Giáo viên bỏ trường công sang trường tư vì thu nhập
Thời điểm giữa năm học cũ và năm học mới cũng là lúc một số quản lý, giáo viên ở TPHCM rậm rịch chuyển từ trường công lập sang trường quốc tế, tư thục. Việc này đã diễn ra nhiều năm gần đây và cứ như “đến hẹn lại lên”…
Bắt đầu từ đầu tháng 6 vừa rồi, thầy T., một giáo viên dạy Văn giỏi có tiếng tại một Trường THCS ở quận 1, TPHCM chính thức tạm biệt mái trường thầy gắn bó, cống hiến nhiều năm nay để chuyển qua dạy học tại một trường quốc tế.
Không ít giáo viên giỏi ở TPHCM đang có xu hường “xê dịch” từ trường công sang trường tư (Ảnh minh họa)
Thầy T. thuộc thế hệ giáo viên trẻ cá tính và dám đổi mới, dám dấn thân và không ngừng sáng tạo. Thầy là người cùng với học sinh đứng ra thực hiện những dự án học Văn “bung” hẳn ra khỏi sách vở, dạy học bằng những trải nghiệm thực tế. Các dự án thầy thực hiện cũng được rất nhiều giáo viên, nhiều trường không chỉ ở TPHCM mà một số tỉnh thành lân cận đưa vào áp dụng, nhân rộng… Có thể nói, không chỉ dạy học trên lớp, thầy T. còn là người “ truyền lửa” cho rất nhiều đồng nghiệp.
Trong quá trình làm việc, lãnh đạo nhà trường đã từng nói về thầy T. là “hạt giống vàng” của trường. Việc thầy chuyển trường không chỉ thiệt thòi cho học sinh tại trường mà còn cho cả đồng nghiệp, học sinh ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, thầy T. đã cân nhắc về việc “đi và ở” hơn cả năm nay và cuối cùng thầy quyết định ra đi dù còn nhiều nuối tiếc.
Năm nay, chưa xảy ra trường hợp cả một dàn quản lý, giáo viên gần chục người cùng rời trường công sang tư như năm trước ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 nhưng ghi nhận, rải rác ở nhiều trường ở TPHCM đều có giáo viên “rời đi”.
Cô Nguyễn Thị Thanh (tên giáo viên đã được thay đổi), giáo viên dạy giỏi bậc THCS tại một trường ở trung tâm thành phố cũng đã quyết định rời trường công, sang trường quốc tế từ năm học này. Thông tin chưa chính thức nhưng cô Thanh cho biết, hai đồng nghiệp cùng trường nhiều khả năng cũng sẽ chuyển nơi công tác.
Không chỉ giáo viên mà cấp quản lý như hiệu phó, hiệu trưởng một số trường cũng đang có xu hướng chuyển sang trường quốc tế, tư thục để công tác. Mới nhất là hiệu trưởng nổi tiếng đang công tác tại một trường ở quận 1 sẽ chính thức chuyển sang làm việc tại một hệ thống quốc tế, tin này gây bất ngờ cho không ít người.
Giáo viên đi… vì tiền
Về việc giáo viên “rời công sang tư” thì có nhiều ý do và có thể không ai giống ai như môi trường, chế độ, cơ hội đào tạo…. Nhưng theo thầy T., đối với cấp quản lý thì thầy không rõ nhưng với bản thân thầy và nhiều giáo viên giỏi khác thì lý do hàng đầu và quan trọng nhất là vì thu nhập.
“Nói đến các nguyên nhân khác thì tôi chưa tin lắm. Thu nhập ở trường công rất thấp, chưa kể lương còn cào bằng, không có sự phân hóa, khích lệ đối với giáo viên giỏi, chịu khó”, thầy T. nói.
Như thầy T. mức lương nhiều năm nay là 4 triệu đồng lương chính thức và thêm 2 triệu đồng tiền chéo buổi. Như đồng nghiệp của thầy ở trường C.V.A., không có tiền dạy chéo buổi thì thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng. Với mức thu nhập đó, dù nhu cầu chi tiêu không cao cũng không thể xoay sở được với cuộc sống chứ chưa dám bàn đến việc đầu tư, cống hiến cho nghề nghiệp.
Video đang HOT
Trường học ở TPHCM rất khó giữ chân giáo viên tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
Để trang trải cuộc sống, có những giáo viên phải dạy thêm hoặc gây khó dễ với học sinh để dạy thêm. Tuy nhiên, giáo viên các môn Toán, Văn cũng chỉ dạy thêm lưa thưa, đến bậc cuối thì học sinh mới học thêm, còn giáo viên môn phụ thì không thể có thêm nguồn từ dạy thêm. Như thầy T., vào những lúc dạy thêm cao điểm, tổng thu nhập cũng không quá 15 triệu đồng.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM cho biết, thu nhập cho giáo viên là chuyện buồn lòng nhất. Nhiều giáo viên của trường bà phải bán hàng online, nhận thu xếp bàn ghế, trông học sinh ở giờ bán trú để có thêm thu nhập. Thế nên, nếu giáo viên chuyển từ công sang tư vì thu nhập, bà cũng thấy dễ hiểu. Không chỉ chuyển trường, không ít trường hợp giáo viên bỏ hẳn nghề tìm kiếm công việc khác vì thu nhập.
Ngay từ cuối năm học, cùng với quá trình tuyển sinh, nhiều trường quốc tế cũng liên tục tuyển dụng với rất nhiều chế độ đãi ngộ. Như hệ thống trường V., ngoài mức lương 20 – 40 triệu đồng/tháng đối với giáo viên, trường còn có rất nhiều chế độ như ăn trưa, đưa đón, thưởng, đào tạo, du lịch… Đây cũng chỉ mới là chế độ ở mức tà tà, nhiều trường còn có mức thu nhập, đãi ngộ hấp dẫn hơn nữa. Và đối tượng mà các trường quốc tế nhắm đến trong tuyển dụng chính là những giáo viên có năng lực ở các trường công.
Giáo viên mới ra trường, chưa khẳng định được tên tuổi, kinh nghiệm thì không dễ dàng để xin được vào hệ thống các trường quốc tế. Nhiều giáo viên ở trường công lập, sau khi khẳng định được khả năng, năng lực thì không khó được các trường quốc tế “rải thảm đỏ” hốt về.
Cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ, cô sinh ra ở vùng quê, tâm lý vẫn thích trường công lập gắn với hai chữ ” làm nhà nước” nhưng thu nhập ở trường công không đủ để cô xoay sở cuộc sống ở thành phố nếu không dạy thêm, bươn chải thêm. Cô cũng chuẩn bị tinh thần môi trường tư thục, quốc tế rất nhiều áp lực, nhiều người không trụ lại nổi. Nhưng dù sao, công việc ở đâu cũng áp lực thì giáo viên sẽ cân nhắc yếu tố thu nhập.
Một diễn biến sôi động nhất diễn ra nhiều năm gần đây trước sự bất lực của các nhà quản lý giáo dục là rất nhiều giáo viên tiếng Anh ở trường công lập nghỉ việc chuyển sang trường tư, trường quốc tế, dạy trung tâm hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Nguyên nhân hàng đầu là thu nhập ở trường công quá thấp trong khi năng lực, chuyên ngành của họ có rất nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập cao. Thế nên, hầu hết các trường ở TPHCM đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng không tuyển dụng được hoặc tuyển xong lại “rụng”.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Đề Ngữ văn THPT quốc gia 2018: Người khen hay, người thấy... 'khiếp'!
Sát với đề thi minh họa, có khả năng phân loại cao cho một kỳ thi "hai trong một", đề thi mang tính thời sự bền vững... là những yếu tố trong đề Văn của kỳ thi THPT quốc gia được các giáo viên dạy Văn đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng đề khó cho một kỳ thi THPT quốc gia.
Đề hay
Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM cho hay đây là một đề thi hay, đáp ứng được nhiều đối tượng thí sinh trong một kỳ thi. Cô Ngọc chỉ ra ba điểm mà cô đánh giá cao trong đề thi Văn năm nay.
Thứ nhất, đề thi sát với cấu trúc đề thi minh họa được công bố trước đó chứ không như mọi năm đề minh họa một kiểu, đề thi một kiểu.
Thứ hai, đề làm được nhiệm vụ phân hóa, phù hợp với một kỳ hai trong một. Ngay trong câu nghị luận văn học đã thực hiện được yêu cầu phân hóa này.
Hầu hết thí sinh sẽ làm được yêu cầu ở câu hỏi trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Riêng câu so sánh, liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ là câu hỏi mang tính nâng cao, đòi hỏi ở thí sinh khả năng khái quát, tư duy tổng hợp, liên kết tốt.
Ở vế này, có thể nói đây là một ý khó nhưng theo cô Ngọc, chưa biết được đáp án của Bộ nhưng theo cô biết thì phần so sánh chỉ chiếm tỷ lệ điểm nhỏ, mang tính phân hóa nên học sinh cũng không phải quá lo lắng.
Thứ ba, cô Nguyễn Minh Ngọc đánh giá câu đọc hiểu hay và mang tính thời sự. Vấn đề đưa ra là tiềm lực bản thân là một vấn đề quan trọng trong sự chuyển giao hiện nay.
Thí sinh năm nay là thế hệ đầu tiên của thế kỷ 21, yêu cầu các em phải suy nghĩ, quan tâm đến đánh thức tiềm lực bản thân và đánh thức tiềm lực đất nước.
Theo cô Ngọc, giáo viên có kinh nghiệm đều hiểu, nghị luận xã hội có ra gì đi nữa thì vẫn ra quanh vấn đề của giới trẻ. Và các em chắc chắn hiểu được về tiềm lực của cá nhân và đất nước.
Học sinh tại TPHCM sau giờ thi môn Văn sáng nay
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh - trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) đánh giá cao câu đọc hiểu và câu Nghị luận xã hội vì hướng học sinh suy nghĩ đến những vấn đề thực tiễn, không mang tính thời sự nhất thời mà khiến học sinh phải suy nghĩ với tư cách là một công dân trưởng thành 18 tuổi. Hai câu này học sinh trung bình sẽ làm được, ít nhất cũng qua điểm liệt.
Câu Nghị luận văn học là câu phân hóa học sinh, vì khá là khó đối với học sinh trung bình và yếu. Việc học sinh phải liên hệ hai quan niệm nghệ thuật của Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu, nối kết với hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ sẽ là thách thức đối với học sinh.
TS Hoa Tranh cũng cho rằng, đối với thí sinh khá và giỏi thì câu này sẽ là không gian cho các em xoay trở ngòi bút và các em sẽ thích thú. Nhìn chung, nhận xét của mình là đề hay, thí sinh không thể học tủ mà phải vận dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp để làm bài.
"Tôi thích cách ra đề như vậy. Câu nghị luận văn học sẽ là câu phân hóa để giám khảo chấm bài. Nhưng chắc là sẽ có ít bài văn điểm cao. Trung bình 5 - 6 điểm sẽ nhiều", cô Tranh cho hay và cho rằng, dạng đề này học sinh TPHCM chắc sẽ làm tốt vì kiểu đề này quen thuộc với các em từ kỳ thi THCS".
Đề này cần trở về thời gian làm bài 180 phút
Tuy nhiên, cô Nguyễn Minh Ngọc cũng chia sẻ, câu nghị luận xã hội đề yêu cầu trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm năng bản thân gợi ra rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề cho học sinh, từ đó các em khó xác định được yêu cầu.
Trong khi, đề đặt ra chỉ viết khoảng 200 chữ, theo cô Ngọc đề đặt ra một câu hỏi cụ thể như "Tại sao phải đánh thức tiềm lực bản thân" thì các em sẽ xác định đề dễ hơn, trọng tâm hơn.
Một hiệu trưởng tại TPHCM cũng là giáo viên dạy Văn đánh giá với đề thi này sẽ làm khó nhiều học sinh. Phần nghị luận văn học, đúng là đề minh họa có văn bản của lớp 11 và 12 và có so sánh. Nhưng đề thi lại so sánh kép, yêu cầu kép?
Đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018
Cô chia sẻ mình từng là giáo viên dạy văn, quản lý trải qua 3 giai đoạn thay đổi về đề thi nghiệp, đề thi đại học môn Văn và từng dạy luyện thi ĐH nhưng chính cô cũng khá lúng túng khi đọc đề.
Một giáo viên Văn giỏi ở TPHCM cho biết nhìn đề thi năm nay năm, cô nghĩ đến năm sau sẽ có thêm phần kiến thức lớp 10 mà thấy... khiếp. Với đề này muốn đạt được từ điểm 7 trở lên, học sinh sẽ phải "viết như điên" khi thời gian làm bài chỉ có 120 phút. Theo cô, ra đề thi như vậy cần trả lại thời gian làm bài 180 phút cho môn Văn.
Nhiều người cũng đặt ra, nếu để phân tích đề ở góc nhìn của giáo viên thì hay nhưng với một đề thi, nhất là đề của một kỳ thi THPT quốc gia thì đề không thể xét ở mặt hay hay dở mà vấn đề là phủ hợp để các em lấy điểm.
Đề có thể hay với giáo viên nhưng với học sinh, nhất là đề thi áp dụng cho học sinh trong cả nước thì việc phù hợp là điều cực kỳ quan trọng.
Thử thách không nhỏ cho cả thí sinh giỏi
Đề Văn thích hợp để tuyển sinh vì có sự phân hóa sâu sắc. Trong đó, câu 2 trong phần II là nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình người hàng chài trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. Đề vừa có tính chất giáo khoa, vừa có tác dụng phân loại thí sinh rất rõ. Thí sinh không nắm được kiến thức cơ bản sẽ không trình bày được đầy đủ đặc điểm của các hình ảnh nghệ thuật được nêu trong đề.
Nắm được, trình bày được nhưng không hiểu được dụng ý nghệ thuật của tác giả sẽ không nêu được sự đối lập giữa các hình ảnh nghệ thuật đó. So sánh điểm giống nhau và khác nhau trong cách nhìn của hai tác giả về hiện thực cũng là một cách thách thức đối với thí sinh. Nếu không phải là học sinh khá, giỏi, thí sinh sẽ khó thể hiện một cách chính xác, đầy đủ yêu cầu ở nội dung này.
Ngoài ra, câu nghị luận xã hội về nội dung, đây là một câu hỏi có ý nghĩa định hướng giáo dục quan trọng đối với thế hệ trẻ. Đồng thời cũng mang tính phân hóa thí sinh khá cao, đoạn văn được viết sẽ nói lên rất nhiều về trình độ và kĩ năng của thí sinh. Thí sinh có trình độ yếu sẽ viết rất sơ lược và mắc nhiều lỗi về hành văn. Thí sinh có trình độ trung bình và khá, nếu không biết cách vận dụng phương pháp làm bài để tìm ý thì cũng sẽ khó có được nội dung đầy đủ. Còn đối với thí sinh giỏi việc đảm bảo yêu cầu độ dài (200 chữ) hòa hợp với nội dung của vấn đề là một thử thách không nhỏ.
Thầy Hồ Kỳ Thuận, giáo viên dạy văn trường THPT Vĩnh Viễn TPHCM
Hoài Nam - Lê Phương
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Triệu hồi sinh viên về trường sau khi bị tố "bố trí thực tập như hành xác" Bị sinh viên chụp ảnh, tố học chuyên ngành Điện công nghiệp, Cơ điện tử..., nhưng nhà trường lại cử đi thực tập chuyên kéo cáp, đẩy gạch giữa nắng nóng mệt như hành xác, ban giám hiệu trường Cao đẳng Nghề Hà Tĩnh đang làm thủ tục cho các em thôi thực tập để quay lại trường. Theo nguồn tin của Dân...