Giáo viên bật khóc vì trường Lý Tự Trọng đột ngột giải thể
Không giấu nổi những giọt nước mắt, các giáo viên cho biết đã gắn bó từ ngày đầu trường thành lập. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc thì cuộc sống sẽ rất khó khăn.
Ngày 9/5, hay tin Sở Giáo dục TP HCM đến trường THPT Lý Tự Trọng (quận Tân Bình) làm việc liên quan quyết định giải thể trường này, rất nhiều giáo viên đã có mặt từ sáng sớm. Gương mặt ai cũng đầy vẻ ưu tư, có người mắt đã đỏ hoe.
Cô Nguyễn Hồng Thanh cho biết, khi đọc được thông tin trường sẽ bị giải thể trên báo chí hôm 29/4, nhiều giáo viên sửng sốt bởi trước đó mọi hoạt động của trường vẫn diễn ra bình thường. “Sở đã ra quyết định mà không hề bàn bạc hay thông báo trước với giáo viên. Không hề có một lộ trình hay lời giải thích cụ thể nào. Chúng tôi chỉ biết được là trường sẽ giải thể theo hình thức cuốn chiếu, còn số phận của chúng tôi và các em học sinh thì không rõ đi về đâu”, cô Thanh nói.
Hiệu trưởng Văn Công Sang cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng bởi “ngay cả Ban giám hiệu cũng không hề biết”. Theo ông Sang, khi nhận được thông báo của Sở Giáo dục TP HCM, Ban giám hiệu đã họp thông báo chính thức và hứa sẽ sắp xếp chỗ làm cho giáo viên. Tuy nhiên, cô Thanh cho rằng đến tháng 8 này thầy hiệu trưởng đã nghỉ hưu, không có cơ sở nào đảm bảo giáo viên sẽ tìm được công việc phù hợp, ổn định.
Giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng rất bất ngờ khi nhận được thông báo giải thể trường. Ảnh: Nguyễn Loan.
Theo các giáo viên, dù có rất nhiều trường THPT nhưng quận Tân Bình chỉ mới có 4 trường THPT công lập, nhiều học sinh vẫn phải vào trường tư thục với mức học phí rất cao, trong khi đa số phụ huynh có con em ở đây đều là dân lao động nghèo. Sở lại đưa ra quyết định trong thời gian học sinh đang ôn thi cuối cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, giáo viên cũng rất hoang mang không còn tâm trạng đứng lớp.
Không giấu nổi những giọt nước mắt, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết, cả trường có 60 giáo viên, đa số đã gắn bó từ ngày đầu thành lập. Vì công việc họ đã phải chuyển gia đình về gần trường để ổn định cuộc sống. Hiện, nhiều người đã lớn tuổi, nếu phải thất nghiệp hoặc chuyển công việc lần nữa thì cuộc sống không tránh được xáo trộn.
Đang trong thời gian nghỉ sinh nhưng hay tin trường bị giải thể, cô Phạm Thị Hà, giáo viên dạy Văn lớp 10, vội gửi con cho hàng xóm để chạy lên tìm hiểu. “Theo quyết định đó, năm nay trường không tuyển lớp 10 nữa thì hết thời gian nghỉ sinh tôi sẽ được làm gì, sẽ về trường nào? Nếu bây giờ tôi mất việc thì ai lo cho đứa con nhỏ ở nhà”, cô Hà nói và cho biết chồng là bộ đội hải quân, thời gian chủ yếu dành cho biển đảo, một mình cô phải cáng đáng việc gia đình. Vì công việc đặc thù của chồng nên cô đã buộc phải chuyển trường từ tỉnh khác về đây với hy vọng ổn định cuộc sống, chăm lo gia đình để chồng an tâm công tác.
Video đang HOT
Không chỉ giáo viên, học sinh trường Lý Tự Trọng cũng không khỏi hoang mang. Theo nữ sinh Nguyễn Thị Phụng Hằng, lớp 12A3, nhiều ngày nay học sinh phải ôn thi trong tình trạng thấp thỏm, những buổi học trở thành buổi bàn tán về việc trường bị giải thể. Nhiều học sinh đã viết thư gửi lên Sở bày tỏ nguyện vọng, hy vọng “cứu” được ngôi trường này.
Cô giáo bật khóc vì không biết đi đâu về đâu. Ảnh: Nguyễn Loan.
Ghi nhận những tình cảm, bức xúc của giáo viên và học sinh trường Lý Tự Trọng, song Phó giám đốc Sở giáo dục Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc giải thể là hợp lý và có đủ cơ sở.
Theo ông Hiếu, năm 1998, quận Tân Bình thiếu trường công lập nên đã thành lập trường Lý Tự Trọng. Hiện thành phố đã xây dựng thêm một số trường công lập, tư thục khác có thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Trong khi đó, trường THPT Lý Tự Trọng nằm trong trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, không đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và quy chế hoạt động nên Sở đã trình lên UBND TP HCM xin được phép giải thể để mở rộng hoạt động cho trường CĐ.
Trước bức xúc về việc Sở ra quyết định đột ngột mà không thông báo, ông Hiếu nói “đây chỉ mới là chủ trương của Sở”. “Sở đã chỉ đạo trường CĐ Lý Tự Trọng hướng dẫn trường THPT xây dựng đề án giải thể. Sở có thể sẽ xem xét đến phương án di dời trường qua địa điểm khác và chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ giáo viên tìm chỗ làm”, ông Hiếu nói nhưng không lý giải tại “mới là chủ trương” mà đã trình lên UBND TP và ngày 29/4, Sở đã gửi tới 24 phòng giáo dục các quận huyện về việc THPT Lý Tự Trọng ngưng tuyển sinh lớp 10.
Theo Quy định về việc giải thể các cơ quan công lập, cụ thể ở đây là trường học, trước khi ra quyết định, Sở Giáo dục phải xây dựng hồ sơ, đề án gồm cả lộ trình thực hiện sao cho đảm bảo quyền lợi của giáo viên và học sinh. Sở giáo dục TP HCM bị cho là đã làm theo hướng ngược lại khi chưa xây dựng được đề án, lộ trình đã ra thông báo ngừng tuyển sinh.
Theo VNE
Xin đừng bắt chúng em học thuộc lòng
"Hãy kể cho chúng em những câu chuyện lịch sử bằng cảm xúc, cho chúng em xem phim tài liệu về những chiến công của cha ông ta và tới thăm những di tích lịch sử... thay vì bắt chúng em phải học thuộc những con số, sự kiện khô khan".
Đó là lời thỉnh cầu của một học sinh trong buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục TP HCM sáng 21/3.
Không màu mè, hình thức, buổi đối thoại diễn ra trong không khí thoải mái, thẳng thắn khi các em học sinh liên tục đặt câu hỏi. Việc học sinh quay lưng với các môn xã hội trở thành tâm điểm buổi giao lưu khi nhiều trường THPT cho biết chỉ có 2 -5% học sinh chọn môn Sử, Địa làm môn thi tốt nghiệp. Thậm chí có trường không có học sinh nào dám "đương đầu" với môn Sử.
Rất nhiều thắc mắc được các em học sinh đặt ra trong buổi đối thoại. Ảnh: Nguyễn Loan
Trao đổi về vấn đề này, học sinh, những người trong cuộc, cho rằng chính những môn học xã hội quá khô khan, lý thuyết và rập khuôn khiến người học nhàm chán. Nhất là môn Sử đã buộc các em phải nhớ quá nhiều con số, sự kiện nên vô hình chung học sinh e ngại khi đối diện với môn học này.
Để giảm bớt áp lực cho học sinh, bạn Mai Trâm trường THPT Trí Đức "hiến kế" giáo viên cần phải tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa, hay đơn giản là cho học trò mình ngồi xem các cuốn phim nói về các chiến công lẫy lừng của cha ông, hoặc giáo viên ngồi kể lại một cách có cảm xúc về các câu chuyện lịch sử sẽ khiến học sinh thích thú và dễ dàng tiếp thu hơn.
Không chỉ môn Sử, bạn Phan Tiểu My, học sinh trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ) thẳng thắn cho rằng, việc dạy học hiện nay còn mang tính hàn lâm. My cho biết rất nhiều học sinh đã chọn cách học đối phó hoặc học để lấy điểm chứ không hề hứng thú hay yêu thích. Ngoài môn Sử, My cho rằng môn Giáo dục công dân cũng được dạy một cách máy móc và rất mơ hồ, khó hiểu.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Sở giáo dục TP HCM còn tranh thủ cả giờ nghỉ giải lao để lắng nghe học sinh. Ảnh: Nguyễn Loan
"Trong khi bọn em ngồi học thuộc lòng thì có rất nhiều học sinh nữ chỉ mới lớp 10 đã phải nghỉ học giữa chừng vì mang thai; rồi học sinh đánh nhau; học sinh thóa mạ thầy cô... đều là những vấn đề đạo đức. Em nghĩ, thay vì dạy những kiến thức cao xa không phù hợp thì thầy cô nên phải trả môn Giáo dục công dân về đúng với bản chất của nó. Hãy dạy chúng em về những kỹ năng sống, cách ứng xử giữa con người với con người, cách yêu thương người khác...", My nói và cho biết áp lực về điểm số, về chỉ tiêu đang đè nặng lên cả học sinh lẫn giáo viên khiến cho nhiều môn học trở nên gượng gạo.
Một học sinh khác cũng phản ánh, dù TP HCM đang là thành phố đi đầu trong cả nước về việc dạy và học ngoại ngữ. Song, cũng như những môn khác, môn Anh văn trong trường học chủ yếu là ngữ pháp, học sinh học xong không thể sử dụng như mong muốn. Em này cho rằng những học sinh giỏi ngoại ngữ không phải do học chăm ở trong trường mà là ở các trung tâm Anh ngữ bên ngoài.
Chăm chú lắng nghe những phản ánh của học sinh, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cho biết, Sở sẽ phân tích ý kiến của học sinh để đưa ra phương pháp giáo dục, tìm xu hướng đổi mới để phù hợp hơn với thực tế. Cụ thể, Sở sẽ tăng cường các thiết bị, máy móc trong trường học để nâng cao số tiết thực hành, cho học sinh tham gia các giờ ngoại khóa nhiều hơn. Sở cũng khuyến khích tất cả giáo viên dạy theo yêu cầu của thực tế chứ không nhất thiết phải dạy hết kiến thức trong sách giáo khoa, miễn sao có hiệu quả.
Để giảm bớt căng thẳng, nhiều học sinh còn tham gia khuấy động không khí buổi giao lưu. Ảnh: Nguyễn Loan
Về vấn đề ngoại ngữ, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM được thụ hưởng rất nhiều đề án nâng cao năng lực tiếng Anh, nên so với cả nước thì đây là thành phố đứng đầu về khả năng tiếng Anh của học sinh. Tuy nhiên, ông Chương cho rằng vì thời gian học trên lớp khá hạn hẹp, để đạt hiệu quả cao hơn học sinh có thể tham gia học online hoặc học thêm ở các trung tâm Anh ngữ.
Nói về việc học sinh không hứng thú học các môn xã hội và học đối phó, ông Chương thừa nhận để xảy ra tình trạng này một phần cũng do nhiều học sinh chỉ học các môn trong khối thi mà bỏ qua những môn khác.
"Tất cả các môn học được đưa vào trường dạy không phải chỉ để cho có. Đấy chính là các môn tạo ra kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các em, nhất là kiến thức môn Sử và Địa sẽ vận dụng vào đời sống hàng ngày rất nhiều. Nếu các em chỉ chăm chăm học các môn trong khối thi sẽ bị lệch kiến thức, thậm chí là 'què qoặt' về nhận thức", ông Chương nói.
Đây là lần thứ 6 Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM tổ chức chương trình Đối thoại giữa học sinh với lãnh đạo để lắng nghe các ý kiến của học sinh nhằm có quyết sách, phương pháp giáo dục phù hợp với nguyện vọng của các em.
Theo VNE