễ vượt qua.
Khi đàn con thơ ríu rít về lại với gia đình, bên ngọn đèn leo lét giữa triền đồi mấy ai thấu hiểu những nỗi niềm thầm kín của cô giáo vùng cao vò võ một mình.
Trùng xuống sau câu chuyện mong muốn về quê công tác, cô Tuyến cho biết, cô cũng có đơn rồi, mong các cấp tạo điều kiện cô hi vọng rằng nguyện vong của mình sẽ được đáp ứng.
"Nếu được về với gia đình em cũng cảm thấy vui, nhưng thực sự là nếu xa nơi đây em cũng thấy buồn lắm, trên này là quên hương thứ 2 của em, có đồng nghiệp có các con thơ... tất cả như gắn bó máu thịt với mình rồi", cô Tuyến chia sẻ.
Những ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ nơi non cao, những tình cảm chân thành, giản dị của phụ huynh học sinh đã tiếp thêm động lực để ngày ngày các thầy giáo cô giáo lại tiếp tục gieo chữ với hy vọng được góp sức mình vào sự phát triển chung của dải đất biên cương của Tổ quốc.
Nà Bủng một xã biên giới giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, và cũng là xã khó khăn bậc nhất nhì của cả huyện.
Tuy chỉ cách trung tâm huyện lỵ khoảng 30 km, nhưng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ là trở ngại khiến xã cách xa hơn với trung tâm huyện và các xã khác. Đây cũng là xã với gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó có tới 77% các hộ dân thuộc diện hộ nghèo.
Bởi vậy, tập thể sư phạm 3 trường học trên địa bàn xã trong nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực, để phát triển công tác giáo dục ở một xã còn nhiều khó khăn như Nà Bủng.
Đại đa số cán bộ, giáo viên nhà trường đều đến từ các tỉnh: Hòa Bình, Ninh Bình, Cao Bằng, Sơn La... tuy nhiên các thầy cô giáo đều yên tâm công tác, bám trường, bám lớp, dành nhiệt huyết cho sự nghiệp trông người ở xã biên giới Nà Bủng.
Chuyện chưa kể về giáo viên cắm bản sáng gõ từng nhà, trưa vượt hàng km đưa cơm cho trẻ Mỗi sáng, các cô giáo mầm non cắm bản tại xã Lâm Hóa phải thức dậy từ sớm, gõ cửa từng nhà sàn để đón trẻ đến trường; trưa, chiều lại lặn lội vượt hàng cây số về trung tâm, chở cơm, cháo lên bản cho học trò. Vượt hàng km đưa cơm cho trẻ Trước thềm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt...