Giáo viên bị buộc chấm dứt dạy thêm tại nhà
Cô giáo trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) vừa bị buộc chấm dứt dạy thêm tại nhà do vi phạm quy định theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và quy định của UBND TP.HCM.
Cụ thể, cô Ngọc tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa tại trường. Lớp học thêm do cô tổ chức vào tối thứ ba và thứ năm hàng tuần tại nhà riêng ở đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1), gồm hơn 10 học sinh lớp 3. Cô Ngọc dạy thêm 2 môn Tiếng Việt, Toán với học phí 700.000 đồng/tháng.
Theo phản ánh của phụ huynh, nữ giáo viên chủ động gợi ý phụ huynh đưa con đi học thêm với lý do không học thì không biết gì, trong khi nhiều người cho rằng chương trình lớp 3 không quá nặng để học sinh phải học thêm.
Theo lãnh đạo nhà trường, khi nhận được thông tin phản ánh, trường đã yêu cầu cô Ngọc chấm dứt ngay lớp dạy thêm, đồng thời viết tường trình. Nhà trường sẽ đưa ra hướng xử lý phù hợp sau khi họp hội đồng sư phạm.
Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm. Trong ảnh: Học sinh học thêm tại một trung tâm. Ảnh: Người Lao Động.
Quan điểm của lãnh đạo trường là thực hiện đúng văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND TP.HCM. Ngay từ đầu năm học, trường đã triển khai rất kỹ những văn bản liên quan dạy thêm, học thêm cho giáo viên toàn trường.
Về nguyên tắc, cô Ngọc sai hoàn toàn nhưng về tình, trường muốn xem xét lý do. Bởi vì nhà giáo còn có danh dự, làm sao họ không tổn thương để khi vi phạm, bị nhắc nhở, họ nhận ra sai lầm, quay lại nghề và gắn bó với nghề hơn, chứ cũng không nên làm họ chán nản và mất lòng nhiệt tình với nghề.
Tuy nhiên, hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định văn bản quy định về dạy thêm, học thêm đã triển khai kỹ cho mọi giáo viên nên cũng không thể nói không biết, sự việc này cũng không thể xử lý qua loa mà cần kiên quyết để làm gương cho các giáo viên khác.
Trước đó, ngày 21/10, Sở GD&ĐT TP.HCM có văn bản cho biết sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP về việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm.
Sở GD&ĐT cũng đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục phối hợp với sở thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
* Tên cô giáo đã thay đổi.
Theo H.Văn / Người Lao Động
Cấm dạy, học thêm ở TP.HCM: Sôi động ủng hộ, không ít tâm tư
Bắt đầu năm học 2016-2017, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM đã chỉ thị các trường trong toàn hệ thống thực hiện quy định "cấm dạy thêm, học thêm".
Video đang HOT
Tranh cãi vốn diễn ra từ cách đây gần 3 tháng, khi lãnh đạo TP.HCM bộc lộ ý kiến "cấm dạy thêm, học thêm". Nay, tranh cãi xung quanh lệnh cấm này càng "nóng" hơn bao giờ khi lệnh cấm trên đã bắt đầu phát huy hiệu lực lên giáo viên đầu tiên - bị kỷ luật vì... dạy thêm.
Thầy Nguyễn Văn Lợi - hiệu trưởng trường Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng - đã rơi nước mắt khi nói về lệnh cấm dạy thêm, học thêm.
"Đừng xem thầy cô giáo như tội phạm chỉ vì họ dạy thêm"
Ngày 24/9, ông Nguyễn Tấn Nghiệp - hiệu trưởng trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) - đã buộc phải thông tin cho báo chí biết Hội đồng sư phạm trường Bành Văn Trân vừa ra quyết định "khiển trách" và không xét thi đua năm học này đối với nữ giáo viên Đ.T.T., vì vi phạm quy định dạy thêm.
Cô giáo T. là giáo viên dạy tiếng Anh khối 1. Tuy nhiên, cô T. đã dạy thêm cho 9 học sinh lớp 4 và 5 luyện thi chứng chỉ Cambridge tại nhà một người quen. Học phí một em là 500.000 đồng mỗi tháng.
Đây là trường hợp giáo viên đầu tiên bị kỷ luật, sau lệnh cấm dạy thêm, học thêm ở TP.HCM. Nhận xét về trường hợp này, rất nhiều giáo viên đã ngậm ngùi chia sẻ cùng đồng nghiệp.
Thầy Lê Đại Nhân - giảng viên ĐH Kinh tế TP.HCM - nói: "Bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô hát để kiếm sống, nhưng thầy cô giáo lại không được phép dạy thêm để kiếm tiền mưu sinh. Thầy cô giáo không thể sống được với đồng lương chính bọt bèo nên họ mới dạy thêm.
Tôi thấy việc cấm này là quá bất bình đẳng. Càng đau xót hơn, chỉ vì dạy thêm chính đáng bằng mồ hôi, công sức của mình, có gì xấu đâu mà nay bị xăm xoi, theo dõi, bắt kiểm điểm, kỷ luật?
Hãy nhìn công việc của người giáo viên bằng cái nhìn nhân ái, đừng xem chúng tôi như tội phạm, chỉ vì chúng tôi dạy thêm, truyền thêm kiến thức cho các em học sinh".
Thầy Đỗ Đức Anh - giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) - đặt câu hỏi: "Chúng tôi - những thầy cô giáo - tại sao lại không được lao động lương thiện, kiếm đồng tiền bằng chính nghề của mình?
Công nhân sau 8 giờ có thể tăng ca. Bác sĩ sau giờ hành chính có thể làm thêm ở phòng mạch tư. Một nhân viên văn phòng có thể làm thêm sau giờ hành chính. Vậy tại sao lại cấm giáo viên tăng ca?".
Ngày 23/8 vừa qua, phát biểu trước Ban văn hóa - xã hội, thuộc HĐND TP.HCM, thầy Nguyễn Văn Lợi - hiệu trưởng trường Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng - đã bật khóc khi lên tiếng về lệnh cấm dạy thêm, học thêm: "Không có gì buồn hơn, khi người giáo viên không sống được bằng chính nghề của mình.
Dạy thêm, nó xuất phát từ thực trạng xã hội, từ nhu cầu của chính những phụ huynh. Sau tan trường, nhiều phụ huynh đi làm, không kịp về đón các em về nhà, thì họ cần dạy thêm cho một số em này.
Dạy thêm, các em tiếp thêm một số kiến thức, nhưng cũng mang ý nghĩa giữ các em để cha mẹ các em yên tâm trong khoảng thời gian họ chưa tới đưa đón; hơn là để các em vạ vật ngoài hàng rào sân trường, đầy rẫy rủi ro, nguy hiểm...".
Trước đó, ngay tại kỳ họp thứ 2 của HĐND TP.HCM khóa IX vào ngày 4/8, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy đã phát biểu: "Xuất phát nào để cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường?
Theo tôi, việc này chỉ thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về bản chất; bởi chúng ta cấm ở trường nhưng vẫn cho phép dạy thêm ở bên ngoài thì không phải là giải pháp tối ưu. Khi thực hiện, chúng ta đã tham khảo ý kiến phụ huynh hay chưa?".
Trong khi đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung - trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND TP - cho rằng: "Dạy thêm, học thêm đã có từ lâu; một phần cũng từ nhu cầu của phụ huynh, của chính các em học sinh. Ngay như các con tôi vẫn phải đi học thêm.
Song cũng phải nói là lâu nay, việc dạy thêm, học thêm biến tướng cũng gây ra không ít phiền toái...Việc Sở GD&ĐT triển khai chủ trương 'cấm dạy thêm, học thêm', tôi biết sẽ gây sốc cho nhiều thầy cô giáo.
Vấn đề đặt ra là làm sao giảm tải cho các em học sinh? Học sinh không học thêm, nhưng vẫn lĩnh hội đầy đủ kiến thức từ những giờ học chính khóa".
Bà Thi Thị Tuyết Nhung - trưởng Ban VHXH - HĐND TP.HCM.
Dạy thêm "biến tướng", cần loại bỏ!
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM, có 2 dạng dạy thêm, học thêm. Dạng thứ nhất xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh, giáo viên. Dạng thứ hai không xuất phát từ nhu cầu chính đáng, mà là hiện tượng "biến tướng".
Dạng này thực tế là có, chiếm tỷ lệ dưới 10% và trong năm học vừa qua Sở đã tổ chức kiểm tra chính thức 14 trường THPT, phát hiện chấn chỉnh các vi phạm. Cụ thể đã xử lý 3 trường hợp ở mức phê bình, kiểm điểm, không cho dạy học sinh đã dạy chính khóa, không xem xét thi đua.
Ông Lê Minh Vấn - một phụ huynh học sinh - cho rằng: "Học thêm chưa bao giờ là xấu, nhưng việc học - dạy thêm không đúng cách, hiểu sai về học thêm, một số người làm biến tướng việc học thêm, đặc biệt khi một số nhà giáo mang con chữ ra kinh doanh một cách bất chấp, để thu lại những khoản lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng giáo dục.
Và thực trạng ấy hàng ngày vẫn diễn ra trên mọi nơi. Học thêm từ mầm non cho đến cấp 3 lớp nào cũng có, ở đâu cũng có trung tâm dạy thêm, giáo viên dạy thêm ngoài giờ. Với góc độ một phụ huynh, tôi luôn lo lắng về việc học của con mình trước thực trạng này".
Ông Lê Hồng Sơn - GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM - tại kỳ họp thứ 2 của HĐND TPHCM khóa IX đã phát biểu: "Việc ngưng dạy thêm trong nhà trường, Sở GD&ĐT thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.
Với chương trình hiện nay, một tiết dạy 45 phút của giáo viên chỉ đủ truyền tải lý thuyết đến với các em thôi chứ không thể cho các em thực hành và ứng dụng làm bài, đòi hỏi phải có những tiết bổ sung.
Từ đó, buộc nhà trường phải dạy thêm, phân loại các em ra để dạy sao cho phù hợp với năng lực. Hơn nữa, thực tế nhu cầu học thêm là có vì em nào cũng muốn giỏi hơn.
Giỏi rồi thì muốn cao hơn nữa, nhất là đầu tư theo tổ hợp môn để đáp ứng việc khi đến lớp 12 còn thi tốt nghiệp và đậu đại học".
Và mới đây, tại buổi họp báo ngày 29.9 vừa qua, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP.HCM - khẳng định: "Dạy thêm, học thêm về sau này đã trở thành 'biến tướng', như một dịch vụ của nền kinh tế thị trường. Có không ít giáo viên chú trọng dạy thêm hơn dạy chính khóa.
Điều này tác động tiêu cực tới môi trường học tập, không công bằng trong học sinh. Nhiều trung tâm dạy thêm không đạt chuẩn cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, nhưng vẫn thu tiền cao... Vì vậy, chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là chủ trương đúng đắn của lãnh đạo TP.HCM.
Phải hiểu ở đây, là TP cấm dạy thêm tràn lan, theo đúng quy định của Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, do không lường trước sự bức xúc của xã hội, nên thời gian qua có ý kiến trái chiều, dù lãnh đạo TP đã chủ trương cấm dạy thêm, học thêm từ 5 tháng nay.
Vì vậy, thực hiện việc này phải có lộ trình, dựa trên thực tế của từng trường học, từng địa phương, từng cơ sở... Tránh ý kiến người đồng ý, người không đồng ý".
Ông Hoan cũng cho biết để thực hiện tốt chủ trương này, UBND TP.HCM đã đưa ra 5 giải pháp: Chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm tại từng trường học; tăng cường công tác quản lý nhà nước về dạy thêm, học thêm ngoài trường học; xây dựng chính sách chăm lo tốt hơn cho đời sống, thu nhập của đội ngũ giáo viên; tiếp tục đầu tư xây dựng thêm trường học, cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và giải pháp cuối cùng là phải đổi mới sách giáo khoa, cách thi cử.
"Thời điểm hiện nay, khó tìm được sự đồng thuận hoàn toàn giữa các phụ huynh với nhau, giữa phụ huynh với nhà trường và thầy cô giáo về vấn đề dạy thêm, học thêm. Vì lợi ích, yêu cầu cần đạt được của mỗi người, mỗi nhóm đối tượng không giống nhau.
Việc chấm dứt dạy thêm, học thêm cần được hiểu là không được dạy trước chương trình, yêu cầu giáo viên không được dạy thêm với chính học sinh mình đã dạy trong giờ chính khóa, không được bắt ép học sinh đi học thêm. Nếu không học thêm thì kiểm tra, thi cử không đạt yêu cầu và gặp khó khăn trong học tập...
Còn việc giáo viên dành thời gian phụ đạo, kèm cặp những học sinh yếu kém để giúp các em theo kịp chương trình, tăng thời lượng để học sinh có đủ thời gian thực hành, bài tập ứng dụng thì lãnh đạo TP không những không cấm mà còn hết sức hoan nghênh".
Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM
Theo Hoàng Hưng / Lao Động
Giáo viên, học sinh lúng túng khi lại được dạy, học thêm Trong khi nhiều học sinh đang học thêm bên ngoài lúng túng trong việc quay lại học tại trường, không ít giáo viên cũng bị động trong việc bồi dưỡng kiến thức cho những em cuối cấp. Văn phòng Thành ủy TP.HCM vừa ra thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học...