Giáo viên bật khóc vì thương hoàn cảnh học sinh
Sau cuộc gọi với phụ huynh, cô giáo bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ.
Vì thế, dù đang ăn cơm, đang chợp mắt hay làm bất cứ việc gì, hễ có điện thoại của phụ huynh hay học sinh là giáo viên lại dừng mọi việc để hỗ trợ, trả lời thắc mắc…
Một lớp học trực tuyến – H.Y
Hỗ trợ phụ huynh, học sinh bất cứ lúc nào
Cô Phan Thị Diễm Trang, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 3/7, Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, TP.HCM, nghẹn ngào kể: “Trong lớp tôi có một học sinh phải đi cách ly với mẹ do bị dương tính với Covid-19. Sau đó, mẹ của em đã không qua khỏi. Chính mắt em chứng kiến giây phút mẹ ra đi nên khi trở về nhà, tâm lý em bị ảnh hưởng, tinh thần luôn hoảng loạn. Khi tôi gọi điện cho ba em để phổ biến chuyện học trực tuyến và tính trao đổi với anh về việc hỗ trợ bé trong giai đoạn hết sức khó khăn này, thì phụ huynh cáu gắt, bực bội nói “ học hành gì lúc này”.
Lúc đó, tôi lặng người đi, không phải vì giận ba của bé, mà vì tôi thấu hiểu phụ huynh và học sinh của mình đang phải trải qua một nỗi đau quá lớn nên mới như vậy. Tôi nói anh cố gắng bình tâm và vượt qua, tôi sẽ gọi lại sau. Kết thúc cuộc gọi, tôi bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ”.
Còn rất nhiều trường hợp khác khiến cô Diễm Trang cảm thấy nhói lòng sau khi biết được hoàn cảnh. Chẳng hạn có học sinh đang ở trong khu phong tỏa, gia đình lại khó khăn không thể đi mua thiết bị cho con học trong thời điểm này. Có học sinh ở nhà trọ, ba mẹ đi làm, chỉ có duy nhất chiếc điện thoại thông minh nhưng nhà lại có đến 3 chị em. Có học sinh ba mẹ đi vắng, một mình ở phòng trọ, tự học. Có em xuất hiện trên camera trong một chiếc chòi che tấm bạt…
Video đang HOT
“Thương lắm! Cho nên dù ban đầu phụ huynh tỏ thái độ khó chịu khi nói về việc học trực tuyến, tôi vẫn thấy thương. Rất may sau khi trao đổi, phụ huynh cuối cùng cũng hợp tác. Những em hoàn cảnh khó khăn như vậy, nếu không thể tham gia lớp học, tôi vẫn hằng ngày gửi các clip quay lại bài giảng để các em xem. Bất cứ lúc nào phụ huynh hay học sinh cần hỗ trợ, tôi đều luôn sẵn sàng. Cho dù lúc đó đang ăn hay đang ngủ, tôi cũng lập tức giải đáp, hướng dẫn”, cô Diễm Trang chia sẻ.
Vừa ăn cơm vừa trả lời tin nhắn
Cô Nguyễn Mai Hân, GV một trường THCS ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng cho rằng những áp lực mà GV gánh trên vai khi dạy trực tuyến không hề nhỏ. Không chỉ vấn đề thời gian, công sức mà còn về tâm lý. “Thực sự GV phải có tinh thần thép mới có thể không bị… tẩu hỏa nhập ma, khi mà mỗi lần sắp đến giờ học hay đang trong tiết học, học sinh lẫn phụ huynh vừa nhắn tin, vừa gọi điện thắc mắc liên tục: “Cô ơi, sao em bật camera không được?”, “Cô ơi, sao màn hình của em tối thui”… Rồi đang học thì có học sinh máy hết pin nên rời lớp, đường truyền yếu nên cả lớp nghe giọng cô như bị cà lăm. Khi giải quyết xong cho em này thì em khác lại trục trặc, loay hoay một hồi là hết tiết”, cô Mai Hân chia sẻ.
Sau giờ học, cô Mai Hân phải tiếp tục trả lời học sinh, phụ huynh về bài giảng, về các trục trặc của phần mềm học trực tuyến, về thiết bị, đường truyền. Vừa ăn cơm vừa trả lời tin nhắn, vừa lau nhà vừa nghe điện thoại… là chuyện thường ngày của cô.
Ngoài ra, việc chuẩn bị bài giảng trên phần mềm Power Point cũng tốn rất nhiều thời gian so với việc dạy trực tiếp trên lớp, nhất là với GV lớn tuổi, ít tiếp cận với công nghệ.
Cô H.T.T, GV Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho hay: “Soạn Power Point xong còn phải chuyển sang dạng video để cho những học sinh không có điều kiện học trực tuyến xem lại. Bên cạnh đó, GV cũng phải soạn phiếu bài tập, các bài trắc nghiệm kiểm tra kiến thức… sao cho HS dễ dàng thực hiện trong giờ học. Thời gian qua, tôi phải lọ mọ tìm hiểu các phần mềm Zoom, Google Meet… để xem cái nào dễ sử dụng nhất đối với học sinh, mà mỗi app lại có một ưu nhược điểm khác nhau. Để quyết định chọn ra được một cái cũng khiến GV nhức đầu, chóng mặt”.
Cô Nguyễn Hà Phương Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7, cho biết GV còn có một áp lực khác nữa khi dạy trực tuyến, đó là tham gia lớp học không chỉ có học sinh mà còn có cả phụ huynh. “Có khi cả ba, mẹ, ông, bà học sinh ngồi bên cạnh nên GV sẽ căng thẳng hơn rất nhiều. Thời gian và công sức GV dành cho việc dạy trực tuyến là gấp đôi, gấp ba bình thường. Chúng tôi cũng mong phụ huynh thấu hiểu những khó khăn và vất vả của GV, giúp GV và nhà trường hỗ trợ con mình học trực tuyến hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn này, giúp các con không bị gián đoạn việc học và rèn luyện được kỹ năng thích nghi với hoàn cảnh”, cô Phương Thanh chia sẻ.
Trường đại học xin lỗi vụ giảng viên đuổi sinh viên khỏi lớp online
Ngày 20/9, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xin lỗi vì sự việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online đã gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh và sinh viên.
Hôm nay (20/9), lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đã họp với các bộ phận về sự việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp học online.
Lãnh đạo nhà trường khẳng định sẽ tổ chức rà soát quy chế tổ chức giảng dạy trực tuyến, tổ chức bồi dưỡng giảng viên về nâng cao hiệu quả và kiểm soát tình huống dạy học trong dạy học trực tuyến để khắc phục những hạn chế và nâng cao tính tương tác, tạo môi trường giao tiếp hiệu quả trong giảng dạy trực tuyến cho giảng viên toàn trường.
Nhà trường tiếp tục ghi nhận kịp thời những ý kiến phản hồi của sinh viên nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Đồng thời sẽ tổ chức xem xét mức độ và xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Nhà trường cũng xin lỗi vì sự việc đáng tiếc xảy ra gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, sinh viên.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng thông tin đầy đủ sự việc này. Theo đó, phía nhà trường cho hay sáng ngày 17/9, có nhận được thông tin một video dài 4 phút 41 giây về việc có một giảng viên trường khi dạy online có phát ngôn khiến sinh viên bức xúc đang lan truyền trên mạng xã hội.
Sau khi liên hệ xác minh, Phòng Thanh tra Giáo dục xác nhận thông tin giảng viên trong video là thầy Lê Minh Thành thuộc Khoa Điện - Điện tử của trường, lớp học môn Tín hiệu và Hệ thống diễn ra ngày 16/9/2021.
Theo đoạn video lan truyền trên mạng, khi giảng viên đặt câu hỏi cho cả lớp thì có sinh viên trình bày vì trời mưa to nên không nghe rõ, nhờ thầy giảng lại. Thầy không đồng ý và yêu cầu sinh viên đeo tai nghe (headphone) để nghe, sinh viên trả lời đeo tai nghe cũng không rõ. Thầy mời sinh viên ra khỏi phòng học trực tuyến vì cho rằng sinh viên này không chuẩn bị chu đáo cho việc nghe giảng.
Ở phút 2:21 của video này, thầy yêu cầu cả lớp mở webcam lên để thầy nhìn rõ mặt yêu cầu sinh viên mở mic nói "Tôi tên...., có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường" khi gọi tên từng sinh viên.
Nhà trường đã nhanh chóng yêu cầu Phòng Thanh tra Giáo dục phối hợp Khoa Điện - Điện tử làm việc với giảng viên để xác minh sự việc.
Theo nội dung bản tường trình của giảng viên Lê Minh Thành, do đặc thù môn học khó, nên giảng viên thống nhất từ đầu yêu cầu sinh viên tập trung nghe giảng, không hiểu phải hỏi ngay, và giảng viên sẽ đặt nhiều câu hỏi để nắm tình trạng tiếp thu của sinh viên.
Phía thầy Lê Minh Thành giải trình về việc cho sinh viên ra khỏi lớp là vì theo ý kiến chủ quan của giảng viên này, sinh viên không tập trung nghe giảng và chưa thực hiện đúng các thống nhất ban đầu của lớp học. Việc làm này chỉ để gây sự chú ý và để định hướng các sinh viên tập trung vào bài học, sau đó giảng viên đã để sinh viên quay lại lớp học để không mất bài.
Giảng viên đã cung cấp cho Phòng Thanh tra Giáo dục 2 video quay bài giảng ngày hôm đó với độ dài lần lượt là 40 phút 1 giây và 1 tiếng 13 phút 35 giây. Phòng Thanh tra Giáo dục đã xác minh tại thời điểm phút thứ 35:21 của đoạn video thứ 2, giảng viên Lê Minh Thành đã cho phép sinh viên trở lại lớp học.
Ở phút 35:21 của video bài giảng thứ 2 mà giảng viên cung cấp cho Phòng Thanh tra Giáo dục, giảng viên có nhắc lại về việc chú ý nghe giảng khi học trực tuyến, sau đó giảng viên cho phép sinh viên vào lại lớp học để không mất bài giảng. Cuối buổi, giảng viên có giải thích về việc vì sao mời sinh viên ra khỏi lớp và đề nghị sinh viên trong buổi học sau cố gắng nếu biết hay không biết cũng lên tiếng để giảng viên nắm tình hình hiểu bài giảng của sinh viên (ở phút 1:12:40 trong video số 2).
Thầy Thành nhận lỗi vì đã nóng tính và thiếu cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ cũng như xử lý tình huống sư phạm. Ông xin lỗi về các câu hỏi kích thích người học của mình đã vô tình gây xúc phạm đến sinh viên và người xem đồng thời cam kết sẽ khắc phục.
Sáng ngày 19/9, Phòng Thanh tra Giáo dục đã tổ chức gặp gỡ trực tuyến giữa Khoa Điện - Điện tử với sinh viên lớp và ghi nhận thông tin, lắng nghe ý kiến, tâm tư của các em để chuyển đến nhà trường.
Sau đó, trong buổi trưa ngày 19/9, giảng viên Lê Minh Thành đã có buổi gặp gỡ trực tuyến với lớp, lắng nghe những đóng góp, chia sẻ của sinh viên. Giảng viên nhận lỗi về việc sử dụng ngôn từ và phương pháp chưa phù hợp trong lớp học và xin lỗi sinh viên và những người xem video trên, hứa sử dụng phương pháp mềm dẻo hơn trong việc giảng dạy. Ông Thành cũng bày tỏ sự đáng tiếc vì việc này đã gây ảnh hưởng đến mọi người.
Chuyển đổi số trong giáo dục đại học Dạy trực tuyến, thi trực tuyến, tuyển sinh trực tuyến, bảo vệ khóa luận trực tuyến, khai thác học liệu số và quản lý cũng chuyển một phần sang trạng thái trực tuyến. Dịch Covid-19 đã tác động chưa từng có, đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để giáo dục đại học chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện....